Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

"NGƯỜI ĐẸP CÓ DANH" lại "CÓ CẢ BÍ KIP" ?

1.            Từ một thực tế khó hiểu
Mặc dầu từ ngày xưa, cổ nhân đã đúc kết: “酒色財氣四堵牆” (Rượu, Sắc, Tài, Khí- Tứ đổ tường) nhưng nay, lâu lâu lại rộ lên chuyện mấy đại gia bỏ ra tiền ti tỉ để ngủ với các ớ hậu, há hậu một lần hay đi chơi với họ môt buổi! Kết cục là đi tong sự nghiệp cả 2 bên!
Lạ nữa là từ lẩu lầu lâu rồi, dân gian đã có câu: “Tiên tiến như tận nước Nga, chuyện kia cũng chỉ thò ra thụt vào. Lạc hậu như bên nước Lào, thì làm chuyện đó cùng thụt vào, thò ra”! Thế mà các “đại gia” lại dám bỏ cả núi tiền chỉ để “mua vui” rồi toi sự nghiệp!
Chả hiểu ra sao nữa! Hay là “làm chuyện đó” với các “người đẹp có mác” nó khác, nó có tác dụng mọi thứ hơn? Hoặc mấy “tiểu yêu” đó có “bí kíp” gì đặc biệt? Hay họ là những Hạ Cơ夏姬[1] mà bao “gậy kẻ ăn mày” chọc vô cũng không hề khác, vẫn là trinh nữ, có tác dụng “giải đen”?
2.            Thời cụ Nguyễn đã biết đến “chiêu thuật phòng the”:
Lâu lâu không đụng đến giá sách, hôn nay nhặt đại một cuốn, thì ra là  Truyện Kiều[2] của Đại Thi hào Nguyễn Du. Lật vài trang lại vớ ngay đoạn ghi những thủ thuật mà TÚ BÀ[3] DẠY THÚY KIỀU[4].
Thuật này được chép trong Hồi 11 trong 22 hồi Kim Vân Kiều 金雲翹của Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人[5].
Đây chính là đoạn diễn tả cảnh sau khi mắc mưu dối gạt quỷ quyệt của Tú Bà và Sở Khanh[6], Kiều đành phải làm một gái bán phấn buôn hương tại lầu xanh của mụ Tú. Để “tập huấn” cho Kiều, Mụ truyền đạt cho Kiều nghệ thuật tiếp đãi làm mê mệt si luỵ khách hàng. Đoạn từ câu 1205 đến câu 1210 có chữ Nôm và phiên âm như sau:
媒浪埃拱如埃
Mụ rằng: "Ai cũng như ai,
俸仍埃𠅎錢𢙇旦低
Không dưng ai mất tiền hoài đến đây.
於𥪞群𡗋調咍
Ở trong còn lắm điều hay,
浽𣎀怯𨷑浽𣈜𥢆終
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
尼𡥵属𥙩爫𢚸
Này con thuộc lấy làm lòng:
㮠外𦉱𡦂㮠𥪞糁芸
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Câu 1210 nói đến “bẩy chữ” của “vành ngoài”, “tám nghề” của “vành trong” là nói về những mánh khoé và cung cách quyến rũ khách hay chính là nghệ thuật khêu gợi, nghệ thuật làm tình để khách làng chơi “nghiện” kỹ nữ!
Những chiêu thuật này, từ xa xưa, cổ nhân đã chép lại và thành sách hẳn hoi. Khi chuyển sang thể thơ Lục bát bằng chữ Nôm, Đại Thi hào người Tiên Điền đã lược những chỗ thô tục mà chỉ viết bằng những câu bay bướm thanh tao.
Trước khi tìm hiểu những chỗ mà cụ Nguyễn lược bỏ cần tìm hiểu về cuốn sách dạy việc đó có từ thời nhà  Hán (漢朝, 206 tCn-220)!
3.          Sơ lược về Tố nữ kinh:
Mấy ngàn năm trước, tại Trung Quốc từng lưu truyền rằng có một tác phẩm là Tố nữ kinh素女經, tương truyền là do nàng Tố Nữ viết. Tương truyền, Tố Nữ là một cung nữ cực kỳ xinh đẹp và rành rẽ nghệ thuật yêu đương, từng là cố vấn cho Hoàng đế (皇帝, 2698 tCn-2599 tCn) về chuyện phòng the trên cơ sở những lời khuyên của các bậc chân nhân như Bành Tổ (彭祖, 1237 tCn/1214 tCn-1100 tCn),… cùng những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Những lời khuyên của nàng được soạn thành sách  giúp con người có một đời sống tình dục viên mãn và duy trì sức khỏe sinh lý khi đã về già.
Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc dạng Tân Cổ kỳ Thư nói về nghệ thuật phòng sự (quan hệ tình dục). Do vậy, nó được xếp vào hàng “dâm thư” (淫書, sách trụy lạc), chỉ được bí mật lưu truyền trong thư phòng của các nhà vương giả, quý tộc, như một cuốn “Phòng trung bí thuật”. Về sau nó mới được bạch hóa nên chắc cũng chả ai dám chắc nguyên bản nó thế nào.
Thời đại tính dục được cởi mở, cuốn sách được công nhận như một trong những tài liệu giáo dục giới tính đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, cũng như Kamasutra của Vatsyayana Mallanaga bên Ấn Độ.
4.            Trở lại lời dạy của Tú Bà:
Hiện nay, nhiều sách xuất bản và trên các trang mạng đầy rẫy những chú giải về lời dạy nghề đó của mụ Tú. Nhưng xem kỹ thấy chúng sao chép của nhau và do “tam sao thất bản” nên nhiều chỗ phiên âm sai, giải thích không chuẩn. Dựa theo Tố nữ kinh và từ nhiều nguồn tôi biên soạn lại theo ý mình như sau.
4.1.Vành ngoài 7 chữ
“Vành ngoài 7 chữ”, là bao gồm các chiêu sau đây nói về cách mời chào, khiêu gợi, níu kéo, giữ “khách” bằng cử chỉ, lời nói:
1. Khốc : Có nghĩa là khóc, dùng nước mắt để làm động lòng thương cảm của chàng. Phải khóc lóc như thật để chứng tỏ mình thành tâm, thiệt ý. Tú bà đã dạy Kiều dùng nước gừng sống tẩm vào khăn tay để lau nước mắt thì nước mắt sẽ không khô mà còn tuôn ra như suối.
2. Tiễn : Có nghĩa là cắt. Mỗi người cùng cắt một mớ tóc, kết thành một sợi rồi chia cho nhau buộc vào hai cánh tay, làm lễ “kết tóc” biểu tỏ thủy chung bền chặt, thể hiện lòng chân thành khiến khách không nỡ bỏ.
3. Thích : Có nghĩa là đâm, chích. Lấy cây trâm chích vào cổ tay hay trên bắp đùi mấy chữ “Thân phu mỗ nhân” (亲夫某人, người chồng thân yêu tên là mỗ), khách thấy vậy càng thêm yêu quý, tin tưởng. Nó cũng giống như phong trào xăm tên người yêu lên cơ thể mình ngày nay vậy.
4. Thiêu : Có nghĩa là đốt, dùng hương đốt vào sáu huyệt của chàng và nàng. Sau khi thề thốt, cả hai áp người vào nhau cùng đốt các huyệt trên bụng, trên cánh tay, cổ tay. Đây là một phong tục cổ xưa, chỉ có người tinh thông về huyệt đạo, cao tay mới có thể làm được và dám sử dụng chiêu này.
5. Giá : Có nghĩa là cưới hỏi làm vợ chồng. Sau khi điều tra biết khách là kẻ giàu có thì thủ thỉ, rủ rê, bàn chuyện cưới nhau. Tất nhiên khách muốn cưới thì phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc mình ra. Khi đó cần luôn nhắc cho chàng biết rằng mình mong ước và sẵn sàng làm vợ chàng, cả đời gắn bó với chàng.
6. Tẩu : Có nghĩa là chạy, tương tự kế “đà đao”. Nếu cảm thấy chàng không thể làm chỗ dựa cho mình, hoặc có những điều gây bất lợi cho bản thân, kỹ nữ giả vờ rủ khách đi trốn, hẹn giờ hẹn chỗ nhưng không đến, đánh tiếng cho lính đi bắt kẻ bỏ trốn, thế tất khách phải sợ mà… trốn thật.
7. Tử : Có nghĩa là chết nhưng là chết giả chứ không phải chết thật. Thề thốt cho họ tin là mình yêu họ, chỉ biết có họ thôi, nếu không tin thì chết ngay tại chỗ, trước mắt cho chàng thấy. Nếu biết y có thê thiếp rối, không thể lấy mình được thì càng làm già đến độ rủ y "cả hai cùng chết hơn là chẳng lấy được nhau!". Lúc đó, có tán gia bại sản, đem hết bạc tiền ra dâng cho mình, y cũng không tiếc.
Nhưng đấy mới chỉ là mánh khóe giả dối bên ngoài để khêu gợi, dụ dỗ, níu kéo khách, mới là “vành ngoài”. Còn khi hành lạc, thì phải đủ các ngón nghề làm ưng ý đủ mọi hạng khách, để khách nhớ, đến mức “dứt tình không ra”, đấy thực là “vành trong”.
4.2. Vành trong tám nghề:
Thực chất đây là tám cách chiều chuộng trong khi “ăn nằm” với tám hạng khác khác nhau: Ngắn, bé; To, dài; Cấp tập; Chậm chạp; Thạo đời; Tập tành; Đa tình; Hiếu sắc cần tám phương thức đối phó. Cụ thể:
1. Kích cổ thôi hoa (击鼓催花, đánh trống giục hoa)
Điển tích này xuất phát từ thời Võ Tắc Thiên, khi mùa xuân hoa trong vườn thượng uyển không nở, bà cho quân lính đánh trống dồn dập ép hoa phải nở.
Chiêu này dùng khi tiếp người “ngắn, nhỏ, yếu sức”, khi kỹ nữ ép chặt, chủ động về tốc độ, làm khách quên đi mặc cảm của bản thân,  mau đạt đến “mỹ  mãn”.
2. Kim liên song tỏa (金莲双锁, sen vàng khóa chặt)
Ngược lại, với những “đại gia” phổng phao, sung mãn thì kỹ nữ cần kẹp đùi lại giữ sức nhưng vẫn tăng cảm giác, độ kích thích cho khách làm cả hai sẽ mau chóng chạm đỉnh.
3. Đại triển kỳ cổ (大展旗鼔, mở cờ khua trống)
Gặp đối phương nóng vội, sớm nhiệt tình như giã gạo thì kỹ nữ cần nhập cuộc, khích tướng để đối phương thấy rõ “thành ý”, không thụ động của mình.
Khi đó, cả hai không ai nhường ai, dồn dập “tấn công” lẫn nhau.
4. Mạn đả khinh xao (慢打輕敲, đánh chậm rung khẽ)
Nhưng khi gặp đối phương mới đi vào đời, còn lờ ngờ, chậm chạp, thích nhẹ nhàng, từ tốn thì kỹ nữ phải theo tốc độ khoan thai của khách, hoạt động cơ vòng nhiều.
Chính cảm giác gần gũi, đằm thắm sẽ khiến cả hai đều cảm thấy viên mãn.
5. Khẩn soan tam trật (緊薂三秩, ba lần đổi thế)
Gặp ông khách “vỡ lòng”, “chưa đi đến chợ đã rơi hết tiền”, mau chóng “kết thúc trận đấu”  cẩn ra chiêu khóa chặt 2 chân vào hông khách đủ lâu hoặc đổi tư thế (chính thường vị, thân triển vị, cao yêu vị, khuất khúc vị,  nữ thượng vị, phản vị,  kỵ thừa vị và ngọa chiếu vị hoặc những biến thế của nó) để  khách đủ thời gian cảm nhận cảm xúc “thăng hoa”.
6. Tả chi hữu trì (左搘右持, tay ôm, tay giữ)
Lại có trường hợp gặp khách lọc lõi, quá “ham” chiến, khiến kỹ nữ bị tổn hao sức lực, bị đau đừng để khách mất hứng bởi lời kêu ca hay buộc dựng cuộc chơi.
Khi đó, kỹ nữ chủ động ôm và giữ khách chậm tiến độ lại, tăng chàng thêm cảm giác được “yêu”, tăng thêm sự gắn bó giữa hai người.
7. Tỏa tâm truy hồn (鎖心追魂, khóa tâm, truy hồn)
Trong lúc “hành nghề”, đặc biệt với những “anh hùng si tình”, cần nhận biết được cảm xúc của khách để cộng hưởng cùng khách (bằng tiến rên khẽ, nhịp thở, nét mặt, ôm ghì,…) tùy theo từng trường hợp,… để khiến cho vị khách thêm đê mê.
8. Nhiếp thần siểm tọa (攝神諂坐, dềnh dàng cướp vía)
Đối với những khách lạnh lùng, ra vẻ thì cần sử dụng cả cảm xúc trên mặt lẫn hành động cơ thể để mời gọi,…khiến chàng thêm háo hức, khoái cảm và nồng nhiệt!
4.3. Có ý kiến khác nói về chiết tự như sau
Nếu viết theo kiểu chữ Hán Nôm, thì chữ “bẩy” sẽ được tạo bởi chữ “thất” () gồm hai nét được gác chéo nhau. Ngụ ý mới là một tình huống hời hợt ở bên ngoài hay khi “tiền chưa trao” thì tố nữ còn “khép chặt chân” và đố “anh hùng” nào chọc vô phòng tuyến đó mà khám phá động đào được!.
Đến chữ “Tám” của “vành trong”, viết theo dạng chữ Hán Nôm nó sẽ có chữ “bát” () nhìn như hai chân xoạc ra ở phía dưới. Nó gợi cho ta khái niệm một việc gì đó vượt qua sự cản trở ở bên ngoài để đi vào bên trong. Cũng có nghĩa là khi “tiền đã trao” là cửa đã mở, có thể đã “múc cháo”, tức xông vô được!
Do vậy đây cũng là lời răn dạy các kỹ nữ cần “cảnh giác nắm đằng chuôi” với khách lạ, phòng khi bị “bùng”!
5.            Sao lại là Hoa hậu:
Hiện nay, ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp nên càng có lắm “Hoa hậu”. Hán tự có lắm chữ cùng đọc là “hoa hậu” nhưng “Hoa hậu” nói ở đây chắc là “vợ Vua đẹp, được vinh hoa”! Chứ chẳng lẽ lại là chữ chỉ phía sau bông hoa hay chữ chỉ Vua các loài hoa!?
Trong các Từ điển Hán Việt tôi đã xem, tìm mãi từ để chỉ người đẹp nhất là từ “hoa khôi” (花魁, Bông hoa đẹp nhất; Chỉ người gái điếm đẹp nhất của một nhà chứa gái, hoặc của một vùng. Ngày nay dùng để chỉ người đàn bà con gái đẹp nhất trong vùng) chứ không có từ hoa hậu !.
Có lẽ danh xưng “hoa hậu” xuất hiện đầu tiên vào năm 1955 dưới thời Ngô Đình Diệm gắn với người đẹp Công Thị Nghĩa. Từ sau 1988, báo Tiền Phong phong cho người đẹp Bùi Bích Phương danh “Hoa hậu” thì từ đó trở đi hàng loạt các “hoa hậu” ra đời và có thêm phụ ngữ đằng sau, là: hoa hậu du lịch, hoa hậu áo tắm, hoa hậu áo dài, hoa hậu ảnh, hoa hậu thời trang, hoa hậu xứ (vùng) x, …!
Vốn từ xưa người đẹp được ví như hoa mà khi đi thi lại là người đẹp nhất cuộc thi, được gắn “vương miện” ( 冕, mũ của vua) nên từ “hoa hậu” này chắc phải được viết bởi Hán tự là , nghiễm nhiên trở thành “bà Hoàng của các loại hoa”!
Mấy năm gần đây, trào lưu các đại gia rửng mở muốn “gần gũi” người đẹp và người đẹp lại muốn sang chảnh nên cần dựa vào đại gia nên lại thêm “hoa hậu ngàn đô”!
6.            Vĩ thanh:
Như thế, cả “7 chữ vành ngoài” lẫn “8 chữ vành trong” đều là những mánh khóe, chiêu thuật khêu gợi và ngón nghề mời gọi, mê hoặc, …khách làng chơi của các kỹ nữ chuyên nghiệp trong lầu xanh, thường áp dụng để moi tiền và giữ chân, bằng mọi cách làm cho đám chơi hoa si mê luôn tìm đến với mình không cho đi nơi khác. Mục đích để kéo họ đến kỹ viện ngày một đông và không thể dứt ra được! Do đó hầu bao của các mụ Tú ngày một thêm đông chặt cũng có nghĩa là số đàn ông vướng “tứ đổ tường” ngày một nhiều và nguy cơ ngày một lắm!
Có lẽ những chiêu thuật trên rút từ Thất tổn 七損, Bát ích 八益, Cửu pháp九法 với 24 chiêu ,…đã từng chép trong Tố nữ kinh.
Nhưng suy cho cùng, ai đó đã nói “không có người phụ nữ không quyến rũ, mà chỉ có người phụ nữ không biết trở nên quyến rũ” là đúng và những “bí mật phòng the”  kia, thực chất là là những kinh nghiệm thiết thực được người xưa đúc kết, để mỗi cuộc yêu đều thăng hoa, mỗi người phụ nữ đều là một báu vật của người mình yêu và nó còn có tác dụng là ấm thêm hạnh phúc lứa đôi, chữa bệnh “yếu sinh lý”,…Cái đẹp không có tội, nhưng khi cái đẹp bị lợi dụng, làm xấu đi hình ảnh vốn có,…càng có nhiều vụ án dạng “đại gia với chân dài” thì là vấn đề không hay rồi! Nhưng tại sao lại có trào lưu đó?
Thời @, người ta đã biết dùng Viagra cùng bao loại thuốc kích dục, và nghệ thuật làm tình đã lên đến mức “thượng thừa” thì những chiêu thuật trên không hẳn là tuyệt phẩm và việc phổ biến nó không đồng nghĩa với việc “kích dâm” hay tuyên truyền dâm dục mà chỉ là cung cấp thêm một ít thông tin về người xưa và về cách hưởng thụ “khoái lạc”của cổ nhân.
-         Lương Đức Mến, 20/7/2020-


[1] Công chúa nước Trịnh thời kỳ thời Xuân Thu, với tư cách là con gái của Trịnh Mục công, em gái của Trịnh Linh công. Bà là mẹ của Hạ Trưng Thư, người đã giết chết chú họ Trần Linh công để tiếm vị trong một thời gian.
Trong lịch sử và truyền thuyết dân gian, Hạ Cơ nổi tiếng là một mỹ nhân, một người phụ nữ phóng đãng và cũng rất lịch lãm, sử sách nói sau khi ân ái với ai, Hạ Cơ trở lại "Hoàn tân" như cũ nên rất hấp dẫn với đàn ông phong tình..
[2] Về nguồn gốc Truyện Kiều, hiện có 2 luồng ý kiến:
-Đoạn trường tân thanh斷腸新聲, thường được biết đến đơn giản là Truyện Kiều 傳翹, là một truyện thơ của thi sĩ Nguyễn Du (阮攸, 1766–1820). Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3254 câu.
Câu chuyện dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện金雲翹 của Thanh Tâm Tài Nhân青心才人, một thi sĩ thời nhà Minh, Trung Quốc.
-Nhưng lại có ý kiến rằng:
Truyện Kiều do Nguyễn Du lấy quyển Phong Tình Lục 風情録 (chứ không phải lấy từ Kim Vân Kiều) làm căn cứ, rồi thêm những chi tiết quan trọng vào, đồng thời bỏ bớt những chi tiết tầm thường trong nguyên văn, mà diễn ra văn vần thành cuốn truyện hay vô giá, để ký thác tâm sự đau thương của Tiên sinh vào đó.
Theo thuyết này thì, vào năm Gia Long thứ 12 (1813) Nguyễn Du đi sứ sang bên nhà Thanh thấy cuốn Phong tình lục kể chuyện nàng Vương Thúy Kiều có mua về. Sau đó Cụ được nghỉ việc quan, chuyên tâm diễn Phong tình lục thành truyện Kiều, đặt tên là “Đoạn Trường Tân Thanh” . Khi xong, mang ra Bắc cho ông Phạm Quý Thích ( , 1760-1825) xem. Ông Thích bàn sửa lại đôi chỗ và cho là tên đó nghe đã thê thảm quá, lại e quá lộ tâm tích, mới đổi tên truyện là “Kim Vân Kiều Truyện” . Sau đó, ông Thích đề một bài thơ Đường luật bằng chữ Hán coi như bài tựa và cho khắc mộc bản ấn hành. Bài thơ tựa này lúc mới chỉ có bản in bằng Hán văn, sau ông mới diễn ra tiếng Nôm, nên không kịp khắc in.
[3] Tú bà (秀婆, có nghĩa là "bà Tú"): Theo "Kim Vân Kiều truyện", Tú bà có họ tên đây đủ là Mã Tú 馬秀. Chủ lầu xanh nơi Kiều bị bán vào lần 1.
[4] Thuý Kiều 翠翹: họ tên đây đủ là Vương Thuý Kiều 王翠翹. Đây là Trưởng nữ của Vương ông (王翁, tức Vương Lưỡng Tùng 王兩松 trong Kim Vân Kiều truyện), Vương bà 王婆, chị cả của Vương Thuý Vân 王翠雲và Vương Quan 王觀. Khi Thuý Kiều làm nữ tì trong Hoạn phủ được Hoạn phu nhân đặt cho tên là Hoa Nô 花奴. Khi Kiều vào ở trong Quan Âm các có đạo hiệu là Trạc Tuyền 濯泉. Theo "Kim Vân Kiều truyện" thì cái tên Trạc Tuyền là do Thúc sinh đặt cho Thuý Kiều theo yêu cầu của Hoạn Thư
[5] Có ý kiến cho rằng bên Tầu trước kia có một cuốn truyện tên là Đoạn Trường Thanh 斷肠声 chép những truyện thê thảm trên đời, trong đó có truyện con vượn mẹ thấy con bị bắn chết, chạy đến ôm con thương quá, kêu lên một tiếng thảm thê rồi lăn ra chết, người đi săn mổ nó ra thấy ruột nó đứt vì tiếng kêu đau thương ấy. Chính vì vậy khi chuyển sang chữ Nôm cuốn Phong tình Lục, Nguyễn Du mới đặt là Đoạn Trường Tân Thanh ( , Tiếng kêu đứt ruột mới).
 Một người văn sĩ nhà Thanh ở Đại Nam lâu, thông thạo cả chữ nôm, thấy truyện Kiều hay, vượt cả các truyện hay của chính quốc nên dựa theo đó, thêm thắt chi tiết trong Phong tình lục mà cụ Nguyễn lược bỏ, không Việt hóa thành ra truyện mới nói là của Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人. Đồng thời phao lên rằng ông Nguyễn Du đã theo cuốn của Thanh Tâm Tài Nhân mà diễn ra truyện Kiều.
[6] Sở Khanh 楚卿 người đàn ông có tính xấu, dâm dục, lừa tình những cô gái chân yếu tay mềm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân