Muốn hình dung về KHHS thời VNCH (1955-1975) có thể tìm hiểu qua việc điều tra cái chết của một nhà
văn, nhà báo với nhiều bút danh và cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ
20.
Đó là Nguyễn Tường Tam (1906[1]-1963),
người sáng lập và là cây bút chính của “Tự Lực văn đoàn”, từng là Chủ bút tờ tuần
báo Phong Hóa, Ngày Nay (bút danh Nhất
Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt, Đông Sơn). Ông còn là người
sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Đại Việt Quốc dân
Đảng (khi Đại Việt Dân chính Đảng hợp nhất
với Việt Nam Quốc dân Đảng), từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính
phủ Liên hiệp Kháng chiến do MT Việt Minh làm nòng cốt.
HỒ SƠ KHOA HỌC VỀ CÁI CHẾT
CỦA NHÀ VĂN NHẤT
LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM
1. Thân thế và sự
nghiệp:
Ông nguyên quán là làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
nhưng sinh ra tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Ông nội Nguyễn Tường Tam là Nguyễn Tường Tiếp, làm tri huyện Cẩm
Giàng, gọi là Huyện Giám, rồi hưu trí tại đây. Cụ có người con trai duy nhất là
Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu) làm Thông phán, nên được gọi là Thông Nhu, hay
Phán Nhu, mất năm 1918 khi mới 37 tuổi. Ông lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, có
được 7 người con và nhà văn Nhât Linh là con trai thứ 3. Cha mất sớm, gia đình
lâm vào cảnh khó khăn, anh em Nguyễn Tường Tam đã tiếp xúc với những người nông
dân nghèo khổ. Điều đó ảnh hưởng đến sự nghiệp văn học của ông và nhà văn Thạch
Lam em ông.
Nguyễn Tường Tam học tiểu học ở Cẩm Giàng, trung học tại trường Bưởi
ở Hà Nội và từng có thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, có bài “Bình Luận Văn
Chương về Truyện Kiều” trên Nam Phong tạp chí. Tuy đậu bằng Cao tiểu (1923) nhưng
vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên Nguyễn Tường Tam làm thư ký ở sở Tài
chính Hà Nội. Ông quen với Tú Mỡ và viết cho tờ Nho Phong đồng thời lập gia
đình với bà Phạm Thị Nguyên[2].
Năm 1924, ông tiếp tục học ngành Y và Mỹ Thuật, được một năm rồi bỏ. Năm 1926,
Nguyễn Tường Tam vào Nam ,
gặp Trần Huy Liệu và Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang
Phan Chu Trinh nên hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao
Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học.
Năm 1927, Nguyễn Tường Tam sang Pháp vừa học khoa học, vừa nghiên cứu
về nghề báo và nghề xuất bản. Năm 1930, ông đậu bằng Cử nhân Khoa học Giáo khoa
(Lý, Hóa) và trở về nước.
Về đến Hà Nội, Nguyễn Tường Tam xin ra tờ báo trào phúng “Tiếng cười”,
nhưng chờ không thấy Sở Báo chí của Phủ Thống sứ cấp giấy phép, ông xin dạy học
tại trường tư thục Thăng Long. Ở đó ông quen biết với thầy giáo dạy Việt văn là
Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng). Năm 1932, Nguyễn Tường Tam mua lại tờ tuần báo
Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai, và trở thành Giám đốc kể từ số
14, ra ngày 22 tháng 9 năm 1932. Ông chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả
kích các hủ tục phong kiến, hô hào “Âu hóa”, đề cao chủ nghĩa cá nhân.... Trong
năm ấy, ông và các cộng sự quyết định thành lập “Tự Lực văn đoàn”[3]
trên nguyên tắc “dựa vào vào sức mình,
theo tinh thần anh em một nhà. Tổ chức không quá 10 người để không phải xin
phép Nhà nước, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích tôn chỉ, anh em tự nguyện tự
giác noi theo”. Về sau, tính chuyện lâu dài, văn đoàn này mới chính thức tuyên
bố thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1934. Tháng 6 năm 1935, báo Phong Hóa bị nhà cầm
quyền ra lệnh đóng cửa ba tháng vì loạt bài “Đi xem mũ cánh chuồn “ châm biếm Tổng
đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Sau đó ra tiếp được hơn một năm, thì bị đóng cửa
vĩnh viễn (số cuối 190 ra ngày 5 tháng 6
năm 1936) cũng vì tội “chế nhạo”. Tờ tuần báo Ngày Nay, trước ra kèm với
Phong Hóa, tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay,
Nguyễn Tường Tam cùng nhóm Tự Lực văn đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ
chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm
nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo...
Năm 1938, Nguyễn Tường Tam thành lập Đảng Hưng Việt, rồi đổi tên là
Đại Việt Dân chính Đảng[4]
vào năm 1939 mà ông làm Tổng Thư ký. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở
thành công khai. Năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị thực dân
Pháp bắt và đày lên Sơn La, đến năm 1943 mới được thả. Trong thời gian này, em
ông là Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay. Tháng 9
năm ấy, báo Ngày Nay bị đóng cửa sau khi ra số 224.
Năm 1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu. Thạch Lam mất tại Hà Nội
vì bệnh lao. Đại Việt Dân chính Đảng thì đã gần như tan rã. Trong thời gian từ
1942 đến 1944, ông học Anh Văn và Hán văn. Tại Quảng Châu và Liễu Châu ông gặp
Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra. Nguyễn Tường Tam cũng bị giam bốn tháng
ở Liễu Châu, được Nguyễn Hải Thần bảo lãnh mới được Trương Phát Khuê thả ra.
Nguyễn Tường Tam hoạt động trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, rồi về Côn
Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc dân đảng, tá túc với Vũ Hồng Khanh.
Tháng 3 năm 1944, tại Liễu Châu, Nguyễn Tường Tam được bầu làm ủy viên dự khuyết
Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, tức Việt Cách.
Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang cùng quân đội,
nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Theo lệnh của Nhất Linh từ
Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay, với Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và
Nguyễn Tường Bách, lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và trở thành
cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tháng 5 năm 1945, tại Trùng Khánh,
ông sáp nhập Đại Việt Dân chính đảng với Việt Nam Quốc dân đảng là Đại Việt Quốc
dân Đảng[5],
tên gọi mới trong nước, còn tên gọi ở hải ngoại, nhất là tại Trung Quốc là Việt
Nam Quốc dân đảng, tránh dùng danh xưng Đại Việt vì lý do tế nhị trong giao tế với
bạn đồng minh Trung Hoa. Nguyễn Tường Tam làm Bí Thư Trưởng của tổ chức mới
này. Cuối năm 1945 tổ chức này ra công khai với danh xưng Mặt trận Quốc dân Đảng,
gọi chung là Việt Nam Quốc dân Đảng, hay Việt Quốc.
Sau khi quân Tưởng vào Việt Nam, đầu năm 1946 Nguyễn Tường Tam trở
về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xuất
bản báo Việt Nam. Tháng 3 năm 1946, sau khi đàm phán với chính phủ, Ông đặc
cách tham gia Quốc hội khoá 1 không qua bầu cử, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao
trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến[6].
Khi được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm
phán với Pháp, nhưng Nguyễn Tường Tam lại không tham gia bất cứ cuộc họp nào
trong hội nghị. Sau đó, được cử đứng đầu Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị
Fontainebleau nhưng cáo bệnh không đi mà rời bỏ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến,
lưu vong sang Trung Quốc tháng 5 năm 1946[7]
và ở lại Hồng Kông cho tới 1951. Tại đây, năm 1947, Nguyễn Tường Tam cùng Trần
Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Hải Thần, Lưu Đức Trung thành
lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp ủng hộ giải pháp Bảo Đại thành lập
Quốc gia Việt Nam, chống cả Việt Minh lẫn Pháp, nhưng đến năm 1950 thì mặt trận
này giải thể.
Năm 1951, về nước mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của “Tự
Lực Văn Đoàn” và tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị nữa. Năm 1953,
Nguyễn Tường Tam lên sống tại Đà Lạt. Tuy nhiên trong Quốc dân Đảng vẫn tồn tại
phái Nguyễn Tường Tam, cạnh tranh với hai phái khác. Năm 1958, rời Đà Lạt về
Sài Gòn, ông mở giai phẩm “Văn Hóa Ngày Nay” ở Sài Gòn, phát hành được 11 số
thì bị đình bản.
Năm 1960 ông thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo
chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại,
ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng và bị Tòa an gọi ra xử
trong phiên tòa ngày mùng 8 tháng 7 năm 1963.
Trước đó, đêm 7 tháng 7 năm 1963, ông đã chết tại nhà riêng, để lại
phát biểu nổi tiếng: “Đời tôi để lịch sử
xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia
đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Vì thế tôi tự hủy
mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai
chà đạp mọi thứ tự do.”
2. Lắm bệnh tuổi Ngũ tuần:
Từ một thanh niên đầy sinh lực, mảnh khảnh, tráng kiện và lanh lợi
đến khi 50 tuổi sức khỏe của ông sút kém. Theo nhiều tài liệu thì ông mắc 3 chứng
bệnh: Nghiện thuốc lá (tabagisme);
Nghiện rượu (alcoolisme); Suy nhược
tâm thần (neurasthénie) luôn bị ý
nghĩ tự sát ám ảnh (obsédé par le suicide).
3. Ngày cuối cùng
của nhà văn:
Ngày 6/7/1963, Nhất Linh nhận được giấy đòi phải trình diện Tiểu đội
Hiến Binh ở số 635 đường Nguyễn Trãi Saigon và trát của Tòa án quân sự đặc biệt
Sài Gòn đòi ông có mặt lúc 7giờ30 ngày 8/7/1963 tại Tòa thượng thẩm (số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn) để
nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia” vì có tham gia cuộc đảo chính
11/11/1960.
Sáng Chủ nhật ngày 7/7/1963 Nguyễn Tường Tam viết di ngôn sau đó đi
thăm Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm[8].
Trước khi ra về, ông đứng lên và nói rất nhỏ nhẻ: “Tôi đến để từ biệt anh chị.”.
Chiều hôm ấy, ông vừa ngồi uống Johnnie Walker vừa nói chuyện bình thường với
con cái. Con trai ông là Nguyễn Tường Thiết tưởng ông uống rượu như mọi ngày để
quên sự thế, nào ngờ sau đó thấy ông bất tỉnh liền mời bác sĩ.
17 giờ chiều, BS Nguyễn Hữu Phiếm đến thì Nhất Linh đã mê man bất tỉnh,
hơi thở rất yếu, liền viết giấy tối khẩn gửi Nhất Linh vào bệnh viên Grall[9]
lúc 18:00 giờ, với lời ghi : “Tentavive de suicide avec substance inconnue” (có ý định tựu tử nhưng chưa rõ dùng thuốc
gì). Bác sĩ trực không thấy triệu chứng của một bệnh nào nhưng tình trạng rất
trầm trọng nên lắc đầu thất vọng, và nói: “C’est foutu!”. Khi thử nước tiểu thấy
có thuốc ngủ tuy không rõ rệt nên vị bác sĩ này cũng nghĩ là tự vẫn bằng độc duợc.
Sau một hồi được tích cực cấp cứu, Nguyễn Tường Tam tắt thở lúc 01
giờ 15 đêm 07 rạng sáng ngày 8/7/1963.
Chính quyền vì muốn tìm hiểu thực chất việc đột tử của ông nên đã
cho khám nghiệm tử thi mặc dù gia đình không chấp thuận. Đồng thời sợ để lâu
khi đưa đám mọi người sẽ đi dự rất đông nên buộc gia đình phải mai táng vội vào
ngày 13/7 tại nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp, không cho đợi người con cả của
ông ở Pháp về dự lễ tang.
Năm 1975, Nguyễn Tường Thạch đã hỏa thiêu di cốt cha, gửi bình tro
tại chùa Kim Cương (đường Trần Quang Diệu,
quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2001, các con[10]
mới quyết định di dời hài cốt của cha mẹ cùng chị gái lớn là Nguyễn Thị Thư về
trong khu mộ của dòng họ tại Hội An (Quảng
Nam).
4. Kiểm định danh tính người
chết:
Để khẳng định tử thi đang khám là thi xác của “đối tượng” đang theo
dõi (Nguyễn Tường Tam) chính quyền đã
cử 2 nhân viên Sở Giảo nghiệm (Nguyễn Tứ
Quý và Trương Tấn Bảo) chụp ảnh và lấy dấu ngón tay.
5. Khám nghiệm tử thi:
Ngay sau khi Nhất Linh mất, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh phẫu
nghiệm tử thi (autopsie) mặc dầu
không có sự ưng thuận của gia đình, để tìm hiểu nguyên nhân chết thực sự của Nhất
Linh. Sau đây là nguyên văn bản phúc trình pháp lý về cuộc phẩm nghiệm tử
thi Nguyễn Tường Tam:
Sài Gòn, ngày 9 tháng 7 năm 1963
Bản phúc trình Pháp y về việc phẫu nghiệm tử thi Nguyễn Tường Tam: Ngày 8-7-1963, hồi 16 giờ tại nhà xác Bệnh viện Grall có sự hiện diện của những
vị sau đây:
1. Ông Lưu Đình Việp, Biện lý Toà Sài Gòn.
2. Ông Lý Quốc Sỉnh, Phó Biện lý Toà Sài Gòn.
3. Ông Dương Tấn Hữu, Phó Ty Cảnh sát quận I.
4. Ông Nguyễn Tứ Quý, Sở Giảo nghiệm.
5. Ông Trương Tấn Bảo, Sở Giảo nghiệm.
6. Bs. Nguyễn Văn Bổn, Y sĩ Chẩn y viện quận I, Y sĩ Giám định[11].
7. Bs. Nguyễn Đăng Phong, Y sĩ Trưởng Đô thành.
8. Bs. Đào Huy Chân, Y sĩ Chẩn y viện quận III, Y sĩ Giám định.
9. Bs. Nguyễn Danh Đàn, Thanh tra Bộ Y tế.
10. Bs. Nguyễn Bỉnh Nghiêm, Đại diện Bộ Y tế.
11. Bs. Nguyễn Huy Can, Giảng viên Trường Đại học Y khoa.
12. Bs. Gourillon, Y sĩ giải phẫu Bệnh viện Grall.
Thời gian Nguyễn Tường Tam nằm Bệnh viện Grall
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết giấy tối khẩn gởi Nguyễn Tường Tam vào
Bệnh viện Grall, ngày 7-7-1963, hồi 18 giờ. Có mấy chữ như sau: Toan tự tử
(không rõ với chất gì). Khi vào đến bệnh viện thì hơi thở, mạch của bệnh nhân rất
yếu cho đến nỗi bác sĩ tưởng đã chết rồi.
Sau khi được chữa trị thì hơi thở và mạch khá hơn chút ít.
Bác sĩ điều trị không thấy triệu chứng của một bệnh nên có nghĩ đến
sự tự tử bằng chất độc. Tuy nhiên có tìm chất thuốc ngủ trong nước đái bệnh
nhân mà không thấy rõ.
Bệnh nhân tắt thở ngày 8-7-1963 hồi 1 giờ 15 phút.
Giảo nghiệm
Muốn cho chắc rằng tử thi đang khám là của Nguyễn Tường Tam, hội đồng
nhờ Sở Giảo nghiệm (hai ông Nguyễn Tứ Quý và Trương Tấn Bảo) chụp hình và lăn
ngón tay[12].
Khám tử thi bề ngoài do Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn và Đào Huy Chân là
hai y sĩ giám định.
Tử thi là một người đàn ông gầy, độ 60 tuổi, râu môi trên và tóc bạc
một phần màu muối tiêu.
a. Đầu: Cái mặt không có vết thương nào. Trong miệng không có răng
giả, con ngươi mở (mydriase). Tìm kỹ nơi da đầu không thấy thương tích.
b. Cổ: không có thương tích.
c. Tay chân: không có thương tích.
d. Mình mẩy: không có thương tích.
Nơi vùng xương khu (vertébres sacrées)[13]
có hai mụn lở (escarres) vì gầy yếu và nằm cấn, ngay những đốt xương D3-D4 có
bướu mỡ đo 5cm x 3cm.
Phẫu nghiệm Bác sĩ Nguyễn Văn Bổn giải phẫu. Bác sĩ Đào Huy Chân phụ
tá.
1. Phổi: Không có bệnh, chỉ đen vì bụi (authracose). Màng phổi
không có chi lạ.
2. Tim: Không có bệnh Infarctus[14].
Màng tim không có chi lạ.
3. Bao tử: Không có bệnh. Đầy phân nửa thức ăn. Bao tử được cột hai
đầu và lấy nguyên ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo nghiệm.
4. Gan: Phía dưới lá gan có một lằn chai to (bande scléreuse).
Ngoài ra không có bệnh chi cả. Gan và túi mật cân nặng 1kg120.
5. Tuỳ tạng (pancréas): không có chi lạ.
6. Lá lách (rate): có vẻ thường.
7. Thận: thận hữu nặng 130gr, thận tả 120gr, không có bệnh.
8. Tuyến thượng thận (glandes surrénales): có vẻ thường.
9. Đầu: da đầu không có thương tích, xương sọ tốt.
10. Óc: không có chảy máu, không có bướu, màng óc (tumeur không có
bệnh).
Tìm chất độc. – Có gửi đến Viện Giảo nghiệm:
a. Nguyên cái bao tử với thức ăn.
b. 25cc máu lấy trong tim.
c. 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái. Nước tiểu có vẻ thường.
d. 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalorachidien)[15].
Kết luận:
Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy
thi hài có triệu chứng nào có thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường
Tam.
Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo nghiệm.
Bs. Đào Huy Chân và Bs. Nguyễn Văn Bổn (ký tên)
6. Thử nghiệm độc
duợc:
Sau đây là nguyên văn bản phúc trình kết quả thử nghiệm của Viện
Pasteur Sài Gòn dịch ra tiếng Việt:
Sài Gòn, ngày 15 tháng 7 năm 1963. Số 562/HA
Thử nghiệm độc dược
Chiếu theo giấy số 13.747, ngày 10-7-1963 của Toà án Sài Gòn, xin
khám nghiệm nước tiểu, máu và nước rửa bao tử của Nguyễn Tường Tam.
° Tìm chất độc loại hữu cơ trích ra nhờ hơi nước lôi cuốn:
- Tìm chất lân tinh: kết quả không.
- Tìm chất Cyanure: không không.
° Tìm chất cặn để lại bởi éther alcalin:
- Tìm chất alcaloides:
1. Phản ứng Valser và Mayer: kết quả không.
2. Phản ứng Draggendorf: kết quả không.
° Tìm trong chất cặn để lại bởi éther acide:
- Tìm chất digitaline: kết quả không.
- Tìm chất phénol acide salicylique và antipirine: kết quả không.
° Tìm chất barbiturique (thuốc ngủ): kết quả có.
1. Phản ứng kiểm nhận bằng Nitrat mercureux: cặn trắng, rồi sẩm màu
rất lẹ.
2. Phản ứng Dengiès (bằng nước trung cách Sulfate mercurique): kết
tủa trắng và keo tan trong acide chlorhydrique.
3. Phản ứng Pari: màu đỏ tím rất đẹp.
4. Kiểm nhận bằng phương pháp microcristallosscopie Dengiès: hiện
diện của những mảnh hình chữ nhật riêng rẽ hay chụm lại với nhau.
° Kết luận:
Có hiện diện của chất Barbituriques với một mức độ rất cao trong nước
tiểu của Nguyễn Tường Tam.
Sau khi kiểm nhận bằng microcristalloscopie ta có thể kết luận chất
barbiturique này là loại Véronal.
Trưởng Phòng Thí nghiệm
Phạm Văn Tất
Như thế, về phương diện y
học, Nhất Linh đã chết mau chóng bởi thuốc ngủ Véronal pha rượu Johnnie Walker
trên một cơ thể có bệnh lý về phổi, gan do nghiện thuốc lá (tabagisme), nghiện rượu (alcoolisme) và thần kinh suy nhược (Neurasthénie), có tiền sử ám ảnh tự sát
(Obsession par le suiccide).
Nhưng đó là cái “chết đẹp”[16]
vào ngày “Song Thất” (07/7) hay do động cơ gì thì cũng đã có nhiều bài viết,
bình luận, đánh giá. Bên cạnh việc thương tiếc một người tài hoa, nhiệt tình,
năng động nhưng bệnh tật và sớm ra đi khi chưa đến tuổi “nhi nhĩ thuận”[17]而耳順, điều tôi quan tâm là hồi đó chính quyền xử lý trên phương diện
KHHS ra sao thì đã được trích dẫn như trên.
Trên phương diện đó, ngày nay trước một vụ đột tử ở nhân vật nổi tiếng,
nhiều vụ việc, có nơi còn phải học tập nhiều.
-
Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK[18]-
[1] Về năm sinh của ông có nhiều tư liệu khác nhau: 1905,
1906, 1908.
[2] Bà Phạm Thị Nguyên sinh năm 1906, quê làng Phượng Dực,
Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Tuy là người Tây học, nhưng cuộc hôn nhân này do cha
mẹ ông quyết định. Vợ ông trước năm 1945 là chủ hiệu buôn cau khô có tiếng ở Hà
Nội mang tên Cẩm Lợi ở số 15 phố Hàng Bè.
Sau
khi ông mất (7/1963) và sau 30/4/1975 bà vẫn ở Sài Gòn. Năm 1981, bà sang Pháp
đoàn tụ với các con, rồi qua đời ngày 6/5/1981 và được an táng tại đó.
[3] Là câu lạc bộ viết văn do Nguyễn Tường Tam khởi xướng và
bắt đầu hình thành vào cuối năm 1932, chính thức tuyên bố thành lập vào ngày thứ Sáu, 2 tháng 3 năm 1934 (tuần báo Phong Hóa số 87). Đây là một tổ chức văn học đầu tiên của
Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại và là
một tổ chức văn học đầu tiên trong lịch sử văn học của dân tộc Việt do tư nhân
chủ xướng, không dính líu đến vua quan, thân hào như các thi xã kiểu cũ (như Tao đàn Nhị thập bát Tú, Tao đàn Chiêu
Anh Các, Mặc Vân thi xã) và cũng không phát ngôn cho tiếng nói của quyền lực
(như các nhóm Đông Dương tạp chí, Nam
Phong tạp chí,...).
Trong
khoảng 10 năm (1932 - 1942) tồn tại,
văn đoàn ấy với những sáng tác văn học, hoạt động báo chí, xuất bản sách, trao
giải thưởng, v.v...đã tạo nhiều ảnh hưởng đến văn học và xã hội Việt Nam ở
thời kỳ đó.
[4] Đại Việt Dân chính Đảng 大越民政黨 là tên
gọi một chính đảng do nhóm Tự Lực văn đoàn sáng lập, tồn tại từ 1938 đến 1945.
[5] Việt Nam Quốc dân Đảng
越南國民黨, gọi tắt là Việt Quốc - là một chính đảng được thành lập
năm 1927 tại Hà Nội. Sau năm 1975, do biến động chính trị, tổ chức này hầu như
chỉ hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam .
[6] Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (có tài liệu gọi là Chính phủ Liên hiệp Quốc gia) là chính phủ được
thành lập vào ngày 2 tháng 3 năm 1946 dựa trên kết quả của kỳ họp thứ I Quốc hội
khóa I tại Hà Nội nhằm tạo khối đại đoàn kết vững mạnh trên cả nước để chuẩn bị
cho công cuộc "kháng chiến kiến quốc" về sau.
Chính
phủ liên hiệp kháng chiến là sự mở rộng thành phần nội các của Chính phủ liên
hiệp lâm thời Việt Nam
ngày 1 tháng 1 năm 1946. Chính phủ bao gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 1 cố vấn,
1 Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội, 1 Phó Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội và
10 bộ trưởng. Trên cơ bản, đây là sự rút gọn về số lượng thành viên chính phủ
nhưng là sự mở rộng thành phần nội các so với chính phủ lâm thời kháng chiến
sao cho gọn nhẹ hợp thời chiến nhưng đảm bảo tính đoàn kết, hòa hợp dân tộc giữa
các Đảng phái trong nước.
[7] Sau đó xảy ra sự kiện vụ án “nhà số 7 phố Ôn Như Hầu” (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), ngày 12/71946 lực lượng Công
an khám xét các của cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng bắt
giữ nhiều đảng viên hai đảng này, và tịch thu được nhiều vũ khí truyền đơn khẩu
hiệu chống chính quyền
[8]
Tiến sĩ Y khoa (1910-1976) tốt nghiệp tại Pháp, ngày
1-7- 1949 được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Y Tế thời chính phủ Bảo Đại. Ông hoạt động
trong nhiều lĩnh vực Giáo dục Chính trị, Văn Học, có nhiều bài viết trên các
báo thời Pháp thuộc, quen biết với nhiều người trong các giới chính quyền cũng
như các văn nhân, nghệ sĩ. .
[9] Bệnh viện Grall bắt đầu xây dựng năm 1867 và bắt đầu nhận bệnh từ 1873 mang tên Bệnh
viện Hải quân, sau đó là Bệnh viện Quân đội, phục vụ chiến tranh Đông Dương. Bệnh
viện mang tên Bệnh viện Grall từ năm 1925 và
trở thành bệnh viện dân sự với 560 giường bệnh từ năm 1958, người thành
phố quen gọi là bệnh viện Đồn Đất, dành cho người giàu có và Pháp kiều. Sau
30/4/1975, Bệnh viện được chuyển giao cho chính phủ từ năm 1976. Từ 1- 6 - 1978
bệnh viện được giao nhiệm vụ khám và chăm sóc điều trị cho trẻ em và mang tên Bệnh
viện Nhi Đồng 2.
[10] Ông có 7 người con, gồm 5 con trai (Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường
Thiết, Nguyễn Tường Thái) và 2 con gái (Nguyễn
Kim Thư, Nguyễn Kim Thoa).
[11] VNCH gọi những Bác sĩ làm pháp y là “Y sĩ lý khán”, Bác
sĩ trong quân đội ọi là Y sĩ quân y. Như thế “Y sĩ” ở đây không phải là bằng cấp
thấp hơn bác sĩ như ngoài Bắc và hiện nay ta vẫn gọi!
[12] Động tác này, hiện nay nhiều khi không được coi trọng nên
đã có lúc chẳng tìm được người thiệt mạng là ai!
[13] Đốt sống xương cùng.
[14] Thời này và tới tận 1980 khi tôi vào thực tập tại BV “Vì
dân”, “Chợ Rẫy”, “Gò Vấp”, các Bác sĩ vẫn dùng thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng
Pháp. Infarctus = Nhồi máu.
[15] Nay thường gọi là “dịch não tủy”.
[16] Có người cho rằng
Trát tòa ông nhận đuợc gíúp ông quả quyết thực hiện ý định tự vẫn vào ngày Song
Thất (mồng 7 tháng 7 năm 1963) để đem
một cái nhục cho họ Ngô và thúc đẩy quần chúng đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô
Đình Diệm.
[17] Lời Khổng tử: Lục thập nhi nhĩ thuận, 六十而耳順, nghĩa là khi người ta tới 60 tuổi thì mới hoàn hảo về mặt tri hành, kiến văn và kinh
nghiệm sống. Nhờ đó có thể nhận xét và phán đoán được ngay và chính xác về các
sự kiện, và nhân vật trong thiên hạ.
[18]
Đặc biệt là: Luận án tiến sĩ của BS Mạc Văn Phước:
“BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT của 4 văn nhân” đã bảo vệ ngày 20/7/1968 tại Saigon do BS Đặng Ngọc Thuận tóm lược, phụ chú; http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_T%C6%B0%E1%BB%9Dng_Tam
12/16/2014 3:08 AM
Trả lờiXóaHọ Ngô bị nhục thì chưa biết, nhưng nhời cái chết đẹp của Nhất Linh Dân chúng Miền Nam được
ăn Cao Lương: Bo Bo nhọn mỏ. Dân gian nói rằng: Ăn ngô thi no lâu mà ăn hồ thì mau đói ạ.