Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

“SỐNG CHUNG VỚI LŨ”

Việt Nam và Trung Quốc có “Sơn thủy tương liên” là do “thiên định”, chả khác được! Có điều, không may cho chúng ta là phải ở cạnh một ông “láng giềng xấu chơi” đất rộng người đông do “bành trướng” mà có và cho đến nay, cái “máu” đó vẫn còn và phát triển lên một tàm cao mới!

Việt Nam không thể bứng đất đai, sông núi, biển trời của ta cùng dân Việt sang hành tinh khác mà ở vì thế chúng ta phải biết cách tồn tại, phát triển như cha ông ta từ ngàn xưa đã tồn tại, xây dựng và phát triển! Có lẽ câu nói dân gian “sống chung với lũ” một lần nữa lại hợp lý!
I. THỰC TẠI
Không phải hiện thời mà ngay từ khi vừa mới giành chính quyền ở đại lục, Bắc Kinh đã có chiến lược muốn “biến Biển Đông thành ao nhà của họ”. Đặc biệt từ cuối những năm 1950 trở đi, Trung Nam Hải đã toan tính và có những bước đi khá bài bản. Cụ thể: ra tuyên bố về lãnh hải, vẽ ra “đường chín đoạn”, cưỡng chiếm các hòn đảo bằng vũ lực, kiên cố hóa các hòn đảo đó, tự tiện đưa tuần tuần tra, ra tuyên bố,…
Trong quá trình thực hiện âm mưu làm bá chủ Biển Đông, Trung Quốc gặp phải cái “gai” là Việt Nam! Một lần nữa, lịch sử lại chọn Việt Nam đương đầu, chống chọi với thế lực “bành trướng” trên Biển Đông! Do vậy Bắc Kinh đang tập trung mọi thủ đoạn, sức mạnh để nhổ bỏ cái gai Việt Nam. Họ tin rằng nếu “khuất phục” được nước ta thì âm mưu ôm trọn Biển Đông của Trung Nam Hải đã trong tầm tay!
Trung Quốc đã ra sức làm việc đó, liên tục mà cao điểm là các mốc 1958, 1974, 1983, 1988, 2012,  2014, 2019.
Sang năm 2020 rầm rộ  tiến lên một bước mới: mở rộng sự hiện diện và thiết lập hệ thống quản lý hành chính trên các bãi cạn nửa nổi nửa chìm mà họ đã mở rộng thành các đảo nhân tạo với hạ tầng thiết yếu cơ bản từ năm 2014.
Như vậy, Bắc Kinh ngày càng gia tăng mạnh các hoạt động: tuyên truyền, hành chính, luật pháp tới răn đe bằng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế. Không loại trừ bước tiếp theo Trung Quốc sẽ bao vây, buộc các nước rút khỏi các đảo và sẽ hợp pháp hóa ranh giới hành chính trên biển.
II. BÊN ÔNG LÁNG GIỀNG XẤU CHƠI
Âm mưu lớn, thủ đoạn thâm nhưng, trong bối cảnh hiện tại, không phải cái gì Trung Nam Hải muốn là đều được cả! Dù cố tình “đảo ngược luật pháp quốc tế một cách có chủ đích” nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ không đạt được ý đồ!
Nhìn tổng thể có thể khẳng định: hiện nay Trung Quốc CHƯA MUỐN GÂY CHIẾN VỚI VIỆT NAM còn Việt Nam thì KHÔNG MUỐN CÓ CHIẾN TRANH. Song, dù có muốn hòa bình đến đâu, chúng ta phải cảnh giác, kiên cường và đặc biệt biết sử dụng “võ hiểm” để chống lại “anh hàng xóm khổng lồ” vốn ủ sẵn nhiều hơn “tam thập lục kế”!
1.Trước hết là xử lý ổn việc tranh chấp trên biển.
Chứng cứ lịch sử đã khẳng định: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phụ cận là của Việt Nam nhưng do nhiều lý do mà từ thế kỷ trước và cho đến hiện nay, hai nước cùng cho Hải quân ra đóng giữ một số đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền, còn Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng bạo lực từ 1974.
Do vậy vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam (đã lập 2 huyện đảo) thành “vùng biển tranh chấp”, đặc biệt “nóng” khi 4/2020 Trung Quốc tuyên bố lập 2 “quận đảo” thuộc thành phố Tam Sa chồng lên 2 huyện đảo của Việt Nam!
Cụ thể quận đảo Tây Sa 西沙郡chồng lên huyện đảo Hoàng Sa, quận đảo Nam Sa 南沙郡 chồng lên huyện đảo Trường Sa. Việc cho lập ra hai quận mới có đúng tên quần đảo họ tự nhận để muốn dư luận quốc tế và nhân dân Trung Quốc hiểu rằng quận Tây Sa quản lý quần đảo Tây Sa và quận Nam Sa quản lý vùng quần đảo Nam Sa là điều tự nhiên. Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử tiêu永暑礁) trước kia chỉ là một thực thể (bãi đá) chìm, năm 2014, nơi này bị Trung Quốc bồi lấp, cải tạo thành một đảo nhân tạo nổi với sân bay, đài radar, bến tàu và bây giờ, họ ngang nhiên biến nó thành nơi đặt trung tâm hành chính của quận Nam Sa.
 Thực là ngang ngược và phi lý!
Theo thông lệ và luật pháp quốc tế, việc xử lý tranh chấp lãnh thổ, vùng biển giữa các quốc gia thường theo ba giai đoạn từ thấp đến cao, là: Trao đổi song phương, đàm phán - Khởi kiện- Giải quyết bằng vũ trang.
Việt Nam với Trung Quốc đã đã tiến hành gặp mặt giữa các cơ quan hữu quan, lãnh đạo rồi họp, đàm phán rất nhiều lần, dựa trên đạo lý, truyền thống 2 nước và luật pháp quốc tế. Nhưng xem ra không ăn thua, hai bên cứ “đấu khẩu” nhau bằng tuyên bố mà trong đó vô số cái trái ngược từ phía Bắc Kinh.
Đáng chú ý, từ chỗ ghi trong tuyên bố, “xâm lược trên giấy” đến cưỡng chiếm một số đảo, bãi đá rồi xây dựng các công trình quân sự trên đó, tiến hành lập các đơn vị hành chính, cố tình tạo ra một sự đã rồi! Nguy hiểm là Bắc Kinh biết dựa vào đường chín đoạn 九段线 (Nine-dash line, đường lưỡi bò) thì thô thiển, yếu thế quá nên họ đã và đang thiết lập, đòi hỏi  yêu  sách Tứ Sa 四沙战略.
TỨ SA là chiến thuật mới thay thế đường lưỡi bò, khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với BỐN NHÓM ĐẢO: Đông Sa 东沙群岛 (quần đảo Pratas, hiện thuộc Cao Hùng 高雄市của Đài Loan 中華民國), Tây Sa 西沙群岛(Paracel Islands, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa 南沙群岛 (Spratly Islands, tức quần đảo Trường Sa hiện do sự chiếm đóng của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines) và Trung Sa中沙群岛 (Macclesfield Bank, bãi san hô ngầm Macclesfield ở gần Philippines do Đài Loan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền). Đồng thời, Bắc Kinh cũng đòi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh bốn khu vực quần đảo này tương đương với việc GẦN NHƯ TOÀN BỘ BIỂN ĐÔNG SẼ THUỘC VỀ HỌ!
Dù là “đường lưỡi bò” trước kia hay “Tứ Sa” hiện nay cũng đều CHỈ LÀ BÌNH PHONG phục vụ cho việc CƯỚP CHIẾM BIỂN ĐÔNG mà đối thủ đáng gờm nhất của họ cũng là người thiệt hại chủ yếu nhất là Việt Nam.
  Hiện nay cả Việt Nam và Trung Quốc đã có Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và chắc chắn sẽ là bước chuẩn bị tiến vào giai đoạn 2, khởi kiện.
2. Về việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc
Trong nước, để xét xử các vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính, tranh chấp  giữa các bên có Tòa Hình sự, Tòa Kinh tế, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính đãvoới bao thủ tục, yêu cần cần chấp hành do pháp luật quy định.
Trên thế giới, việc tranh chấp giữa các quốc gia, có thể được thụ lý bởi các tòa:
-Tòa án Quốc tế về Luật Biển, ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea), tiếng Pháp TIDM (Tribunal international du droit de la mer), là một tổ chức liên chính phủ tạo ra bởi sự ủy nhiệm của Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ ba về Luật Biển có trụ sở đóng tại Hamburg, CHLB Đức.
- Tòa án Công lý Quốc tế, ICJ (International Court of Justice) mà tiền thân là Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice). Tòa này thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có trụ sở đóng tại Den Haag (La Haye), Hà Lan.
-Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ, ICTY (International Criminal Tribunal for the Former Yugoslavia). Đây là một cơ quan của Liên Hợp Quốc được thành lập để truy tố các tội phạm nghiêm trọng vi phạm trong các cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ, và xét xử các thủ phạm tội ác này; Tòa đặc biệt này được đặt tại La Haye, Hà Lan.
Như vậy, trên thực tế chỉ có 2 Tòa có thể thụ lý, phán xử về vấn đề đang bàn. Trong đó, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) giải quyết chủ quyền nhưng vấn đề chủ quyền phải qua Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc mà Trung Quốc lại là Ủy viên thường trực,  có quyền “phủ quyết” nên đương nhiên Việt Nam chả hy vọng được lợi gì khi kiện ra Tòa này.
Chúng ta chỉ còn lựa chọn duy nhất là học theo Philippines, tức kiện Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hiệp quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trên Biển Đông ra Tòa Trọng Tài quốc tế (ITLOS)!
Nhưng phải chú ý rằng, trong hồ sơ gửi đi không nhắc đến “chủ quyền” bởi vấn đề này thuộc quyền phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế  mà kết quả Tòa này xử Trung Quốc thế nào ai cũng dễ đoán được! Hơn nữa nếu có chữ “chủ quyền” thì vô hình chung Việt Nam lại biến vùng biển của ta thành vùng biển tranh chấp!
3. Sử dụng võ hiểm Việt Nam
Tuy ngang ngược, nhưng là một quốc gia, Trung Quốc buộc cũng quan tâm đến dư luận quốc tế nhưng dư luận và sự chỉ trích chỉ có kèm hành động mới có tác dụng “răn đe” làm Trung Quốc “chột dạ” rồi “nhẹ tay” hơn! Đồng thời khả năng răn đe lại phụ thuộc vào tương quan lực lượng trong vùng, sự gắn kết và hợp tác của các nước liên quan. Trong đó, đáng chú ý là thái độ và hành động của “tứ giác kim cương” (QUAD, gồm Mỹ - Nhật - Ấn – Úc), là bộ tứ an ninh để kiềm tỏa sức ảnh hưởng và các hành động ngày càng lộng hành của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khi toàn thế giới đang dồn hết tâm trí vào việc đối phó đại dịch COVID-19 và các nước lớn lại thêm những lo lắng, phức tạp phải giải quyết ở trong nước, khu vực trong khi các quốc gia có “xung đột” trực tiếp với Trung Quốc trên Biên Đông chưa đủ mạnh thì Trung Quốc được đà lấn tới.
Xin đừng có mơ tưởng vào sức mạnh, sự “giúp đỡ” từ bên ngoài! Ta phải dựa vào ta là chính. Lịch sử đã chứng minh rằng chỉ khi Việt Nam đủ vững về kinh tế, mạnh về quân sự, khôn về ngoại giao, yên về đối nội thì ta mới có thể “buộc” kẻ thù phải kiêng nể dẫn đến thắng nó!
Giai đoạn thương lượng, đàm phán, đối thoại đã qua, giai đoạn khởi kiện chắc chắn sẽ khởi động! Chúng ta có kinh nghiệm về khởi kiện với Mỹ, nhưng với Tầu thì chưa! Song có lợi là chúng ta có lẽ phải và có thể học được Philippines! Nhưng nếu không có “hỗ trợ” từ “chiến trường” thì khó thắng kiện và dù có “thắng kiện” nhưng có buộc được Trung Quốc thi hành lại là chuyện khác!
Trung Quốc từng có phương châm nổi tiếng là “súng đẻ ra chính quyền” hơn nữa “Kẻ cướp không sợ lý lẽ nhưng phải sợ súng”! Mà “súng” tức xung đột bằng vũ trang trực diện thì Việt Nam không bằng Trung Quốc!
Khác với năm 1979, cuộc chiến nếu có giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện nay là CUỘC CHIẾN TRÊN KHÔNG VÀ TRÊN BIỂN. Trong cuộc chiến đó ta không bằng họ về tiềm lực kinh tế, trang bị vũ khí, phương tiện và số lương binh sĩ. Đồng thời khi tác chiến trên biển và trên không, Việt Nam không thể áp dụng chiến tranh nhân dân và khó áp dụng chiến tranh du kích vốn là thế mạnh của Việt Nam khi tác chiến trên bộ.
Nhưng ta có lợi thế là có dải bờ biển dọc theo và vươn tới 2 quần đảo gần hơn còn Trung Quốc thì ở xa. Nếu ta có lực lượng Hải quân mạnh, được trang bị phương tiên cơ động và chiến đấu tốt sẽ nhanh chóng tiếp cận hiện trường! Hoặc như hệ thống “đất đốt hạm” mạnh, bố trí hợp lý thì vùng bảo vệ sẽ trong tầm kiểm soát bằng hỏa lực của ta! Bảo vệ chủ quyền là trách nhiệm của toàn dân nhưng trong vấn đề cụ thể này đó là nhiệm vụ của ngoại giao, của quân sự với sự chỉ dắt của đường lối đúng, cứng rắn nhưng mền dẻo, linh hoạt! Chứ cứ biểu tình, hô hào suông, chửi bới bậy,…chả được lợi gì!
Dù với phương cách nào, Việt Nam chắc chắn không để Trung Quốc “tự tung tự tác” hợp thức hóa, hợp pháp hóa, chính danh hóa, biến vùng biển của Việt Nam thành vùng biển tranh chấp rồi thành vùng sở hữu của họ. Cũng không để công cuộc bảo vệ chủ quyền thành leo thang xung đột, nhất là thành cuộc chiến quy mô lớn ảnh hưởng đến hòa bình, xây dựng và phát triển của Việt Nam và khu vực.
-         Lương Đức Mến, ngày Chiến thắng 30/4/2020-

1 nhận xét:

  1. "Trên thực tế, Đảng, Nhà nước đã có cách hành xử mềm mỏng nhưng rất cương quyết, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, vừa giữ được cục diện vừa thể hiện sự nhất quán trong đường lối chính sách không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại các nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với nước khác, tạo sự đồng thuận trong khu vực và sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế. Vị thế và uy tín đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đây chính là bài học mà Đảng, Nhà nước đã thấm nhuần từ kinh nghiệm giữ nước của cha ông và đường lối “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của các bậc tiền bối, vừa kiên quyết, kiên trì đấu tranh, vừa khôn khéo, không mắc mưu khiêu khích nhằm kiềm chế, không để xảy ra xung đột"

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân