(Đúng ra là sông Chảy, hồi trước ghi nhầm) |
Biện pháp KTHS được
triển khai tại Lào Cai do Ty Công an[1] quản lý ngay từ những năm 1950[2].
Nhưng phải đến 1985 Phòng KTHS mới được thành lập. Món quà chào mừng là chiến
công tham gia khám phá vụ: “Giết người cướp tài sản” ở vùng biên
trong những ngày nóng bỏng.
1. Bối cảnh vụ án :
Trước và sau cuộc
chiến 2/79, tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn[3]
đóng ở thị xã Yên Bái[4].
Các huyện thuộc tỉnh Lào Cai cũ (nhất là
Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng) thành địa bàn lí tưởng của nhưng
người buôn lậu qua biên giới gọi là hội “chân đất”; điểm dừng chân, điểm
trung chuyển hàng nhập lậu (máy
khâu con bướm, vỏ chăn con công, phích nước nóng, dép nhựa, bật lửa, nước hoa,
thuốc dạ dày...) mua từ các chợ “âm dương” ở biên giới về và ma tuý (thuốc phiện) từ xuôi lên. Ngoài số chuyên nghiệp còn
có một số quân nhân biến chất[5],
xuất ngũ không về địa phương, cán bộ công nhân viên, giáo viên, kể cả công an công
tác tại các xa, huyện biên giới hay vùng dưới tranh thủ làm “cửu vạn”...tạo ra tình hình căng thẳng một
thời gian dài. Khi đó các cây cầu từ Bản Phiệt vào thị xã Lào Cai, cầu qua sông
Hồng sập, đường bộ từ Lào Cai về Phố Lu[6]
rất khó đi nên tuyến đường chủ yếu là Phố Lu-Mường Khương (đường ô tô hay lối mòn xuyên rừng). Pha Long[7],
Phố Lu là những điểm nóng và là điểm tụ họp của tất cả các đối tượng. Đây cũng
là thời kỳ “tiền đổi mới” các mặt kinh tế-văn hóa-xã hội có những biến chuyển
ngầm và nhiều phức tạp mới về ANTT xuất hiện. Nhiều vụ án giết người, cướp của
có sử dụng vũ khí nóng xẩy ra liên tiếp xẩy ra trên các huyện phía bắc tỉnh
Hoàng Liên Sơn.
Liên quan khu vực hiện trường |
Vừa bảo vệ nhân
dân đón Tết Ất Sửu xong, CA tỉnh được tin báo: Chiều 03/02/1985 tại khu rừng
ven sông Chẩy[8]
thuộc địa bàn thôn Sả Lùng Chéng, xã Cao Sơn[9],
huyện Mường Khương, giáp ranh với xã Sín Chéng, huyện Bắc Hà[10]
có 2 toán người đi ngược chiều và gặp nhau tại đây. Đến tối người dân làm nương
trong vùng nghe nhiều tiếng súng nổ và sáng hôm sau phát hiện một xác người mắc
vào khe đá nằm sát mép nước.
2. Cuộc Khám nghiệm đầy khó khăn :
Mặc dù xuất phát
từ 6/2 bằng tầu hỏa, ô tô, xe máy và đi bộ nhưng đến ngày 9/2 đoàn cán bộ CA tỉnh
Hoàng Liên Sơn[11] cắt
rừng, ngược dốc mới đến được hiện trường. Khi đoàn đến nơi[12],
số dân quân bảo vệ hiện trường đã nghỉ,
người dân đến Tổ công tác đóng ở trung tâm xã Cao Sơn huyện Mường Khương báo
tin chưa trở lại nương của mình, dù đã cho giao liên đi tìm. Đồng chí trinh sát
Công an huyện dùng tiếng địa phương gọi mãi mới thấy tiếng thưa từ một lều
nương phía bên kia sông Chẩy và 2 người dân của huyện Bắc Hà đã lội sông sang
giúp đoàn. Họ cũng không biết gì hơn ngoài việc có nghe súng nổ
Khu vực xẩy ra vụ án |
Mặc dù vụ án xảy
ra đã 5 ngày, hiện trường xáo trộn, trải rộng trên một địa hình phức tạp từ lều
nương đến mép nước và dọc đoạn dài của bờ sông Chẩy nhưng do khám nghiệm tỉ mỉ
nên các cán bộ KTHS đã thu được nhiều dấu vết có giá trị. Trong đó có các mảnh
thi thể (do bị vật sắc cắt rời) của 3
người, dấu vết bắn, chém, 7 vỏ đạn, một số di vật khác.... đủ cơ sở kết luận
đây là vụ giết nhiều người, cướp của. Do ngâm nước, da bàn tay nạn nhân đã
bong, bác sĩ pháp y phải lồng trong đôi “găng tay-da” đó để giúp cán bộ
KTHS lăn dấu tay vào chỉ bản. Các dấu vết vật chứng đều được mô tả, đo đạc tỉ mỉ,
chụp ảnh và những gì thu được đều được niêm phong, bảo quản đúng quy cách.
3. Gian nan tìm danh tính nạn nhân :
Sau khi xử lý và
chọn được những dấu tay rõ, đủ yếu tố giám định, các GĐV của đơn vị bắt tay vào
tra cứu tại tàng thư CCCP nhưng không tìm thấy bộ dấu tay trùng hợp. Khi đem
lên PC13[13]
thì được trả lời: “các cặp Danh, Chỉ bản CMND chưa được phân loại, sắp xếp
theo vân tay”. Tìm không ra danh tính nạn nhân, vụ án đi vào bế tắc !.
Giữa lúc đó Ban
chuyên án có trong tay danh sách hơn hai chục đối tượng “chân đất” hay
qua lại vùng biên mất tích. 3 cán
bộ PC21 lại lao lên tàng thư CMND của PC13. Đến Chỉ bản thứ 15 mang tên Khuất
Đăng Lưu phát hiện có nhiều đặc điểm giống với bộ dấu vân tay thu ở HT Vụ án
bờ sông Chẩy, bộ Danh Chỉ bản ấy
được bàn giao cho bộ phận giám định đường vân của PC21. Sau một đêm gần thức trắng, sáng hôm sau
kết luận giám định được 3 cán bộ PC21 hoàn thành, chuyển cho Ban Chuyên án
(BCA).
Xác minh về Khuất
Đăng Lưu, BCA được biết: anh 27 tuổi, công nhân Hoá nghiệm của đoạn đầu máy
Hà-Lào nhưng bỏ việc nhập hội “chân đất” đi buôn thuốc phiện, hàng “tâm lí” từ
nhiều tháng nay. Cùng đi có Lê Văn Đô, 25 tuổi, công nhân lái máy HTX vận tải
Sông Thao. Khi Đô từ biên giới về với vai, cánh tay bị thương và có biểu hiện
lo lắng.
Trinh sát đã tìm
được Đô và sau khi được cảm hóa, Đô đã khai: nhóm buôn lậu hôm đó gồm 7 người,
ngoài Khuất Đăng Lưu, Lê Văn Đô còn: Trịnh Văn Phúc SN 1958 ở Hà Nam Ninh, Trịnh
Văn Đức SN 1962 em ruột Phúc, Hoàng Trung Lai SN 1962, Bùi Văn Khoái, SN 1955 ở
Hải Phòng, Trần Văn Thọ SN 1963 ở Bảo Thắng. Họ đem 8 Kg thuốc phiện xuyên sơn
sang Trung Quốc bán. Đêm 03/2 nghỉ tại lán ven sông Chẩy thì bị tấn công và 4
người bị chết là: Lưu, Khoái, Lai, Đức.
Xác anh Đức sau
này phát hiện thấy ở phía hạ lưu sông Chẩy gần Bảo Nhai còn các anh Khoái, Lai
không thấy xác.
Như thế đây là vụ
“cướp của giết người” hay là vụ “thanh toán” giữa các “hội chân đất” với nhau (ngày ấy chưa có cụm từ: theo kiểu “xã hội đen” như sau này) cũng
chưa được kết luận ngã ngũ. BCA còn nhiều việc phải làm.
4. Truy tìm kẻ gây án :
Đúng thời gian
này Tỉnh đội có chủ trương kiểm tra súng đạn của dân quân. Theo đề xuất của
PC21, BCA đã phối hợp với Huyện đội Mường Khương, Bắc Hà trực tiếp bắn 123 khẩu
súng AK, CKC, K43 do dân quân khu vực lân cận quản lý và các vỏ đạn đó đã được
niêm phong[14],
giao Công an lưu giữ. Với lý do thiếu cơ số đạn, súng của 2 đối tượng nổi nhất
được thu gửi Viện KHHS. Kết quả giám định: “khẩu súng K 43 số 9475 của Hầu Vần
Xoá (45 tuổi) và khẩu CKC số 6263 của Vàng A Tráng (28 tuổi) đều
là dân quân xã Sín Chéng (Bắc Hà) đã bắn ra các vỏ đạn thu ở hiện trường”
làm bừng lên hy vọng của những người tham gia điều tra vụ án.
Lúc này Xoá và
Tráng do thấy động đã trốn lên rừng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, BCA biết được
nơi ẩn náu của chúng. Với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ của
Công an tỉnh với Công an huyện, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn và
nhân dân địa phương ta đã bắt được chúng vào ngày 02/4/1985 trong một hang đá gần
biên giới. Tại đây, khi khám nghiệm đã thu một số vật chứng mà 2 tên đã cướp của
“hội chân đất” ngày 03/02/1985. Bọn chúng đã khai nhận hành vi giết người cướp của và đã phải chịu
hình phạt thích đáng.
5. Vĩ thanh :
Thành tích tham
gia điều tra vụ án này góp phần để năm đó PC21 đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”
ngay năm mới thành lập[15]
và người đề xuất, trực tiếp thực hiện các phương án giám định được suy tôn là
CSTĐ, được TW Đoàn tặng Bằng khen[16].
Sau này, dù trên
cương vị nào, đây luôn là câu chuyện mà những cán bộ KTHS tham gia chuyên án
này hồi đó thường kể lại cho lớp cán bộ trẻ nghe, và luôn tự hào về công việc
thầm lặng đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng rất vẻ vang của nghề KTHS. Bài học
kinh nghiệm với cán bộ KTHS là: phải trực tiếp đến hiện trường dù xa, dù khó đến
mấy[17];
khám nghiệm thận trọng, tỉ mỉ dù trong điều kiện hiện trường thế nào; việc lấy
dấu tay nạn nhân chết lâu ngày đã bong kiểu “lột găng”; kiên trì, chủ động tìm
mẫu đối chứng trong giám định đường vân truy nguyên nạn nhân; thu mẫu vỏ đạn để
so sánh...
Và điều các anh càng thấm thía là: ở vị trí
nào, công việc nào cũng có cơ hội lập công, đóng góp sức mình cho công cuộc bảo
vệ ANTT nếu biết tận tuỵ, sáng tạo, nhậy bén, không ngại khó, sợ khổ và cần một
chút “may mắn”.
-Viết tháng 7/2011, sửa lại 8/2014-
[1] Biên niên LSCALC (1945-2000) viết “Lào Cai giải phóng 19/10/1946 và ngày 21/10/1946
Đặc phái viên Chính phủ kêu gọi công chức của chế độ cũ quay lại công sở làm
việc. Khi đó cấp trên giao cho đ/c Nguyễn Tiến Ninh, rồi đ/c Đoàn thay phụ
trách công tác Công an. Cuối năm Nha Công an cử đ/c Trần Thiên Tân lên làm
Trưởng ty CA Lào Cai”. Đúng ra, theo tư liệu của Đảng bộ tỉnh và BCHQS tỉnh thì
Lào Cai giải phóng ngày 12/11/1946.
[2] Lào
Cai (cũ), cũng như các địa phương khác, ban đầu bộ phận KTHS trực
thuộc Ban Trị an hành chính. Khi trên Bộ thành lập Cục Kĩ thuật
nghiệp vụ thì từ 1962, bộ phận KTHS tách về Phòng Kĩ thuật nghiệp
vụ theo Thông tư số 88/TCCB.
[3] Ngày
27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V, kỳ họp thứ 2 đã
quyết nghị hợp nhất 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên, Phù Yên) thành tỉnh Hoàng Liên Sơn cùng dịp với
5 tỉnh: Cao Lạng, Hà Tuyên, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh.
15 năm sau, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội
khoá VIII ngày 12/8/1991 ra Nghị quyết: “. Chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2
tỉnh, lấy tên là tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai...”
[4] Để
đối phó với tình hình căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung, đặc biệt trên biên
giới, từ 1978 các cơ quan đầu não của tỉnh Hoàng Liên Sơn đóng tại thị xã Lào
Cai chuyển về thị xã Yên Bái. Sau cuộc chiến 2/1979, thị xã Lào Cai cũ bỏ hoang
giao cho xã Đồng Tuyển quản lý và nhập với thị xã Cam Đường thành thị xã Lào
Cai mới.
[5] Ngày ấy vùng này là nơi đóng quân của Quân đoàn
29 (Binh đoàn Sông Thao) với 3 sư đoàn bộ binh được biên chế trang bị đủ là
316, 345, 355. Quân đoàn bộ đóng tại K4 Trại Cải tạo Phong Quang cũ, thuộc địa
phận thôn Xuân Đâu, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (km8 đường Phố Lu-Bắc Ngầm)
giáp ranh thôn An Phong, xã Phong Niên nhà tôi.
[6]
Xem Dư địa chí Phố Lu tại đây: http://holuongduclaocai.blogspot.com/2014/06/ia-du-chi-thi-tran-pho-lu.html
[7] Là
xã biên giới nằm ở phía đông bắc của huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện lị
22 km; ranh giới: Phía đông giáp Trung Quốc (các hương: 大梁子,戈索) ; Phía nam giáp xã Dìn Chin, huyện Mường Khương; Phía tây giáp xã
Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương; Phía bắc giáp Trung Quốc (中木城,上湾子, 山新雿, 老卡雿). Hiện nay xã Pha Long gồm các thôn: Sín Chải, Tả Lùng Thắng, Sả
Chải, Lồ Cô Chin, Pha Long 1, Pha Long 2, Nì Xỉ 1, Nì Xỉ 2, Nì Xỉ 3, Nì Xỉ 4,
Lao Táo, Lao Mao Chải, Na Măng, Suối Thầu, Pao Pao Chải, Lồ Suối Tủng, Lũng
Cáng. Những năm 1980 đây là đầu mối tập trung hàng lậu qua biên giới trước khi
chuyển ra Phố Lu đề tỏa đi các tỉnh dưới xuôi.
[8]
Phát nguyên từ bắt nguồn từ sườn Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh (2.419 m) và sườn Đông Bắc đỉnh Kiều Liên Ti (2402 m), phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang, vượt qua các tỉnh Lào Cai, Yên
Bái rồi chảy vào sông Lô ở Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Trong sách Kiến Văn Lục của
Lê Quý Đôn thì sông Chảy còn có tên là “Lôi Hà” 檑河.
Từ Kiều Liêu Ti tới gần xã Bản Péo
nó chảy theo hướng Tây-Đông, rồi Bắc-Nam tới gần thị trấn Vinh Quang của huyện
Hoàng Su Phì, nó quặt theo hướng Đông-Tây, qua huyện Xín Mần (Hà Giang) tới huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Trên đoạn này, khoảng 5 km
của sông Chảy là biên giới Việt-Trung giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam (bao gồm ranh giới các xã Lùng Cải, Lùng
Sui, Sán Chải, Si Ma Cai và Nàn Sán), với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ chỗ
giáp ranh hai xã Tả Gia Khâu và Thào Chư Phìn của huyện Si Ma Cai nó chảy theo
hướng Bắc-Nam tới địa phận hai xã Cốc Ly
và Nậm Mòn thuộc huyện Bắc Hà. Đoạn này có công trình Thủy điệc Cốc Ly,
khởi công ngày 24/02/2005, Ngày 21/5/2012 chính thức phát điện hòa vào lưới
điện quốc gia.
Từ đây nó chảy theo hướng Tây
Bắc-Đông Nam, gần như song song với sông Thao, cách con sông này khoảng 15 km,
với dãy núi Con Voi ở giữa ngăn lưu vực hai dòng sông.
Qua địa phận xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên) nó chảy vào địa phận các
xã Minh Chuẩn, An Lạc và Tô Mậu của huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Tại địa phận
huyện này và huyện Yên Bình là hồ Thác Bà dài hơn 50 km, do đập ngăn nước của
nhà máy thủy điện Thác Bà tạo ra .. Sau khi chảy qua thị trấn Thác Bà và các xã
Hán Đà, Đại Minh của huyện này thì nó chảy vào xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng
tỉnh Phú Thọ để sau đó hợp lưu với sông Lô tại ranh giới giữa thị trấn Đoan
Hùng và hai xã Chí Đám, Hữu Đô. Như vậy với chiều dài khoảng 319 km, ngoài giá
trị thuỷ điện, đánh bắt cá, sông Chẩy còn có giá trị du lịch lớn.
[9]
Xã Cao Sơn nằm ở phía đông của huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện lỵ 24
km. Ranh giới: Phía đông giáp xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai; Phía nam giáp xã
Nàn Xín, huyện Si Ma Cai và các xã Tả Thàng, La Pan Tẩn, huyện Mường Khương;
Phía tây giáp xã Lùng Vai, huyện Mường Khương; Phía bắc giáp xã Lùng Khấu Nhin,
huyện Mường Khương và xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai; Sông Chảy là ranh giới
tự nhiên của xã Cao Sơn với các xã thuộc huyện Si Ma Cai.
Xã Cao Sơn gồm
các thôn: Ngải Phóng Chồ, Lồ Suối Tủng, Cao Sơn, Pa Cheo Phìn A, Pa Cheo Phìn
B, Lao Cu Chải, Sảng Lùng Chéng, Lùng Chéng Nùng, Sả Lùng Chéng.
[10] Năm
1966, huyện Bắc Hà thuộc tỉnh Lào Cai được chia tách thành huyện Bắc Hà mới và
huyện Si Ma Cai, từ 1976 thuộc tỉnh hợp nhất Hoàng Liên Sơn. Năm 1979, huyện Si
Ma Cai lại sáp nhập vào huyện Bắc Hà đến 1991 tách Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh
thì Bắc Hà thuộc Lào Cai. Năm 2000, huyện Si Ma Cai được tái lập, gồm các
xã: Bản Mế, Cán Cấu, Cán Hồ, Lử Thẩn,
Lùng Sui, Mản Thẩn, Nàn Sán, Nàn Xín, Quan Thần Sán, Sán Chải, Sín Chéng, Thào
Chư Phìn.
[11]
Theo Quyết định số 339/NV-QĐ ngày 28/01/1976 của Bộ Nội vụ (danh xưng của Bộ Công an giai đoạn 1975-1998)
về thành lập Ty CA Hoàng Liên Sơn thì Ty có 20 phòng, ban. Khi đó bộ phận
KTHS là một Đội có nhiệm vụ KNHT, Giám định và lập, quản lý Căn cước can phạm
và thuộc Phòng Trinh sát kĩ thuật . Nhiệm vụ rộng, nhưng cán bộ rất mỏng
bao gồm những CB làm công tác KTHS từ 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ họp lại
và hầu như chưa có ai được đào tạo bài bản bậc Đại học nên chủ yếu làm công tác
KNHT, chụp ảnh, lập và quản lý Tàng thư CCCP.
Sau đó KTHS chuyển sang lực lượng Cảnh
sát theo Nghị định 250/CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ và là
một Đội thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra xét hỏi-Kỹ thuật hình sự CA
tỉnh Hoàng Liên Sơn bởi Quyết định số 37/QĐ-BNV ngày 10/7/1981 của Thứ
trưởng Trần Đông.
[12] Trong số cán bộ PC21 đến HT ngày đó có đ/c Vũ
Duy Kim, từ 2009 được đề bạt Phó Trưởng Công an huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai;
cán bộ CA huyện Mường Khương có đ/c Lương Cao Huỳnh từ 2009 được đề bạt là
Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Lào Cai.
[13]
Ngày ấy, Tàng thư CCCP để ở PC21 còn Tàng thư CMND để ở PC13, đến năm 1987 chuyển
sang PC27 theo Quyết định số 24/QĐ-BNV
gày 12/02/1987 của Bộ trưởng về việc thành lập Cục Hồ sơ NVCS. Theo đó PC27
được thành lập trên cơ sở bộ phận hồ sơ của PV17 và TTCCCP của PC21, TTCMND của
PC13.
[14]
Rút kinh nghiệm từ việc điều tra vụ 882S (http://menthuong.blogspot.com/2009/07/sau-27-nam-nhin-lai-qua-trinh-ieu-tra.html
) , việc bắn súng thu vỏ đạn lần này được tiến hành “bài bản” hơn.
[15] Tháng
5/1985 Giám đốc Công an tỉnh Quyết định thành lập Phòng PC21 trên cơ sở Đội
KTHS thuộc phòng PC16+21. Trong đó : Đ/c Hoàng Sáng là TP với 2 phó là Lương Đức Mến, Vũ
Thanh Bình và 9 thành viên, gồm: Hồ
Sĩ Tam, Nguyễn Huy Triều, Chu Xuân Lượng, Lưu Văn Long (KNHT và Giám định); Nguyễn Tấn Phác, Đào Văn Bình (KT đặc biệt); Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn
Thu Hòa, Dương Thanh Mai (TTCCCP).
[16] Ngày ấy công tác khen thưởng đột xuất chưa được
chú trọng mấy cả từ phía cá nhân và tổ chức. Nếu vụ việc này mà vào những năm
2005 trở đi thì chắn chắn sẽ có Huân chương và vô khối Bằng, Giấy khen.
[17] Hối đó có vụ các cán bộ công an, kiểm sát, pháp
y ngồi tại trụ sở nghe cô giáo cắm bản ra kể lại để lập “Biên bản khám nghiệm
hiện trường”, “Biên bản khám nghiệm tử thi”! Vụ này khi phát hiện, số CB liên
quan đã bị xử lý và “may” đó không phải vụ án mạng, chỉ là một tai nạn thông
thường. Nhưng dù thế, nếu ở giai đoạn sau khi TTHS đã chặt chẽ, có yêu cầu cao
hơn chắc chắn mức xử lý không phải như vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân