Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Hai năm chờ đợi thực hiện chế độ

Khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg “Về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp” (có hiệu lực từ 01/7/2010) anh em giám định viên khấp khởi mừng thầm nghĩ công lao và chất xám của mình đã được ghi nhận và sẽ được hưởng thù lao chính đáng. Nào ngờ 2 năm rồi vẫn phấp phỏng đợi chờ.

Ở ta đã thành thông lệ: có Luật phải có Nghị định, kèm Thông tư và Công văn... hướng dẫn thực hiện. Điều đó rất đúng và cần. Cũng bởi thế nên để triển khai Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp”, ngày 04 tháng 5 năm 2010 Liên Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ra Thông tư Liên tịch Số 09/2010/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện; ngày 21/6/2010 Bộ Công an có văn bản số 1543/BCA-V22 hướng dẫn thực hiện trong CAND.
Điểm 7 CHỈ THỊ Số: 1958/CT-TTg Ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã yêu cầu: “…các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác dự toán, phân bổ kinh phí thường xuyên bảo đảm việc thanh toán đúng, đủ, kịp thời chi phí giám định, chi phí bồi dưỡng cho người thực hiện giám định tư pháp theo quy định của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; chấm dứt tình trạng nợ đọng chi phí giám định và chi bồi dưỡng người làm giám định trong quý I năm 2011”.
Như vậy, việc thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đã trở thành việc chấp hành pháp luật! Nhưng hiện tại CBCS thực hiện nhiệm vụ này tại các đơn vị liên quan, các đơn vị cấu thành CQĐT và Công an các huyện, thành phố vẫn còn có những ý kiến khác nhau, vướng mắc về một số chi tiết nên chưa triển khai được. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi những người được hưởng và gây không ít khó khăn cho CQĐT, đặc biệt là CQCSĐT cấp huyện khi trưng cầu pháp y thuộc Sở Y tế và các Viện giám định ở Trung ương.
Một số vướng mắc lớn là:
1. Hiện tại các cơ quan chức năng chưa ban hành được “Quy trình thực hiện giám định chuẩn” của từng lĩnh vực giám định. Do vậy rất khó xác định thời gian, khối lượng công việc cần thiết cho việc thực hiện mỗi loại việc giám định để áp mức được hưởng Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày làm giám định. 
2. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công quy định tại Điều 2. còn chung chung nên khó triển khai. Theo THÔNG TƯ Số: 09/2006/TT-BCA-C11 thì trong CAND có 11 lĩnh vực giám định tư pháp (Giám định dấu vết đường vân; Giám định dấu vết cơ học; Giám định tài liệu; Giám định sinh học; Giám định hóa học; Giám định súng, đạn; Giám định cháy, nổ; Giám định kỹ thuật; Giám định âm thanh và Giám định pháp y). Mỗi lĩnh vực như vậy giám định bao nhiêu ngày công, mấy GĐV tham gia và ai quyết định việc đó?
3. Việc ấn định số lượng người được hưởng bồi dưỡng giám định theo quy định ở Điều 1 QĐ74 trong mỗi vụ việc cụ thể do cấp nào, cơ quan nào quyết định và căn cứ vào đâu? “Người giúp việc” có được hưởng 70% mức bồi dưỡng cho GĐV khi giám định các trường hợp nói tại Điều 2 như quy định tại Điều 4 không?
4. Khái niệm “trường hợp” nêu tại Điều 3 QĐ 74 về Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được hiểu là “từng người” bị thương, bị chết hay là “mỗi vụ” bởi có vụ, như vụ cháy nhà ở Phố Mới có 5 nạn nhân, vụ nổ ở Cốc San số nạn nhân lên đến 18!
5. Khái niệm “tử thi được bảo quản theo đúng quy chuẩn” nêu tại khoản 2, 3, 4  Điều 3 QĐ 74 về Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc cũng chưa rõ, dễ gây hiểu không thống nhất.
6. Khái niệm “khai quật” nêu tại khoản 4 Điều 3 QĐ 74 về Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc có bao hàm những trường hợp thi xác bị hung thủ hay đất sạt lở vùi lấp, không phải do chôn cất không?
7. Khái niệm “phức tạp” quy định tại khoản 2, Điều 2 của QĐ 74 do ai, cơ quan nào (CQTC hay CQGĐ) xác định, căn cứ vào tiêu chí nào ?.
8. Việc xác định “đối tượng giám định mang nguồn bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, C”; “đối tượng giám định nhiễm HIV/AIDS hoặc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A”; “môi trường bị ô nhiễm bởi các chất nguy hiểm đến sức khỏe như chất phóng xạ, acid, bazơ hoặc trong vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm” quy định tại khoản 2, 3 của Điều 2 và khoản 5 Điều 3 của QĐ 74 do ai xác định và ai chi trả tiền bồi dưỡng do chuyên gia đó?
9. Khi vụ việc giám định kéo dài nhiều ngày sẽ xẩy ra tình trạng “chồng lấn” ngày giám định thì việc tính bồi dưỡng theo quy định Điều 2 QĐ74 và Điểm 6 Điều 1 TTLT 09 một cách cụ thể như thế nào?
10. Khi có những ý kiến không thống nhất thì Cơ quan Hậu cần có quyền xuất toán tiền bồi dưỡng đã chi của CQĐT và GĐV đã nhận không? Căn cứ?
Trên đây là vài vướng mắc tại địa phương trong quá trình triển khai Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đơn vị đã có phương án cụ thể nhưng một số điểm đã không được chấp nhận. Địa phương đã hỏi, đề nghị nhiều lần, đợi chờ 2 năm mà chưa thấy ai giải đáp, chưa rõ đâu là “cấp có thẩm quyền” hướng dẫn thực hiện đây? Xem ra Quyết định hay Chỉ thị của Thủ tướng chưa thấu đến mấy vị có chức năng này? Hay vướng từ đâu? Kinh phí đã cấp chưa được giải ngân tính sao?
Ai, cơ quan nào giải quyết hay có cao kiến gì mách bảo chắc chắn anh em GĐV, KTV, ĐTV sẽ ghi nhớ công ơn và...hậu tạ!
(Những ngày triển khai Đề án 258 và góp ý dự thảo “Luật giám định tư pháp”)
-*-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân