Giữa 2004 gì đó, một hôm anh em báo cáo rằng, có một hộp to, đóng gói cẩn thận được gửi lên từ một cơ quan giám định ở Hà Nội, ghi rõ người nhận là đơn vị mình nhưng tra không thấy yêu cầu của địa phương.
Tôi liền xuống Văn thư cùng xem xét.
Sau khi mở hộp ngoài, đập vào mắt mọi người là dòng chữ viết trên giấy niêm phong hộp trong: “kg Công an tỉnh L/C” (chứ không ghi rõ là Lào Cai như vỏ hộp bên ngoài).
Tôi cho anh em niêm phong bồi ngoài hộp cũ và chuyển về đơn vị.
Mấy hôm sau, Kết quả giám định được gửi đến đơn vị mới hay hộp kia là hộp chứa vật chứng trong một vụ xẩy ra ở Lai Châu. Sau đó, cả TBKQGĐ và Hộp đựng VC còn nguyên niêm phong đã được chuyển đến đơn vị thụ lý theo đúng quy định và thông lệ!
Số là: Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết Số: 22/2003/QH11 chia tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên, cùng lúc đó, chuyển huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu quản lý.
Do con người, phương tiện còn chưa đủ nên Lai Châu (tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Tam Đường, đến 2004 thành lập thị xã Lai Châu) chưa thể triển khai được tất cả các lĩnh vực giám định.
Để đáp ứng yêu cầu công tác và sau khi đã thống chung giữa các cơ quan có thẩm quyền và lãnh đạo 2 địa phương, một số lĩnh vực chuyên ngành riêng thuộc công tác giám định mà Lai Châu có yêu cầu sẽ do phòng KTHS Công an tỉnh Lào Cai thực hiện. Riêng yêu cầu của Than Uyên có thể chuyển thẳng ra phòng như khi còn thuộc tỉnh Lào Cai.
Thế mới nên chuyện: người thực hiện chuyên môn ghi tắt L/C nghĩa là Lai Châu, người vận chuyển nghĩ đó là Lào Cai!
Vừa rồi rộ lên chuyện “nhập tỉnh” mà cả 2 LC đều thuộc diện phải xét (về diện tích và mật đố dân số). Vì vậy, trong khi vui chuyện mấy ngày nghỉ, có bạn hiến kế: nhập 2 tỉnh vào, lấy tên là “Lào Lai” có khi hay!
Đấy là chuyện mai hậu và không phải việc của thảo dân. Nhưng có việc tôi nhớ đời và luôn nhắc thuộc cấp: Trong công tác chỉ viết tắt những cụm từ thông dụng, không thể hiểu khác được!
Cốt sao tránh dịch tên một loại thuốc lá là CAPSTAN thành “công an phường sẽ túm anh ngay” là không được! Ráo riết thế mà có lần lính tôi viết: “nạn nhân bị vỡ Lách” (A: Spleen, P: Rate, H: 脾臟 tức Tỳ, gần như một hạch Bạch huyết ở trong ổ bụng có tác dụng lọc máu khá dễ vỡ khi có chấn thương mà nhiều khi là vỡ 2 thì!) thành ra “bị vỡ Nách” (A: Armpit, P: Aisselle, H: 腋窩, mặt dưới hõm chỗ cánh tay nối với sườn và chả mấy chấn thương đến vỡ!), báo hại chúng tôi phải giải trình mấy lần!
- Lương Đức Mến, 02/5/2022-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân