Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Dấu Vân tay và lịch sử nghiên cứu ứng dụng

Trong công tác điều tra hình sự, nghiên cứu dấu vết đường vân để lại hiện trường có thể xác định được vụ án do 1 hay một số đối tượng tham gia, có thể truy nguyên trực tiếp con người, xác định một đối tượng gây ra nhiều vụ án…Do đó ý nghĩa điều tra và giá trị chứng cứ của nó rất lớn.

Về lịch sử nghiên cứu dấu vân tay, ý nghĩa của nó và cách sắp xếp phân loại thì bất cứ một người Cảnh sát nào cũng được nhà trường dạy. Nhưng xem lại giáo trình cũng như tài liệu của các Cục nghiệp vụ chuyên ngành thấy thiếu nhiều mốc quan trọng. Đặc biệt tên những người có công đặt những viên gạch đầu tiên thì mỗi sách viết một kiểu. Đây không phải do “bất nhất” mà do cách viết tên người nước ngoài: người viết theo tiếng Anh, người ghi theo tiếng Pháp, người đọc qua tiếng Trung,... và phiên âm mỗi người một cách nên cùng chỉ một người nếu đọc 2 tài liệu khác nhau tưởng 2 người. Khắc phục tình trạng đó, trong bài này tôi đề tên gốc các tác giả (theo nguyên bản) đồng thời ghi thêm năm sinh, năm mất của họ để tránh hiểu lầm.

1. Đường vân trên mỗi con người:
Tại đầu ngón tay, chân, lòng bàn tay, chân của ai cũng có nhiều đường nổi nhỏ chạy gần kề nhau đó là các đường vân. Trên thế giới (theo cuốn Những điều kỳ lạ trên thế giới, NXBPN, 2005, tr 166) đến nay mới biết đến duy nhất một dòng họ không có vân tay sống ở Đài Bắc (Đài Loan).
Các đường vân cao từ 0,1-0,4 mm, trên đó có nhiều lỗ mồ hôi đường kính từ 0,08-0,25 mm liên tiếp nhau (9-18 lỗ/1 cm). Các đường vân đó có nhiều hình dạng phong phú (liên tục, đứt đoạn, song song, tách nhánh, chéo nhau, hợp nhau…). Các đường vân trên ngón tay, khu vực dưới ngón tay, lòng bàn tay, khu vực rìa ngón cái, rìa ngón út đều có giá trị truy nguyên. Nhưng chất lượng và chú ý nhất là đường vân đầu các ngón tay và tùy theo hình thái đường vân mà người ta chia ra: vân hình Cung, vân hình Quai, vân hình Xoáy và mỗi người, mỗi ngón có những dạng cấu trúc, xếp đặt đường vân đặc thù thể hiện thuộc tính riêng.
Qua nghiên cứu và trên thực tế cho thấy đường vân có: Tính riêng biệt (không có ai giống nhau và ở mỗi người thì mỗi vùng, mỗi ngón lại có hình thái, đặc điểm riêng); Tính ổn định (trong suốt cuộc đời về số lượng, chiều hướng, hình dạng, vị trí, đặc điểm riêng...Chúng chỉ thay đổi về kích thước theo sự lớn lên của cơ thể); Tính phục hồi (khi lớp da ngoài bị tổn thương thì lớp trong sẽ thay thế đủ các hình dạng đường vân như cũ).
Theo cách tính toán của một giáo sư để tìm thấy 2 đặc điểm giống nhau phải xét đến 16 vân tay cùng loại; 3 đặc điểm giống nhau phải xét đến 64 dấu vân tay cùng loại; 4 đặc điểm giống nhau phải xét đến 256 dấu vân tay cùng loại; chưa tìm thấy 5 đặc điểm trùng nhau của các dấu vân tay cùng loại. Galton cũng đã nghiên cứu hàng triệu dấu vân tay, khẳng định: đến khi trái đất này có 64 tỉ người, hoạ chăng mới có một sự trùng lặp ngẫu nhiên về dấu vân tay của 2 người khác nhau. Kết luận này ông viết khi trên trái đất mới có 1,5 tỉ người.
2. Dấu vết đường vân:
Khi bàn tay tác động lên vật mang, các đường vân, rãnh vân, lỗ mồ hôi sẽ để lại, lưu lại đặc điểm đường vân trên vật mang và hình ảnh lưu trên vật mang đó được gọi là dấu vết đường vân. Nhóm DV phân biệt vân tay, vân chân, khu vực đường vân, loại vân là đặc điểm chung theo nhóm. Còn những đặc điểm đặc trưng phân biệt DV đường vân của người này với người khác là đặc điểm riêng.
Dấu vết đường vân hình thành theo cơ chế: đường vân mồ hôi, đường vân in mầu, đường vân hằn. Nhưng dù hình thành theo cơ chế nào, tồn tại ở dạng nào thì hình thức tồn tại của DV đường vân ở HT đều phụ thuộc và chịu ảnh hưởng bởi 4 yêu tố chính, là: Tính chất mồ hôi của người để lại vết, Độ cao đường vân, Tính chất vật mang vết, Lực tác động và thời gian tiếp xúc. Tổng hòa các yếu tố đó sẽ cho ra chất lượng DV khác nhau nó gợi ý cách thức phát hiện, thu giữ được bằng các phương tiện, phương pháp thích hợp.
3. Lược sử sử dụng dấu vết vân tay trong truy nguyên người:
Trên thực tế, điểm bắt đầu của lịch sử KHHS thế giới  vào năm 1879 là từ nhân trắc học gắn với công lao của Alphonse Bertillon (1853 - 1914) ở Pháp. Phương pháp sinh trắc học hay “Bertillonage” của ông sau này được chép lại dưới tên “phương pháp ảnh lời” hay phương pháp nhân học anthropometry. Nhưng biện pháp này khó chính xác, phức tạp khi tiến hành và đòi hỏi nhiều thời gian nên sau này các phép đó đã được thay thế từ năm 1897 bằng hệ thống vân tay.
Nhận dạng vân tay, được gọi là dactyloscopy hay individualization.
Kết quả khảo cổ đã chứng minh: từ rất xa xưa dấu vân tay đã được sử dụng như là chữ ký cá nhân tại Babylon cổ đại trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Dưới triều vua Hammurabi (1792 tCn-1750 tCn) người ta đã tiến hành lấy dấu vân tay của những người bị bắt giữ. Trong giao dịch dân sự, để bảo vệ chống lại sự giả mạo, các bên tham gia hợp đồng ấn dấu vân tay của mình vào viên đất sét trên hợp đồng đã được viết.
Dấu vân tay được người Trung Hoa, Nhật Bản sử dụng để xác nhận các khoản vay, các đồ gốm từ trước Công nguyên rất lâu. Từ thời Tần (秦朝, 248 tCn-207 tCn), các quan chức đã biết in tay, in chân cũng như in ngón tay làm bằng chứng từ hiện trường vụ án. Sau này quan lại đã ấn dấu vân tay của họ vào các con dấu bằng đất sét được sử dụng trong các tài liệu khi lụa và giấy (105 bởi Thái Luân) được phát minh. Vào thế kỷ XIII, bác sĩ Ba Tư là Rashid al- Din Hamadani (1247-1318) đề cập đến việc Trung Quốc xác định người thông qua dấu vân tay của họ. Ông nhận xét: “Kinh nghiệm cho thấy rằng không có hai cá nhân có ngón tay hoàn toàn giống nhau”. Nhưng việc nghiên cứu vân tay, dâu vết vân tay một cách khoa học, viết thành sách lại thuộc về người châu Âu.
Năm 1684, bác sĩ người Anh, nhà thực vật học, người phát minh ra kính hiển vi là Nehemiah (1641-1712) đã đăng một bài báo khoa học đầu tiên mô tả cấu trúc đường vân của da ở các ngón tay và lòng bàn tay. Năm 1685, bác sĩ người Hà Lan là Govard Bidloo (1649-1713) và bác sĩ người Ý là Marcello Malpighi (1628-1694) cho ra đời cuốn sách về giải phẫu cũng được minh họa cấu trúc đường vân các ngón tay và các ông viết: “trên đó có những đặc điểm không thay đổi và khác nhau ở mối người”. Một thế kỷ sau, vào năm 1788, giải phẫu học người Đức Johann Christoph Andreas Mayer (1747-1801) nhận ra rằng dấu vân tay là duy nhất cho từng cá nhân.
Năm 1823 Jan Evangelista Purkyně Purkinje (1787-1869), nhà sinh lý học Séc và là giáo sư về giải phẫu học tại Đại học Breslau, công bố bài viết kết quả nghiên cứu 9 mẫu vân tay, nhưng ông không đề cập đến khả năng của việc sử dụng dấu vân tay để xác định những người.
Một vài năm sau, nhà giải phẫu học người Đức là Georg von Meissner (1829-1905) nghiên cứu đặc điểm đường vân. William James Herschel (1833 - 1917) khi quan sát người Trung Quốc điểm chỉ đã đi sâu nghiên cứu và cho rằng “Con người có thể già đi, khuôn mặt và hình dáng có thể bị thay đổi do tuổi tác và bệnh tật, nhưng đường vân trên đầu ngón tay vẫn không hề thay đổi”. Sau đó, vào năm 1877 tại Hooghly (gần Calcutta) ông đã áp dụng sử dụng dấu vân tay trên các hợp đồng để ngăn ngừa sự thoái thác sau, ông đã cho đăng ký dấu vân tay các nhân viên chính phủ về hưu để ngăn chặn việc thu tiền của thân sau cái chết của người về hưu. Herschel cũng lấy dấu vân tay các tù nhân sau khi tuyên án để phòng ngừa việc chối tiền án, tránh chấp hành hình phạt tù. Ông được ghi nhận là người đầu tiên sử dụng dấu vân tay một cách thực tế.
Năm 1880 Tiến sĩ Henry Faulds (1843 - 1930), bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện Tokyo, trong các tạp chí khoa học Nature đã khẳng định: “dấu đường vân trên da người không thay đổi trong suốt cả đời người và có thể là phương tiện nhận diện tốt hơn chụp ảnh”. Chính ông đề xuất một phương pháp để ghi lại chúng với mực in. Nhưng ý tưởng và công trình của ông không được ủng hộ.
Nhận thư, ý tưởng của Henry Faulds qua người bà con là Charles Darwin (1809 - 1882), Francis Galton (1822-1911) tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu vân tay. Trong ba cuốn sách (Dấu vân tay, năm 1892; Giải mã ?, năm 1893 và Mục vân tay, năm 1895) ông kết luận: “các đường vân không thay đổi trong suốt cả quãng đời người, có thể chia những đường vân đó ra từng loại”, “cơ hội của một "dương tính giả" (hai cá nhân khác nhau có cùng một dấu vân tay) là khoảng 1 trong 64 tỷ người”. Kết quả nghiên cứu khoa học của ông đã được Toà án chấp nhận. Như vậy, công bằng mà nói Tiến sĩ Henry Faulds là đồng tác giả với Sir Francis Galton trong việc phát minh ra giá trị của dấu vân tay và hệ thống phân loại vân tay.
Người thực sự sử dụng dấu vân tay có cơ sở pháp lý và khoa học cho việc nhận dạng tội phạm là Edward Richard Henry (1850 -1931), Tổng Thanh tra Cảnh sát Bengal ở Ấn Độ. Chính ông đã kế thừa thành công sự nghiệp dở dang của Galton, tìm ra phương pháp phân loại, sắp xếp dấu vân tay để lưu trữ giữa 1896 năm và 1925. Hệ thống phân loại Henry là một phương pháp tiên tiến mà dấu vân tay được sắp xếp theo đặc điểm dễ tìm kiếm. Nó là cơ sở của phương pháp hiện đại phân loại AFIS cho đến những năm 1990.
Ứng dụng thành quả này, từ năm 1877 Vương quốc Anh đã có chủ trương dùng điểm chỉ thay chữ ký và thực hiện việc lấy điểm chỉ của tất cả các can phạm. Đây là điểm sơ khởi của “vân tay hình sự”. Năm 1897 một ủy ban được thành lập để so sánh Anthropometry hệ thống phân loại của Henry. Sau đó, Hệ thống phân loại của Henry là được chấp nhận trên toàn thế giới vào năm 1899.
Từ đó phương pháp đo người (ảnh lời) của Alphonse Bertillon dần được thay thế bằng phương pháp lấy dấu tay, sắp xếp chỉ bản của Galton- Henry để quản lý can phạm. Kỹ thuật xác định dấu vân tay và hệ thống phân loại do Galton và Henry đề xướng mau chóng được Cảnh sát các nước ứng dụng và tồn tại đến ngày nay.
4. Các phương pháp phân loại sắp xếp hệ thống tàng thư vân tay:
Phổ biến nhất là hệ thống phân loại Roscher, hệ thống Juan Vucetich hệ thống phân loại của Henry. Trong số các hệ thống này, hệ thống Roscher được phát triển ở Đức và được thực hiện ở cả Đức và Nhật Bản, hệ thống Vucetich được phát triển ở Argentina và thực hiện ở Nam Mỹ còn hệ thống Henry đã được phát triển ở Ấn Độ và thực hiện trong các nước nói tiếng Anh.
Riêng Việt Nam có 2 hệ thống được áp dụng:
- Cảnh sát Pháp vốn áp dụng phương pháp Paris nên các cơ quan quản lý căn cước ở Đông Dương trước 1945 cũng áp dụng phương pháp này. Hệ thống phân loại Paris chia đường vân ngón tay thành 5 nhóm: Cung, Quai trái, Quai phải, Xoáy và hình chữ S. Với phân loại 5 nhóm này, khi sắp xếp tuân theo thứ tự từ 11111/11111 đến 55555/55555. Theo quy định đó việc phân loại nhanh, đơn giản. Nhưng khi tra cứu thì không thuận tiện bởi quá nhiều loại điểm chỉ cùng dạng, nhất là khi khối lượng Chỉ bản lớn. Khi dân số đông, số lượng tội phạm nhiều thì tàng thư này trở nên bất cập. Nhưng, dù sao phương pháp này có tác dụng nhất định và nó tồn tại ở Việt Nam (miền Bắc) tới đầu năm 1976.
Phân loại theo hệ thống Galton-Henry cho phép phân loại hợp lý của dấu vân tay 10 ngón thành 6 nhóm chính dựa trên các loại hình vân tay. Trong đó nhóm 1 là tính trị số các đường vân xoáy (1/1...32/32); nhóm 2 phân loại ngón trỏ (tối đa có 25 công thức: A/A...W/W) và nhóm chữ thường (theo 8 phân nhóm: A/A...rA3t/A, A/aA...rA3r/aA...A/rA3r...rA3r/rA3r); nhóm 3 phân loại giá trị các ngón trỏ, giữa, nhẫn (iii/iii ... ooo/ooo quai, iii/iii ... ooo/ooo xoáy); nhóm 4 là số đường vân ngón út (1...n); nhóm 5 là số đường vân quai xuất hiện đầu tiên ở điểm ngón (trừ út) và nhóm 6 phân loại 2 ngón cái (S/S...L/L, i/i...o/o, i/S...o/L, S/i...L/o).
Khi ghi công thức điểm chỉ sẽ bao gồm năm phân số với các chữ cái và con số. Trong đó R là viết tắt chữ “bên phải”, L cho “bên trái” lấy kí hiệu bằng các chữ cái chỉ ngón tay: “i” (phía trên), “m” (ở giữa), “o” (phía dưới), “t” cho ngón trỏ, “r” cho ngón nhẫn và “p” cho ngón tay út. Đường vân đốt ngón tay chia làm 3 nhóm: Cung (cung thường là A, cung trồi là T), Quai (chân quay về phía ngón cái là R, chân quay về phía ngón út là U), Xoáy (ký hiệu là W) trong đó ký hiệu chữ IN HOA giành cho đặc điểm ngón trỏ còn với các ngón khác ghi chữ thường.
Khi định số giá trị cho các ngón tay có chứa vân xoáy, ta có: ngón tay 1 và 2 ghi giá trị 16, các ngón tay 3 và 4 có giá trị 8, ngón 5 có giá trị 2, ngón út có giá trị là 1 (ta có 16-16-8-8-4-4-2-2-1-1). Tổng các số có được ở các ô chẵn (Rt, Rr, Li, Lm, Lp) là tử số; tổng các số có được ở các ô lẻ (Ri, Rm, Rr, Lt, Lr) làm thành mẫu số. Khi tính phải cộng thêm 1 để tránh phân số 0/0 (trường hợp không có vân xoáy). Vì vậy, kết quả việc phân loại ta có các công thức biến thiên từ 1/1 (không có vân xoáy) đến 32/32 (tất cả các ngón tay có vân xoáy)...
Cách phân loại 5 nhóm sau rất chi tiết và phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và người thực hiện phải tỉ mỉ tất nhiên trước hết phải có Chỉ bản chuẩn.
Khi phân loại xong 6 nhóm trên tiến hành ghi kết quả lên hàng công thức. Trong công thức vân tay thì hàng trên ghi các giá trị phân loại của bàn tay phải, hàng dưới ghi các giá trị phân loại của bàn tay trái. Hai hàng cách nhau bởi một gạch ngang. Giữa giá trị các nhóm 1,2,3,4 và các nhóm 5,6 được cách nhau bởi một gạch chéo từ trên xuống, từ phải sang cắt qua đường ngang.
Cuối cùng là tiến hành sắp xếp chỉ bản vào tàng thư. Việc sắp xếp cũng đòi hỏi có phương pháp khoa học, hệ thống và tuân theo một quy tắc logic nhất định. Các Chỉ bản được đặt trong những ngăn kéo của tủ chuyên dụng được xếp đặt khoa học, thuận tiện khi tra cứu.
Cách làm này tuy lúc phân loại, sắp xếp lâu nhưng rất thuận tiện chi việc sắp xếp, tra cứu. Sau 30/4/1975, học tập kinh nghiệm của Cộng hoà dân chủ Đức, của Liên Xô và tham khảo tài liệu của Hoa Kỳ huấn luyện cho Cảnh sát Việt Nam Cộng hoà, lực lượng làm công tác lập, phân loại, sắp xếp Chỉ bản của hệ KTHS và hệ QLHC đã mau chóng làm chủ được phương pháp phân loại khoa học này. Trên cơ sở đó, Việt Nam áp dụng cách phân loại theo Galton-Henry từ 0 giờ ngày 01/01/1976. Từ đây các Chỉ bản (tàng thư CCCP ở PC21 và tàng thư CMND ở PC13) ở miền Bắc đều phân loại theo phương pháp này; các Chỉ bản cũ phân loại theo phương pháp Paris dần được chuyển sang phương pháp mới. Cùng với hệ thống tàng thư căn cước vân tay tại Viện Giảo nghiệm, Tổng Nha Cảnh sát Việt Nam Cộng hoà (khoảng 16 triệu cặp) hệ thống tàng thư căn cước vân tay toàn quốc ngày càng được bổ sung, sắp xếp khoa học, bảo quản chu đáo.
Đến tháng 4/1987 cơ quan Hồ sơ được thành lập ở cả LLAN và LLCS thì bộ phận tàng thư CCCP của hệ KTHS và tàng thư CMND của hệ QLHC được chuyển về hệ HSCS quản lý. Từ đó việc phân loại, sắp xếp vân tay, quản lý khai thác tàng thư căn cước vân tay đã tập trung hơn.
Sự thống nhất phân loại, sắp xếp tàng thư vân tay theo hệ Galton-Henry đã góp phần quan trọng phục vụ kịp thời, đắc lực công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, bảo vệ công cuộc phục hồi nền kinh tế, xây dựng đất nước. Đồng thời nó cũng đảm bảo cho sự hoà nhập quốc tế, tham gia Interpol, truy tìm đối tượng xuyên quốc gia.
5. Sử dụng dấu vân tay trong công tác Công an hiện nay:
Từ khi bộ phận tàng thư CCCP được chuyển từ hệ KTHS sang hệ HSCS cùng với bộ phận tàng thư CMND của hệ QLHC thì lực lượng KTHS chỉ còn nhiệm vụ phát hiện, thu lượm DV đường vân tại HT và tiến hành giám định chúng. Mô hình này ổn định cho đến nay.
Trong thời gian đó hệ thống tàng thư Danh, Chỉ bản của HSCS và hệ thống KNHT, giám định dấu vết đường vân của KTHS đã phát huy tác dụng phục vụ đắc lực cho công cuộc phòng ngừa, đấu tranh điều tra khám phá tội phạm.
Hệ thống phân loại Henry đã được một lực lượng có ảnh hưởng lớn trong sự hình thành của công nghệ AFIS hiện tại (hệ thống nhận dạng vân tay tự động). Hiện nay trên thế giới có những hệ thống xử lý vân tay quang học (Halogrph), hệ thống xử lý vân tay theo kiểu ngôn ngữ cú pháp (Suntac appoah) và hệ thống xử lý vân tay dựa vào cấu trúc các đặc điểm riêng (Finder). Việc nhận dạng vân tay tự động có 3 hệ thống: SAGEM-MORPHO (Pháp), NEC (Nhật) và PRINTRIC (Mỹ).
Hệ thống nhận dạng vân tay tự động (tin học hoá tàng thư CCCP và việc tìm kiếm chúng) của Việt Nam (VAFIS) theo công nghệ MORPHO được đưa vào vận hành bởi Quyết định số 450/QĐ-BNV ngày 20/8/1995 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Hệ thống này có chức năng: tra cứu 10 ngón xác định tái phạm, tra cứu vân tay hiện trường với vân tay 10 ngón, tra cứu vân tay 10 ngón với vân tay hiện trường trong các vụ án chưa rõ thủ phạm. Chức năng tra cứu truy nguyên tội phạm trên cơ sở tự động đối sánh từng vân tay của can phạm trong CSDL với dấu vết vân tay ở hiện trường để đưa ra kết luận mang tính chiến đấu cao, phát huy hiệu quả tốt. Chính vì thế, ngày 21/10/1999 Tổng cục Cảnh sát có công văn số 2246/C11(C27) thông báo và hướng dẫn chức năng này.
Phát hiện, thu lượm dấu vết đường vân ở hiện trường gửi về Trung tâm VAFIS cùng với việc gửi giám định tại hệ KTHS đã thành nền nếp của Công an các cấp và việc đó đã phát huy hiệu quả tốt trong quá trình phát hiện và điều tra thủ phạm các vụ án có hiện trường được xác định. Nhưng việc phát hiện, thu lượm dấu vân tay; việc nhập vân tay, truyền dữ liệu về Trung tâm ở cơ sở còn lắm việc cần được chấn chỉnh, nâng cao.
-Kỷ niệm 23 năm ngày Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn chuyển giao tàng thư CCCP từ Phòng KTHS sang Phòng HSCS (7/1988-7/2011)-

6 nhận xét:

  1. Vì sao các vụ trộm cắp tài sản (bị lấy hầu như toàn bộ tài sản quí giá trong nhà) khi báo cảnh sát thì họ chỉ lập biên bản đã bị mất trộm mà không tiến hành lấy dấu vân tay hiện trường để điều tra vụ việc trong khi có thể truy tìm thủ phạm qua dấu vân tay?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì thông thường khi phát hiện bị trộm, chủ nhân thường có tâm lý hoảng loạn và làm xáo trộn hiện trường, sẽ làm xê dịch dấu vết, làm ẩn dấu vết ( dấu vân tay chẳng hạn). Do đó công tác tìm kiếm dấu vết đường vân rất khó khăn trong trường hợp này.
      Hơn nữa, giờ tội phạm đủ khôn ngoan để không để lại mấy cái dấu vết này :V

      Xóa
  2. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy các lỗ mồ hôi trên đường vân tay (vân chân) có nhiều hình sạng khác nhau như: hình elip, hình vuông, hình thoi, hình da giác … mỗi một dạng hình có sự tác động khác nhau đến quá trình bài tiết mồ hôi. Đồng thời, vị trí sắp xếp của các lỗ mồ hôi trên đường vân của mỗi người cũng khác nhau: các lỗ mồ hôi có thể sắp xếp ở chính giữa dọc theo đường vân, sắp xếp lệch về một phía dọc theo đường vân, sắp xếp theo dạng hình ziczac … Sao không thấy viết sâu về lỗ mồ hôi trên đường vân tay.

    Trả lờiXóa
  3. dấu vân chân cũng là 1 trong những dấu vết đường vân, sao ko có tài liệu nào nghiên cứu dấu vân chân ạ :(

    Trả lờiXóa
  4. lỗ mồ hôi luôn nằm trên đường vân tay. Khi ngón tay chạm vào các vật, nhờ có mồ hôi tiết ra từ các lỗ mồ hôi trên đường vân tay mà hình ảnh đường vân tay mới lưu lại trên vật. mặc dù lỗ mồ hôi có nhiều hình dạng khác nhau nhưng chúng rất nhỏ, khi để lại trên vật thì dấu vết thu được lại là dấu vết đường vân chứ không phải dấu vết lỗ mồ hôi đâu bạn. nên để phục vụ cho điều tra thì nghiên cứu đường vân hiệu quả và ý nghĩa hơn nhiều.
    đường vân chân cũng thuộc lĩnh vực của khoa học đường vân và điều tra, nhưng không phổ biến bằng vân tay thôi. nghiên cứu vân chân cũng có những đặc điểm giống với vân tay mà Tạ Thu ạ

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân