Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Về thuật ngữ “Bổ trợ tư pháp”


Giám định tư pháp là nội dung lớn của công tác kỹ thuật hình sự, nó thuộc nhóm công việc bổ trợ tư pháp.

1. Một số thuật ngữ:
- “Tư pháp” mà tiếng Hán viết là 司法 đ­ược hiểu là: “Bo vệ pháp luật”, “Điều chỉnh quan hệ pháp lý”, “Hoạt động xét xử các vụ án” tùy theo phạm vi nghiên cứu và thời điểm.
- “Bổ trợ tư pháp” 补助  chỉ các hoạt động bù thêm, bổ khuyết, bù đắp trong công tác tư pháp.
- “Hỗ trợ tư pháp” 互助 chỉ các hoạt động đắp đổi, giúp lẫn nhau trong công tác tư pháp.
2. Các tổ chức, cơ quan và loại hình bổ trợ tư pháp:
Là các tổ chức, cơ quan và loại hình hoạt động nhằm bổ trợ, bù thêm vào cho hoạt động bảo vệ pháp luật của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.
Nó gồm: Tổ chức và hoạt động hành nghề Luật sư; Tổ chức và hoạt động giám định tư pháp; Tổ chức và hoạt động công chứng. Do đó các chức danh Luật sư, Giám định viên, công chứng viên là chức danh tư pháp nhưng không phải là viên chức tư pháp.
Ngược lại, các Tổ chức và hoạt động Trọng tài, Tư vấn pháp lý không thuộc phạm vi bổ trợ tư pháp.
3. Trong đời sống pháp lý Việt Nam:
Cụm từ “Bổ trợ tư pháp” có một đời sống riêng và có quá trình phát triển cùng với sự phát triển của nhận thức và thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử từng giai đoạn.
Trong những năm phải dốc lực cho 2 cuộc kháng chiến cứu nước, phải lo cái ăn, cái mặc nên chúng ta chưa chú ý đúng mức đến phạm trù này.
Đến năm 1995, vấn đề bổ trợ tư pháp lần đầu được đề cập trong văn kiện Hội nghị TW VII: “Quy định rõ nguyên tắc nội dung hoạt động của các tổ chức hỗ trợ tư pháp để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử của Tòa án một cách khách quan, chính xác và đúng luật”.
Đến năm 1997, trong Nghị quyết TW 3 Khóa VIII thì nội hàm này được dùng dưới thuật ngữ “bổ trợ tư pháp”: “…7. Củng cố và tăng cường các tổ chức bổ trợ tư pháp: Đổi mới quản lý nhà nước đối với các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp…phù hợp với chủ trương xã hội hóa; kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp…Củng cố các cơ quan giám định tư pháp để hỗ trợ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, sớm thành lập Viện giám định pháp y quốc gia”.
Tại Đại hội IX (2001) văn kiện chính thức có nói đến vấn đề tư pháp nhưng không đề cập tới bổ trợ tư pháp. Trong “Tài liệu nghiên cứu văn kiện” do Ban TTVH TW biên soạn, tại điểm 3 có đề cập vấn đề cải cách và kiện toàn cơ quan tư pháp: “…Cơ quan tư pháp bao gồm Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan điều tra, tổ chức bổ trợ tư pháp như: tổ chức luật sư, cơ quan công chứng, giám định tư pháp, tư vấn pháp luật”.
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị thì cần "Từng bước hoàn thiện các tổ chức giám định tư pháp... Sớm hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp" , "Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tư pháp.Khẩn trương ban hành Bộ luật TTDS...Pháp lệnh giám định tư pháp..."
Đại hội đại biểu Đảng X (18/4 - 25/4/2006) đã nhận định : “Trong 20 năm đổi mới, các hoạt động tư pháp và công tác cải cách tư pháp có những chuyển biến tích cực”. Đồng thời Đại hội khẳng định quyết tâm : “Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người. Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cải cách tư pháp khẩn trương, đồng bộ; lấy cải cách hoạt động xét xử làm trọng tâm; thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra. Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
4.Tóm lại:
Cùng với tiến trình phát triển của đất nước quan niệm về tư pháp, bổ trợ tư pháp của Đảng ta có những bước phát triển quan trọng. Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được khẳng định và ngày càng rõ nét: trong đó tư pháp là bảo vệ pháp luật; bổ trợ tư pháp là bổ trợ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trên tinh thần đó các văn bản pháp quy liên quan hay trực tiếp đề cập đến công tác KTHS, giám định tư pháp cũng được hình thành và ngày càng hoàn thiện và công tác này được quan tâm hơn.
Như vậy, hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp là cặp bài trùng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện nền tư pháp dân chủ. Đáng tiếc, nhiều lúc, bổ trợ tư pháp bị sao nhãng và tiếc hơn một số cơ quan, cán bộ liên quan chưa hiểu đúng về nội hàm khái niệm cũng như công việc của cơ quan này. Do vậy việc phối hợp nhiều lúc chẳng đâu vào đâu gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Mong rằng điều đó sớm được san lấp.
-Những ngày triển khai đề án 258-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân