Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

THỦY ĐIỆN TRÊN SÔNG MẸ

Trước nay chả để ý nên giờ thấy xuất hiện khá dầy cái tên Nhà máy Thủy điện Mã Đồ Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) mới giật cả mình và thử tìm hiểu về nó xem sao.
Vùng Vân Nam 云南bên Trung Quốc là nơi khởi nguồn một số con sông lớn của Trung Quốc và vùng Đông Nam Á, trong đó có 3 con sông chẩy qua Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông là Mê Kông 澜沧江, Sông Hồng 红河, Sông Đà 沱江.
1.            Sông Hồng và đập Thủy điện trên sông bên Trung Quốc:
Cái tên Sông Hồng 红江 hay Hồng hà 紅河 do con sông có màu đỏ nhạt của phù sa. Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc khúc khởi nguồn có  tên là Lễ Xã Giang 禮社江đoạn tiếp theo được gọi là Nguyên Giang 元江 hoàn toàn nằm trên đất tỉnh Vân Nam của Trung Quốc云南省. Sông Hồng gồm có các nhánh sông chính là sông Đà, sông Thao và sông Lô, hợp lưu tại Việt Trì, sông Thao là dòng chính của sông Hồng và đổ ra biển Đông tại cửa Ba Lạt, Trà Lý, Lạch Giang và cửa Đáy.
Đoạn này Trung Quốc xây dựng tới 12 đập thủy điện, tính từ giáp Lào Cai ngược lên là: Grand Bay (Thao 1),  New Street (Thao 2), Madushan (Thao 3), Nanshan Islands (Thao 4), Big black male (Thao 5), Pei feet (Thao 6) , Luo anthill (Thao 7) , Bridgehead (Thao 8), Mosha (Thao 9), The moth Germany River (Thao 10), Hom sprinkle (Thao 11) , Sanjiangkou (Thao 12) với tổng số dung tích là 2,146 triệu m3. Trong đó có 2 đập thủy điện Nam Sơn (Nanshan) cách biên giới Việt Nam khoảng 140km, đập cao 90m, diệntích hồ chứa 9km2, dung tích khoảng 300 triệu m3 và đập Mã Đổ Sơn (Madushan) cách biên giới Việt Nam khoảng 100km, cao 91m, dung tích khoảng 551 triệu m3. (xem lược đồ bên, lấy trên mạng về).
Song các hồ chứa trên có nhiệm vụ phát điện là chính và hầu hết không có nhiệm vụ phòng chống lũ hạ lưu. Nhà máy thủy điện phát điện dựa vào cột nước cao, dung tích hồ chứa thường nhỏ. Do vậy tác động của việc xả nước bên Trung Quốc đối với nước ta sẽ không lớn, trừ trường hợp sự cố lớn gây vỡ đập liên hoàn cả 12 đập: từ Gran Bay (Thao 1) đến Tam Giang Khẩu (三江口, Sanjiangkou tức Thao 12 thuộc Hoa Ninh 华宁县,Ngọc Khê 玉溪市, tỉnh Vân Nam 云南) thì có thể tác động đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và hạ du đồng bằng sông Hồng nhất là khi sông Hồng đã cao mực nước.
Đặc biệt tại Việt Nam không có hồ cắt lũ nên khi các đập thủy điện bên Trung Quốc xả lũ trong khi vùng Tây bắc, trung du và đồng bằng Bắc bộ có mưa lớn thì việc ngập lũ đối với lưu vực sông Hồng là không được coi thường!
2.            Nhà máy Thủy Điện Mã Đổ Sơn
Nhà máy Thủy điện Mã Đổ Sơn có danh xưng theo tiếng Trung là 红河马堵山水电站 (Honghe Madushan dianshuizhan) nằm ở nơi có Tọa độ là 23 ° 2'45.52 "Bắc 103 ° 17'4.79" Đông; thuộc địa phận: Làng Mã Đổ Sơn , Thị trấn Mạn Háo 蔓耗 (nằm cách hạ lưu đập vài km) thuộc Thành phố Cá Cựu个旧市, Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà 红河哈尼族彝族自治州 tỉnh Vân Nam 云南省; ngược lại, hữu ngạn của sông là ở huyện Kim Bình 金平县, Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà 红河哈尼族彝族自治州 cùng tỉnh Vân Nam 云南省.
Mục đích chính của đập là sản xuất thủy điện và nó hỗ trợ một nhà máy điện 300 MW. Việc xây dựng đập bắt đầu vào năm 2007 và các máy phát điện của nó được đưa vào vận hành vào năm 2011. Con đập có chiều cao 105,5 m (346 ft) tạo hồ chứa có diện tích bề mặt 19,2 km 2, chứa 551.000.000 m 3 nước
Với số lượng và dung tích các hồ chứa đó, trong điều kiện vận hành bình thường, kể cả khi xả lũ thì không có nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Tuy nhiên, khi có sự cố như vỡ đập liên hoàn cả 2 đập dưới nó là Grand Bay (Thao 1),  New Street (Thao 2) thì có thể tác động đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và hạ du đồng bằng sông Hồng nhất là khi sông Hồng đã cao mực nước.
3.            Thông báo xả lũ của phía Trung Quốc:
Cơn bão số 4 năm 2020 (tên quốc tế là Higos) hình thành từ vùng biển Đông Bắc Biển Đông tuy không xông thẳng vào nước ta mà vào phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) một phần gây mưa, gió vùng này, phần nữa nó gây mưa lớn vùng Vân Nam (Trung Quốc) lẫn vùng Bắc, Tây Bắc Việt Nam.
Ngày 19/8/2020 Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) có thông báo cho Sở Ngoại vụ Lào Cai do ảnh hưởng của bão, khu vực lưu vực sông Hồng xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao nên nhà máy dự kiến xả lũ từ lúc 9h - 17h ngày 20/8. Khi đó, mực nước sông Hồng sẽ dâng cao hơn.
Việc thông tin này là đúng và cần thiết. Nhưng địa bàn thành phố Lào Cai vốn cao nên ít bị ảnh hưởng. Còn khu vực thành phố Yên Bái vốn thấp lại hay ứ nước chắc chắn sẽ bị ngập và ngập sâu nhiều nơi.
4.            Vĩ thanh
Mấy năm trước, dư luận xôn xao việc đề xuất xây 6 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình bởi việc này, theo nhiều nguồn tin trên mạng chưa có trong quy hoạch !. Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý bổ sung Dự án Thủy điện Thái Niên (60 MW) và Dự án Thủy điện Bảo Hà (40 MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai.
Xét trên nhiều mặt, đây là những dự án “lợi bất cập hại”, nó “băm nát” dòng sông, làm thay đổi dòng chảy và tác động lớn đến đời sống người dân phía hạ du. Hơn nữa, sông Hồng là nhánh giữa của 3 dòng sông (Lô, Hồng, Đà) sẽ hợp lưu ở Việt Trì vốn nó có địa mạo, địa chất không phù hợp xây thủy điện. Trong khi, đoạn thượng nguồn, phía Trung Quốc phát triển rất nhiều thủy điện đã tác động đến nước ta về thủy văn, thủy sinh, phù sa,…Vừa qua có lúc sông Hồng khi chẩy qua thành phố Lào Cai có thời điểm nước sông chả còn mầu hồng nữa đã minh chứng cho điều đó. Nếu trên đất Việt ta lại tiếp tục xây các nhà máy thủy điện nữa thì không chỉ gây mất cân bằng nguồn nước mà còn dẫn đến tình trạng xói lở ven bờ, thay đổi và suy kiệt nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven sông …
Đặc biệt việc biến sông Hồng thành Thủy lộ có thể ngược thẳng từ Hà Nội lên biên giới với Vân Nam, xét dưới góc độ quốc phòng càng không được!
Những tư liệu sử dụng trong bài được khai thác trên mạng để dẫn dắt cho những cảm nhận và các suy luận. Bởi đây là suy nghĩ riêng của bản thân nên không trích nguồn cụ thể.
Với tư cách là một người dân sinh ra “ở cuối sông Hồng”, sống “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”, tôi ước gì con sông Cái, sông Mẹ này được bình yên trên đất Việt, đừng ai ngăn đắp gì nó nữa!
-Lương Đức Mến, đầu Ngâu Canh Tý 2020-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân