Có những vụ án, giai đoạn điều tra ban đầu gần như bế tắc
và sau khi tìm và gỡ được nút thắt thì việc điều tra hé mở, chuyển sang hướng mới
đầy hứa hẹn. Nhưng rồi thời gian sau ánh sáng le lói cuối đường hầm lại vụt tắt
!. Hàng loạt nghi can được trả tự do để lại bao nỗi niềm khó tả của người trong
cuộc và dư luận.
882S là một chuyên án kéo dài 6 năm và có diễn biến, kết cục
như vậy.
Thứ 7, ngày 14/8/1982 trong khi cả Phòng PC16+21 (ngày ấy CSĐTXH và KTHS chưa chia tách) đang
họp thì nhận được lệnh của Giám đốc: “Đêm 13/8/1982 tại Thôn 5, Bản Sen, MK.
xẩy ra vụ giết cả nhà 8 người thuộc gia đình anh ĐQH. Yêu cầu đơn vị lập
đoàn lên khám nghiệm”.
1. Đường đến Hiện trường:
Đoàn công tác của CA tỉnh gồm: anh Bùi Khuể (Phó trưởng phòng
PC16),
Chu Xuân Lượng (cán bộ KTHS, đã ra
khỏi ngành năm 1986), Lương Đức Mến và 2 ĐTV của PC16, 2 TS của PC14. Mỗi
người ngoài phương tiện nghiệp vụ ai cũng phải mang theo súng ngắn, đèn pin, cá
mắm, lương khô nên khá lỉnh kỉnh, nhất là với lính KTHS lại còn máy chụp ảnh,
va li KN.
Vì hết xe nên Giám đốc điều chiếc xe tải Zin 57 và cử 2 lái xe
là Loan, Kiểm. Chiếc xe này chiều vừa chở than chưa kịp rửa nên rất bẩn, xe lại
cũ thường phải dừng lại sửa giữa trời mưa.
8 giờ tối 14/8 xuất phát
tới 3 giờ sáng mới đến Phố Ràng (huyện lị
huyện Bảo Yên, nằm sát đường 7). Mệt quá, ghé vào Hội trường CA huyện Bảo
Yên ngả lưng. Trưa 15 ra đến Phố Lu (huyện
lỵ Bảo Thắng) đón Bác sĩ Hà Kiều Lịch, Nguyễn Thị Minh Nguyệt ở BV rồi lại
vòng trở về ngã ba Bắc Ngầm để theo đường 7 lên Bản Sen bởi chưa có cầu Phố Lu,
cầu Cốc Lếu, cầu Bản Phiệt và đoạn tx Lào Cai đi Bản Phiệt cỏ, lau mọc um tùm,
không thể đi được (khi đó tx Lào Cai cũ bỏ
hoang).
Khó nhất là từ Phong Hải vào Bản Lầu, lên Bản Sen. Ngày đó, sau
chiến sự, dân chưa hồi cư hết, cây cối 2 bên đường mọc um tùm, đường quốc lộ chỉ
vừa 2 bánh xe. Xóc kinh khủng trời lại mưa và còn nỗi lo mìn, thám báo phục
kích nên xe cứ ì ạch mà bò.
Gần 20 giờ ngày 15/8 mới
đến được khu vực có lối rẽ vào Đội 5. Hết đường, xe đỗ lại gửi nhờ lái xe vào
khu tập thể mấy cô giáo Trường Cấp 1 xã Bản Sen, cả đoàn hành quân bộ vào bản.
Đêm cuối tháng (26/6 Nhâm Tuất) trời rất tối, mò mẫm
mãi, đ/c Công an phụ trách xã
mới đưa đoàn đến nhà Chủ nhiệm là người Đội 5 (ông Ngô, người Thái Bình, nay đã chuyển ra tf Lào Cai ở).
Đến nơi thấy đoàn cán bộ của huyện gồm Trưởng Công an huyện
Hoàng Ún (người Tầy Nghĩa Lộ, sau là Trưởng phòng PC13 Hoàng Liên Sơn, đã
nghỉ hưu từ 1986), cán bộ KTHS Lù Văn, Bác sĩ Pháp y Vàng A Phủ
cũng vừa từ Lùng Khấu Nhin vượt La Pan Tẩn xuống chờ ở đó.
Nắm tình hình xong như do trời tối, không đủ ánh sáng nên 2 đoàn
thống nhất: nghỉ lại mai mới khám nghiệm được. Như vậy từ khi nhận tin tới lúc
đoàn đến khu vực Hiện trường tính ra 30 giờ đồng hồ cho một chặng đường hơn 200
km !
2. Hiện trường của vụ án kinh hoàng:
Đội 5 (Na Phả) nằm
trong thung lũng, có kinh tế khá và là thôn duy nhất toàn người Kinh từ Thái
Bình lên khai hoang từ những năm 1960.
Trong chiến sự 2/79 các gia đình về quê, khi yên ắng mới quay lại.
Nhiều mâu thuẫn về ruộng nương, trâu bò của người khai hoang sơ tán về quê với
người địa phuơng sơ tán lên rừng trở về sớm. Tỉnh, huyện tăng cường nhiều đợt cán
bộ về nên tình hình cũng đã yên ắng phần nào. Đây cũng là tuyến đường vận chuyển
hàng lậu của các nhóm “chân đất” từ Phố Lu vào Bản Lầu, vượt núi La Pan Tẩn để
lên Cao Sơn, đến Pha Long rồi sang Trung Quốc và ngược lại. Do vậy cứ đêm khuya
có khá nhiều người qua lại.
Sáng 16/8/1982 cuộc KNHT, KNTT được tiến hành. Nhà anh ĐQH ở
ngay trung tâm, cạnh đường lớn đi dọc thôn qua con suối nhỏ, cách đó 50-100 m
là các hộ cùng thôn, nhiều người có quan hệ họ hàng. Nhà thấp, tối, đồ đạc sơ
sài. Xác em gái (16 tuổi) và 4 con chủ
nhà (lớn 12 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi) nằm
la liệt trên 2 giường, dưới đất, thi thể đẫm máu, duy nhất có bé nhỏ 3 tuổi là
lành lặn. Các vết thương để lại chứng tỏ do một hung khí sắc, lực chém mạnh, và
quyết giết đến chết. Con dao phát đẫm máu dựng ngay chân cột, cạnh xác cháu lớn.
Còn vợ chồng anh và cô con gái lớn không thấy. Tài sản bị mất, theo
người nhà xác định: một đài Nationa 2 cửa băng, 1 bộ quần áo đại cán.
Khoảng 2 giờ sau cuộc khám nghiệm kết thúc, mọi người ra trung
tâm xã để lên xe về luôn Yên Bái.
Chiều 17/8 Giám đốc triệu tập cuộc họp đủ các lãnh đạo các đơn vị
nghe trinh sát và KTHS báo cáo. Hội nghị thảo luận rất sôi nổi, ai cũng có lý lẽ
riêng và thông tin báo cáo ra còn khá mung lung nên xem ra khó thống nhất, đặc
biệt là tính chất vụ án “Hình sự” hay “Chính trị”? Nếu là hình sự thì là “Giết
người cướp của” hay do “thù tức”, do “mê tín” hoặc để “bịt đầu mối một vụ án
khác”?...Giám đốc quyết định thành lập Ban Chuyên án (BCA) lấy bí số 882S do đ/c Phó Giám đốc GSD làm Trưởng ban và 2 đ/c
Phó Ban Chỉ huy (CSND và ANND) làm
Phó trưởng ban; thành viên là các đ/c lãnh đạo và cán bộ có kinh nghiệm của một
số đơn vị AN, CS, Phong trào và Công an huyện.
Sau 2 ngày chuẩn bị, Ban Chuyên án lại vào Bản Sen. Nhưng một
“điềm” không hay là đ/c Phó Giám đốc kiêm Trưởng BCA chỉ dự họp với các thành
viên đúng hôm đầu, sau đó đi điều trị tại BV 198 bởi một căn bệnh cũ bùng phát!
3. Giai đoạn điều
tra ban đầu:
Vụ án xẩy ra gần biên giới
trong tình hình phức tạp: thám báo, biệt kích, bọn phản động hoạt động
mạnh; bọn buôn lậu...nổi lên rất nhiều, gây hoang mang cho quần chúng. Dư
luận loang xa, một số người dân đã lục tục kéo nhau về quê. Lúc đầu có ý
kiến cho là “ma chài” rồi lại “chính trị” sau nghiêng sang “hình sự” nên
số chưa từng có kinh nghiệm như bọn tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Được giao nhiệm vụ về Viện KHHS báo
cáo, sau khi nghe Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (thầy
dạy PY của tôi) và lãnh đạo các Phòng của Viện hỏi càng thấy rõ việc khám
nghiệm sơ sài, mắc nhiều lỗi. Đặc biệt con dao thu ở HT có dính máu, tóc nhưng
không bảo quản tốt nên không lấy được dấu tay... mẫu máu của các nạn nhân cũng
chẳng thu nên không biết đây có phải con dao gây án không và có là duy nhất
không? Lỗi tại tuổi trẻ, tại đường xa, tại tâm lý hoang mang sợ bị...tập kích
và tại nhiều mây mây khác nữa!
Đến tháng 9/1982 tiến trình điều tra
vụ án vẫn gần như bế tắc. Để lấy mẫu máu, BCA đã khai quật 5 ngôi mộ vừa
chôn. Kết quả giám định đúng là con dao đó dính máu trùng với nhóm máu của 3 nạn
nhân nhưng còn dấu vân tay trên cán dao thì chồng lấp quá nhiều nên đành chịu.
Đây là kỷ niệm buồn bởi sai sót nghề nghiệp không của riêng KTHS, PY mà của cả
người chỉ đạo KN.
BCA được tăng cường thêm cán bộ Điều
tra hình sự quân đội phối hợp, lại có một Tiểu đội vũ trang C13 (của Công an tỉnh) bảo vệ. Lúc này nhu cầu
xác định số phận 2 vợ chồng và con gái lớn chủ nhà được đặt lên hàng đầu.
4. Mở hướng điều
tra sát hợp:
Bộ phận chủ yếu của BCA nằm tại Đội
5 do đ/c Dương Châu Sa (Phó BCHCS)
phụ trách, cán bộ CAH phụ trách địa bàn là Nguyễn Xuân Kiên, lái xe phục vụ
đoàn là Nguyễn Hoà. Cán bộ KTHS có Lương Đức Mến, Chu Xuân Lượng. Các trinh sát
viên lo nắm tình hình từ nhân dân, từ những nhóm buôn lậu, từ các đơn vị bộ đội,
tổ C13 lo bảo vệ cho BCA và phối hợp với dân quân tuần tra quanh khu vực. Riêng
KTHS “nhàn nhã” hơn, với chiếc máy ảnh (của
xa xỉ thời đó) đã “dân vận” được khối thực phẩm trong hoàn cảnh khan hiếm
thời đó. Nhưng để “tăng gia” thêm, có lần chúng tôi phải về nhà tôi ở Phong
Niên hay ra Phố Lu (Bảo Thắng) mới kiếm
được chút thực phẩm tươi mang vào.
Thời gian qua đi, 2 tháng vẫn chưa
tìm thấy thông tin về số phận vợ chồng và con gái lớn của anh H giữa một rừng
dư luận và bạt ngàn cỏ cây hoang dại. Đ/c Phó Giám đốc Đặng Khuynh lên, Ban
Chuyên án họp và quyết định dựng lại HT vào ngày 05/10. Hôm đó BCA cùng
chính quyền xã, chỉ huy các đơn vị bộ đội đóng quanh vùng huy động tổng lực
CA, BĐ, DQ, HS... chia ô truy tìm. Các cánh đồng Đội 5, các khe suối, lối lên
nương, lối mòn lên rừng lấy lâm sản, lối đi của dân “chân đất” đều được sục
tìm. Đến chiều 07/10 tìm thấy 3 đống xương nằm dọc khe Lũng Tây cạnh bìa rừng
già trên dẫy La Pan Tẩn, cách nhà anh H hơn 1,5 km. Thông tin được tổ Cơ yếu đi
theo gửi báo cáo về CA tỉnh khi đó ở thị xã Yên Bái.
Sáng 09/10 Hội đồng khám nghiệm (có bổ sung một số thành viên vừa từ CA và
VKS tỉnh lên) tiến hành các thao tác theo quy định. Bước đầu đã xác định đó
là những bộ phận còn lại của thi thể vợ chồng và con lớn anh H. Tôi và Hội
đồng khám nghiệm đã tìm thấy dấu vết do bị đạn bắn tầm gần trên 2
đống xương cùng 3 vỏ đạn cỡ 7 ly 62 có số 539-75 cạnh xác vợ chồng chủ
nhà một số xương bị mất được cho là do muông thú tha đi.
Cuộc họp của Ban Chuyên án ngày hôm
sau với đ/c Phó Giám đốc thống nhất nhận định: đây là vụ giết người, cướp của
có sử dụng súng quân dụng và hướng điều tra tập trung vào số dân quân, bộ
đội từng tham gia buôn bán, áp tải hàng lậu ở khu vực. Đề xuất bắn thực nghiệm
lấy vỏ đạn của KTHS được BCA chấp thuận, báo cáo về Giám đốc CA tỉnh và Viện
KHHS cho triển khai ngay.
5. Bắt nghi can từ
Kết luận giám định và chứng cứ khác:
Theo yêu cầu của Công an Hoàng Liên
Sơn, ngày 25/10 Đoàn cán bộ Viện Khoa học hình sự (gồm các đ/c Hò,
Trường, Cường) lên tận HT cùng cán bộ KTHS, TS của Ban Chuyên án,
cán bộ điều tra hình sự F, trợ lý bảo vệ E khảo sát thực tế và lập kế
hoạch chi tiết.
Nhờ những nỗ lực chung, 144 khẩu
súng do các đối tượng nằm trong tầm ngắm của BCA được thu về nơi đóng quân của
Tổ công tác thuộc Quân đoàn 2z (gồm 57
súng AK của C và đơn vị thông tin của F) và của xã đội Bản Sen (là 87 súng AK, CKC, K63 của dân quân quanh
khu vực).
Ngày 29 và 30/10, cán bộ ĐTHS, một số
dân quân và TS của BCA tập trung trong bãi phẳng gần khe Lũng Tây bắn mỗi súng
lấy 3 vỏ đạn. Các vỏ đạn thu được chuyển cho KTHS cùng đoàn cán bộ Viện KHHS
đóng quân tại trụ sở Đội 5 thực hiện giám định ngay tại chỗ.
Đoàn mang lên 1 Kính hiển vi loại nhỏ,
không có máy nổ, ác quy hết điện phải đấu pin để có ánh sáng. Kết quả ban đầu
đã loé lên tia hi vọng mới: trong số 144 khẩu súng thu giữ đã có 8 súng có những
đặc điểm chung và một vài đặc điểm riêng để lại trên vỏ đạn bắn thực nghiệm
tương tự dấu vết súng để lại trên các vỏ đạn thu được cạnh 2 đống xương ở khe
Lũng Tây ngày 09/10.
Đoàn cán bộ KTHS quay về Công an tỉnh
báo cáo. Yêu cầu giám định số 43 kí ngày 04/11/1982 được đoàn cán bộ
C21 đem về Viện KHHS cùng 3 vỏ đạn thu tại HT và các vỏ đạn thu do
bắn thực nghiệm tại chỗ.
Hai tuần sau, tin điện từ Hà Nội lên
thông báo rõ: “khẩu súng AK số: MA4346
do Nguyễn Th., đơn vị thông tin B15W quản lý và khẩu AK số 19065796 do
Phạm Văn V., đơn vị C1 giữ đã bắn ra 3 vỏ đạn để lại ở HT khe Lũng
Tây”. Hướng điều tra tập trung rõ hơn vào 2 quân nhân này và những người
liên quan.
Lúc này ở địa phương rộ lên tin đồn
là khoảng tháng 7/1982 gia đình nạn nhân đào ao đã tìm được chiếc bình cổ rất
có giá trị và gia đình đang chuẩn bị chuyển về quê nên bị kẻ xấu sát hại để cướp
đi. Dân càng hoang mang, áp lực đẩy nhanh quá trình điều tra lại càng đè lên
vai BCA.
BCA đã phối hợp với ĐTHS bên Quân đội
thống nhất các kế hoạch tiếp theo. Sau đó 2 khẩu súng nghi vấn được đ/c Đỗ
Quang Vinh (Ban ĐTHS Quân đoàn 2z)
thu giữ và giao cho BCA chuyển về Viện KHHS. Khi nhận 2 khẩu súng này C21
đã giám định chính thức và trả lời bằng Bản giám định số 917/P6-GĐ
ký ngày 10/6/1983 với kết quả như nội dung đã thông báo qua điện mật. Lúc này
qua sàng lọc tin tức, một vài đối tượng không phải là quân nhân ở gần nhà anh H
cũng được BCA đưa vào vòng ngắm và có nhiều thông tin mới. Bộ quần áo của họ mặc
đã được thu bí mật và xác định có dính máu người.
Vì chưa rõ súng nào đã bắn
cháu C. (con gai lớn anh H.), nên
ngày 12/7/1983 tiến hành KN bổ sung khe Lùng Tây và đã tìm được thêm 2
vỏ đạn, 1 đầu đạn cạnh xác chủ nhà, 1 đầu đạn cạnh xác cháu gái.
Kết quả giám định số 538 ngày 11/11/1983 của P6 C21: “vỏ và đầu đạn thu cạnh xác anh H do
súng AK 19065796 bắn ra, còn đầu đạn thu cạnh xác cháu Đ T C không đủ
yếu tố giám định”.
Tổng hợp các nguồn tin và kết quả
giám định, trong tháng 11/1983 BCA bắt 5 người, là
Tr M H. (ngày 13/11), Tr V P. (ngày 25/12) là người dân Đội 5 và P V
V. (ngày 17/11), B Q B. (ngày 17/11), N X K (ngày 11/11) là quân nhân thuộc đơn vị D1x F3xy, QĐ 2z đóng quân cạnh
đó. Đây là các đối tượng có bất minh về thời gian, về kinh tế, có
biểu hiện lo âu và liên quan đến 2 khẩu súng AK MA4346 và 19065796.
Đ/c Giám đốc Phạm Kham đến tận Bản
Sen động viên BCA và CBND địa phương. Sau đó BCA rút, để lại một số đ/c cùng địa
phương nắm, ổn định tình hình. Các TS, ĐTV về khu sản xuất Phong Quang do BNV
quản lý (thuộc đất Bảo Thắng) để lấy
lời khai các đối tượng vừa bắt giữ. Riêng cán bộ KTHS về Công an tỉnh tiếp tục
công việc.
Với người đang thuật việc thì đây là
một vụ án tham gia BCA lần đầu, khi chưa có chức danh gì và ở lại HT lâu nhất.
Thời gian lưu lại HT còn thực hiện 1 vụ KNTT khác do đơn vị không điều quân lên
được. Đó là vụ: “Lý Thị Hoa hi sinh vì thóc gạo” xẩy ra ở Na Lốc, Bản Lầu với một
tay cầm máy ảnh, 1 tay đi găng thăm khám thương !.
6. Thu được đồ vật
được coi là bị mất từ lời khai nghi can:
Khi đi cung, các đối tượng đều thừa
nhận là được giao quản lý khẩu súng mà BCA đã thu; có quen biết, mối quan hệ
làm ăn với gia đình anh H. Nhưng không khai là đã tổ chức giết gia đình anh ấy.
Chiếc đài Nationnal, bộ quần áo của anh H bị mất cũng chưa tìm thấy nên công
tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Bằng những biện pháp nghiệp vụ, TS
đã buộc T V P, tháng 4/1984 khai ra nơi giấu chiếc đài, tháng 7/1984 khai ra
nơi giấu bộ quần áo lấy được ở nhà anh Hào. Các ĐTV, KTHS (đ/c Vũ Thanh Bình) lại lên đường. Kết quả: ngày 09/4
tìm được chiếc đài National gói trong Ninol để ở một hẻm đá, sau đó ngày
12/7/1984 tìm và thu được bộ quần áo giấu trong một hốc đá sâu dưới khe suối.
Cả 2 nơi này đều gần khu vực gia đình nạn nhân và các đối tượng T V P, T M H.
BCA rất mừng, càng vui hơn khi thân nhân nhận đúng đó là đồ vật nhà anh H. Sau
đó một số đối tượng đã “mở miệng” và một bản Kết luận điều tra được khởi thảo,
có diễn biến vụ án, định rõ tội danh, phân được ngôi thứ các đối tượng tham
gia...
Vụ án tưởng như kết thúc trọn vẹn và
BCA có thể ăn mừng, đón nhận phần thưởng. Bản thân tôi, số tiền ứng đi 600.000
đ chi tiêu cho BCA chắc sẽ được quyết toán và còn được thưởng thêm như lời hứa
của Giám đốc.
Đây là thời kỳ tôi vừa cuới vợ (ngày 22/01/1982, tức 28 tháng Chạp Tân
Dậu), chuẩn bị sinh con (ngày 28/02/1983,
tức 16 tháng Giêng Quí Hợi)
7. Kết thúc không
có hậu sau 6 năm điều tra:
Từ cuối 1984, lực lượng KTHS không
tham gia vào quá trình điều tra vụ án nữa. Hồ sơ liên quan thiếu đã được hoàn
thiện, trong đó Bs Pháp y tham gia khám nghiệm đến lúc BCA phát hiện chưa ký
Biên bản thì anh ấy đã chuyển vùng về quê, phải tìm mãi! Hay bộ quần áo thu của
T M H chẳng rõ ai đã giữ?
Sau vụ án được chuyển về C16
và Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý. Quá trình điều tra kéo
dài, thông tin đến với những người từng tham gia ban đầu lúc thì tràn đầy phấn
khởi, lúc lại gần như mịt mờ tăm cá.
Giữa năm 1988, đ/c Trần Quyết, Viện
trưởng Viện KSNDTC lên tận HT để thị sát lần cuối. Là người được tham gia KNHT
tới 4 lần nên khi tháp tùng Đoàn công tác lên nghiên cứu lại HT tôi thấy rõ 6
năm qua đi HT đã biến đổi nhiều, khu nhà anh H đã thành bãi hoang, khu rừng già
đã thành nương rẫy! Nhưng tôi nhớ rất rõ thứ tự các đống xương nằm từ trên đỉnh
đồi xuống tới nơi đóng quân của C Thông tin chứ không ngược lại như các ĐTV đã
dẫn đường mô tả. Tôi hiểu rằng họ không có mặt hôm KNHT, đã nghiên cứu không kĩ
hoặc hồ sơ đã bị thất lạc.
Sau đó, các thành viên BCA (người đã hưu, người chuyển công tác khác)
được triệu tập báo cáo lần cuối với Ban Thường vụ tỉnh uỷ, ý kiến nhận định về
tính chất vụ việc, về các đối tượng gây án, kết quả điều tra vẫn y nguyên. Đồng
thời chúng tôi nghe kháo nhau rằng nhiều vật chứng, tài liệu bị thất
lạc!
Do nhiều nguyên nhân mà những người tham gia
BCA giai đoạn đầu không nắm rõ, vụ án phải đình chỉ điều tra bởi Quyết định
đình chỉ điều tra số 88/KS5 ngày 28/12/1988 của VKSQSTW đối với các cựu quân
nhân. Riêng T V P cùng hồ sơ vụ án được di lý cho VKSND tỉnh Hoàng Liên Sơn thụ
lý (Biên bản bàn giao lập ngày 20/01/1989).
Đến ngày 09/10/1989 Viện KSND tỉnh ra Quyết định Miễn truy cứu trách nhiệm hình
sự đối với T V P. Như vậy, đến thời điểm đó cả 5 đối tượng bị bắt giữ tháng
11/1983 đều đã được trả tự do. Hồ sơ vụ án khép lại!.
BCA không được khen, thưởng như nhiều
người nghĩ và số tiền tôi ứng chi ngày ấy cứ treo nợ mãi. Sau đó, do có việc “đổi
tiền” vào ngày 4/9/1985 (theo
Quyết định số 01-HĐBT/TĐ ngày 13-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng) với quy định
“sức mua của đồng tiền mới bằng 10 lần sức
mua của đồng tiền cũ” nên 600.000 đ chỉ còn bằng 60.000 đ, có nghĩa là chưa
bằng một tháng lương Thiếu uý nên năm 1986 tôi chấp nhận trừ vào mình. Thực ra
600 hồi đó rất lớn, may mà “trượt giá” và đổi tiền chứ nếu quy ra vàng thì tôi
có mà đền “ốm xác”!.
8. Bài học của KTHS:
8.1. Những điểm mà KTHS làm
được, góp phần phá án:
- KNHT, KNTT khẩn trương (trong điều kiện ngày đó), xác định đúng
nguyên nhân tử vong, thời gian gây án;
- Khi dựng lại HT đã tìm thấy 3
xác nữa, thu được vỏ đạn. Đây là những vật chứng quan trọng giúp
nhận định đúng tính chất vụ việc;
- Giám định vỏ đạn từ 144 khẩu
súng đã tìm ra 2 khẩu súng để lại vỏ đạn ở HT khe Lũng Tây. Từ đây
giúp BCA tìm ra người sử dụng nó;
- Tham gia tìm và thu được vật
chứng do thủ phạm chôn, giấu.
…
8.2. Những điểm mà KTHS chưa làm
tốt:
- KNHT tại nhà tìm thấy con dao
gây án, chính là con dao phát của gia đình còn dựng ở góc nhà, nhưng
không bảo quản để GĐ dấu tay và dấu máu. Mẫu máu của nạn nhân cũng
không thu sau phải khai quật 4 xác lấy tóc tìm nhóm máu.
- BBKNHT lập ngay nhưng không hoàn
thành sớm và lấy đủ chữ kí những người tham gia. Khi chuyển vụ án
saang ĐTHSQĐ mới đi lấy chữ kí, nhiều người đã chuyển vùng, hưu nên
chữ kí lấy không hết, là 1 trong những “cớ” để huỷ án.
- Bộ quần áo TMH mặc khi gây án
có dính máu do TS thu bí mật để lấy mẫu giám định nhưng không chuyển
hoá chứng cứ, sau bộ quần áo lại thất lạc nên chứng cứ là dấu máu
trên quần áo TMH mặc không được thừa nhận.
- KNHT khe Lùng Tây lần đầu ngày
9/10/1982 bỏ sót đến ngày 12/7/1983 tìm thêm được 2 vỏ đạn, 2 đầu đạn
nhưng đầu đạn thu tại xác cháu C. đã han rỉ, không đủ yếu tố giám
định nên không rõ khẩu súng nào đã bắn cháu C..
- Việc bắn 144 khẩu súng thu vỏ
đạn không lập biên bản tại chỗ, không niêm phong các vỏ đạn đã bắn của
riêng từng khẩu nên có ý kiến không công nhận kết quả giám định súng
đạn là khách quan !
…
Tham gia Ban chuyên án từ khi là Thiếu
uý, lính trơn tới lúc vụ án có Quyết định đình chỉ điều tra đã là Thượng uý,
Phó Trưởng phòng, tôi thu lượm được những kinh nghiệm nhất định và theo thời
gia, đã trưởng thành nhiều. Do vậy, hồi tham dự lớp Bồi dưỡng Chính trị,
nghiệp vụ, Khoa học lãnh đạo (C5) tại Trường ĐHCSND (Cổ Nhuế, Từ Liêm) từ tháng 9 đến
tháng 12/1986 khi kết thúc khoá học đã viết Tiểu luận : “Sự
thống nhất giữa Chiến thuật và Kĩ thuật trong bước điều tra ban đầu
một vụ án ở vùng rừng núi có sử dụng súng quân dụng” mà tư liệu chủ yếu lấy từ vụ 882S này.
Kỷ niệm quá trình tham gia chuyên án vui,
thành công có và buồn, thất bại cũng có. Dù sao đây cũng là bàì học lớn, bài học
đầu đời của tôi và là bài học chung cho KTHS nói riêng và công tác ĐTHS nói
chung. Đặc biệt từ đó chưa bao giờ tôi thấy có một cuộc họp nghe báo cáo án lại
có thành phần và nội dung bàn bạc, tranh luận như cuộc họp 17/8/1982, âu cũng
là điều đáng tiếc!.
Nhiều chi tiết quá trình điều tra,
do chỉ tham gia mảng KTHS nên người viết không nắm được hoặc do thời gian, tư
liệu lưu trữ thất lạc nên bài lược trên có chi tiết thiếu, nhầm nhưng bản chất
thì không có gì sai, ghi lại để nhớ. Quả là:
Thành
công là của nhiều người,
Lỗi lầm,
thất bại khó lời phân chia.
- Bài đã gửi tham dự cuộc thi “VÌ BÌNH YEN CUỘC SỐNG” do Bộ
Công an tổ chức, đạt giải Nhất cấp tỉnh-.
Nhấn tiêu đề đọc toàn văn ...
Tóm tắt ...