Sau khi Bộ Tư pháp công bố “Tờ trình dự thảo Luật giám định tư pháp” (dự thảo tờ trình ngày 25/4/2011) thì dư luận lại rộ lên việc có hay không sáp nhập pháp y công an vào pháp y y tế?
Trên thế giới việc tổ chức giám định pháp y không thống nhất. Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử những năm 1960 tổ chức giám định pháp y trong công an ra đời đã đáp ứng yêu cầu giám định trong khi pháp y y tế chưa có, còn non yếu. Thực tiễn mấy chục năm qua pháp y Công an đã phát triển mạnh và vững chắc, đóng góp đáng kể cho công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Nhiều tỉnh, thành phố số vụ việc do PYCA thụ lý giám định chiếm 1/2 số yêu cầu giám định. Thực tiễn cũng chưa thấy vụ việc nào có oan, sai, tắc án do pháp y CA thụ lý giám định. Xung đột kết luận giữa PYCA và PYYT là có song kết luận cuối cùng được HĐXX sử dụng, dư luận đồng tình thuộc về PY của lực lượng nào lại chưa có thống kê đánh giá cụ thể.
Vấn đề không phải ai giám định, người đó thuộc tổ chức nào mà căn bản là trình độ GĐV, phương tiện sử dụng, giám định với phương pháp nào, động cơ gì và cuối cùng kết luận giám định đó có tác dụng với công tác điều tra, truy tố, xét xử không? có góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng đời sống không? Mọi ý kiến cho rằng CA mà có PY thì như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” chỉ là suy diễn. Hơn nữa nếu thế thì làm gì có “Bộ Kỹ thuật hình sự” để quản lý lĩnh vực này mà các GĐV bên Công an “nhập” về như GĐV Pháp y Công an nhập về Bộ Y tế?
PYYT có đặc điểm là dân sự, hiện được phủ sóng gần khắp các tỉnh thành trong toàn quốc. Đồng thời PYYT khi tiếp cận với đương sự dễ dàng, ít bị trở ngại về vấn đề tâm lý. Nhưng kiến thức, ý thức “Luật” có hạn chế, khả năng phân tích, đánh giá dấu vết không cao nên tính nghiệp vụ trong kết luận giám định có hạn chế nhất định.
Ngược lại PYCA được đào tạo bài bản về PY, về pháp luật, được bổ túc thường xuyên và sinh hoạt trong môi trường có tính “nghiệp vụ điều tra” nên tới HT sẽ phát huy hơn nhiều khả năng quan sát, đánh giá về dấu vết và mối tương quan của chúng với hiện trường; lại có tính kỷ luật, cơ động của LLVT khi cần những vụ việc “phản ứng nhanh”...Song hiện tại nhiều tỉnh vẫn chưa có PYCA và việc tuyển đầu vào cũng khó như bên PYYT...
Lịch sử thời gian qua và trong một tương lai gần việc tổ chức giám định pháp y được duy trì và phát triển trong cả 3 ngành: y tế, công an và quân đội, trong đó hệ thống cơ quan giám định pháp y trong ngành y tế là lực lượng nòng cốt, chủ đạo và cần ưu tiên tập trung đầu tư và phát triển; tổ chức giám định pháp y ở Bộ Công an vẫn phải duy trì để cùng với pháp y y tế đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định pháp y hiện nay, đặc biệt với những vụ “Pháp y trong nghề y” là giải pháp tốt cần được nghiên cứu, ứng dụng và cải tiến hơn.
Việc chuyển các giám định viên pháp y trong lực lượng công an sang bên y tế để làm công tác pháp y sẽ không khả thi. Bởi việc “nhập” như thế chẳng có tiền lệ trên bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu. Hơn nữa điều kiện, lề lối làm việc; chế độ, chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên; tâm lý ngành nghề...nên sẽ chẳng có GĐVPY CA nào sang ngang như vậy. Họ sẽ ở lại thực hiện nhiệm vụ giám định dấu vết sinh vật, giám định ma túy hay làm chuyên gia về KNHT các vụ có người chết không tự nhiên của lực lượng Kỹ thuật hình sự và trên thực tế lực lượng pháp y cả nước vốn đã ít ỏi lại thêm mai một và có nguy cơ không còn người!.
Hệ thống tổ chức giám định pháp y trong ngành y tế đã có nhưng chưa đầy đủ và hoàn chỉnh cần được bổ sung, củng cố, hoàn thiện nhiều mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đồng thời những vụ “Pháp y trong nghề y” thì cũng rất cần tiếng nói chuyên môn của người ngoài ngành Y!
Rõ ràng chúng ta đang đứng trước thực trạng “Người ôm chưa ôm nổi, người đang làm lại chưa rõ có được tiếp tục không” nên sẽ là một trở ngại lớn về tâm lý của các GĐV, về chiến lược đầu tư của cơ quan chủ quản. Một vấn đề chưa tìm đủ căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn đủ tin cậy thì không nên quyết định vội vã!
Do đó, theo tôi giữ nguyên hệ thống tổ chức giám định pháp y hiện nay như Pháp lệnh giám định tư pháp là giải pháp khôn ngoan nhất. Có điều cần có những quy định tạo mối quan hệ gắn kết giữa PYYT và PYCA để phối hợp nhau tốt hơn, phát huy bổ sung các mặt mạnh, hạn chế những mặt yếu của từng lực lượng.
Ngày 02/6/2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân