Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

BÃO LỤT VÀ SẠT LỞ ĐẤT tháng 10 năm 2020

Trong tháng 10 năm 2020 này, tại miền Trung xẩy ra những con lũ lịch sử, “lũ chồng lũ”, bắt đầu từ đêm ngày 06, rạng sáng ngày 07, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Kèm theo bão, lũ, lụt là hiện tượng sạt, lở đất gây thiệt hại lớn về người và của. Chính hiện tượng sạt lở đất đã  gây chú ý lớn của dư luận và buộc nhiều người đi tìm hiểu thêm và diễn biến, nguyên nhân, cách phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại.

I.             LŨ CHỒNG LŨ ở “khúc ruột miền trung”

Vừa qua, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới hình thành và liên tiếp biến động ở Biển Đông. Khởi đầu bằng áp thấp đợt ngày 06 – 08, áp thấp thứ hai đợt ngày 10 cho đến Bão số 6 ngày 11, tiếp đó là áp thấp thứ ba đợt ngày 12, Bão số 7 ngày 13, áp thấp thứ tư ngày 16, lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn.

Đây được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm nhất của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế – xã hội của miền Trung Việt Nam vừa hồi sinh sau Covid-19.

Tính đến 19/10/2020 đã có 90 người bị tử nạn (Quảng Bình: 2, Quảng Trị: 41, Thừa Thiên Huế: 27, Quảng Nam: 11, Đà Nẵng: 3, Quảng Ngãi: 1, Gia Lai: 1, Đắk Lắk: 1, Lâm Đồng: 1, Kon Tum: 2) và 34 người mất tích (Nghệ An: 1, Quảng Trị: 16, Thừa Thiên Huế: 15 người, Đà Nẵng: 1, Gia Lai: 1); thiệt hại kinh tế rất nặng nề.

Trong đó, đáng chú ý:

-Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân bị vùi lấp vào 11/10;

-13 thành viên nhóm cứu nạn Đoàn hỗ trợ của đơn vị Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 4, Ủy ban Nhân dân địa phương trong đợt sạt lở thứ hai ở Trạm 67 vào đêm 12/10;  

-Sạt lở vùng đóng quân Đoàn 337 vào đêm 17 rạng 18/10 đã vùi lấp 22 người;

-Sạt lở các vùng núi Hướng Hóa vào chiều ngày 17 chôn vùi một nhà dân làm sáu người trong gia đình sau đó một thượng úy Công an thiệt mạng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Hướng Việt và một Phó Bí thư là sĩ quan Biên phòng tăng cường bị thương gãy chân, bốn người khác mất liên lạc khi đoàn cán bộ Công an xã Hướng Việt gồm bảy người triển khai tìm kiếm;

-Sạt lở núi kinh hoàng đã xảy ra tại xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình), vùi lấp Đồn Biên phòng Quốc tế Cha Lo và xé toạc QL 12A, rất may không có thiệt hại về người, xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 19/10.

II. DIỄN BIẾN CHUNG một trận sạt lở đất

Sạt lở, còn được gọi là chuyển động dốc hoặc chuyển động khối, là quá trình đất, cát, lớp đất mặt, và đá di chuyển xuống dốc hoặc từ mặt đất xuống lòng sông, biển như một khối rắn, liên tục hoặc không liên tục, chủ yếu dưới lực hấp dẫn, nhưng thường có đặc điểm của một dòng chảy như trong các mảnh vụn chảy và dòng chảy bùn kèm theo là vô số vật thể vỡ vụn theo trên đường đi.

 Các loại sạt lở bao gồm lở, trượt, chảy, vỡ, rơi, mỗi loại có các đặc điểm riêng và diễn ra trong khoảng thời gian từ vài giây đến hàng trăm năm.

Về tốc độ sạt lở: thường là sạt lở cực nhanh, có khi lớn hơn 3m/s hay chậm với 2-5 cm/năm hoặc từ vài trăm ngàn tới 2 triệu m3, đi xa đến 1 km. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này bao gồm việc thay đổi độ dốc của sườn núi theo thời gian, sự suy yếu của đất đá do thời tiết, hay sự biến đổi của thảm thực vật trong khu vực.

Đặc biệt sạt lở đất thường kèm theo những tiếng nổ lớn. Có hiện tượng đó là do năng lượng được giải phóng từ sự phân tách giữa những lớp đá bị phong hóa nhiều năm, do cấu trúc vốn đã yếu lại phải trải qua khô hạn rồi đến ngay mưa lớn.

Tuy đều do biến đổi khí hậu và thường xẩy ra ở khu vực miền núi nhưng cũng có sự khác nhau giữa sạt sơt với lũ ống, lũ quét. Trong đó lũ quét là hiện tượng di chuyển của một khối nước khổng lồ từ cao xuống thấp với tốc độ ngày càng tăng cũng như sức tàn phá ngày càng lớn tùy thuộc vào độ dài, dốc cũng như sự “trơn láng” của quãng đường mà nó đi và nó thường thấy ở những nơi gần nơi có độ dốc như dưới chân đồi núi, hay ở trong thung lũng, nhưng lũ quét thường xảy ra không quá sáu tiếng. Còn sạt lở là sự trượt của các lớp vỏ bề mặt do sự mất cân bằng về trọng lực. Nó thường xẩy ra sau những cơn mưa lớn, đặc biệt khi trước đó các lớp đất này trải qua giai đoạn khô hạn kéo dài nên diện tích lớn, thời gian kéo dài.

II.           NGUYÊN NHÂN SẠT LỞ ĐẤT:

Đất, cây trên đất thường nhận nước từ những trận mưa và nước có tác dụng tăng sự kết dính nhờ vào sức căng bề mặt của nó. Do vậy, nước mưa có thể tăng hoặc giảm độ ổn định của đất tùy vào điều kiện thực tế. Khi quá nhiều nước, đặc biệt khi bão hòa sẽ làm tăng áp lực lỗ rỗng, giảm ma sát và đẩy nhanh quá trình xói mòn.

Diện tích cây che phủ suy giảm, khả năng hỗ trợ đất đá giữ nước cũng suy giảm nên khu vực đó nếu gặp sự chuyển tiếp thời tiết càng gay gắt (ngay sau một đợt nóng hạn kéo dài là những trận mưa bão dồn dập), lực hấp dẫn tác dụng lên một độ dốc vượt quá lực cản của nó nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng xẩy ra. Điều đó càng thấy rõ: sạt lở đát xảy ra với tốc độ rất chậm ở những khu vực khô hoặc những khu vực nhận đủ lượng mưa nhưng thảm thực vật đã ổn định bề mặt; ngược lại nó xẩy ra nhanh như vụ trượt đá hoặc trượt đất ở nơi không hoặc ít có thảm thực vật.

Mặc dù vai trò của trọng lực là yếu tố chính gây trượt, nhưng còn có những yếu tốc khác góp phần làm mất cân bằng đối với sự ổn định mái dốc ban đầu mà sự ổn định mái dốc chỉ là tương đối và lại do yếu tố con người tác động (hố đào, taluy). Khi mái đất bị mất ổn định, tải trọng chất lên và tải trọng bản thân của mái đất nằm trên mặt trượt đó vượt qua sự cân bằng cũng là sự mất cân bằng của tải trọng và ứng lực cố kết trên mặt trượt. Khi đó Ma sát trong của đất và Lực dính của đất không thắng nổi tải trọng khối đất không còn tác nhân giữ ổn định mặt trượt và bề mặt mái đất dốc lúc đó cũng chính là bề mặt cung trượt gây sạt lở khối đất nằm bên trên.

 Như vậy, các nguyên nhân tự nhiên gây trượt đất gồm: Áp lực nước ngầm (nước lỗ rỗng) làm mất ổn định mái dốc; Mất đi hoặc thiếu các kết cấu thực vật để giữ đất, dinh dưỡng trong đất, và kết cấu đất; Xâm thực chân của sườn dốc bởi sông hoặc sóng biển; Làm yếu đi sườn dốc bởi sự bảo hòa do tuyết tan, hoặc mưa lớn; Động đất làm tăng tải trọng trên sườn dốc ở trạng thái gần ổn định; Động đất gây hiện tượng hóa lỏng đất làm mất ổn định sườn dốc; Phun trào núi lửa.

Ngoài ra, còn các tác động của con người như: phá rừng, trồng trọt, và xây dựng tạo ra: Rung động từ máy hoặc giao thông; Sử dụng vật liệu nổ; Các công trình điều chỉnh mái dốc hoặc chất tải thêm trên mái dốc.

Trong các tầng đất nông, khi loại bỏ lớp thực vật mà chúng có vai trò liên kết giữa lớp đất phủ và đá gốc.

Kiểm lại trong đợt lũ, lụt, sạt lở vừa qua ở miền Trung:

Về nguyên nhân khách quan, Khí hậu miền Trung vốn khắc nghiệt, lắm nắng, nhiều mưa. Địa hình lại phức tạp: vừa có vùng ven biển, lại có đồng bằng, trung du, đồi núi trọc rồi núi cao và dốc đứng… Đây là thời gian vùng này vừa trải qua đợt mưa lớn kỷ lục và kéo dài sau đợt nắng hạn. Cấu trúc đất đá rời rạc, bị phá hủy sau một thời gian khô hạn, lại gặp đợt mưa lớn kéo dài nên đất bị yếu, dễ sạt trên phạm vi rộng. Đây là quy luật tự nhiên mà con người rất khó khắc phục, chỉ có thể giảm nhẹ thiệt hại.

Về Nguyên nhân chủ quan hệ thống sông ngòi miền Trung vốn ngắn lại dốc nhưng các công trình xây dựng (nhất là Thủy điện nhỏ) nhiều, rừng che phủ thu hẹp,…gây mất tính cân bằng ổn định của các lớp mặt đất,…           

III.        THỦY ĐIỆN CÓ LỖI KHÔNG ?

Muốn Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải có điện mà muốn có điện, tăng sản lượng điện, trong hoàn cảnh hiện nay thì việc phát triển Thủy điện là không tránh khỏi. Việt Nam chia việc quản lý thủy điện thành 2 cấp: Nhà máy công suất trên 10 MW thuộc nhà nước (Bộ TNMT), Nhà máy công suất dưới 10  MW do cấp tỉnh phê duyệt. Nếu mọi chuyện theo đúng quy trình, quy định thì đâu nên nỗi! Sự cố xẩy ra rồi mới hay việc xây dựng Thủy điện Rào Trăng 3 có rất nhiều vấn đề.

Việc quy hoạch hệ thống nhà máy Thủy điện phải theo tổng thể, không được phá vỡ quy hoạch cả dòng sông. Trên con sông ngắn như Rào Trăng mà xây tới 3 Nhà máy Thủy diện gần nhau thế có được không? Có phải quy hoạch chung của Nhà nước hay tự phát của Doanh nghiệp, tư nhân? Các Doanh nghiệp làm thủy điện có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch trả lại “mầu xanh cây rừng” không?

Thực tế khi xây dựng nhà máy thủy điện, rất ít chủ đầu tư chú ý trồng rừng thay thế, Kết quả là rừng tự nhiên mất đi, rừng trồng không bù nổi diện tích đã mất trong khi các chuyên gia cho rằng: rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên nên tác dụng che phủ mặt đất chống sói mòn, sạt lở của cây coi như  tụt dốc!.

Hơn nữa, việc quản lý điều tiết lưu lượng nước là theo dòng sông, dòng chảy , theo lượng mưa, nắng từng ký chứ đâu phải theo từng nhà máy thủy điện như hiện nay.

Không đổ riết cho Thủy điện nhỏ, nhưng thực tế miền Trung vừa qua cũng như Lào Cai, Lai Châu quê tôi, buộc lòng phải nghĩ: Phải chăng chúng ta đang đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, hy sinh rừng để lấy năng lượng điện ?. Nhưng cái “lợi ích kinh tế” đó có vào ngân sách, để tái trồng rừng, để tích lũy giành cho mai hậu không hay chỉ vì “lợi ích nhóm” ?

Nếu chỉ vì “lợi ích nhóm”, nhắm mắt làm liều, thách đố thiên nhiên thì toàn dân và thế hệ mai sau sẽ phải trả giá đắt!

IV.      VĨ THANH

Mưa, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là hiện tượng thiên nhiên mà tác hại, nguyên nhân của nó có cả từ khách quan và từ chủ quan. Đặc biệt sạt lở đất, tuy không mới nhưng mức thiệt hại về người và của trong tháng 10/2020 ở miền Trong là quá sức tưởng tượng của thảo dân, rất đau thương.

Hiện tượng đó không thể đổ hết cho việc xây Thủy lợi nhỏ nhưng rõ ràng là việc quy hoạch có vấn đề. Kèm theo đó là khai thác khoáng sản, khai thác rừng (kể cả rừng đầu nguồn), trồng mới cũng bộc lộ sự yếu kém, tham nhũng trong quản lý, điều hành của cấp, người có thẩm quyền!

 Tài nguyên rừng mất mát quá nhiều và chúng ta đã phải trả giá, đặc biệt đã đánh đổi “tài nguyên thiên nhiên” lấy “nhà lầu, xe hơi, tiện nghi lóa mắt” kèm cái thiệt hại vô lường là BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU !

Hình như, vì một ít “lợi ích nhóm” mà chúng ta đã, đang đi ngược lại những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, của thế giới văn minh khi làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bức tử rừng mà chưa, không trả lại được gì nhiều!

Lương Đức Mến, những ngày mưa tháng 10/2020-

1 nhận xét:

  1. Nếu không có phương án khả thi hơn để tằng sản lượng điện thì không nên lợi dụng đợt lũ này để phản đối các đập thủy điện đang hoạt động có hiệu quả!
    Có điều việc quy hoạch các đập thủy điện, quy trình vận hành nó và đặc biệt cách ngăn chặn sự suy giảm của diện tích rừng phòng hộ là vấn đề cần phải đặc biệt chú ý!.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân