Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Một kỷ niệm về nguyên tắc ĐẢNG LÃNH ĐẠO

Là người từng 6 năm học tại một trường Đại học lớn của Quân đội, 32 năm công tác trong CAND, trong đó có nhiều khóa là Bí thư Chi bộ, Ủy viên UBKT của đảng bộ, Đảng ủy viên nên tôi hiểu rõ nguyên tắc ĐẢNG LÃNH ĐẠO “TUYỆT ĐỐI, TRỰC TIẾP VỀ MỌI MẶT” ĐỐI VỚI LLVTND. Đây là nguyên tắc bất biến, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi, bảo đảm cho LLVTND ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trước dân tộc. Mọi ý đồ “phi chính trị hóa”, “trung lập hóa” LLVT như một số người, thế lực đang quảng bá, áp đặt đều là đen tối và nhất định không trở thành hiện thực.

Tranh mh lấy trên mạng

Nhưng lãnh đạo thế nào lại là việc khác. Tôi từng nghe, đọc đâu đó chuyện đ/c Bí thư “làm thay”, “can thiệp quá sâu” vào công tác công an, công việc của CBCS CAND và buồn về chuyện đó. Tất nhiên những chuyện ấy đều kết thúc “không có hậu”.

Đó là chuyện lớn, tầm cao mà cỡ “thảo dân” như tôi chả dám lạm bàn. Xin kể một chuyện, nhỏ thôi và đặc biệt là nó có liên quan đến công tác Kỹ thuật hình sự mà những người tiến hành nó hôm nay KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG.

Câu chuyện từ cách đây hơn 30 năm, xẩy ra ở một vùng xa lắc trung tâm tỉnh (hồi dó đóng ở thị xã Yên Bái), trên triền núi mây mù mà dân chúng chỉ có mấy cô giáo, anh Công an cắm bản, anh chiến sĩ Biên phòng là người Kinh!

Ngày ấy, ở bản nọ có 2 bố con nghiện hút, lười lao động bị cả dòng họ và dân làng căm ghét. Để có cái “nằm bẹp” và tiêu xài, bố con họ hay đi trộm gà, trộm lúa, thảo quả,… của dân bản về dùng, đổi và bán. Người vùng cao hầu hết vốn thật thà nên ai cũng ghét 2 người này và hễ gia đình nào mất trộm là mọi nghi vấn đều đổ lên đầu  bố con người này. Công an phụ trách địa bàn, trưởng bản, chính quyền xã nhiều lần răn đe, giáo dục nhưng “cái cơm đen” nó làm hỏng cái đầu nên 2 bố con họ chả chuyển biến gì theo hướng tích cực.

Bỗng dưng một hôm gia đình báo công an phụ trách địa bàn là cả 2 bố con họ mấy hôm nay không về nhà. Tin được báo lên xã, rồi về huyện. Trưởng bản tổ chức  đi tìm mấy ngày chả thấy. Công an huyện cho người về xác minh, gặp dân, người thì quay đi, không tiếp xúc, người nói “chư pâu”,  người bảo “không piết mà, hỏi trưởng bạn nớ”,…Sau một thời gian, theo Luật định, Công an huyện  phải “gác” lại việc điều tra và thêm trang hồ sơ “mất tích”!.

Hè năm ấy trời đổ cơn mưa to, dài ngày. Lũ ống tràn qua bản, cuốn phăng đi mấy ngôi nhà, cùng chuồng trâu, chuồng ngựa. Vạt ruộng bậc thang cuối bản thành nơi chứa đất, cát kèm những tảng đá to đùng! May dân bản chạy kịp, không ai thiệt mạng!

Trong một lần đi tìm, bới những của cải của gia đình bị lũ cuốn đi, người dân phát hiện dấu vết của 2 bộ xương người nằm gần nhau trên một bãi cát mà trước đây vốn là bờ suối.

Tin được báo về huyện rồi về tỉnh. 2 mũi công tác của CA tỉnh và Viện KSND tỉnh được lệnh tức tốc lên đường.

Chiếc xe Wats lặc lè một ngày đến trụ sở huyện (khi đó ở nơi sơ tán sau 2/1979, chứ không ở vị trí thoáng đãng như sau này) sang ngay gặp đ/c Bí thư huyện. Biết những tờ Giấy Giới thiệu đem từ cơ quan đi chả mấy tác dụng với cán bộ vùng cao, nên chúng tôi xin Bí thư một tờ “thư tay”. Ông đồng ý và chỉ viết 3 dòng với chữ khá to,  khi đưa cho tôi, ổng dặn thêm “viết thế này ông ấy mới đọc được và lên đó các đ/c phải gặp kỳ được Bí thư xã (cũng là cụm trưởng mấy xã phía bắc huyện), không gặp là phải ở lại đấy! Đ/c Bí thư huyện sau ra nhận nhiệm vụ Trưởng ban của Tỉnh ủy khi Lào Cai tái lập tỉnh, vẫn nhớ chuyện này và nhớ cả một vài cán bộ gặp ông xin thư tay ngày đó!.

Xe ì ạch leo dốc trên con đường mới vừa làm. Để hạ tải, một số chiến sĩ phải xuống xe, người trẻ, khỏe phải bê sẵn đá dự phòng xe trôi, kịp chèn ngay. Đến điểm làm việc của khu vực và đồn Biên phòng, người dẫn đường nói: ô tô hết chỗ chạy rồi, từ đây chúng ta đi bộ! Xe và lái gửi lại nhờ Đồn chăm sóc, cả đoàn vượt suối, nhằm hướng mây mù dò bước!

Mang tiếng toàn là dân Hoàng Liên Sơn nhưng chúng tôi leo khá chậm, mấy chiến sĩ biên phòng và công an huyện cứ phải chờ và giục luôn: đi nhanh kẻo muộn !. 

Đã qua mấy chục năm nhưng ấn tượng về những khe suối lạnh, trong, về những con cua đỏ, về những cánh rừng già, rừng thảo quả, rừng vầu,…còn mãi trong tôi. Nhưng chúng tôi chả chụp được kiểu ảnh nào, phần vì film ngày đó khá hiếm, việc chụp ảnh từng vụ việc có định mức khoán hẳn hoi, phần vì còn mải thở, lại lo tránh vắt vươn lổm ngổm dưới đất ẩm. Hơn nữa, hồi đó chưa có phong trào “tự sướng” (Selfie) để “nuôi phây” như ngày nay nên rất tiếc là không có kiểu ảnh “đời thường” nào!

Đến khu vực trụ sở xã trời đã chiều muộn. Cô giáo ở cạnh đó nói “bác Bí thư hôm nay không thấy đến”! Lại tìm đến nhà ổng! May quá có đc Công an “bập bẹ” được vài câu, có thể giao tiếp được với bà chủ nhưng cả đoàn tưởng bổ chửng hết khi nghe dịch lại: ông chủ đi nương Thảo quả và phải chiều mai mới về! Nhìn theo hướng tay chỉ của phu nhân bí thư tôi phát ngán bởi biết rằng sức mình và anh em trong đoàn giờ chả ai leo lên đó được!

Đang loay hoay chưa biết tính sao thì cậu con trai lớn của gia đình học ở trường Cụm về và cậu nhận lời đi tìm bố.

Tối, về đến nhà, ông chào chúng tôi khá xởi lởi. Giọng ông tuy khó nghe nhưng vốn từ cũng đủ để bàn công việc. Là Trưởng đoàn, tôi đưa thư tay của Bí thư huyện cho ông, đánh vật với bức thư xong, ông quay ra hỏi tôi “tạo điều kiện thuận lợi là như thế nào ?”. Nghe tôi trình bầy một hồi ông phán câu xanh rờn: chưa rõ ý cháu cán bộ tỉnh! Đành phải nhờ người “phiên dịch” hộ.  Hai người “qua lại” với nhau một hồi dài, cả tiếng Kinh, kèm tiếng Quan Hỏa, tiếng bản địa lẫn động tác,  anh công an huyện “dịch” lại cho tôi: bác bí thư đồng ý với kế hoạch của các anh nhưng nói phải chờ họp Chi bộ đã! Tôi yêu cầu bác nói lại bằng tiếng Kinh để vào biên bản và hỏi: Chi bộ đông không, có gần nhau không. Bác ấy bảo chi bộ có 5 người: Bí thư là bác, Chủ tịch, Trưởng CA, Xã đội trưởng, cô Phân hiệu trưởng và mỗi nhà ở một thôn, các thôn cách nhau nhiều cây số !. Tôi nói: toàn những người mà chúng tôi cần gặp mặt, trao đổi nên không cần họp Chi bộ tối nay, mai ra trụ sở gặp hội ý là được! Lại “dịch qua dịch lại” một lúc rồi cũng thống nhất như phương án tôi đưa ra. Bí thư ra góc nhà gõ một hồi trống và lúc lâu sau 2 “liên lạc” của xã tới nhận nhiệm vụ rồi họ lao ngay vào màn đêm sau khi nhận lệnh từ “thủ lĩnh” cao nhất vùng...

Đêm muộn, sau mấy chén rượu ngô nhắm với “canh gà”, ăn cơm với hạt bí rang muối, canh rau cải lấy trên nương chúng tôi chân thấp, chân cao về khu ở của mấy cô giáo ngủ nhờ. Vừa do rượu, vừa do mệt bởi leo dốc rã cả người nên chúng tôi lăn ra, mặc sương đêm và tiếng hoẵng kêu.

Hẹn vậy, nhưng tới 9 giờ sáng các thành viên trong Chi bộ xã mới tập trung đủ. Mọi ý kiến đoàn đưa ra, cả 5 người có mặt đều nhất trí. Họ chỉ hỏi rõ có cần phải mổ lợn, mổ gà, có phải cúng và lấy người giúp việc không. Quen cách nói “ở tỉnh” nên không những bác Bí thư chưa hiểu mà cả Chủ tịch cũng đề nghị thêm nhiều điều. Lại phải nhờ đến “phiên dịch” nhưng lần này là cô Phân hiệu trưởng, rồi mọi việc cũng xong trên hội nghị!

Khi triển khai, anh Xã đội trưởng gọi thêm 7 dân quân, rồi cả đoàn đến Hiện trường công việc tiến hành khá suôn sẻ.

Ảnh có tính chất minh họa đi mượn

Gần trưa đoàn công tác tìm thấy xương ống tay của 2 người được buộc vào nhau và nối với nhau bởi sợi dây dắt ngựa khá dài tết bằng sợi cây móc rừng. Sau đó đến quá trưa mọi công việc tại hiện trường xong xuôi, anh em trở về trụ sở.

Phần thông qua biên bản chả ai ý kiến gì nhưng phần ký và đóng dấu thì phát sinh chuyện “ngoài quy định”. Bí thư bảo ổng phải có tên trong đó, Chủ tịch nói ổng chỉ ký khi Bí thư đồng ý, Cô giáo chêm thêm: “May mà hôm kia bác Bí thư gửi em giữ dấu chứ bác ấy đem về thì hôm nay chắc “dấu đi nương” rồi! Các anh chờ em về lấy và nhớ phải hỏi bác Bí thư đồng ý em mới đóng”!.

Đúng là kiểu làm việc chả giống đâu! Anh em phát biểu “hội đồng”: Đây là công việc của chính quyền, mẫu Biên bản không có mục bí thư ký. Từ thực tế và với kinh nghiệm mấy năm tiếp xúc với cán bộ vùng cao, tôi phát biểu: cán bộ viết biên bản nó không rõ nên ghi thiếu tên bác (bí thư) ở mục tham gia và ký nên do vậy tôi, trưởng đoàn sẽ viết thêm bản nữa!

Bác bí thư và tất cả mọi người vui vẻ, biên bản được thông qua, các tờ Công lệnh cũng được Chủ tịch ký, đóng dấu đầy đủ.

Quá trưa lâu, bữa tiệc mừng công, giao lưu giữa đoàn cán bộ từ tỉnh lên với cán bộ địa phương mới bắt đầu! Trước khi vào bữa, thay mặt đoàn tôi cám ơn Đảng ủy (đúng ra là Chi bộ, do quen mồm nói sai), chính  quyền xã và cô giáo đã giúp đoàn hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời tôi thông báo rõ: 2 bố con người kia bị giết rồi vùi lấp xác chứ không phải “đi mất tích”, chúng tôi đã tìm ra chủ nhân sợi dây trói (làm bằng móc rừng) và sẽ tìm ra hung thủ. Có tin gì từ nhân dân, đề nghị các bác ở xã chuyển ngay cho 2 trinh sát của tỉnh còn cắm ở lại địa bàn. Những người có mặt nghe rất chăm chú và với thái độ cầu thị thực sự.

Con lợn “cắp nách” và mấy chú gà thả rông đã chín, được 2 dân quân dọn lên, tất nhiên không thiếu mấy chai “nút lõi ngô” thơm nựng nhưng nặng khé cổ!

Trong bữa có vài người uống dè chừng, riêng Trưởng Công an xã mấy lần định nói với tôi điều gì đó, mỗi bận như thế đều nhìn Bí thư rồi lại thôi! Tôi và anh em nhớ mãi canh chân giò lợn “đi ủng”, đĩa thịt gà luộc mà chân và mỏ đều “đeo găng”, chậu tiết canh lợn nhưng nhân là gan, mề gà luộc, thịt nạc lợn nướng băm nhỏ đựng trong chậu nhôm còn dấu vết của chàm nhuộm váy!

Lưu luyến mấy rồi cũng chia tay, cả đoàn hành quân về sân Đồn Biên phòng rồi lên xe xuôi tiếp. 

Đến trung tâm huyện, chúng tôi kéo Trưởng Công an huyện sang cùng nghe báo cáo kết quả chuyến công tác với Bí thư và Chủ tịch huyện. Sau khi nghe báo cáo kết quả và phần nhận định về hiện trường, về tính chất vụ việc, về hung thủ, đ/c Bí thư huyện đã phát biểu và có nhờ đoàn chuyển một Công văn về gửi Giám đốc Công an tỉnh và Bí thư tỉnh ủy. Trong lúc chờ ăn cơm chia tay, Công văn của huyện đã hoàn thành.

Về Yên Bái (tỉnh lị tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày đó), mọi thủ tục theo quy định cũng như Công văn của huyện chúng tôi đã báo cáo và chuyển đến những nơi cần thiết. Anh em KTHS lại bước vào thụ lý việc khám nghiệm và giám định những vụ việc khác, đến những vùng khác và gặp, tiếp xúc, làm việc với những người khác và thu hái được những bài học, kinh nghiệm khác, đôi khi ngoài tất cả các kiến thức đã được học, được bồi dưỡng, tập huấn.

Câu chuyện về bước điều tra ban đầu vụ án 2 bố con bị thủ tiêu cách đây đã hơn 30 năm nhưng có lẽ khó quên trong đời công tác của tôi:

Bao lần nắng Hạ, gió Đông,

17 huyện thị bước cùng anh em.

Đến khi tách tỉnh về biên,

Vẫn yên nghiệp cũ nhiều phen ngập ngừng. 

Bãi sông, đường lớn, mái rừng,

Phố đông, bản vắng đều từng đã qua.

Kia vụ trộm, nọ cháy nhà,

Đây vụ án mạng hay là  không may?

Phải đâu tất cả phơi bày,

Có đi nhập cuộc mới hay khôn cùng.

(“Tôi” trong bài chính là người thuật chuyện. Một số nhân vật có trong bài đến nay, nhiều người đã mất, người còn sống đã nghỉ hưu, chuyển ngành nên không nhắc đến họ tên và cũng vì sự “nhậy cảm” cũng không nhắc tới địa danh cụ thể. Nhưng câu chuyện là có thật!)

-Lương Đức Mến, viết nhân ngày KTHS 23/8/2020, sửa nhân Kỷ niệm 90 Ngày Truyền thống DÂN VẬN, TỔ CHỨC, VĂN PHÒNG  và 72 năm ngày truyền thống KIỂM TRA ĐẢNG-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân