Trong những
ngày diễn ra kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, các Nghị sĩ phát biểu tại Hội trường,
tại tổ, ngoài hành lang khá sôi nổi và dân tình cũng lắng tai nghe, náo nức bàn
tán về việc phong tướng, hạn chế phong tướng QĐND và CAND. Nóng ruột, thử hóng
hớt nói theo, bàn ké và nhân tiện tìm hiểu thêm về hệ thống cấp hàm xưa và nay
cho việc nghe, theo dõi, bàn ké nó thêm có phần “cơ sở khoa học, truyền thống và thực tiễn”.
Quân hàm là hệ
thống cấp bậc trong một quân đội hay trong lực lương công an hoặc một số tổ chức
dân sự nhưng được hệ thống theo mô hình quân sự. Do đó gọi chung là hệ thống cấp
bậc hàm, được biểu thị bằng các phù hiệu đặc biệt gắn liền với đồng phục nhằm tạo
thuận lợi trong các hoạt động chỉ huy, tham mưu, hậu cần....
1. Lịch sử hệ thống cấp hàm
Thời Cổ đại (古代史, Ancient
history, - TK3 tCn) thông qua các
cuộc chiến tranh chiếm hữu nô lệ, hình thái tổ chức quân đội sơ khai cũng được
phát triển dần và ban đầu hệ thống này chỉ gồm những cấp bậc đơn giản. trong suốt
quá trình phát triển của lịch sử chiến tranh, nó cũng được phát triển về số lượng
cấp bậc và trở nên phức tạp hơn.
Đến thời
Trung cổ (中世纪, Middle Ages, - TK 15), Đế quốc Mông Cổ (M: Mongol-yn
Ezent Güren, H: 蒙古帝国, A:
Mongol Empire, 1206–1368) trỗi dậy, và tung hoành khắp thế giới bằng sự thiện xạ,
tài cưỡi ngựa và cả chiến thuật quân sự cũng như cách tổ chức quân đội của họ.
Khi Đế quốc
Mông Cổ tan rã, ở các nước phương Tây, họ học hỏi nhiều từ cách
thức tổ chức của người Mông Cổ, đã dần hình thành hệ thống cấp bậc quân sự
riêng, tách rời với hệ thống tước vị, hoặc chức vụ phong kiến. Từ đó, một số
danh xưng cấp bậc khởi đầu ở những nước có quân số hùng hậu và trước tiên là ở
Lục quân. Hệ thống này dần ổn định trong thời Cận đại và tồn tại cho đến
ngày
nay.
Ở phương
Đông, hệ thống cấp bậc “Cửu phẩm” với 18 bậc, vốn chịu ảnh hưởng lâu đời
của Trung Hoa đã có từ rất lâu nhưng việc nhận diện cấp bậc quân sự không rõ
ràng và ổn định. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, khi Nhật Bản (Nhật: Nippon-koku, H: 日本, A: Japan) dưới thời Thiên hoàng Minh Trị (明治天皇, Meiji-tennō?, 1852 –1912), trong cuộc Minh Trị Duy tân (明治維新 Meiji-ishin) đã tiếp thu văn minh phương
Tây, cải tiến hệ thống cấp bậc võ quan thực sự khoa học, với danh xưng và nhận
diện rõ ràng (1867). Sự tiến bộ của hệ thống cấp bậc quân hàm này đã có ảnh hưởng
mạnh mẽ đến hầu hết hệ thống quân hàm các nước vùng Đông Á, trong đó có Trung
Hoa Dân Quốc (1901) và Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa (1946).
Trong lịch sử quân sự hiện đại, hầu hết các
quân đội chính quy đều có hệ thống quân hàm. Một số trường hợp ngoại lệ[1] nhưng
sau đó thì hệ thống quân hàm vẫn được áp dụng trở lại chính thức sau khi những
khó khăn trong việc chỉ huy và kiểm soát do việc bãi bỏ chế độ quân hàm gây ra.
Thông thường, cấp
bậc được phong theo chức vụ mà quân nhân nắm giữ nhưng quân hàm của các nước
nói chung không hoàn toàn tương đương với nhau kể cả danh xưng và hình thức.
2. Hệ thống cấp hàm ở Việt Nam
Thời quân chủ (君主制,
938-1945), tuy mỗi triều
đại tổ chức có khác nhau nhưng tựu trung lại, do ảnh hưởng của quan chế Trung
Hoa mà Đại Việt cũng áp dụng chế độ “Cửu phẩm” 九品制, trong mỗi phẩm lại chia thành hai cấp:
Chánh (正, chính) và Tòng
(從, phó). Như vậy hệ thống quan chế thời phong kiến gồm tất cả 18 cấp từ
cao nhất: Chánh nhất phẩm (của Tam công
hay Tam thái là Thái sư) tới thấp nhất: Tòng cửu phẩm (…Man di trưởng quan, Ti phó trưởng quan, Xã
trưởng). Quan lại đứng đầu triều đình thuộc hàm Nhất phẩm 一 品, là các Đại học sĩ 大 學 士 và Đô thống phủ đô thống 都 統 府 都 統. Đứng đầu các Bộ 部 (Lại
吏, Lễ
禮, Hộ
戶, Binh
兵, Hình 刑, Công 工, Học 學) là quan Thượng thư 尚 書 (hàm Nhị phẩm 二 品) bằng phẩm hàm với người đứng đầu các
vùng hành chính là Tổng đốc 總 督 (phụ trách hai hay ba tỉnh). Hệ
thống quan võ: cao nhất là Chánh nhất phẩm (của Thái sư 太 師, Thái
phó 太 傅, Thái
bảo 太 保), thấp nhất là Tòng bát phẩm 從八品 (của Phủ uý 府 尉)
Ví dụ cách tổ
chức triều đình của Lý Thái Tổ từng được Lê Quý Đôn gọi là “mẫu mực cho đời sau”
là: đứng đầu triều đình là nhà vua 帝,
dưới vua có nhóm cận thần gồm có Tam thái 三 太 (Thái
sư 太 師, Thái
phó 太 傅, Thái
bảo 太 保) và Tam thiếu 三 少 (Thiếu
sư 少 師, Thiếu
phó 少 傅, Thiếu
bảo 少 保) chuyên lo về việc văn; các chức Thái
úy 太 尉 (sau
gọi là Tể tướng 宰 將) và Thiếu úy 少 尉 (chỉ huy cấm binh) chuyên lo về việc võ. Như
vậy trong ban Võ: Thái úy là Chính Nhất
phẩm 正一 品, Thiếu úy là Chính Nhị phẩm 正二 品 và khi đó Trung úy 中尉 thuộc
Tòng Ngũ phẩm 從五品.
Thời hiện
đại, hệ thống danh xưng các cấp bậc quân hàm Việt Nam được Chính phủ Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra tương đối hoàn chỉnh từ năm 1946 bởi Sắc lệnh 33/SL
ngày 22 tháng 3 năm 1946. Nguyên thủy dựa theo hệ thống quân hàm của quân đội
Nhật có tham chiếu đến hệ thống quân hàm của Quân đội Pháp về kiểu dáng. Hệ thống
này được quy định thành 5 cấp 15 bậc, áp dụng cho Quân đội Quốc gia Việt Nam (QĐNDVN nay). Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến
tranh, hệ thống này ít được áp dụng trừ một vài trường hợp cá biệt. Sau hòa
bình, năm 1958, hệ thống quân hàm của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thay đổi (5 cấp 18 bậc) sau đó năm 1982 bổ sung cấp
bậc tướng hải quân có tên gọi chính thức là cấp bậc Đô đốc[2] và
hệ thống quân hàm cho các quân nhân chuyên nghiệp. Từ năm 1992 trở đi, hệ thống
quân hàm Việt Nam được áp dụng ổn định, chỉ có những sửa đổi về mặt hình thức (đặc biệt là lần cải tiến năm 2008) và sử
dụng cho đến ngày nay. Hiện nay, trong Quân đội nhân dân, Quân hàm cho biết
cấp bậc (5 cấp 15 bậc) và quân chủng
của quân nhân (cùng nền mầu vàng nhưng
khác nhau về mầu viền, như Lục quân: màu đỏ tươi, Không quân và Phòng không:
màu xanh da trời, Hải quân: màu tím than, Bộ đội biên phòng có màu viền là màu
đỏ tươi tương tự như Lục quân, nhưng có màu nền xanh lá cây, Cảnh sát biển có
màu viền vàng nhưng có màu nền là màu xanh nước biển). Hệ thống Quân hàm Việt
Nam không có quân hàm cấp Nguyên soái, Thống chế hoặc Thống tướng, Chuẩn tướng
như một số nước nhưng lại có cấp Thượng tướng, Thượng tá hay Thượng úy mà không
tồn tại trong quân đội nhiều nước. Vì vậy, để so sánh cấp bậc tương đương giữa
Việt Nam
và các quốc gia khác, người ta thường dùng Bảng so sánh quân hàm tương đương.
Hệ thống cấp bậc
Công
an Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên được quy định bởi Nghị định 331/TTg
ngày 1 tháng 9 năm 1959, quy định hệ thống cấp bậc Công an Nhân dân Vũ trang (tương tự như hệ thống quân hàm của Quân đội
Nhân dân Việt Nam nhưng có cấp hiệu nền xanh lá và vạch vàng tương tự như cấp
hiệu quân hàm Quân đội Liên Xô). Ba năm sau, Pháp lệnh 34/LCT ngày 20 tháng
7 năm 1962 quy định thêm hệ thống cấp bậc Cảnh sát Nhân dân (tương tự cấp hiệu Công an Nhân dân Vũ trang
nhưng có nền đỏ). Đến năm 1987, Pháp lệnh về lực lượng An ninh Nhân dân Việt
Nam ngày 2 tháng 11 năm 1987, quy định hệ thống cấp bậc An ninh Nhân dân với cấp
hiệu nền xanh úa và vạch xanh. Năm 2007, theo Nghị định 160/2007/NĐ-CP ngày Nghị
định 160/2007/NĐ-CP quy định Cờ truyền thống, Công an hiệu, Cấp hiệu của sĩ
quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên của lực lượng Công an nhân dân 2 ngạch
An ninh Nhân dân và Cảnh sát Nhân dân sử dụng thống nhất một hệ thống cấp hiệu
như ngày nay.
Hiện nay hệ thống danh xưng các cấp bậc của LLVT
Việt Nam gồm 5 Cấp (Tướng, Tá, Úy, Sĩ,
Binh) và mỗi cấp lại chia ra nhiều bậc, như 4 Bậc (Đại, Thượng, Trung, Thiếu với cấp Tướng, Tá, Úy), 3 Bậc (Thượng, Trung, Hạ với cấp Sĩ) và 2 bậc (với cấp Binh, tức Chiến sĩ phục vụ có thời hạn).
Việc này đã chép lại ở đây: http://menthuong.blogspot.com/2012/06/he-thong-cap-ham-cong-nhan-dan.html
.
Một số tổ chức dân sự khác tại Việt Nam cũng dùng hệ
thống cấp bậc mô phỏng hệ thống quân hàm nhưng với danh xưng khác như Hải quan,
Kiểm lâm, Kiểm sát, Bào vệ[3].
3. Vĩ thanh:
Như vậy, hiện
nay cấp “Thiếu úy” là cấp dưới “Trung úy” và nó là bậc hàm khởi đầu của sĩ quan,
được phong cho Cán bộ vừa tốt nghiệp trường Sĩ quan, đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội
trưởng. Trong khi thời quân chủ “Thiếu úy” lại là một cấp hàm cao hơn “Trung
úy” nhiều bậc và nó là cấp cao nhất của hàng “Chánh Nhị phẩm”, được phong cho
người giữ chức tương tự Giám đốc Công an Thủ đô kiêm Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.
Ngay như Trung
Quốc, hệ thống quân hàm Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đầu tiên được chính
thức ra đời năm 1955 (6 hạng 20 cấp) từng
phong “Thập Nguyên soái” 十元帅, “Thập Đại tướng” 十大将, bị
bãi bỏ khi nổ ra Cách mạng Văn hóa (无产阶级文化大革命, 1966-1976)
. Tái áp dụng từ năm 1988 (6 hạng 17 cấp)
và sau nhiều lần cải tổ, hiện nay áp dụng cấp bậc 5 hạng 19 cấp với cấp hàm cao
nhất của họ chỉ là Thượng tướng (上將, Shang
Jiang)!
Ngược lại,
CHDCND Triều Tiên quân số ít nhưng lại có hạng Nguyên soái với 4 cấp là: 대원수 Tae
wonsu (Đại Nguyên soái), 공화국원수
Konghwaguk Wonsu (Nguyên soái Cộng hòa
Dân chủ Nhân dân Triều Tiên), 원수 Wonsu (Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên), 차수 Chasu
(Phó Nguyên soái) rồi mới đến 대장
Daejang (Đại tướng)… Hay như Vương quốc
Campuchia, trong quân đội Hoàng gia với 5 cấp 20 bậc và có cả Utdɑm nieyʊək tức
Thống tướng và cấp Utdɑm seenəy tức Đại tướng.
Bản thân, hơn
20 năm chỉ giữ một chức nhưng cấp hàm thăng đến 4 lần chưa tính 2 lần được
“thăng nửa cấp”!Biên chế, tổ chức bộ máy và phạm vi quyền lực phụ thuộc ở vị trí trách nhiệm (tức chức vụ) người đó đảm nhiệm chứ không phải ở quân hàm.
Việc phong thăng quân hàm là để đáp ứng yêu cầu công tác của LLVT chứ đâu phải để giải quyết “tâm tư” anh em, để “cân bằng” giữa bên quân đội và bên công an. Bởi nếu theo tiêu chí đó thì việc phong tướng cũng sẽ trở thành như việc lãnh đạo đua nhau làm NCS, được phong hàm Gs, PGs vậy!
Trong lịch sử đương đại, các văn bản của nhà nước tuy đã có quy định về cấp hàm cao CAND nhưng rất nhiều năm chưa phong cho ai cấp hàm cao nhất đó. Cụ thể: Nghị định 331/TTG ngày 1 tháng 9 năm 1959 về Công an Nhân dân Vũ trang, Pháp lệnh về lực lượng An ninh Nhân dân Việt Nam ngày 2 tháng 11 năm 1987, Pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 1 năm 1989 quy định cấp bậc cao nhất của Công an Nhân dân là Đại tướng và Thượng tướng, nhưng trong suốt một thời gian dài, cấp bậc thực tế cao nhất của Công an Nhân dân là Trung tướng (ngạch Công an Nhân dân Vũ trang) và đến năm 1989 mới có 1 thụ phong cấp bậc Đại tướng (ngạch An ninh Nhân dân, Bộ trưởng Mai Chí Thọ) và 2 Thượng tướng (đều là ngạch An ninh Nhân dân là Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và Lâm Văn Thê). Giai đoạn 1991-2002 các Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương cũng chỉ mang hàm Thượng tướng. Riêng lực lượng Cảnh sát Nhân dân, quân hàm cao nhất chỉ đến Trung tướng, đó là các Thứ trưởng: Trần Quyết (phong năm 1977), Phạm Tâm Long (phong 1989, Thứ trưởng thường trực đến 1996). Mãi đến năm 2005 Thứ trưởng Lê Thế Tiệm là người được thụ phong Thượng tướng ngạch Cảnh sát đầu tiên.
Do vậy, đừng
quá nặng nề phải có mấy Đại, mấy Thượng, mấy Trung, mấy Thiếu! Nó chỉ là danh
xưng về cấp bậc, chứ không phải vị trí trách nhiệm và việc phong, thăng cấp hàm còn trải qua một quy trình dài.
- Lương Đức Mến, TH và BS, 11/2014-
[1] Như Hồng
quân Liên Xô ở giai đoạn 1918–1935, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc giai
đoạn 1965–1988 và Quân đội Albania giai đoạn 1966–1991, đã không áp dụng chính
thức hệ thống quân hàm. Hay như trong những năm 1961-1976, tại miền Nam Việt
Nam, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam không áp dụng hệ thống quân hàm chính
thức mà sử dụng hệ thống cấp bậc riêng theo chức vụ nắm giữ. Tuy nhiên, điều
này không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chỉ huy trong tổ chức quân đội và các sĩ
quan Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam hầu hết đều được phong cấp bậc của Quân
đội Nhân dân Việt Nam.
[2] : Đô đốc
(tương đương Thượng tướng), Phó Đô
đốc (tương đương Trung tướng), Chuẩn
Đô đốc (tương đương Thiếu tướng).
[3] Mà khi
ra đường nhìn thấy ngay bản thân tôi cũng chưa tường họ thuộc lực lượng nào,
cấp hàm gì! Mất thiêng của cấp hàm cấp hiệu của LLVT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân