Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

6.6. Thăm THẬP TAM LĂNG

Hơn cả thường dân, các bậc Đế vương càng chú ý việc chọn đất dựng Kinh đô (dương cơ) và cả việc đặt mả (âm phần) bởi họ tin “Nhất dương thắng Thập âm”. Đã từng thăm quan hệ thống Lăng tẩm triều Nguyễn, lại đọc bao chuyện ly kỳ về các mộ Hoàng đế Trung Hoa nên chúng tôi rất muốn và háo hức với việc thăm quan khu lăng mộ triều Minh.

Thập Tam Lăng 十三陵 triều Minh là quần thể lăng mộ 13 vua đời Minh (明朝,Ming; 1368 - 1644), cách Bắc Kinh 50 km về phía Tây Bắc.

Chuyện kể rằng : Vua khai sinh triều Minh là Chu Nguyên Chương (朱元璋, 1328-1398) đặt thủ đô tại Nam Kinh 南京 miền Đông Nam TQ, sau khi qua đời[1], truyền ngai vàng cho cháu là Chu Doãn Văn (朱允炆, 5/12/1377 – 13/7/1402) tức Minh Huệ Đế (明惠帝,1398-1402). Để giành ngôi, con trai thứ tư của Minh Thái Tổ là Yên Vương Chu Đệ 朱棣 đã thực hiện phương châm “tiên phát chế nhân”, phát động nội chiến và lên làm vua, tức Minh Thành Tổ 明成祖. Sau khi Nam Kinh bị thất thủ, Minh Huệ Đế không biết đi đâu mất, đến nay vẫn là một nghi án. Sau khi Chu Đệ lên làm vua, cảm thấy Nam Kinh không an toàn, bèn rời Đô đến Bắc Bình 北平 và đổi thành Bắc Kinh 北京. Trong những năm làm vua, Chu Đệ đã sai người chọn địa điểm xây lăng tẩm cho mình, qua nhiều lần so sánh, ông đã chọn một vùng phong cảnh đẹp, dễ canh thủ, khó tấn công tại ngoại thành phía Tây Bắc Bắc Kinh để xây dựng lăng tẩm cho mình, và đặt tên là Trường Lăng. Phong thủy Thập Tam Lăng thực sự vô cùng đắc địa với thế “lưng dựa núi, chân đạp sông” , ba hướng đông, tây, bắc đều có núi non bao bọc chắn cái rét buốt từ phương Bắc, Hai bên có hai rặng núi Hổ Sơn và Long Sơn[1], phía trước là một hồ lớn để hóa giải cơn gió nóng phía nam vào mỗi dịp hè thổi về. Đường vào Thập Tam Lăng có các quái thú đứng canh giữ, khi vua quan tới đây đều phải xuống đi bộ. Trải qua hơn 200 năm xây dựng kể từ năm 1409 đến năm 1644, rộng trên 40 km2 với tường thành bao bọc dài 40 km.


Đã có 13 đời vua, 23 hoàng hậu, 1 quý phi và 10 hoàng phi an táng và có nhiều phi tần bị tuẫn táng (chôn sống) theo phong tục của các hoàng đế thời nhà Minh tại đây vì vậy cũng gọi là Thập Tam Lăng. Trong 13 lăng, lăng của Chu Đệ là xây dựng đầu tiên và lớn nhất, nhỏ nhất là lăng vua Sùng Trinh-vị vua cuối cùng của nhà Minh.Mỗi lăng mộ toạ lạc trên một gò cao và nối với lăng mộ khác bằng lối đi gọi là "thần đạo" dài chừng một dặm (1,7 km), nằm giữa hai rặng núi Hổ Sơn và Long Sơn[2]. Hai bên thần đạo có hai hàng tượng lính gác, lạc đà, voi, và quái thú bằng đá để canh giữ lăng. Cổng đá vào lăng xây năm 1540, cao 14 mét, và rộng 19 mét.Hình thức và quy chế của Thập Tam Lăng cơ bản giống Lăng Minh Hiếu, trục đường trong khu lăng mộ có một Thần Lộ biểu tượng “danh dự ” của vua. Trước cổng chính của khu lăng mộ với một cổng chào đồ sộ làm bằng đá xây năm 1540, cao 14 mét, và rộng 19 mét, tính đến nay đã có 469 năm lịch sử. Cổng chào này được bảo tồn rất hoàn hảo, toàn bộ xây dựng bằng đá cẩm thạch lớn, hoa vân chạm khắc trên đó rất đẹp và khỏe khoắn, là cổng chào hiếm thấy kể từ Đời Minh Thanh đến nay. Vào cổng chào không xa sẽ là Đại Cung Môn- cổng chính của Lăng Viên, con đường tất phải đi qua khi vua đến viếng lăng ngày xưa. Bắt đầu từ Đại Cung Môn, có xây bức tường vòng quanh Lăng Viên dài khoảng 40 ki-lô-mét theo địa hình núi sông, đặt 10 cửa quan. Ngày trước mỗi cửa quan đều có quân đội canh giữ nhằm bảo vệ lăng tẩm. Mỗi ngôi mộ trong Thập Tam Lăng đều có Giám, Viên, Vệ. Giám tức là nơi ở của Thái Giám, quan chức quản lý Lăng Viên chuyên trách công việc cúng tế của Lăng Viên, cho nên đều xây dựng ở gần Lăng Tẩm, hiện nay đều đã trở thành làng xóm. Viên tức là nơi ở của thợ vườn, kinh doanh rau quả dành cho việc cúng tế. Vệ có nghĩa là nơi đóng quân với mục đích là bảo vệ Lăng tẩm.


Ân Điện là kiến trúc chính trong Lăng viên, khi hoàng gia tế tổ, mọi hoạt động cúng tế đều được tổ chức trong ngôi điện lớn này. Điện lớn kết cấu bằng gỗ, gồm 60 cột gỗ lim cao 12 mét, đường kính 1 mét. Loại gỗ này quý hiếm, rắn chắc, không dễ mục nát và còn có mùi thơm kỳ lạ. Những gỗ lim này được đưa từ vùng rừng sâu của Vân Nam và Tứ Xuyên lên. Sau khi chặt đẵn xong, phải đợi đến mùa lũ mới đưa gỗ trôi theo dòng nước ra khỏi rừng, rồi kết thành bè theo sông đưa tới Bắc Kinh. Vận chuyển trên đường bộ lại phải đợi tới mùa đông, cứ cách một quãng lại đào một cái giếng, lấy nước đổ lên mặt đất cho đóng băng, rồi dùng sức người kéo lê về Bắc Kinh, mất từ 3 đến 4 năm, dân công lên tới 20 nghìn người, nhân lực, vật lực, tài lực là vô cùng tốn kém. Phía sau Ân Điện có một kiến trúc hình vuông vươn cao sừng sững được gọi là Minh Lâu, đây là vật kiến trúc tiêu biểu của lăng mộ đế vương triều Minh, bên trong đặt bia mộ của mộ chủ, từ đây vươn thành dãy tường vây hình tròn vây quanh ụ đất, ụ đất hình tròn này được gọi là Bảo Đỉnh, phía dưới là hầm mộ có đặt quan tài của vua và hoàng hậu.


Thập Tam Lăng nằm trên núi Yên Sơn vùng ngoại ô tây bắc Bắc Kinh, mười ba ngôi lăng mộ màu vàng chói lọi nằm giữa núi non, các kiến trúc lăng tẩm hòa nhập với phong cảnh thiên nhiên là nét điển hình của kiến trúc lăng tẩm của đế vương Trung Quốc. Khu lăng mộ này năm 2003 đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới .


Để bảo tồn mãi mãi Lăng tẩm của mình, các Hoàng đế không những bịa ra nhiều thần thoại, mà còn giấu mộ một cách cực kỳ kín đáo. Vì vậy, Địa Cung của các lăng mộ luôn được trùm lên mầu sắc thần bí. Định Lăng là lăng mộ thần bí nhất trong Thập Tam Lăng. Nhất là Huyền Cung dưới lòng đất của Định Lăng chưa hề có người biết đến, mãi đến tháng 5 năm 1956, những người làm công tác khảo cổ TQ mới bắt đầu khai quật Địa Cung của Định Lăng, tổng diện tích của Địa Cung Định Lăng là 1195 mét vuông, gồm 5 điện trước, giữa, sau, điện trái và điện phải, toàn bộ đều được xây dựng bằng kết cấu đá. Để bảo vệ mặt đất khỏi bị phá hoại, đã lát đường bằng những ván gỗ dày cho xe linh cứu vào Địa Cung, đến nay vẫn còn trải trên mặt đường từ Điện trước đi tới Điện Sau. Trung Điện có ba ngôi vua đá cẩm thạch, Điện Sau được gọi là Huyền Đường, là bộ phận chính của Địa Cung. Phía trước quan sàng có đặt ba áo quan, ở giữa là chiếc áo quan cực lớn, đó là linh cứu của Chu Hủ Quân, bên trái và bên phải là áo quan của hai hoàng hậu Chu Hủ Quân. Xung quanh có 26 hòm tùy táng, đá cẩm thạch, bình sứ hoa xanh v.v. Sau khi khai quật Định Lăng đã khai quật ra hơn 3000 văn vật quý. Trong đó có hàng dệt muôn màu muôn vẻ, trang phục, đồ trang sức vàng xinh xắn cùng nhiều đồ vàng, đồ ngọc và đồ sứ hiếm thấy, tất cả những thứ đó đều là hàng mỹ nghệ quý của Đời Minh.


Thập kỷ 50 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã có kế hoạch khai quật hầm mộ Trường Lăng, nhưng lại không sao tìm được lối vào. Sau, qua điều tra tính toán, họ mới quyết định tiến hành khai quật thử một ngôi lăng mộ khác trong Thập Tam Lăng, để tránh gây tác hại đối với Trường Lăng. Định Lăng là ngôi lăng mộ lớn thứ ba trong quần thể lăng tẩm này, đây là nơi mai táng vua Minh Thần Tông Chu Dực Quân, nien hiệu Vạn Lịch và hai vị hoàng hậu của ông, hình thức kiến trúc của nó rất giống Trường Lăng, nên các nhà khảo cổ mới chọn nó để khai quật thử. Ban đầu, người ta không tài nào tìm được lối vào hầm mộ, cho mãi tới khi tình cờ may mắn tìm thấy một tấm bia đá nhỏ huyền bí, thì mới phát hiện đây chính là chiếc chìa khóa của hầm mộ, bên trên khắc rõ vị trí của cánh cửa đi vào hầm mộ Định Lăng. Căn cứ theo tấm bia này, các nhà khảo cổ đã thuận lợi tiến vào tòa cung điện trong lòng đất này. Thông thường, cửa vào hầm mộ là hoàn toàn bí mật, tại sao ở đây lại có bản đồ ? Lý do vì vua Vạn Lịch năm 22 tuổi bắt đầu xây dựng Định Lăng, mất 6 năm, tức khi nhà vua 28 tuổi mới hoàn thành. Nhưng nhà vua băng vào lúc 58 tuổi. Thế có nghĩa là ngôi lăng mộ này bị phong kín trong suốt 30 năm, nên để đề phòng quên mất lối vào, người ta phải làm bản đồ chỉ dẫn cửa vào, và sau khi mai táng, không rõ vì lý do gì người ta không hủy nó đi.


Hầm mộ Định Lăng nằm sâu dưới lòng đất 27 mét, gồm 5 ngôi điện lớn: Trước, giữa, sau và hai bên phải trái, toàn bộ đều xây bằng đá. Trong gian điện giữa có ba ngôi bảo tọa bằng Hán Bạch Ngọc, phía trước đặt một vại sứ to trong đựng dầu thơm, được gọi là Trường Minh Đăng. Còn ngôi điện sau là phần chủ yếu của hầm mộ, trong đặt áo quan của vua Vạn Lịch và hai vị hoàng hậu.Chiếc quan tài lớn là của vua, 2 chiếc quan tài nhỏ là của 2 hoàng hậu. Tất cả cứ để nguyên như thế từ khi chết đến giờ chứ không chôn xuống đất Hầm mộ Định Lăng có hơn 3.000 văn vật như: đồ thêu, trang phục và đồ trang sức, ngoài ra còn có khá nhiều đồ vàng, ngọc và đồ sứ rất quý hiếm. Những chiếc hòm nhỏ là để đựng vàng bạc châu báu táng theo vua. Các đồ vật quý giá đó nay đã được lấy ra và trưng bày tại bảo tàng.Đoàn đã được Samin đưa thăm từ Cổng qua quảng trường. Tại đây đua nhau chụp ảnh cạnh Kiệu Vua và kiệu Hoàng hậu. Sau đó vòng qua Minh Lâu 明楼, nơi đặt bia mộ của hoàng đế Chu Đệ và Hoàng hậu để bước vào khu vườn cây phía sau, qua một khu kiểm tra an ninh khá chặt chẽ rồi xuống hầm mộ. Đường xuống hầm mộ được xây cất khá công phu, có lan can tay vịn chnwgs tot TQ rất chú trọng khuếch trương di tích phục vụ du lụch. Mọi người đặt rất nhiều tiền trước nơi đặt quan tài Vua và Hoàng hậu. Vì thiếu tiền Trung, bọn tôi đặt cả tiền Việt. Khi ngược lên Minh Lâu để trở ra mới thấy các cánh cửa bằng gỗ khá dầy và nhẵn thín bởi dấu tay người.

-*-

[1] ông lên ngôi năm 1368, lăng mộ của ông là Minh Hiếu lăng, xây dựng tại Nam Kinh, không nằm trong Thập Tam Lăng[2] Theo nguyên lý tả Thanh Long 左青龍, thuộc Mộc 木 cao hơn ở bên Trái và bên phải có hữu Bạch Hổ 右白虎, thuộc Kim 金 trong cách chọn đất đặt mộ.


- Lương Đức Mến (biên soạn và bình chú) -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân