Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Nghĩ về VIỆC TREO CỜ TỔ QUỐC

Bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào có độc lập, chủ quyền đều là thực thể pháp lí bao gồm 3 yếu tố cấu thành: lãnh thổ (yếu tố vật chất, cơ sở vật chất), dân cư và quyền lực công cộng (các yếu tố tinh thần). Quốc gia là chủ thể cơ bản của luật quốc tế. Chủ quyền quốc gia là đặc trưng cơ bản, quan trọng mà theo pháp luật quốc tế hiện đại, tất cả các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền, biểu tượng quốc gia (A: National symbol, H: 國家象徵, P: Symbole national; như: quốc kỳ, quốc huy, quốc ca,…).

Một trong nhưng biểu tượng đó là Quốc kỳ. Quốc kỳ (國旗, The National Flag) nghĩa: “Lá cờ của Quốc gia” là loại cờ được dùng làm biểu trưng cho 1 quốc gia. Đó là lá cờ chính thức của một dân tộc sống trên một lãnh thổ do một chính quyền quốc gia quản trị, được đa số dân chúng tín nhiệm trong nghĩa vụ bảo vệ sự hiện hữu và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đó. Màu sắc, hoạ tiết in trên mỗi lá QK thường thể hiện ý tưởng chính trị của chế độ nhà nước cầm quyền, sắc thái văn hoá, tinh thần của nhân dân nước ấy.

Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (còn gọi là “Cờ đỏ sao vàng” hay “Cờ Tổ quốc”), nguyên gốc là quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được ra đời và xuất hiện lần đầu vào năm 1940, sau đó chính thức trở thành quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 9 năm 1945 (Sắc lệnh số 5 ký ngày 05/9/1945)  và khi đó các cạnh ngôi sao khác với hiện tại, nó là đường cong . Sau 4/1975, Cờ đỏ sao vàng tiếp tục trở thành quốc kỳ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua ngày 02/7/1976 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Việt Nam khóa VI (1976-1981) diễn ra từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976.

Đây còn là biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.  

Theo quy định, Quốc kỳ Việt Nam có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Ý nghĩa của lá cờ với nền màu đỏ tượng trưng cho màu của cách mạng, máu của các anh hùng, ngôi sao vàng ở giữa tượng trưng cho linh hồn dân tộc và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia cách mạng sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết kháng chiến.

Trong đó:

    -Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ.

   - Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao (trung tâm của sao) đến đầu cánh sao bằng1/5 chiều dài của Quốc kỳ.

    -Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ.

    -Tạo hình ngôi sao: đường kính ngôi sao tỷ lệ bằng 4/10 chiều ngang lá cờ, từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu.

    -Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau.

    -Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi.

Việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết, thể hiện niềm trân trọng của mỗi chúng ta đối với những người đi trước đã phải đổ biết bao mồ hôi xương máu, chiến đấu để giành độc lập, tự do cho đất nước.

Đó còn là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Treo cờ Tổ quốc trang trọng trong những ngày lễ lớn, ngày Tết cổ truyền của dân tộc là thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào của mỗi công dân Việt Nam, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phồn vinh. Đó còn là sự thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha, anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó cũng là khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hiện nay, quy định treo cờ Tổ quốc trong dân hoặc tại các cơ quan, tổ chức được thực hiện theo Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL ngày 2-10-2012 về việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và phải tuân thủ một số quy định như sau:

    Khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao.

    Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao.

    Chỉ treo cờ rủ khi có quốc tang. 

    Mặt khác, là địa phương thường có những hoạt động đối ngoại và khi đó cờ Việt Nam luôn được treo ngang, với kích thước bằng cờ của nước đối tác và luôn ở bên trái nếu nhìn từ trên xuống!

Treo cờ Tổ quốc tại các hộ gia đình: Các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc trước mặt trước ngôi nhà, tại vị trí trang trọng; điểm treo cờ cách mặt đất tối thiểu 02 mét.

Đối với hộ gia đình có cổng tại mặt trước ngôi nhà thì cờ Tổ quốc được treo lên cổng; đối với các hộ gia đình có tường nhà mà không có cổng thì treo cờ Tổ quốc lên tường mặt trước ngôi nhà; đối với các hộ gia đình ở nhà cao tầng thì treo cờ Tổ quốc ở lan can tầng đầu tiên của mặt trước nhà. Ở Tổ Dân phố tôi, các hộ thống nhất dùng cờ “khổ trung” với kích thước 90 x 120 cm và hộ nào cũng đã lắp “ke” bằng nhôm gắn vào cột ở mặt tiền. Khi cần treo, mọi người đem cờ (có cán) căm vào ke và khi thôi thì tháo cất đi. Khá tiện.

Các quy định cấm:

Sử dụng cờ Tổ quốc không đúng quy định về kích thước, tạo hình.

Sử dụng cờ Tổ quốc đã bạc màu, rách, vá hoặc có nhiều đường nếp gấp.

Sử dụng cờ Tổ quốc trên vỉa hè, lối đi, đường dẫn vào nơi tổ chức sự kiện.

Sử dụng cờ Tổ quốc cắm trên các loại xe ô tô (trừ xe ô tô của Đại sứ, các lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và khi đưa, đón đại biểu Chính phủ nước ngoài).

Treo cờ Tổ quốc ở những nơi khuất, tối; treo cờ Tổ quốc dưới bảng hiệu, biển quảng cáo kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh; treo cờ dưới những vật dụng không đảm bảo mỹ quan.

Thời gian treo:

    Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.

    Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của trung ương và chính quyền địa phương:

+ Tết Nguyên đán dương lịch,

+ Tết Nguyên đán âm lịch,

+ Kỷ niệm tổng tuyển cử: 6 tháng 1,

+ Ngày Quốc tế lao động: 1 tháng 5,

+ Kỷ niệm sinh nhật Chủ Tịch Hồ Chí Minh: 19 tháng 5,

+ Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám: 19 tháng 8,

+ Ngày Quốc Khánh: 2 tháng 9

+ Ngày kỷ niệm trang trọng của địa phương,...

    Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức míttinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua, thực hiện các phong trào cách mạng.

Hiện tại không có văn bản nào quy định vể các hình thức xử phạt trong trường hợp không tuân thủ việc treo quốc kỳ trong những ngày lễ, tết. Tuy nhiên, như một hình thức biểu hiện sự tôn trọng và cũng là truyền thống, hầu hết các gia đình hoặc tại các công sở đểu treo quốc kỳ trong các ngày lễ, tết của dân tộc.

Chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2017 sửa đổi, bổ sung xử phạt nặng nhiều hành vi trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng. Đáng chú ý là quy định về “Treo cờ Tổ quốc không trang trọng bị phạt 5 triệu”.

Ngoài ra, cần chú ý “tội xúc phạm quốc kỳ theo Điều 276 của Bộ luật Hình sự” là tội phạm hình sự, phải bị phạt tù, phạt tiền,…

Lá cờ Tổ quốc đã thấm máu” bao thế hệ cha anh, đã thực sự trở thành “hồn thiêng sông núi”, cần được tôn trọng và gìn giữ. Việc treo cờ, hạ cờ, gìn giữ cờ rất quan trọng và thiêng liêng. Đáng tiếc có lúc, có nơi, có người chưa thật chú trọng, mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều.

Nói thế nhưng cũng không thể trách dân hoàn toàn được. Nhiều lần tôi thấy việc quy định treo cờ của chính quyền địa phương kéo dài và chưa tương xứng với sự kiện sắp và đang diễn ra. Hơn nữa, đội ngũ CBĐV cốt cán khu dân cư còn chưa thực sự gương mẫu và đôn đốc rốt ráo!

Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Trung ương cần có quy định cụ thể, có tính khả thi về vấn đề này. Trong đó quy định cả chế tài cụ thể!

-Lương Đức Mến, dịp Kỷ niệm ngày 18/11-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân