Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Tìm hiểu xem LONG PHI LÀ NĂM NÀO ?

Long phi (龍飛) nguyên nghĩa là “rồng bay”  trong thành ngữ “龍飛鳳舞” (long phi phượng vũ) tức “rồng bay phượng múa” chỉ cái đẹp rực rỡ!.

Trong một số văn bản ngày xưa, ở dòng ghi niên đại (năm tạo ra), thỉnh thoảng có xen vào hai chữ “龍飛”(long phi). Đây là một mỹ tự được dùng với ý nghĩa tôn kính chỉ thời gian trị vì của vua đương triều. Từ này không chỉ cụ thể một năm nào hay một giai đoạn nào!.

Muốn biết năm đó thuộc triều nào thì sau từ “long phi” phải thêm từ chỉ niên hiệu 年號 do từng ông Vua đặt ra cho thời gian chấp chính của mình (xuất phát từ khẩu hiệu hay phương châm trị vì của vị vua đó). Sau niên hiệu là số năm thứ mấy của niên hiệu (thông thường bắt đầu từ ngày đầu năm mới âm lịch).

Ví dụ, trên một văn bản có dòng chữ “黎朝萬萬年龍飛景興四十七歲在丙午季春上澣” (Lê triều vạn vạn niên Long phi Cảnh Hưng tứ thập thất tuế tại Bính Ngọ quý Xuân thượng cán) cho biết năm tạo văn bản là cuối tháng Ba, mùa Xuân năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 47 (1746) đời Lê.

Từ “Long phi” (龍飛) này có khi được dịch thành “rồng dậy”. Ví dụ trong câu câu mở đầu “Sứ trình tân truyện” (使程新傳, Truyện mới về lộ trình đi sứ) của Nguyễn Tông Quai (阮宗乖, 1692-1767) có câu:

Cảnh Hưng rồng dậy thứ ba

Tháng thu tháng tám sứ Hoa khởi trình.

Ở đây cụm từ “Cảnh Hưng rồng dậy thứ ba” có nghĩa là “Năm Cảnh Hưng thứ ba” đời Lê Hiển Tông (黎顯宗, 1740-1786), tức vào năm 1742.

Việc dùng hai chữ Long phi (龍飛) trong dòng lạc khoản chỉ niên đại thấy có từ thời Lê (黎中興朝, 1533–1789) kéo dài trong cả thời Nguyễn (阮朝, 1802–1945).

Do vậy nói “long phi” là chỉ một năm cụ thể, dưới triều đại cụ thể nào là không chính xác, hơn nữa lại khẳng định đó là niên đại suốt thời gian Pháp thuộc (法屬時代, 1884-1945) là không đúng về chữ nghĩa, lịch sử và mơ hồ về chính trị!

Ví dụ dòng Lạc khoản một câu đối có ghi 龍飛壬午年 (Long phi Nhâm Ngọ niên) mà cần xác định niên đại chỉ cần chú ý “năm Nhâm Ngọ”! Nhưng “Nhâm Ngọ” cứ 60 năm (Hoa giáp) quay lại 1 lần nên có thể là 1 trong 5 năm gần đây còn sử dụng niên đại bằng chữ Hán, là: 1702, 1762, 1822, 1882 và mà chưa rõ chính xác là năm dương lịch nào?.

Muốn cụ thể phải biết thêm dữ liệu niên hiệu (đời Vua) nữa mới suy ra năm cụ thể được! Cụ thể nếu là:

- Long phi Nhâm Ngọ Cảnh Hưng景興thì là năm 1762 (thời Lê),

- Long phi Nhâm Ngọ Minh Mạng明命là 1822 (thời đầu Nguyễn),

-Long phi Nhâm Ngọ Tự Đức嗣德là năm 1982 (gần cuối tự chủ thời Nguyễn),

- Long phi Nhâm Ngọ Bảo Đại保大là 1942 (cuối Nguyễn, thuộc Pháp).

Chú ý rằng, có thể dưới cái nhìn của nhiều người, đặc biệt là với nhãn quan thời dân chủ thì đời ông Vua này, vị Vua kia không “thịnh trị” nhưng với người khác, sống thời khác họ lại cho rằng ngày ấy có “vua sáng tôi hiền” và để đẹp cho câu văn người ta vẫn đề chữ “龍飛” (Long phi) kèm Niên hiệu của nhà Vua nên không thể đoán định龍飛壬午年 (Long phi Nhâm Ngọ niên) thuộc về năm nào mà cần thêm dữ liệu khác nữa, tùy điều kiện !

Từ 1945 trở về sau, dưới chính thể “dân chủ cộng hòa”, ở Việt Nam  không ai dùng “Long phi” kèm niên hiệu để chỉ niên đại nữa mà dùng năm dương lịch trong các văn bản của nhà nước còn trong dân gian sử dụng lịch âm với tên gọi năm theo Can Chi!

-         Lương Đức Mến, tháng 10 năm 2020-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân