Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

Đừng tạo thêm một con NGÁO ỘP MỚI

Xin nói ngay rằng: là một đệ tử của nhóm RTC nhưng Còi tôi hoàn toàn ủng hộ việc “cấm uống rượu bia khi điều khiển xe”. Mấy ngày nay ở đâu, chỗ nào cũng thấy thiên hạ xì xèo nên cũng giành chút thời gian để “lật lại” vài chi tiết chưa thông.
Trước hết về văn bản, nổi lên 2 điểm quanh NGHỊ ĐỊNH Số: 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đó là:
1. Tại Mục 1. VI PHẠM QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ có Điều 5, 6, 7, 8 quy định mức xử phạt hành chính khi “Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Có người trích khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ SỐ 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008 quy định: “Nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở” mà nói rằng: Luật Giao thông đường bộ không cấm người đi xe máy có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở và cũng không hề có quy định cấm người đi xe đạp có nồng độ cồn. Do vậy quy định như Nghị định là vượt luật!
Nhưng, thưa các nuật xư phòng lạnh rằng: quy định tại Mục 1 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP không hề trái luật. Bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia Số: 44/2019/QH14 2019 ngày 14/6/2019 đã sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 thành: “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
2. Về Hiệu lực thi hành: Điều 54 quy định Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 trong khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP  mới được ký trước đó 2 ngày (30/12/2019) cũng không quá nhanh bởi đây là Nghị định được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đồng thời chấm dứt hiệu lực của Nghị định trước đó, nên nó được ban hành theo THỦ TỤC RÚT GỌN chứ không hề vội vàng ! Nhớ lại Nghị định số 01/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 6/8/2018 có hiệu lực thi hành ngay có sao đâu !
Tóm lại, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được ban hành hoàn toàn đúng trình tự, thủ tục và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 đã được sửa đổi bổ sung tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia  2019 về  nội dung quy phạm.
Điều thứ hai là về kỹ thuật thực hiện: Để xác định một người có uống rượu, bia hay không người ta có thể lấy mẫu máu hoặc nước tiểu của người nghi ngờ vi phạm để xét nghiệm.  Nhưng điều này không khả thi trong thực tế. Do vậy, trong hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, thế giới tìm ra phương pháp xác định nồng độ cồn trong máu qua hơi thở, nhờ các thiết bị tân tiến cho kết quả ngay bằng hiện trên màn hình của thiết bị hay in ra trên giấy. Cụ thể:
1. Máy đo nồng độ cồn còn được gọi là thiết bị đo nồng độ cồn hoặc dụng cụ đo nồng độ cồn chuyên dùng, có tác dụng định tính với độ nhậy cao, nhập khẩu từ nước ngoài. Máy này sử dụng trong các chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn mà người tham gia giao thông không cần thổi mà chỉ cần nói chuyện bình thường là máy sẽ xác định trên xe có mùi cồn hay không. Tất nhiên nếu máy báo trong xe “dương tính” với cồn thì lái xe ô tô được kiểm tra thêm một lần nữa bằng cách thổi vào máy đo cồn định lượng để xác định chính xác là có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.
2. Về ống thổi có tác đụng kiểm tra định lượng và theo quy định, mỗi một trường hợp đều dùng một ống thổi riêng, mỗi lượt kiểm tra là một ống thổi mới. Trong thực tế, để công tác kiểm tra được nhanh chóng, ngay khi kiểm tra nồng độ cồn của trường hợp này xong, CSGT sẽ tự thay ống mới để làm việc tiếp với các trường hợp sau mà có thể chưa thay trước mặt người cần kiểm tra nên nhiều người không nhìn thấy CSGT thay ống đã sợ ống thổi dùng chung, mất vệ sinh, lây bệnh.
Điều thứ Ba, Còi tôi muốn bàn về “ngưỡng nồng độ” coi là vi phạm.
Để phù hợp với điều 5 khoản 6 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia  2019, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã tăng nặng mức xử phạt ở t.ất cả các khung từ dưới 0,25mg/l khí thở đến trên 80mg/l khí thở đối với tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông. Điều này có 2 vấn đề
1. Không đạt tính khoa học: Thực tế và khoa học đều chứng minh rằng: không chỉ uống rượu bia trong hơi thở và máu mới có cồn ethanol mà khi sử dụng một số thực phẩm, đồ uống, món ăn,…đều sẽ dương tính với ethylic. Tất nhiên nồng độ khác nhau! Do vậy đưa ra mức “dưới 0.25mg/l khí thở” là không khoa học vì ngay cả 0mg/l cũng vi phạm thì có mà đến Đường Tăng cũng bị mắc!
Hơn nữa việc ảnh hưởng đến hành vi con người (trong đó có lái xe) của  rượu, bia phải cần đến một mức độ nhất định tùy loại rượu, bia, thể tạng, cân nặng, trạng thái tâm lý người uống nữa. Chính vì điều này nên trên thế giới có mấy nước áp dụng mốc số 0 mà họ quy định một “ngưỡng” cụ thể tài xế vượt ngưỡng đó thì mới á.p dụng chế tài xử phạt. Ví dụ ở Mỹ và Anh là 0,08% máu (tương đương 0,08 g cồn trên 100ml máu), ở Pháp là 2g/l, ở Singapore ngưỡng này là 0,35mg/l khí thở.
2. Hạn chế tính giáo dục: Mức phạt quá cao ở cả các mức độ, phương tiện dễ gây ra những phản ứng tiêu cực đến cực đoan của những người bị phạt và khi đó  người bị phạt có thể coi Luật pháp là một công cụ trừng phạt hà khắc chứ không còn đúng nghĩa là giáo dục, răn đe, nâng cao ý thức người dân nữa. Hơn nữa, với mức phạt đó mà thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra hiệu quả thì sẽ phát sinh tiêu cực ở cả 2 phía (người vi phạm, người phát hiện xử lý vi phạm)!
Điều thứ Tư là bàn về tính pháp lý:
1. Việc đánh giá chứng cứ: Máy đo nồng độ cồn chỉ là công cụ hiện chỉ số để CSGT ghi vào biên bản mức nhiễm cồn của tài xế chứ không phải là công cụ để đánh giá độ say xỉn hay độ thiếu kiểm soát hành vi của người lái xe. Bởi khả năng kiểm soát hành vi sau uống rượu là tuỳ loại rượu, thể trạng, cân nặng và cả tâm lý khi uống của từng người! Do vậy sự “dương tính” về cồn trong hơi thở không phải là cái cớ để bắt hay phạt người tham gia giao thông.
2. Vấn đề quyết định: Nếu nói trách nhiệm chứng minh người có nồng độ cồn không uống rượu bia của đối tượng được kiểm tra là không đúng luật. Nhưng nhiệm vụ đó mà phó mặc cho CSGT quyết định hết thì không khả thi bởi tính kịp thời, lại phụ thuộc nhiều vào ý chủ quan của người Cảnh sát!
3. Vấn đề Văn hóa: Nói gì thì nói việc uống rượu là có từ lâu đời và trong một số sự kiện truyền thống không thể thiếu rượu. Vào nhà mới, đám hiếu, đám hỉ, …chả thể thiếu chén rượu! Có xử lý xuể không? Xử lý thế nào? Đón lõng cửa ngõ gia chủ mà lập chốt đo nồng độ sẽ “bắt” được nhiều nhưng phản cảm và dễ ùn tắc, lại gây tai nạn!
Việc kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông để xử lý hành vi vi phạm là đúng và cần thiết. Một vài phương thức “chống đối” của mấy bợm nhậu chỉ thỉnh thoảng “lừa” được những máy đo nồng độ cũ (theo phương pháp phản ứng hóa học) hoặc những cảnh sát ít kinh nghiệm còn với những máy đo hiện đại (bằng phương pháp quang phổ) và với những cảnh sát được huấn luyện kỹ, có nghiệp vụ cao thì tốt nhất người vi phạm nên chấp hành!.
Nhưng, về phía các nhà làm luật cần có những quy định chế tài cụ thể, đảm bảo tính khoa học, pháp lý chặt chẽ hơn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để toàn dân đồng thuận như việc “cấm đốt pháo”, “đội mũ bảo hiểm” hồi nào! Với lực lượng thực hiện cần có chế tài giám sát, quản lý, có quy trình công tác cụ thể và quan trọng là mỗi CBCS cần có lòng tự trọng cao để thực sự “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”!
Đừng để một việc làm đầy tính nhân văn cho xã hội, lại hợp pháp trở thành “con ngáo ộp” dọa dân, đút thêm tiền vào túi cán bộ biến chất!
-         Lương Đức Mến, 06/01/2020-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân