Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Tìm hiểu về HỖN THỦY MẠC NGƯ

Trong 36 kế của Trung Hoa cổ đại có một kế khá hay và được dùng đến tận ngày nay. Đó là kế Hỗn thủy mạc ngư.

Đây là kế thứ 20 hay 1 trong 5 kế thuộc nhóm thứ tư “Hỗn chiến kế” trong “Ba mươi sáu kế” 三十六計 hay Tam thập lục kế 三十六策 với 6 nhóm (Thắng chiến kế, Địch chiến kế, Công chiến kế, Hỗn chiến kế, Tịnh chiến kế và Bại chiến kế) là một bộ sách tập hợp 36 sách lược quân sự của Trung Quốc cổ đại.

Hỗn thủy mạc ngư 混水摸魚 diễn nôm là “Đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế để ra tay đạt mục đích”. Nghĩa đen là: Nước trong thì khó bắt cá vì thò tay xuống là cá thấy mà chạy còn nước đục thì dễ bắt dù là bằng tay không cho nên phải khuấy cho nó đục lên. Trong chiến trận, “Khi địch hỗn loạn, mất phương hướng chính là lúc tìm sơ hở, khống chế và lấy đi lợi ích mà địch hoàn toàn không biết”.

Kế này xuất phát từ điển cố: Trận Phì Thủy  淝水之戰 nổi tiếng năm 383 thời Đông Tấn - Ngũ Hồ thập lục quốc  (304-439)  giữa quân Tiền Tần (前秦, 350-394) và quân Đông Tấn (東晉, 317-420)

Khi đó, dù chưa chiếm được Đông Tấn nhưng nhà Tần vẫn chiếm ưu thế, dẹp yên nội loạn, lấn được nhiều đất đai, tạo thế bao vây Đông Tấn. Do đó Vua Tiền Tần quyết tâm diệt hẳn Đông Tấn, bất chấp sự can gián của triều thần. Tháng 8 năm 383, Phù Kiên (苻堅, 377-387) dẫn 90 vạn quân Tiền Tần gồm nhiều sắc tộc Ngũ Hồ và Hán rầm rộ xuống phía nam.  

Ban đầu, với ưu thế về quân số, Phù Kiên tấn công phủ đầu của quân Tấn. Nhưng quan quân nhà Tấn chống cự quyết liệt và Tạ Huyền (謝玄, 343-388) quyết định tận dụng thời cơ quân Tần chưa đến toàn bộ đã tung toàn lực tấn công. Tháng 11 năm đó, Tạ Huyền sai Lưu Lao Chi 劉牢之 mang 5000 quân đến Lạc Gián 洛澗 nhưg khi còn cách Lạc Gián 10 dặm thì bị quân Tần chặn lại. Lao Chi dũng cảm cho quân vượt sông, đánh bại quân Tần. Quân Tần thua chạy, chết đuối đến hơn 1 vạn người. Tạ Huyền lại phái quân thủy, lục đến tiếp ứng, đánh quân Tần thua to.

Phù Kiên đứng trên núi Bát Công thấy quân Tấn dũng mãnh bắt đầu lo lắng, bèn sai bộ tướng của Phù Dung (苻融, 340?383, em ruột Vua, tước Phong dương Bình ai Công 封阳平哀公, chức Chinh Nam Đại tướng quân 征南大將軍) là Kỳ Liệt mang quân đóng ở bờ bắc sông Phì Thủy. Khi đó, quân Tiền Tần ở bờ tây còn quân Tấn ở bờ đông. Tạ Huyền bèn sai sứ đến nói với Phù Dung rằng: “Ông là người tinh thông binh pháp, vậy lại dàn quân ngay mặt trước, như thế là có ý lưu lại đánh lâu ngày, không muốn thắng nhanh. Chi bằng hãy lui lại phía sau một ít để quân tôi qua sông, quyết một trận sống mái cho xong!”

Phù Kiên muốn nhân lúc quân Tấn qua nửa sông thì đánh úp nên chấp thuận đề nghị đó trong khi các tướng Tần phản đối. Phù Dung tán đồng ý kiến của Vua anh, bèn hạ lệnh cho quân lui lại để chờ quân Tấn. Quân Tần đông, rút lui dần dần loạn đội hình, Phù Dung không ngăn lại được. Tạ Huyền thừa cơ thúc quân qua sông tấn công vào quân Tần. Quân Tần bị giết rất nhiều. Phù Dung ngã ngựa chết trong đám loạn quân.

Tạ Huyền thừa thắng đuổi theo quân Tần đến tận huyện Thọ, thu được rất nhiều khí giới và 10 vạn con trâu, bò, ngựa; sau đó lấy lại thành Thọ Xuân. Phù Kiên dẫn tàn quân chạy về Hoài Bắc.

Kết quả là quân Tần đại bại dù đông quân gấp 10 lần quân Tấn. Không chỉ quân Tiền Tần tan nát mà bản thân Phù Kiên cũng bị thương.

Trận chiến Phì Thủy, với đại thắng của quân Đông Tấn, được đánh giá là trận đánh quan trọng nhất thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, và cũng được xem là một trong những trận "lấy ít thắng nhiều" tiêu biểu nhất trong lịch sử. Sau thảm họa Phì Thủy, Tiền Tần không thể nào vực dậy được nữa, và hai năm sau thì sụp đổ hoàn toàn, trong khi Nhà nước Đông Tấn vẫn vững tồn nhờ đại thắng này.

Kế sách Hỗn thủy mạc ngư sau được các tướng cầm quân áp dụng nhiều trong chiến trận, thương trường,…và thu được nhiều thắng lợi.

-         Lương Đức Mến, 27/10/2022-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân