Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

LƯỢC SỬ KHHS VIỆT NAM

Nếu như nền KHHS hiện đại của thế giới đã bước sang thế kỷ thứ 2[1] thì lịch sử KHHS Việt Nam mới gần 70 năm (kể cả những việc mà chính quyền thực dân buộc phải triển khai). Trên thực tế, phải tới ngày mà công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc được tiến hành thì vai trò của KTHS mới được chính thức ghi nhận. Nhưng biện pháp này đã được chính quyền Cách mạng triển khai ngay từ khi Cách mạng mới thành công.
1. Thời kỳ phôi thai
Tháng 8/1945 cùng với việc ra đời của chính quyền dân chủ, các tổ chức đầu tiên của Công an Việt Nam hình thành[2] trong đó có các đơn vị tiền thân của lực lượng Kĩ thuật hình sự là các Ban Căn cước gồm những CBCS chiếm lĩnh phòng hồ sơ, bộ phận căn cước của Sở Liêm phóng. Khi đó tổ chức của KTHS được hình thành, là các phòng (ban) căn cước nằm trong Sở Liêm phóng, Sở Cảnh sát Bắc bộ, Sở Trinh sát Trung bộ, Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ và khắp các Ty Trinh sát trong cả nước.
Ngày 21/02/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL sát nhập các tổ chức Công an đầu tiên thành Việt Nam Công an vụ sau đó Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121/NĐ ngày 15/4/1946 quy định về tổ chức của Việt Nam Công an vụ thì các Ban căn cước thuộc Ty Chính trị. Khi Thứ Bộ Công an (16/02/1953) rồi Bộ Công an (28/8/1953) được thành lập thì Phòng Căn cước được gọi là Phòng 5 và nằm trong Vụ Trị an hành chính. Ngay trong những ngày trứng nước đó, nhà nước đã sớm ban hành các Văn bản pháp lý về vấn đề này. Đó là Sắc lệnh 68/SL ngày 30/11/1945 và Sắc lệnh số 162/SL ngày 25/6/1946 của Chính phủ về “trưng dụng”, “trưng tập” nhân viên y tế phục vụ công tác điều tra, xét xử. Có thể nói đây là những văn bản pháp lý đầu tiên có đề cập đến pháp y, giám định pháp y nói riêng và giám định tư pháp nước nhà nói chung.
Thời kỳ này, để có đủ lực lượng đảm nhận công việc bộn bề sau ngày giành chính quyền, Đảng đã tăng cường, bổ xung cán bộ cho Công an. Đó là cán bộ của Đảng, của Mặt trận Việt Minh cử sang; các cán bộ, chiến sĩ Giải phóng quân; các hội viên đoàn thể quần chúng bổ xung; những thanh niên yêu nước, có tri thức, sức khỏe, nhiệt tình đã từng tham gia các tổ chức cứu quốc lúc bấy giờ và có cả những nhân viên lưu dung. Vì thiếu cán bộ chuyên môn, chưa kịp đào tạo và thực hiện đường lối Đại đoàn kết của Bác Hồ nên một số "nhân viên cũ, hạnh kiểm xứng đáng và có đủ sức khoẻ..." được lưu dung theo Nghị định ngày 24/9/1945 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp. Riêng nhân viên căn cước có ông Nguyễn Địch Trung, người có nhiều kinh nghiệm đã được giữ lại và đã có nhiều cống hiến quan trọng cho việc hình thành, hướng dẫn chuyên môn, đào tạo cán bộ và phát triển công tác Kĩ thuật hình sự của Việt Nam. Chính sách lưu dung là một chủ trương đúng và cần thiết[3].
Do có những chủ trướng đúng đắn, kịp thời như vậy nên tuy còn non kém về tay nghề nghiệp vụ nhưng lực lượng KTHS đã lập công lớn ngay buổi đầu. Đó là: sớm làm chủ, khai thác tàng thư của địch để lại tra cứu, phát hiện hàng trăm tên mật thám, tình báo, phản động; cung cấp nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho việc chuẩn bị nhân sự các ứng viên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Đặc biệt Qua KNHT và giám định đã góp phần khám phá nhiều vụ án quan trọng. Việc này đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp của KTHS Công an Việt Nam.
2. Trong những năm kháng chiến kiến quốc
Để phù hợp với tình hình mới, cả nước được chia làm 12 Khu, các cơ quan đầu não đã tạm rời Thủ đô lên ATK Việt Bắc. Lúc này lực lượng KTHS phải tận dụng các công cụ thô sơ để bảo quản và vận chuyển căn cước, tài liệu, phương tiện lên ATK vừa khai thác phục vụ công tác đánh địch, vừa trực tiếp thực hiện bảo mật phòng gian, tham gia phá án, chống càn.
Mặc dù bận bao việc của kháng chiến gian khổ, năm 1948 Ty Tuyên- Nghiên - Huấn đã cho xuất bản cuốn Khoa dấu vết (tập 1) và Tả nhân dạng (tập 2), tiếp năm 1949 cho ra đời cuốn Khoa điểm chỉ và 1950 là cuốn Khoa tả nhận dạng phổ thông. Đây là những tài liệu đầu tiên đặt nền móng cho việc đào tạo cán bộ. 110 nhân viên căn cước được đào tạo tại Tuyên Quang sau này trở thành hạt nhân công tác KTHS các địa phương. Ngày 15/01/1950 tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V, lần đầu tiên Đề án về căn cước đã được đề cập cả về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Hội nghị đã xác định: “Cần phải chấn chỉnh lại tổ chức và hoạt động để chuẩn bị cho thời bình và có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển, làm tròn nhiệm vụ của nó…”.
Ngày 02/9/1950 Liên bộ Tư pháp-Nội vụ ra Thông tư liên bộ số 1909-VHC về theo dõi lý lịch căn cước bị can, giao cho các Phòng căn cước lập căn cước người bị bắt. Năm 1951, 1952 Ban Bí thư TW Đảng ra Nghị quyết về công tác Công an, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 (22-29/8) đã ra 7 kết luận về công tác Công an đều nói đến điều tra và việc lập căn cước, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng của Công an. Ngày 16/02/1953  Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha CA thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Chính phủ do Đ/c Trần Quốc Hoàn làm Thứ trưởng.
Ngày 27-29/8/1953 Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đ/c Trần Quốc Hoàn được giao làm Bộ trưởng mà trong mô hình có bộ phận điều tra được gọi là Vụ Chấp pháp. Những năm 1951-1954 mô hình tổ chức CA đã có đến cấp xã, do đó công tác điều tra cũng được thấu suốt hơn, các Ty đều có Tổ điều tra thuộc Ban trị an hành chính. Khi đó, bộ phận KTHS gọi là Phòng Căn cước (Phòng 5) và nằm trong Vụ Trị an hành chính. Các địa phương là bộ phận trực thuộc Ban Trị an hành chính.
Cũng từ đây lực lượng Công an cùng quân dân cả nước bước vào trận Tổng phản công cuối cùng, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm. Trong giai đoạn này, tiền thân của KTHS là bộ phận căn cước đã có những bước tiến và đóng góp đáng kể, đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ thống các văn bản pháp quy về KTHS sau này .
Thực hiện sự chỉ đạo đó, lực lượng KTHS toàn quốc đã cố gắng vừa XDLL, vừa học, vừa làm đóng góp nhất địch vào thành tích chung. Cụ thể đã góp phần khám phá thành công vụ tham ô ở Cao Bằng, Hà Giang, Công ty Hải Lạng…; phối hợp với lực lượng điều tra quân đội phá vụ án tham ô của Cục trưởng Quân nhu Trần Dụ Châu. Những chiến công xuất sắc đó đã đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng CAND Việt Nam trong đấu tranh chống bọn phản động, các cơ quan tình báo, gián điệp Pháp và can thiệp Mỹ được huấn luyện cẩn thận và trang bị đầy đủ, chống bọn tha hoá, lưu manh. Nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng có người làm sai, đặc biệt sa đoạ, biến chất đến vi phạm pháp luật đều đã phải trả giá.
3. Trong thời kỳ cả nước tiến hành đồng thời 2 cuộc Cách mạng
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Trung ương trở lại Thủ đô thì ngày 22/11/1954 Phòng căn cước từ Chiến khu chuyển về 87 Trần Hưng Đạo và hệ thống tàng thư căn cước đã được xây dựng thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Để đẩy mạnh công tác KHHS đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn Cách mạng mới, ngày 21, 22, 23/8/1957 Bộ Công an tổ chức Hội nghị Kĩ thuật hình sự lần thứ Nhất tại Hà Nội và ra Nghị quyết XH-50 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Những khái niệm cơ bản nhất, những nhiệm vụ trọng tâm về KHHS, về KTHS đã được chính thức đề cập, xác định “Công tác kĩ thuật khoa học hình sự chính là một trong những biện pháp nghiệp vụ kĩ thuật rất quan trọng của ngành Công an”. Đồng thời xác định: “KTHS gồm 7 mặt công tác lớn là: Lập căn cước can phạm; Tham gia lập và cấp Giấy chứng minh cho nhân dân; Xây dựng tàng thư Danh, Chỉ bản; Tích lũy án tích; Truy nã, đình nã; Công tác KNHT; Huấn luyện và đào tạo cán bộ”. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của CAND về xây dựng lực lượng, xác định phương hướng, tư tưởng chỉ đạo cho công tác KHHS. Hiện nay một số luận điểm tại Nghị quyết không còn phù hợp nhưng khi đó Nghị quyết thực sự trở thành cẩm nang để các địa phương, đơn vị xác định phương hướng xây dựng ngành, tiến hành biện pháp công tác KTHS, là tiền đề cho sự phát triển của KHHS trong các giai đoạn sau. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó của Hội nghị này mà tháng 6/1998, Bộ trưởng BCA Lê Minh Hương đã nhất trí, sau đó ngày 02/4/2002, Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã ký Quyết định chính thức lấy ngày 23 tháng 8 hằng năm làm Ngày Truyền thống của lực lượng KHHS Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết đó, 50 năm qua cùng với sự trưởng thành của toàn lực luợng CAND, KHHS ngày càng tỏ rõ vai trò to lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Về mặt tổ chức, ngày 22/4/1960 Bộ thành lập Phòng Kỹ thuật khoa học hình sự (P3) thuộc Cục Kĩ thuật nghiệp vụ (C39). Các địa phương cán bộ KTHS biên chế thành các tổ (đội) trực thuộc ban Trinh sát, phòng Trinh sát kỹ thuật hoặc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo, ty Công an. Bộ ra chỉ thị số 01-P3/C39 về tăng cường công tác KTHS và đó là Chỉ thị đầu tiên của Bộ về công tác KTHS.
Để Xây dựng lực lượng KTHS, trong thời gian này nhiều cán bộ trong Quân đội, Công an vũ trang và sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp ở trong nước về công tác tại Phòng Kỹ thuật khoa học hình sự; hàng trăm lượt cán bộ được cử đi đào tạo về KTHS ở Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc và các nước XHCN khác bên cạnh việc mời chuyên gia Bộ Nội vụ nước CHDC Đức sang đào tạo về công tác này. Do đó các lĩnh vực giám định mới: giám định hóa-sinh, giám định pháp y và giám định cơ điện đã được triển khai.
Do vậy trong công tác KN và GĐ đã thu được nhiều kết quả tốt. Một số vụ án điển hình đã được đưa vào giáo trình và nhiều tờ báo, sách truyện đã đề cập
Ngoài ra, lực lượng KTHS chi viện cho chiến trường miền Nam và đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu nghiên cứu, chế tạo mìn hẹn giờ cung cấp cho chiến trường miền Nam tiêu diệt địch; chuẩn bị cho viện xây dựng lực lượng KTHS công an các tỉnh và thành phố miền Nam; tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật của địch để lại, khai thác hồ sơ phục vụ cách mạng; xây dựng lực lượng KTHS miền Nam.
4. Thời kỳ cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đầu những năm 1970, ta được Bộ Nội vụ nước CHDC Đức giúp xây dựng trụ sở Viện KHHS tại Tam Đảo, Vĩnh Phú (khởi công năm 1973, khánh thành 1978). Ngày 19/5/1978 Bộ trưởng kí Quyết định số 77 và 78/NV/QĐ về việc tách phòng Kĩ thuật hình sự ra khỏi Cục kĩ thuật, thành lập Viện Khoa học hình sự (D44). Từ đây chúng ta bắt tay vào việc Kiện toàn tổ chức, lực lượng KTHS để đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ tái xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc (1979-1986).
Về tổ chức, ngoài việc thành lập Viện KHHS (1978), ngày 10/7/1981, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đá ra Quyết định thành lập phòng KTHS và Phòng CSĐTXH-KTHS ở một số Công an tỉnh và thành phố trong cả nước. Lực lượng  KTHS trở thành hệ nghiệp vụ của lực lượng Công an từ trung ương tới địa phương.
Khi thực hiện Nghị định 250/CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về Nhiệm vụ, quyền hạn, Tổ chức bộ máy của lực lượng CAND thì Viện KHHS trực thuộc Tổng cục Cảnh sát nhân dân (Mật danh C21), với trụ sở đóng rải rác khắp Hà Nội và trụ sở chính thức tại Gia Khánh, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ngày 10/7/1981, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ra Quyết định thành lập phòng KTHS đầu tiên ở một số Công an tỉnh và thành phố trong cả nước. Từ đó, lực lượng  KTHS trở thành hệ nghiệp vụ hoàn chỉnh của lực lượng Công an. Sau đó, ngày 11/11/1986 thành lập Phân viện KHHS tại thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ cho các yêu cầu chiến đấu và chỉ đạo nghiệp vụ cho lực lượng KTHS  các tỉnh phía Nam. Đây là thời kỳ đất nước đang bị Mỹ bao vây cấm vận, kinh tế lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch tìm cách phá hoại ta về nhiều mặt. Nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm hết sức tinh vi xảo quyệt. Lực lượng Công an phải đương đầu với những thách thức lớn để bảo vệ ANCT và trật tự ATXH. Lực lượng KTHS đã có rất nhiều cố gắng và đã lập được nhưng thành tích xuất sắc trên tất cả các mặt công tác.
Trong KNHT và giám định dấu vết, góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ án lớn.
Để công tác KNHT được thực hiện theo một quy trình thống nhất, khắc phục những tồn tại trong công tác này, lực lượng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành “Quy trình công tác điều tra hiện trường” năm 1984 và “Quy định về tổ chức điều tra tại hiện trường” năm 1986. Đây là những văn bản pháp lý đầu tiên và rất có giá trị.
5. Trong thời kỳ đổi mới
Tận dụng thời cơ, phát huy những kinh nghiệm đã tích lũy được, lực lượng KTHS đổi mơí trang bị phương tiện, đáp ứng tốt các yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn cách mạng mới.
Để nâng cao tính pháp lý và hiệu quả công tác, đã tham mưu cho  nhà nước và Bộ ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác KTHS trong đó có việc triển khai thực hiện Quyết  định 74/TTg của Chính phủ về bồi dưỡng giám định tư pháp; xây dựng Đề án " Hiện đại hóa công tác KTHS"...
Nhờ đó LLKTHS đã có chỗ dựa pháp lý để củng cố và tăng cường công tác tổ chức biên chế và hệ thống KTHS đã dần được hoàn chỉnh hơn.
Do vậy toàn lực lượng đã liên tục lập chiến công. Đến nay, lực lượng KTHS đã có một đội ngũ cán bộ 3000 đồng chí, trong đó trên 2000 đồng chí tốt nghiệp đại học (chiếm hơn 70%), 5 đồng chí được Nhà nước phong hàm GS, PGS, 31 đồng chí có học vị Tiến sỹ, 28 Thạc sỹ, nhiều đồng chí đang làm nghiên cứu sinh, đang học Thạc sỹ trong nước và ngoài nước...Triển khai được tất cả các lĩnh vực giám định KTHS mà thế giới hiện có.
Như vậy, nhiều vụ án hình sự hay chính trị có sự góp sức của lực lượng KTHS trong công tác KNHT, tra cứu tàng thư dấu tay, giám định KTHS-PY. Lực lượng KTHS con chi viện cho an ninh miền, thực hiện việc sản xuất giấy tuỳ thân và mìn hẹn giờ phục vụ công tác tại chiến trường. Bên cạnh những lĩnh vực giám định truyền thống như đường vân, chữ viết, súng đạn, pháp y..., nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới đã được áp dụng vào nước ta. Như là Giám định âm thanh, giám định Gen AND...
Cơ quan đầu ngành, Viện KHHS với trụ sở đóng Gia Khánh, Tam Đảo, Vĩnh Phúc đo CHDC Đức giúp xây dựng đi vào hoạt động từ 1978 nhưng thực ra mọi hoạt động diễn ra tại các cơ sở nằm rải rác ở Hà Nội. Đến 21/4/1994 công trình trên Tam Đảo được bàn giao cho Cục Cảnh sát Trại giam và Viện KHHS chuyển về trụ sở mới khang trang, hiện đại ở Hà Nội ở Số 99 đường Nguyễn Tuân, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hiện nay, theo QUYẾT ĐỊNH số 454/QĐ-BCA ngày 04 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an thì Viện KHHS trực thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, có 6 phòng, 2 Trung tâm và 2 Phân Viện (đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Trong mô hình mới, Viện không còn Phòng Kỹ thuật Phòng, chống tội phạm và tách Trung tâm giám định Pháp y- Sinh vật ra làm hai. Chức năng chống tội phạm đã được chuyển sang Vieenjchuyeen ngành khác; nhiệm vụ “Tổ chức hoạt động kỹ thuật phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác” của Viện KHHS là nhiệm vụ mới của tất cả các phòng trong Viện.
Viện có một đội ngũ các GĐV gồm các chuyên gia được đào tạo cơ bản về công an và chuyên ngành giám định, được trang bị hiện đại. Các lĩnh vực giám định chữ viết, súng đạn, ma tuý, sinh vật, âm thanh...có nhiều tín nhiệm.
6. Chức năng nhiệm vụ của KTHS hiện nay
KTHS là một bộ phận cấu thành của Khoa học hình sự trong hệ thống khoa học pháp lý; KTHS nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND (phát hiện, thu thập, bảo quản, giám định dấu vết hình sự; xác lập đấu chứng cứ, xác định nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ việc, triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng, chống tội phạm phuc vụ công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác).
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Bộ luật TTHS 2003, Pháp lệnh tổ chức Điều tra hình sự 2004, Pháp lệnh số 24 và Nghị định số 67 về Giám định tư pháp 2004), lực lượng KTHS có 3 nhiệm vụ chính là:
1. Tham gia KNHT các vụ việc có tính hình sự,
2. Thực hiện 10 lĩnh vực giám định tư pháp về KTHS và giám định tư pháp về pháp y theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức xã hội và công dân;
3. Tiến hành biện pháp kỹ thuật phòng chống tội phạm.
7. Truyền thống vẻ vang của lực lượng KTHS
Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng Kỹ thuật hình sự đã xây đắp nên những truyền thống vẻ vang, góp phần tô thắm truyền thống lực lượng CSND Việt Nam “Mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”:
- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Nhà nức; suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì An ninh Tổ quốc.
- Vì nhân dân phục vụ, dựa vào nhân dân để công tác và chiến đấu thắng lợi.
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, mưu trí, sáng tạo, tận tuỵ trong công tác KNHT, giám định KTHS và phòng chống tội phạm.
- Đoàn kết thống nhất, dân chủ, chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định liên quan, kỷ luật nghiêm; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn, năng lực công tác; tiếp thu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả thành tự khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ công tác.
- Nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế, có nghĩa có tình.
8. Những phần thưởng cao quý
Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng Kỹ thuật hình sự đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thuởng cao quý:
 - 2 đơn vị được Nhà nước tuyên dương Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (PC21 CA Hà Nội và Phòng Giám định dấu vết truyền thống, Viên KHHS); nhiều tập thể đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” nhiều năm liền.
- 01 Huân chương Quân công hạng Nhất; 03 Huân chương Quân công hạng Nhì; 01 Huân chương Quân công hạng Ba.
- 66 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 07 Huân chương Chiến công hạng Ba, tặng thưởng nhân dịp 40 năm bảo vệ chính quyền cách mạng.
- 04 Huân chương Hữu nghị vì có thành tích trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế…
Ngoài ra đơn vị thuộc Viện KHHS và các Phòng KTHS các địa phương, nhiều lượt CBCS KTHS được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh...về công tác XDLL, Giám định tư pháp và KNHT.
9. Kết luận
Đồng hành cùng quá trình xây dựng, bảo vệ chính quyền Cách mạng, trong đội ngũ cấu thành lực lượng CAND Việt Nam, lực lượng KTHS đã vừa xây dựng và chiến đấu và từng bước trưởng thành. Trong quá trình đó lực lượng KTHS luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các thế hệ lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát PCTP và lãnh đạo Công an các cấp. Đồng thời có sự cố gắng vượt bậc của các thế hệ cán bộ KTHS đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có bản lĩnh vững vàng, chịu khó học hỏi, tự nâng cao trình độ.
Do đó KTHS đã giành được nhiều chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật, liên tục lập công đóng góp đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ những  năm đầu đất nước mới  giành độc  lập (1945-1954) cho đến những năm tiến hành công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1955-1978); những năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1979-1986) và trong thời kỳ đổi mới (từ 1987 đến nay) các thế hệ lực lượng KTHS đã xây đắp nên những truyền thống vẻ vang và đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý. Hiện nay lực lượng KTHS đang nỗ lực đổi mới trang bị phương tiện, đáp ứng tốt các yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn cách mạng mới.
Phát huy truyền thống 55 năm qua, với đội ngũ mới, trang bị mới, cơ chế mới, hành lang pháp lý mới chắc chắn LLKTHS và công tác KTHS sẽ vươn lên, đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng cao trong tình hình mới.
Bài viết nhân Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng Kỹ thuật hình sự (23/8, 1957-2012).
(dựa theo Đề cương tuyên truyền của Viện KHHS và nhiều tài liệu khác. Những chi tiết thuộc về bí mật của lực lượng đã được lược bỏ.)


[1] Nếu tính mốc khởi đầu từ năm 1879 khi Alphonse Bertillon (1853-1914) tìm ra và ứng dụng “nhân trắc học” (anthropometry) và công tác điều tra tội phạm ở Pháp.
[2] Ngày 25/8/1945 UBND Bắc bộ có quyết định thành lập Sở Liêm phóng và cử đ/c Chu Đình Xương ( Trưởng ban Tài chính Xứ uỷ ) làm Giám đốc, đ/c Lê Giản làm phó (từ cuối 9/1945). Sở Liêm phóng có 5 bộ phận:  Văn phòng, Phòng Chính trị (gồm Ban Trinh sát Chính trị, Ban Xét hỏi); Phòng Tư pháp-Hình sự ( có Ban Trinh sát Hình sự, Ban Xét hỏi); Phòng Quản trị Trại giam; Phòng Hành chính Ngoại vụ; Phòng Căn cước. Phụ trách các phòng là Đảng viên Cộng sản hoặc những cán bộ Cách mạng đã được thử thách qua lao tù đế quốc: Bùi Đức Minh, Phạm Văn Tạo, Nguyễn Văn Nội và Lê Hữu Qua.  Cùng với việc củng cố Sở Liêm phóng, ta đã chú ý củng cố và tăng cường lực lượng Cảnh sát. Đ/c Nguyễn Huy Khôi được cử làm Trưởng Ty. Các tỉnh giành được chính quyền thành lập Ty Liêm phóng, Ty Cảnh sát.
[3] Kinh nghiệm này sau 30/4/1975 lại được áp dụng trên một tầm cao mới và thực tế chứng tỏ sự đúng đắn của chủ trương đó. Cho đến nay, ngoài những sinh viên tốt nghiệp các nhà trường, học viện trong ngành ra , LLCA vẫn thường xuyên được tăng cường, bổ xung cán bộ từ  nhiều nguồn. Trong đó đặc biệt là cán bộ KHKT. Những cán bộ này, sau khi được tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ Công an đã thực sự có những đóng góp quan trọng cho công tác chiến đấu, đảm bảo chiến đấu và XDLL của CAND, đặc biệt KTHS. Từ đó đặt ra vấn đề đoàn kết  trong CA lại càng quan trọng, trở thành cái cốt tử đảm bảo cho mọi thắng lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân