Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Về DANH XƯNG BIỂN ĐÔNG

Biển Đông東海 là tên Việt Nam khi nói đến vùng biển (phía Đông nước Việt Nam) có tên quốc tế là South China Sea (Anh ngữ) hay Mer de Chine méridionale (Pháp ngữ) nghĩa là biển Nam Trung Quốc (南中国海, biển ở phía Nam nước Trung Quốc). Đây là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km². Nó là biển lớn thứ tư trên thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập. Vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa nhiều quốc gia trong vùng, đặc biệt là giữa Việt Nam (ở phía Tây) và Trung Quốc (ở phía Bắc).
Ngược dòng lịch sử ta thấy Trung Quốc từng có nhiều danh xưng để gọi vùng biển này. Hồi đầu Công nguyên họ gọi là Giao Chỉ dương 趾洋, nghĩa là biển Giao Chỉ, rồi “Trướng Hải” 漲海 hay “Phí Hải” 沸海đến thời Đường  (唐朝, 618–907) khi cai trị và đổi nước ta thành An Nam đô hộ Phủ安南都護府mới dần dần đổi vùng biển đó sang gọi là “Nam Hải” 南海.
Trong khi đó, người Việt đã biết đến danh xưng Biển Đông từ rất lâu. Ví như dân gian có: “Thuận vợ thuận chồng Biển Đông tát cạn”, “Vượt bể Đông có bè có bạn, Mẹ sinh ta vượt cạn một mình”, “Dã tràng xe cát biển Đông, Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì”,…  hoặc trong khi chúc Thọ. cổ nhân hay dùng câu: “福如東海; 壽比南山” (Phúc như Đông Hải, Thọ tỷ Nam sơn),…
Trong Bình Ngô đại cáo平吳大誥, Nguyễn Trãi (阮廌, 1380-1442) đã viết: “決東海之水不足以濯其污” (Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô) tức “Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mù”. Sau này, trong cuốn Hoàng Việt địa dư chí皇越地輿誌, Phan Huy Chú (潘輝注, 1782-1840) viết: “東臨大海đông lâm đại hải”, tức phía Đông nước ta giáp biển lớn.
 “Biển Đông” còn gắn với chuyện về một nữ tướng lừng danh chống ngoại bang phương Bắc từ thế kỷ III.
Nói đến lịch sử chống ngoại xâm trong thời kỳ Bắc thuộc (北屬時代,43-938), không thể không kể đến cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (趙婆起義,246-248). Nữ anh hùng này còn gọi là Triệu Trinh Nương  趙貞娘 tên thật là Triệu Thị Trinh 趙氏貞 hay Lệ Hải Bà Vương, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) mà người Trung Quốc gọi là Triệu Ẩu (趙嫗, bà họ Triệu). Bà là người Quân Yên, quận Cửu Chân九真, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa và là em của Triệu Quốc Đạt (趙國達, ? - 248), một hào trưởng 豪長vùng này.
Năm 246, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô (東吳,229–280) đang đô hộ nước ta khi đó gọi là Giao Châu (交州, Giao Province, 203-544).
Sau khi Triệu Quốc Đạt chết (248), bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận (cháu của Lục Tốn), thứ sử Giao Châu chỉ huy. Câu thành ngữ “Lệnh Ông không bằng cồng Bà” xuất hiện từ việc tiếng Lệnh của quan huyện Đạt không có hiệu lực tập hợp dân bằng tiếng Cồng của Bà Triệu. Nhiều nghĩa binh đã tử trận vào năm đó. Bà chống đỡ với quân Đông Ngô được 5-6 tháng thì thua chạy đến xã Bồ Điền (nay thuộc khu núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và tự tử. Khi ấy Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi. Kể về việc này dân gian có câu:
Ru con con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà Triệu Ẩu cỡi voi bành vàng.
Lại có chuyện rằng, thuở nhỏ cha mẹ đều mất sớm, Bà đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi bà về việc chồng con, Bà Triệu nói: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!  
 Câu nói này thấy chép đầu tiên trong sách Thanh Hoá kỷ thắng 清化紀勝của Vương Duy Trinh王維貞. Tác giả người Phủ Diễn, Từ Liêm, Hà Nội; tự Tử Cán, hiệu Đạm Trai; đỗ Cử nhân 舉人kì thi Hương 鄉試năm Canh Ngọ 1870, làm Bố chánh (布政, chức quan sau tuần phủ hay tổng đốc, chuyên trông coi việc thuế khoá, tài chính ở tỉnh), sau thăng đến Tổng đốc (總督, đứng đầu một tỉnh lớn, coi mọi mặt về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt) Thanh Hóa có đóng góp nhất định trong việc sưu tầm văn học dân gian địa phương.
Nguyên bản cuốn này khoảng 27.000 chữ Hán hoàn thành vào ngày 25 tháng 5 năm Thành Thái 15 (1903), mô tả khá đầy đủ các di tích lịch sử, cảnh đẹp, danh lam của Thanh Hóa thời bấy giờ, gắn với tên tuổi một số vị anh hùng, danh nhân đất nước, cũng như bút tích, thơ ca họ còn để lại.
Trong sách đó, Vương Duy Trinh giành khoảng 1090 chữ Hán để chuyển tải nội dung phong phú về Bà Triệu với những tư liệu được chắt lọc qua thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc và lưu truyền trong dân gian.
Như vậy, danh xưng “Biển Đông đã được dân Việt biết đến từ rất xa xưa và được chép trong sử sách muộn nhất từ thế kỷ XV trong một áng văn bất hủ của một tài danh “sáng tựa Sao Khuê ! Trong khi đó cái “đường 9 đoạn của Trung Quốc mới “nặn ra giữa thế kỷ trước còn “Tứ Sa thì mới toanh toành toành !
Vì thế, trong các tài liệu, băng rôn, xuất bản phẩm,…trong tiếng Việt phải dùng thống nhất là BIỂN ĐÔNG còn khi thế giới có dùng từ SOUTH CHINA SEA thì phải được hiểu là vùng biển PHÍA NAM NƯỚC TRUNG QUỐC chứ KHÔNG PHẢI BIỂN CỦA TRUNG QUỐC như Bắc Kinh có tình hiểu mập mở thế !. Điều này tương tự như thế giới gọi ẤN ĐỘ DƯƠNG, BIỂN NHẬT BẢN,… chỉ đơn thuần là Ấn Độ, Nhật Bản,…ở gần đó !

-         Lương Đức Mến, 05/5/2020-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân