Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020

Vụ ĐỒNG TÂM có trong SẤM TRẠNG ?

1. Từ sự liên tưởng vu vơ:
Trong bữa RTC cuối năm, bên mâm tôi đang cơn cao hứng (gắp, ít rót), bàn bên có ông tự dưng xướng rằng: “Vụ Đồng Tâm đã được cụ Trạng Trình quê tớ dự báo từ mấy thế kỷ trước rồi!”, ông khác hỏi: “Đâu, thế nào?”, ông kia thủng thẳng: “CâuBa con đổi lấy một cha”, thấy chưa?”.
Đúng lúc đó, mâm mình ào ào sang chuyện khác nên chả rõ bên kia bàn luận thế nào nữa!
Đem “thông tin” ấy về nhà mà mình ấm ức mãi: chả nhẽ Cụ Trạng lại từng viết và  đoán thế thực? Hay là lại một kiểu “thuyết âm mưu” nữa?
2. Đêm, lục tung những bài viết ghi là “Sấm ký” của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) mà mình sưu tầm được thấy trong bản của trường Viễn Đông bác cổ (École française d'Extrême-Orient, nay là Thư viện Khoa học xã hội Hà Nội) có câu đó thật nó ở trong đoạn:
105. Nước Nam thường có thánh tài,
Sơn hà vững đặt ai hay tỏ tường?
So mấy lề để tàng kim quỹ,
Kể sau này ngu bỉ được coi,
Ðôi phen đất lở cát bồi,
110. Ðó đây ong kiến dậy trời quỷ ma.
Ba con đổi lấy một cha,
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền.
Mão, Thìn, Tý, Ngọ bất yên,
Ðợi tam tứ ngũ lai niên cũng gần.
3. Tiếp tục đi tìm, mới ngộ ra rằng:
3.1. Đoạn trên chỉ có trong các bản Sấm ký “chép” sau năm 193x.
3.2. Tất nhiên cho đến giờ chả nhà nghiên cứu nào dám quyết rằng đâu là bản gốc của cụ Trạng?
Hơn nữa người đọc ngày nay (trong đó có Còi) tiếp xúc với “sấm Trạng Trình” đều qua các bản “dùng chữ Latin ghi tiếng Việt” mà hồi thế kỷ XV-XVI cụ Trạng, dù tài giỏi vậy nhưng đã đâu biết đến thứ chữ mà nay gọi là “quốc ngữ” này! Do vậy việc "tam sao đa bản" là lẽ dĩ nhiên!
4. Ngược dòng lịch sử, ta biết rằng:
4.1. Vị hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn (阮朝, 1804-1945) là Duy Tân (維新, 1900 –1945, ở ngôi từ 1907-1916) dự định khởi nghĩa chống Pháp cùng với các lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội 越南光復會nhưng bất thành.
Do vậy, ông bị bắt ngày 6 tháng 5 và đến ngày 3 tháng 11 năm 1916 bị Pháp đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Sau đó, người Pháp đã đưa con vị Hoàng đế thứ 9 Đồng Khánh (同慶, 1864-1889) là Bữu Đảo (阮福寶嶹, 1885-1925) lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định (啓定帝, 1916 –1925). Sau khi lên ngôi được 8 năm, vào tháng 9 năm 1924, từ Pháp về, Khải Định tổ chức lễ Tứ tuần đại khánh (四旬大慶, lễ mừng thọ 40 tuổi) rất lớn, tốn kém nhiều.
Thời Khải Định tiền do triều đình ban hành gọi là “Khải Định thông bảo啓定通寶. Nhưng tiền này chỉ được dùng như tiền lẻ lưu hành ở thôn quê bởi ngay từ thời Đồng Khánh (1885-1888) trước đó, tiền lưu thông trong nước là những tiền “xu”, tiền giấy “đồng” do Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine, 1875-1974) của người Pháp phát hành.
Đồng trinh “Khải Định thông bảo” không phải là tiền đúc mà được dập bằng máy do Ngân hàng Đông Dương đảm nhận nên chứa ít chất đồng nhưng nét chữ sắc sảo hơn. Đồng trinh này có giá trị bằng 1/200 đồng bạc Piastre của Ngân hàng Đông Dương, tức là nửa xu.
4.2. Sau khi Khải Định mất (vào ngày 20/9 năm Ất Sửu tức 6/11/1925) thọ 41, Pháp đưa người con trai duy nhất (mặc dù ông có tới 12 bà vợ) của ông là Vĩnh Thụy (阮福永瑞, 1913-1997) đang du học tại Pháp lúc bấy giờ mới 12 tuổi, trở về lên ngôi vua lấy niên hiệu là Bảo Đại (保大, 1925-1945).
Dưới thời ông vua cuối cùng này, đồng tiền “Bảo Đại thông bảo保大通寶được phát hành vào năm 1933 (sau khi từ Pháp, Bảo Đại trở về chấp chính) cũng được Ngân hàng Đông Dương dập bằng máy, dân gian thường gọi là “đồng xèng”. Có ba loại tiền Bảo Đại Thông bảo trong đó loại tiền đúc cỡ nhỏ mặt sau trơn ngày nhỏ chúng tôi hay dùng để đánh trinh!
Thời Bảo Đại là thời kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, xã hội lại thiếu ổn định nên tiền Bảo Đại có giá trị thấp, chỉ từ 1/600 tới 1/400 của 1 xu Đông Dương, có nghĩa là 2 hay 3 xèng Bảo Đại mới bằng 1 trinh Khải Định.
Trên thực tế, xèng “Bảo Đại thông bảo” chỉ là tượng trưng trong quyền tế tự, ân xá và sắc phong, không có chức năng kinh tế.
Chán ngán vì tình cảnh và thực tế đó, dân gian lưu truyền câu vè: “Hai con đổi lấy một cha, Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền”!
Lại có chuyện: ngày trước dân ăn mày còn xin được một đồng trinh Khải Định, nay họ chỉ được cho một đồng xèng Bảo Đại. Với đồng xèng đó, không đủ để mua thứ gì lót dạ nên mới có câu “Bảo Đại hại ăn mày”!.
5. Như vậy rõ ràng là:
5.1. Câu “Ba con đổi lấy một cha,
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền”.
Ra đời sau khi Cụ Trạng làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) quy tiên đã được ngót…350 năm nên không thể do Trạng Trình viết ra được!
5.2. Sự kiện “Ba con đổi lấy một cha” đơn thuần chỉ là việc so sánh “3 xèng thời vua con Bảo Đại mới đổi được 1 trinh thời vua cha Khải Định” chứ chả mảy may liên quan gì đến sự kiện 09/01/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm cà !
5.3. Cho nên mọi giai thoại về sấm ký tiên lượng đúng chỉ là…giai thoại mà người đời đặt ra nhằm tới một mục đích gì đó!
Xin mấy “nhà ngâm cứu” chớ phán xằng và người đọc, xem chớ tin bậy! Nhất là đừng quơ cụ Trạng quê tôi gắn vào việc làm nhơ bẩn của lũ phản đồ, trở cờ!

-Lương Đức Mến, sắp sang ngày 28 tháng Chạp Tết Canh Tý 2020-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân