PGS Trần Liễu trình bầy báo cáo trước Đại hội |
Khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Pháp y học Việt Nam lần thứ II vào sáng ngày 05/8/2011 tại Hội trường E2 Khách sạn La Thành (218 Đội Cấn Hà Nội) vì thời gian quá ngắn nên tôi đã không đọc bài tham luận sau.
Hôm nay, trong không khí háo hức chờ đón kết quả bầu cử các chắc danh cao nhất của Nhà nước và Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2015 lại đúng dịp xây dựng Dự án Luật Giám định tư pháp, chúng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Hai Hội Pháp y học Việt Nam. Thay mặt những người làm công tác PY trong CAND ở nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt tôi xin cám ơn sự nỗ lực, quan tâm, tạo điều kiện của Ban Tổ chức Đại hội cho chúng ta được họp mặt, cho tôi được phát biểu và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Lương Đức Mến, Nguyễn Văn Hòa và Lê Như Lập |
Chúng ta ngồi đây, ít hay nhiều đều hiểu về Giám định tư pháp và ý nghĩa vai trò rất quan trọng của nó trong hoạt động tố tụng. Xã hội càng văn minh thì quyền con người càng được nâng cao và tôn trọng do đó yêu cầu trừng phạt kẻ phạm tội càng đòi hỏi cần có sự khách quan, khoa học, chính xác và Giám định tư pháp càng có một ý nghĩa quan trọng hơn.
Nhưng, do nhiều nguyên nhân, công tác GĐTP ở ta chưa được coi trọng đúng mức. Vì bức xúc của thực tế nên ban đầu ta mới chú trọng đến công tác giám định pháp y. Văn bản pháp lý đầu tiên về vấn đề này là Sắc lệnh 68/SL ngày 30/11/1945 và Sắc lệnh số 162/SL ngày 25/6/1946 về công tác pháp y và GĐV pháp y Sau hòa bình, ngày 12/12/1956 Liên bộ Y tế-Tư pháp ra Thông tư số 2795/HCTP quy định một số điều về khám nghiệm và mổ tử thi, ngày 11/3/1988 Liên bộ Y tế-Tư pháp có Thông tư số 166/TT-LB về giám định pháp y và pháp y tâm thần. Các văn bản này tuy có đáp ứng được yêu cầu trước mắt lúc đó nhưng nó thiếu toàn diện và có văn bản thực tế bị chết ngay khi vừa ra (Thông tư 166/TT-LB).
Ngày 21/7/1988 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 117/HĐBT về GĐTP. Hơn 10 năm sau, Pháp lệnh số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/9/21004 của UBTV Quốc hội và Nghị định số 67/2005 ngày 19/5/2005 của Chính phủ về giám định tư pháp; Chỉ thị số 07/2005/CT-BCA(C11) của Bộ trưởng về tăng cường công tác pháp y của lực lượng CAND. Như thế, cùng tuổi với đất nước ngành PY chúng ta đã có 65 năm hoạt động và với Quyết định 238/QĐ-BNV ngày 21/02/2006 chúng ta đã có Hội vừa tròn 1 nhiệm kỳ. Đây là bước ngoặt quan trọng trong đời sống pháp lý; công tác GĐTP nói chung và PY đã đi vào nền nếp, đáp ứng tốt hơn công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật. Tại Đại hội này, ngoài những ý kiến đã phát biểu tại phiên họp BCH Hội kỳ cuối, chiều 04/8, tôi xin được nêu mấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ và dự thảo sửa đổi Điều lệ hội như sau:
1. Thứ Nhất: Pháp y Công an Lào Cai đồng hành cùng sự nghiệp:
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giám định pháp y nên các cơ quan hữu quan ở tỉnh Lào Cai đã sớm và luôn quan tâm đến mảng công tác này. Ngay từ năm 1958, ở Lào Cai đã hình thành Hội đồng giám định Pháp y (HĐGĐPY) với 3 thành viên. Khi hợp nhất tỉnh, ngày 04/10/1976 UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn có Quyết định số 1651/QĐ-TC về việc thành lập (HĐGĐPY) gồm 9 GĐV cấp tỉnh, 16 GĐV cấp huyện. Sau 02/1979, UBND tỉnh có Quyết định số 2094/QĐ-TC ngày 11/12/1979 củng cố HĐGĐPY với 14 GĐV cấp tỉnh và 24 GĐV cấp huyện. Trong các năm 1980, 1981, 1982, 1986 thường xuyên có các Quyết định bỏ xung thay thế GĐV. Đến tháng 9/1986 tổ chức HĐGĐPY tỉnh gồm: Bộ phận thường trực (có 5 người); GĐV cấp tỉnh 8 (công tác tại 3 BV lớn ở Trung tâm, Phía Bắc và Phía Tây); 32 GĐV cấp huyện. Hội nghị họp ngày 27/8/1990 là phiên họp cuối cùng trước khi giải tán hình thức Hội đồng.
Khi Nghị định 117/HĐBT về Giám định tư pháp có hiệu lực UBND tỉnh có Quyết định số 360/QĐ ngày 06/7 và số 373/QĐ ngày 30/7 thành lập các Tổ chức giám định pháp y ở 3 khu vực (Trung tâm, Phía Bắc, Phía Tây) với 39 GĐV và TCGĐ Kĩ thuật hình sự-pháp y thuộc Công an tỉnh với 9 GĐV.
Khi tái lập tỉnh Lào Cai, vừa mới ổn định nơi tập kết, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định trong các vụ việc có tính hình sự, CA tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu và được UBND tỉnh nhất trí: các Giám định viên đã được UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ bổ nhiệm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ GĐV trên địa bàn mình công tác. Sau đó UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định thành lập 02 TCGĐ là : TCGĐ Kĩ thuật hình sự-Pháp y với các GĐV công tác tại Công an tỉnh và TCGĐ pháp y với các GĐV công tác tại Trung tâm y tế các Huyện, Thị xã.Chính việc tham mưu kịp thời đó của Phòng KTHS-Công an tỉnh, Phòng Quản lí Công chứng, Luật sư, giám định-Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh sớm có Quyết định đáp ứng kịp thời, đầy đủ, không gián đoạn các yêu cầu giám định tại địa phương. Trong CA Lào Cai PY hình thành từ 1981 trong CA Hoàng Liên Sơn liên tục cho đến nay. Khi mới tái lập tỉnh, CA Lào Cai có 2 Bác sĩ PY, sau đó 1 chuyển Yên Bái. Năm 1995 tuyển dụng thêm 1, điều động từ đơn vị khác về 1.
Hiện tại, năm 2011 đơn vị có 3 GĐV pháp y có trình độ Đại học Y và ĐH Luật, được Viện KHHS, Viện Pháp y TW đào tạo, tập huấn về nhiều lượt về công tác giám định nói chung và giám định pháp y sinh vật nói riêng vàốc 1 Cử nhân Sinh vâtụ, 1 Y sĩ đa khoa. Có 1 được cấp Bằng GĐV cao cấp, còn 2 là GĐV Trung cấp và đều được UBND tỉnh bổ nhiệm là GĐV tư pháp: người lâu nhất 30 năm, người ít nhất 12 năm. Tuy là GĐV chuyên nghiệp nhưng mỗi đ/c phải kiêm nhiệm lĩnh vực GĐ Hoá, Sinh vật và nhiều khi phải kiêm cả KNHT. Các GĐV pháp y Công an nằm trong Tổ chức Giám định KTHS-PY và và độc lập với Trung tâm Giám định Pháp y của Sở Y tế và đã có sự phối hợp rất tốt, sự phối hợp đó đã giúp giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp. Chính từ trong thực tế công tác pháp y, nhiều bác sĩ đã trưởng thành về mọi mặt, được suy tôn các Danh hiệu thi đua và được giao trọng trách mới. Chính các Bác sĩ pháp y, bằng công viẹc thầm lặng của mình đã góp phần khám phá án thường đạt 72,%, trọng án đạt 91%. Những năm qua ở Lào Cai chưa có vụ oan sai nào do nguyên nhân từ giám định.
Bên cạnh những kết quả như đã nói ở trên, công tác PY ở Lào Cai còn bộc lộ nhiều thiếu sót khuyết điểm. Đó là một số vụ việc mà công tác khám nghiệm, giám định còn chưa kịp thời, có sơ xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ nên vụ án phải khai quật, có vụ kéo dài, tái giám định nhiều lần hoặc có vụ dẫn đến bế tắc, nhất là các vụ án do nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan. Những sai sót đó đã được rút kinh nghiệm, sửa chữa, khắc phục ngay. Nhưng trong đó có những tồn tại, vướng mắc bởi cơ chế, bởi các văn bản hướng dẫn, bởi thực lực hiện có...mà riêng một ngành hay trong phạm vi một tỉnh không thể giải quyết hay tháo gỡ được. Một số vấn đề gần đây tuy đã được tháo gỡ nhưng còn vương mắc nhiều.
Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI chắc chắn tình hình KT-XH sẽ có nhiều chuyển biến tốt. Trong bối cảnh đó tình hình ANTT, bên cạnh những thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhất là chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCHTW (Khoá IX) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thực hiện Bộ luật Hình sự , Bộ luật TTHS 2003, Pháp lệnh tổ chức Điều tra hình sự 2004, Pháp lệnh về Giám định tư pháp 2004, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong xu thế mở cửa, hội nhập ở một tỉnh biên giới thì nhu cầu về công tác pháp y ngày càng nhiều, với những yêu cầu mới, phức tạp, khó khăn hơn đòi hỏi cao hơn về chất lượng và hiệu quả cũng như tính khoa học, minh bạch.
Công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi mỗi người dân, mỗi công chức, mỗi giám định viên phải nâng cao chất lượng công tác, nêu cao trách nhiệm trước dân, với pháp luật nhằm góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện nhanh chóng, chính xác; xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đó chính là góp phần thực hiện quan điểm của Nhà nước ta về hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp là “cặp bài trùng”, có quan hệ mật thiết với nhau, nhằm đảm bảo công lý XHCN và là biểu hiện đặc trưng của nhà nước pháp quyền. Do đó, công tác pháp y phải được đổi mới một cách toàn diện, sang bước ngoặt tích cực mới. Như thế với mô hình tổ chức, tình trạng đội ngũ cán bộ và phương tiện hiện tại khó thể đáp ứng được. Một số khó khăn, vướng mắc vượt quá khả năng giải quyết của địa phương hay của Viện KHHS, Viện PYQG, Viện PYQĐ. Nên Hội chúng ta nên bàn kĩ, có tiếng nói vừa để tăng cường khả năng chuyên môn của GĐV vừa tính đến nguyện vọng của anh em, bảo vệ được đội ngũ.
2. Thứ hai: Việc thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp và chế độ phụ cấp ưu đãi với nghề pháp y.
Ngay từ khi được tin ngày 01/12/2008, Bộ Tư pháp có Tờ trình số 56/TTr-BTP trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp chúng tôi đã hồi hộp mừng rỡ. Nhưng rồi, Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ký ngày 07/5/2009, tới năm sau, ngày 04 tháng 5 năm 2010 Liên Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ mới thống nhất và ra được Thông tư Liên tịch Số 09/2010/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện và tới 21/6/2010 Bộ Công an có văn bản số 1543/BCA-V22 hướng dẫn thực hiện trong CAND. Theo đó mức bồi dưỡng tăng cao, đối tượng hưởng rộng. Chậm thế, nhưng rất nhiều vấn đề chưa rõ, vướng mắc rất nhiều (sơ sơ chúng tôi tính có đến 11 điểm). Trong đó đặc biệt là cách tính ngày công trong giám định, việc xác định tính độc hại của môi trường và một nghịch lý khó hiểu là các nhà soạn thảo chính sách đã lặp lại sai lầm cũ. Đó là: Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996 về bồi dưỡng giám định tư pháp và Thông tư 355 TT/LB Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ngày 12/10/1996 hướng dẫn không tính đến những người khác tham gia trực tiếp hay theo sát công việc của bác sĩ pháp y, như: trợ lý, cán bộ kỹ thuật hình sự, điều tra viên, kiểm sát viên...Hai năm sau, ngày 5/3/1998 tại Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg bổ sung cho Quyết định 160/TTg từ đó những cán bộ nói trên mới được hưởng phụ cấp. Nay lại “quên” KTHS trong KNHT, mặc dù nhiệm vụ KNHT, kể cả HT có người chết của lực lượng KTHS được quy định bởi các văn bản còn hiệu lực của cấp có thẩm quyền!. Nghịch lý này không hiểu các nơi thực hiện ra sao, căn cứ nào. Với Lào Cai chúng tôi đang tham mưu có thêm một quyết định ngoài hệ thống biểu mẫu tố tụng là “Quyết định thành lập Hội đồng khám nghiệm” để lấy căn cứ chi trả chứ Tài vụ không thể căn cứ vào “cú điện thoại” mà quyết toán kinh phí đã ứng ra được!.
Ngày 4/7/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2011/NĐ-CP Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó mức phụ cấp ưu đãi 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc về pháp y và giám định pháp y, pháp y tâm thần...Nhưng GĐVPY trong LLVT lại không được hưởng. Thật vô lý! Theo tôi nên lấy mức 70% này thay mức mức 15% theo Quyết định số: 91/2009/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với CBCS trong CAND.
3. Thứ Ba: Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ ký từ ngày 06/3/2006 nhưng bốn năm sau, ngày 28 tháng 9 năm ngoái Bộ Tài chính mới có Công văn số: 12999/BTC-CST gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ đề nghị “chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án thu phí giám định tư pháp gửi Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành”. Không hiểu ngành ta và các địa phương xúc tiến việc này đến đâu rồi và bao giờ có được chế định này? Nhu cầu xã hội có, khả năng các đơn vị giám định đáp ứng được. Cần tận dụng thời gian rỗi của các GĐV và phương tiện nhưng mức thu, chi, sử dụng phí... phải có quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện như hiện nay chắc chắn các Thủ trưởng các đơn vị Giám định sẽ bị kỷ luật nếu được thanh tra, kiểm tra ngó tới.
4. Thứ Tư: là về việc triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định Số: 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ:
Phòng Kỹ thuật hình sự Lào Cai phối hợp với Sở tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo 258 của tỉnh. Trong đó đ/c Phó Giám đốc CA tỉnh là Uỷ viên, đ/c Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật hình sự trong Tổ Thư ký. Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo, Phòng Kỹ thuật hình sự đã lập Kế hoạch thực hiện tại đơn vị, đã hoàn thành việc “Thống kê, rà soát, đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của công tác giám định Kỹ thuật hình sự, Pháp y trong lực lượng Công an tỉnh Lào Cai” và tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai trong Công an tỉnh. Song đây là vấn đề mới, lớn, bao hàm nhiều lĩnh vực nên chúng tôi còn lúng túng đang chờ hướng dẫn của cấp trên bởi trong Đề án có nhiều nội dung thuộc lực lượng khác ngoài hệ KTHS, Pháp y.
5. Thứ Năm: về tham gia dự án Luật Giám định Tư pháp:
Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh giám định tư pháp 2004, công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng từ thực tế đã bộc lộ những bất cập mà chiếc áo Pháp lệnh đã không bao hàm hết được. Việc xây dựng Luật Giám định là cần thiết. Ngày 22 tháng 4 năm 2011 Bộ tư pháp có Số: 2173/BTP-BTTP V/v góp ý kiến Dự án Luật giám định tư pháp. Khi tiếp cận Công văn, Dự thảo tờ trình và dự án Luật qua đường mạng và mối quan hệ cá nhân, Phòng Kỹ thuật hình sự LC đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đã có văn bản kiến nghị gửi Vụ Bổ trợ tư pháp- Bộ Tư pháp. Nội dung chủ yếu đề cập đến việc tổ chức hệ thống giám định tư pháp, nhất là giám định pháp y.
Là người tham gia BCH Hội Pháp y Việt Nam tôi biết giữa 2 hệ thống pháp y có những lúc, những nơi “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Điều đó thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị và triệu tập Hội viên tham dự Đại hội này: các hội viện thuộc biên chế LLCA ở các tỉnh không được triệu tập, trừ các đ/c là UVBCHNK I (trong đó có tôi). Nhưng, rất vui mừng là ở Lào Cai điều đó không xẩy ra. Không vì “chế độ bồi dưỡng cao”, vì muốn “khép kín” mà PYCA giành việc. Chúng tôi phối hợp khá tốt và nhiều lúc còn đưa KTV đi hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ mỗi khi có vụ việc “Pháp y trong nghề y” bao giờ cũng do PYCA đảm nhận, có mời GĐVYT tham dự. Ngược lại các vụ liên quan đến người bị tam giam, tạm giữ bao giờ cũng do PYYT thụ lý nhưng tôi cử BSPY của mình đi cùng tham gia để có tư liệu về báo cáo!. Nhưng buồn một nỗi những người cử đi này không được hưởng chế độ bồi dưỡng vì CQĐT không trưng cầu cả 2 nơi! . Kinh nghiệm thực tế ở Lào Cai những vụ án “mờ”, những vụ việc cần đảm bảo tính “thời hiệu”, những vụ “Pháp y nghề Y”...sử dụng pháp y Công an có thuận lợi và hiệu quả.
Xung đột kết luận giữa pháp y Công an và pháp y Y tế hoặc ngay trong PYYT là có và là tất yếu bởi sự thật chỉ có 1 nhưng cách tiếp cận khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau, với trình độ, trang bị và cả động cơ khác nhau sẽ có kết luận khác. Chúng ta đang thiếu quy chế đánh giá, sử dụng kết luận giám định để bảo vệ cái đúng, cái sơ xuất do chuyên môn của đội ngũ của mình. Đặc biệt cơ chế “phản hồi ngược” thông tin hai chiều để việc đúng sai có cơ quan, cơ sở kết luận chính xác…Thời gian qua, một số vụ việc, chính ta tạo ra dư luận đôi khi không có lợi, rất khó giải thích cho CBCS đơn vị và các ngành.
Điều quan trọng là kết luận cuối cùng được Hội đồng xét xử sử dụng, dư luận đồng tình thuộc về pháp y của lực lượng nào lại chưa có công trình nào thống kê, đánh giá cụ thể. Vấn đề không phải ai giám định, người đó thuộc tổ chức nào mà căn bản là trình độ giám định viên, phương tiện sử dụng, giám định với phương pháp nào, động cơ gì và cuối cùng kết luận giám định đó có tác dụng với công tác điều tra, truy tố, xét xử không? có góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng đời sống không? Ý kiến cho rằng Công an mà có pháp y thì như “vừa đá bóng, vừa thổi còi” chỉ là suy diễn. Hơn nữa Kỹ thuật hình sự trên thế giới chỉ có trong lực lượng Cảnh sát nhưng vẫn đảm bảo được tính khách quan khi giám định, không bị chi phối bởi thủ trưởng hành chính và Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Riêng PYYT, hiện số GĐV chuyên trách chỉ chiếm khoảng 14%, còn lại là kiêm nhiệm; có Viện pháp y Quốc gia nhưng vẫn chưa có trụ sở riêng; 63 tỉnh thành tổ chức chưa thống nhất: 37 trung tâm pháp y, 15 phòng pháp y thuộc bệnh viện tỉnh và 11 tổ chức giám định pháp y chung với cơ sở giám định y khoa. Ở Lào Cai có 23 GĐV pháp y nhưng chỉ có 01 GĐV chuyên nghiệp còn 22 GĐV kiêm nhiệm, thường là các đ/c Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng các Khoa của Bệnh viện cấp huyện nên bận rất nhiều việc quản lý, chuyên môn. Trung tâm pháp y có 14 CNVC nhưng chỉ có 01 bác sĩ- giám định viên còn 13 người là Điều dưỡng viên, nhân viên kỹ thuật, văn thư, kế toán nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu giám định pháp y toàn tỉnh. Như vậy PYYT là quá mỏng, lại trang thiết bị còn rất thô sơ, chưa được đầu tư một cách bài bản, đầy đủ, tổ chức thiếu thống nhất…nên khó đáp ứng được yêu cầu CCTP.
Đặc biệt khi cần tiếng nói chuyên môn pháp y của người ngoài ngành Y nếu khong còn PYCA thì các cơ quan hữu trách sẽ hỏi ai?! Mặt khác Chỉ thị số 07/2005/CT-BCA-C11 ngày 14/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an “về tăng cường công tác pháp y của lực lượng Công an nhân dân” đã và đang phát huy tác dụng tốt và mọi ngành mọi cấp đã và đang triển khai thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”.
Việc chuyển các giám định viên pháp y trong lực lượng công an sang bên y tế để làm công tác pháp y sẽ không khả thi. Bởi việc “nhập” như thế chưa có tiền lệ và do điều kiện, lề lối làm việc; chế độ, chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên; tâm lý ngành nghề...nên sẽ chẳng có GĐV pháp y Công an nào sang ngang. Do vậy lực lượng pháp y cả nước vốn đã ít ỏi lại thêm mai một và có nguy cơ tụt hậu!. Như thế, vấn đề sáp nhập, thu gọn, thu hút PYCA về PYYT hay giải tán hệ thống pháp y trong CAND hiện chưa tìm đủ căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn đủ tin cậy thì không nên quyết định ngay!
Do đó, trong một tương lai gần việc tổ chức giám định pháp y vẫn cần được duy trì và phát triển trong cả 3 ngành: y tế, công an và quân đội. Trong đó hệ thống cơ quan giám định pháp y trong ngành y tế là lực lượng nòng cốt, chủ đạo và cần ưu tiên tập trung đầu tư và phát triển; tổ chức giám định pháp y ở Bộ Công an vẫn phải duy trì để cùng với pháp y y tế đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định pháp y hiện nay, đặc biệt với những vụ “Pháp y trong nghề y”. Nhưng cần có những quy định tạo mối quan hệ gắn kết giữa pháp y Y tế và pháp y Công an để phối hợp nhau tốt hơn, phát huy bổ sung các mặt mạnh, hạn chế những mặt yếu của từng lực lượng.
BCH Khóa mới chỉ còn 1 người đại diện cho PYCA (Khóa trước 5) |
Tiếc là với một vấn đề liên quan lớn như thế nhưng Hội ta chưa từng được thảo luận, bàn bạc kỹ, chưa có sự chỉ đạo kịp thời, thống nhất từ BCH Hội và cơ sở hưởng ứng chậm nên ta còn ít ý kiến thảo luận.
6. Thứ Sáu: Theo định hướng CCTP, CCHC mà Đảng, Nhà nước đang triển khai, các Bộ luật, Pháp lệnh đã và sắp ban hành thì nhiệm vụ lực lượng GĐTP nói chung và GĐPY nói riêng không hề giảm. Tuy ta thuộc mô hình Tố tụng xét hỏi, Toà không giữ vai trò thụ động, trọng tài nhưng nhiều nội dung liên quan đến tranh tụng đã được đưa vào BLTTHS về đảm bảo quyền bình đẳng trước Toà án, quyền độc lập của Hội đồng xét xử... Kinh nghiệm cho thấy khi họp án, họp liên ngành; bảo vệ KLGĐ, giải thích về DV,VC trong BBKN trước Toà đòi hỏi GĐV phải vững vàng, có chuyên môn giỏi, nắm vững pháp luật và phải ứng phó được mọi tình huống. Đây là điểm còn hạn chế đề nghị cần có diễn đàn riêng để chúng ta trao đổi thường xuyên và chuyên sâu về những vụ việc đã và đang xẩy ra.
Theo chúng tôi, giai đoạn trước mắt hoạt động của công tác KTHS tại CA cấp tỉnh là: triển khai đủ các bộ môn, nâng cao hiệu quả và chất lượng các mặt công tác; tham gia có hiệu quả việc KNHT, kể cả HTTNGT; đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực mà BLTTHS mới bắt buộc phải TCGĐ. Chúng tôi đã lập Đề án triển khai đủ PY tử thi, PY trên người sống, PY qua hồ sơ, Xét nghiệm vi thể, Giám định DVsinh vật (nhóm máu ABO, 2 Gen), Xét nghiệm độc chất (tìm Rượu, chất ma túy trong dịch sinh học). Ngoài PY hình sự còn có: xác định tình trạng sức khoẻ, tuổi thực của bị can, bị cáo, nhân chứng, bị hại, nhất là của bị cáo khi đưa ra xét xử; những người được xem xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù; tình trạng sức khoẻ khi kết hôn với người nước ngoài, khi lập di chúc...Đây là định hướng cần thiết và đúng đắn nhưng cần được sự chỉ đạo, ủng hộ, chi viện của nhiều cấp và các ngành...Đặc biệt chú ý kĩ năng bảo vệ KLGĐ, giải thích về DV, VC trước Toà.
7. Thứ Bẩy: GĐ Tư pháp là công tác quan trọng tuy nó không trực tiếp mang lại vinh quang dễ thấy, ít được tuyên dương khen ngợi những không thể thiếu và điều đặc biệt là nó không hề làm ra sản phẩm để mà trích nộp nhưng lại ngốn rất nhiều kinh phí, phương tiện. Chúng tôi không đề nghị tăng kinh phí, chỉ đề nghị có một cơ chế thích hợp, chặt mà thoáng để nâng cao chất lượng công tác, góp phần nâng cao tỉ lệ phá án. Có chế độ tôn vinh những người làm công tác giám định pháp y lâu năm, có thành tích đóng góp cho ngành như đặt Kỉ niệm chương, Danh hiệu, phần thưởng...Đồng thời chúng tôi cũng mong được lãnh đạo, các đơn vị chức năng khác hiểu, thông cảm và tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
8. Thứ Tám: riêng về lĩnh vực Đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế: đề nghị Hội :
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao, tham quan học tập kinh nghiệm giữa PY các tỉnh, quốc tế (trước hết là TQ)...
- Tham gia giảng bài, nói chuyện chuyên đề ở Chương trình tập huấn chức danh cho lãnh đạo cơ quan THTT các cấp cần học về KNHT, về trưng cầu giám định, về thu thập, bảo quản DV, VC, mẫu so sánh và về pháp y. Hoàn thành lớp tập huấn này, cùng với các tiêu chuẩn khác mới được bổ nhiệm các chức danh Tư pháp.
- Tổ chức biên soạn tài liệu, phổ biến tư liệu, trao đổi sáng kiến, kinh nghiệm giúp địa phương cập nhật kiến thức về y học, luật pháp, về pháp y...
- Tập trung xây dựng một số phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác KNHT, giám định để chuyển giao cho địa phương, như: nhận dạng, lắp ghép bộ mặt người (người mất tích, nạn nhân, nghi can...) qua lời khai; tổn thương trong đột tử, tai biến sản khoa, xác định thời gian chết...).
Với một hành lang pháp lý chưa thật đầy đủ, với trang thiết bị, đội ngũ nguồn nhân lực cho PY như hiện nay, chế độ đãi ngộ như vậy mà đội ngũ GĐV trong lực lượng chưa bị những xử lý nghiêm trọng, vẫn đáp ứng được yêu cầu hiện nay thì có thể nói không ngoa rằng chúng ta quả là kiên cường và vì dân hơn nhiều lực lượng.
Nhưng nay Bộ luật TTHS, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh giám định tư pháp đều đã có hiệu lực thực hiện được trên 5 năm và chuẩn bị sửa đổi. So với các văn bản cũ tương ứng thì các văn bản này được và sẽ sửa đổi một cách toàn diện. Trong đó yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố xét xử được nâng cao hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Trong hoàn cảnh đó, muốn nâng cao chất lượng công tác giám định mỗi GĐV, KTV và đơn vị phải có cái tâm, nêu cao trách nhiệm trước dân, với pháp luật, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn nhằm góp phần cùng toàn ngành chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện nhanh chóng, chính xác xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tâm tư của chúng tôi ở cơ sở là mong lãnh đạo và những người, cấp có thẩm quyền hiểu chúng tôi hơn, quan tâm thiết thực đến GĐTP hơn nữa, phấn đấu để chúng tôi có thu nhập về tiền bạc và vinh danh kém ít thôi so với các lực lượng được đào tạo ngắn hơn, đóng góp chưa chắc đã cao hơn chúng tôi!
Trên đây là 8 ý kiến tham góp của tôi về những gì đã làm được, những gì còn vướng mắc trong nhiệm kỳ qua; phương hướng và kiến nghị để nâng cao năng lực Giám định tư pháp phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Đại tá Bác sĩ Lương Đức Mến, Trưởng phòng KTHS CA tỉnh Lào Cai.(Ảnh lấy tại trang ảnh của Viện Pháp y quốc gia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân