Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Nhớ NGÀY NHẬP TRƯỜNG ĐHQY

Cách đây 45 năm, tháng 8/1974 chúng tôi những học viên K17 trường CSND thuộc Bộ Công an[1] được chọn đi lao động XD Lăng Bác.  Vì không có chuyên môn nên chỉ có việc cạo rỉ sắt các cây thép cốt Beton,  nghỉ trưa tại thềm nhà Quốc Hội, tối về ĐHAN ngủ. Gần cuối đợt trong một trận mưa ngập bọn tôi xuýt kẹt dưới tầng ngầm của Lăng. Khi hoàn thành nhìn  trên mặt đất Lăng và 2 cánh gà hai bên là 3 khối riêng biệt.Thực ra dưới lòng đất 3 khối đó thông nhau, có bức tường Beton dầy đến hàng mét. Cuối đợt, tôi được Ban chỉ huy Công trường 75808 khen thưởng.
Đây cũng là thời điểm mà sau khi thông nhất giữa lãnh đạo 2 Bộ, ngày 10/6/1974 Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng có Công văn số 140/ĐT đồng ý tiếp nhận học viên của Bộ Công an sang học Đại học Quân y thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo Quyết định số 1718-CA/QĐ ngày 24/9/1974 của Thứ trưởng BCA Hoàng Thao, một số chúng tôi đang học K17 CSND[2] và D6 ANND[3] được “cử đi học khóa 69 trường Đại học Quân y, Bộ Quốc phòng theo quỹ lương đào tạo” từ 01/10/1974.
Thế là ngày 18/9/1974 tôi cùng 19 bạn nữa tập trung tại Hội trường lớn Trường Sĩ quan An ninh (C500).
Tại đây những người dự được nghe ông Quách Quí Hợi (Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công an) phổ biến giao nhiệm vụ.
Ông cho biết, từ những năm 1960s lãnh đạo Bộ, đặc biệt Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (1916-1986) [4]  đã quan tâm ráo riết đến vấn đề tăng cường lực lượng KHKT trong LLCA. Từ đó những năm 1970s nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật được tuyển dụng và nhiều đợt cán bộ trong lực lượng hay học sinh phổ thông mới tuyển vào được cử đi học tập tại các trường đại học ở nước ngoài và các trường trong nước.
Cũng theo tiến trình đó, ngành CA có kế hoạch xây một BV “kiểu mẫu” trên Tam Đảo[5]. Bọn tôi thuộc diện đào tạo cho kế hoạch này: mỗi khóa 20 người, 5 khoá đủ 100 nên theo quyết định của Bộ, những người đỗ vào Đại học đều vào học tại Đại học Quân y (dù thi khối A, C hay B) để vừa có kiến thức, bằng Bác sĩ lại được rèn luyện trở thành sĩ quan trong LLVT. Ông còn yêu cầu cố gắng học tập trở thành Bác sĩ giỏi còn phải phấn đấu trở thành Đảng viên (ngày đó các trường dân sự chưa chú trọng vấn đề này), trở thành một sĩ quan có bản lĩnh. Đồng thời, cũng tại buổi gặp mặt này anh Vũ Xuân Đá (nguyên CSĐS đi học) được giao phụ trách số học sinh của ngành gửi sang học bên Đại học Quân y[6].
Nghe thế, những thanh niên 18, 20 rất phấn khởi, tin vào tiền đồ của mình và ai cũng nung nấu một quyết tâm, nuôi dưỡng một hoài bão.
Ngày 30/9/1974 đoàn từ Đại học An ninh hành quân bộ đến Trường Đại học Quân y[7], vào học Khoá 9 (với mật danh là 69). Đây là khóa đầu tiên có sinh viên thuộc Công an gửi học y bên trường thuộc Bộ Quốc phòng.
Gần ngày khai giảng (9h00 ngày 16/11/1974 tại hội trường A Đại học Quân y) nhà trường phát hiện có một số tuy đỗ ĐHCA nhưng không đủ điểm vào ĐHQY nên trả về lại CA (học D2 CS hay D6 AN), đổi lấy một số đang học ĐHAN sang (1 D5 và 12 D6).
Do vậy, số từ trường CA sang ban đầu chỉ còn lại: Vũ Xuân Đá, Lương Đức Mến,  Lê Đức Sản,  Đỗ Thế Lộc,  Bùi Văn Dũng,  Lưu Văn Thắng,  Vương Khả Nhâm; số từ ĐHAN sang thay thế, gồm: Hoàng Xuân Lập,  Chử Trọng Thành, Cao Quang Hồng, Ngô Duy Chi, Nguyễn Xuân Thắng, Hoàng Xuân Đỉnh, Nguyễn Văn Triết, Nguyễn Văn Tấn, Hoàng Quang Vinh, Phạm Hữu Văn, Nguyễn Viết Thắng, Nguyễn Văn Phụng, Trương Sỹ Thành.
Khóa 1974-1980 là khóa Dài hạn thứ 9, học 6 năm nên gọi tắt là K69. Toàn Khoá có 278 học viên[8] (có 4 đã từng học ở Liên Xô) được chia thành 2 Đại đội (A và B).
Số CA gửi học được biên chế vào  lớp B1  do anh Phẳng làm C trưởng,  B trưởng học viên là anh Sáu,  QYS đi học[9] .
Đầu vào không thuần nhất: số học sinh phổ thông thi vào thì kiến thức còn mới, tiếp thu dễ (năm đầu hưởng chế độ phụ cấp Binh Nhì); những người đã tốt nghiệp Phổ thông từ lâu dược ôn luyện thi ở Trường Văn hóa trên Lạng Sơn có kiến thức cơ bản phù hợp với các môn học; những người đang học ở các trường Đại học (ở các khối A, B, C) rồi nhập ngũ lại qua chiến đấu lâu ngày ở chiến trường nên gặp khó khăn hơn; số đã là QYS có chuyên môn nhưng kiến thức cơ bản quên nên khó những năm đầu.…(hưởng chế độ phụ cấp từ Hạ sĩ H1 đến Thượng sĩ H3). Tuy từ nhiều nguồn với nhiều mức kiến thức phổ thông như vậy nhưng tất cả đều có một khát khao về học tập và quyết tâm rèn luyện như nhau.
Ngoài những người gốc gác nông dân, con cán bộ thường còn có nhiều bạn (học sinh phổ thông thi vào ĐHQY hay chuyển từ trường CA sang) là con cán bộ cao cấp, con các vị tướng lĩnh, thủ trưởng quân khu, thủ trưởng binh chủng, thủ trưởng nhà trường[10]… Nhưng từ phong cách sinh hoạt đến chế độ cho học viên, việc học hành, thi cử, khen thưởng, kỷ luật, việc rèn luyện,.... đều như nhau. Khóa có 15 nữ mà người lớn tuổi nhất là chị Hải Đường ở 69A2, còn mấy bạn nữ là học sinh phổ thông sinh năm 1957, 1958.
Chúng tôi ở khu Xa La trại (nay thuộc phường Phúc Xá, quận Hà Đông), cạnh ngày đường từ Học Viện ra Văn Điển. Đây là ruộng lầy cũ, phải kéo xe, đổ đất cho đầy, rồi dựng nhà, ken phên, trát vách.
Tháng đầu chở đất bằng xe cải tiến đổ lấp ao ruộng,... để xây dựng doanh trại ở ngoài khuôn viên trường và lao động khá hăng.
Vì chưa có sự thống nhất chi tiết giữa 2 Bộ nên lúc đầu toàn lớp mặc quân phục, riêng tốp SV Công an vẫn thường phục , đi cuối hàng khi hành quân từ ký túc xá theo đường nối Hà Đông - Văn Điển vào cổng và lên giảng đường . Đến cuối tháng XI/1974 mới được phát quần áo, tư trang như các SV của quân đội. Quần áo rộng thùng thình nên số gầy, nhỏ phải ra Hà Đông sửa lại.
Nếp sống QS khá chặt chẽ,  bù lại sinh hoạt thì khá hơn nhiều so với hồi trên Sơn Tây.
Một trang mới bắt đầu.
-Lương Đức Mến, Kỷ niệm 45 năm ngày nhập trường ĐHQY-


[1] Giai đoạn 1975-1998 Bộ Công an (thành lập năm 1953) đổi tên thành Bộ Nội vụ (từ ngày 06/6/1975 bởi Quyết định của Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa V), sau đó theo Nghị quyết số 13/1998/NQ-QH10 ngày 07/5/1998 lại trở lại tên Bộ Công an.
[2] Được thành lập từ một Khoa của Trường CANDTW ngày 15/5/1968 (Quyết định 514/CA/QĐ "Tách phân hiệu Cảnh sát nhân dân ra khỏi trường Công an Trung ương, thành lập trường riêng, có nhiệm vụ đào tạo bậc trung học cho lực lượng Cảnh sát nhân dân") tại làng Phong Vân (Ba Vì, Sơn Tây) trên cơ sở vật chất của Trường Sơ cấp CA. Sau khi đất nước thống nhất Trường CSND được BCA quyết định chuyển thành Trường Sĩ quan Cảnh Sát, đến 27/11/1976 được Chính phủ ra Quyết định số 231-CP công nhận nằm trong hệ thống đại học quốc gia và đến 1981 đổi tên thành Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Sau nhiều năm đề nghị, đến 1985 trường được cấp mặt bằng tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm.Từ 15/11/2001 đổi thành Học viện Cảnh Sát Nhân Dân.
[3] Trường này được thành lập ngày 25/6/1946 với tên gọi:  Trường Huấn luyện Công an trung cấp. Trong KC chuyển lên Việt Bắc đến 1953 đổi thành Trường Công an Trung ương. Hoà bình về Hà Đông thành Trường Sĩ quan An ninh (C500) và từ 22/7/1964 trường được công nhận là trường đại học của ngành công an (theo Quyết định số 111/CP) . Từ năm 1981 mang tên Trường Đại học An ninh và từ 2001 là Học viện An ninh.
[4] Bộ trưởng đầu tiên và tại chức trong thời gian dài nhất (từ năm 1952 đến năm 1981), được coi là người đặt nền móng đầu tiên cho công tác xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của ngành Công an là đ/c Trần Quốc Hoàn.
Ông là người đặc biệt quan tâm đến công tác KHKT và là người quyết định đưa các Bác sĩ học K69 ĐHQY về làm công tác Pháp y trong CAND vào tháng 3/1981.
[5] Đây là sự “đi trước đón đầu” nhanh đâm phí! Các công trình như Viện Khoa học hình sự (của Công an), Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (của Quân đội), ...sau này thấy rõ sự bất hợp lý và lại chuyển về Hà Nội!
[6] Quyết định số 1718-CA/QĐ ngày 24/9/1974 của Thứ trưởng BCA Hoàng Thao “cử đi học khóa 69 trường Đại học Quân y, Bộ Quốc phòng theo quỹ lương đào tạo” từ 01/10/1974.
[7] Khi chúng tôi nhập học do Giáo sư Đỗ Xuân Hợp là Hiệu trưởng (01/1951 - 3/1979) còn khi ra trường Hiệu trưởng là Giáo sư Nguyễn Thúc Mậu (3/1979 - 7/1986). Trường đóng ven sông Nhuệ gần thị xã Hà Động.
[8] Sau này có anh bị bệnh hủi, bị bạch cầu cấp, nhiễm trùng huyết và mất khi đang học, có anh chuyển xuống K70 và cũng có anh từ K68 chuyển xuống, người bị buộc thôi học nên lúc thi Tốt nghiệp có 271 người.
[9] Trước khi nghỉ hưu là Chánh Văn phòng HVQY
[10] Nhiều bạn ở Khu tập thể Nam Đồng là khu gia binh lớn nhất thủ đô,  nơi ở của gia đình cán bộ quân đội trung, cao cấp,  một đại gia đình quân nhân thu nhỏ thời chiến và hậu chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân