Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

2 NGÀY 1 ĐÊM VÒNG BÁT XÁT

Nhân 2 ngày nghỉ cuối tuần, cậu cả mời ông bà đi thăm cảnh Bát Xát. Một phần vì thời gian qua bận lu bù chả đi đâu xa, lại vừa muốn thăm lại những nơi mình từng đến hồi còn đang công tác nên hào hứng nhận lời.
Lược đồ đường đi do LĐM trình bày
Kế hoạch là đi một vòng từ thành phố Lào Cai vào Y Tý rồi sang Lũng Pô và trở về. Như vậy chặng đường giống hình con dao thái phở mà chuôi dao là thành phố Lào Cai đến Bản Vược, còn lưỡi dao là Bản Vược vào Bản Xèo, lên Mường Hum, Y Tý và từ Y Tý sang “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”, sống dao là đường men theo sông Hồng từ Lũng Pô về Bản Vược, đến đây gặp lại chuôi dao để trở về thành phố!
Bát Xát (miệng thác?) là huyện nằm ở phía tây bắc tỉnh Lào Cai, có ranh giới: phía tây bắc và đông bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua sông Lũng Pô và Sông Hồng, phía tây giáp huyện Phong Thổ (của Lai Châu), phía nam là huyện Sa Pa và thành phố Lào Cai, phía đông nam là thành phố Lào Cai. Về mặt hành chính, huyện gồm thị trấn Bát Xát và 22 xã: A Lù, A Mú Sung, Bản Qua, Bản Vược, Bản Xèo, Cốc Mỳ, Cốc San, Dền Sáng, Dền Thàng, Mường Hum, Mường Vi, Nậm Chạc, Nậm Pung, Ngải Thầu, Pa Cheo, Phìn Ngan, Quang Kim, Sàng Ma Sáo, Tòng Sành, Trịnh Tường, Trung Lèng Hồ, Y Tý. Trong đó có 10 xã loại 1 là: Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu, Y Tý (San Cha Chải và xã Y Tý từ 01/1979).
Trên địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch mà dân phượt hay lui tới.
1. Đường vào :
Định đi sớm, nhưng vướng mấy nhóc nên hơn 8 giờ mới xuất phát. Qua cửa khẩu Kim Thành, điểm cuối của đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào Quốc lộ 156, ngược ven bờ hữu ngạn sông Hồng. Bên kia là địa phận huyện tự trị người Dao Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc河口瑶族自治县. Gần như song song với sông Hồng bên ấy là đường Cao tốc AH14 từ Hà Khẩu 河口 qua Côn Minh 昆明 (có nối với AH1, AH3) đến cửa khẩu Tả Cáo 姐告 trên biên giới với Myanmar với chiều dài là 1.435 . Riêng đoạn từ Hà Khẩu 河口 đến Khai Viễn 开远 được gọi là Đường cao tốc Khai Hà 开河 高速公路 (G8011) khá hiện đại mà từ bên này nhìn sang thấy những trụ đỡ từ mặt đất lên trông tựa như đường sắt Cát Linh-Hà Đông[1]!
Trung tâm Bản Vược đã khác xưa nhiều, nhưng chả dừng lại mà đi thẳng vào Bản Xèo. Đây là “thủ phủ” của Bát Xát mà những năm 198x đã đôi lần vào công tác, giờ chả nhận ra đâu vào đâu. Bởi không có kế hoạch nên bỏ qua việc thăm quan nhưng điểm đặc trưng của văn hóa dân tộc Giáy nơi đây.
Đến Mường Hum nhớ lại chuyến công tác năm 1986 cùng việc ngủ nhà sàn, chuyện những cô gái Giáy nổi tiếng xinh đẹp và chuyện trước 1954 nơi đây đọc báo sáng gần cùng lúc với Hà Nội bởi có sân bay Pháp,... Nay nơi đây có thủy điện Mường Hum, chợ Mường Hum nổi tiếng. Nhưng hẹn dịp khác!
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHỤP VỘI:
Quốc lộ 156
Thủy điện Mường Hum
Dừng chân bên đường
Với TE vùng cao
Giao lưu bằng "ký hiệu"
Ngắm ruộng bậc thang
Hái cây thuôc bên đường
Dừng ngắm cảnh lạ
Cầu qua suối Mường Hum
Hoa dại ven đường
Qua cây cầu cũ vượt suối Mường Hum, thẳng hướng vào Dền Sáng. Đường lên bắt đầu khó đi bởi nhiều cua, dốc lại lắm ổ voi. Thế mà năm 1985 mình từng tới đây (tất nhiên trên xe “căng hải” bởi ô tô chưa "lội" qua được suối Mường Hum) và rất ấn tượng với những món ăn của người Dao đỏ, với Bí thư Hoàng Lìn. Ông này tuy chưa đến mức "đọc thông viết thạo" nhưng uy đến mức phải được ông đồng ý, Chủ tịch xã mới ký và cô giáo mới đóng “mộc” vào các văn bản hành chính mà đoàn công tác cần. Đây cũng là chuyến đi mà lần đầu tiên mình biết tới cây Thảo quả và cuộc sống của những cô giáo và anh công an cắm bản!
Do nằm trên độ cao, nhiều khe nước lạnh nên khá nhiều Trại nuôi cá Hồi ngay ven đường. Chưa nghe danh chủ trại và không mấy hứng thú nên không ghé thăm!
Nương Thảo quả dưới tán cây
        Khi đi xuyên qua khu rừng già, không khí dịu hẳn. Khu rừng nguyên sinh độc đáo này rộng 8.000 ha, nằm trên địa phận ba xã Ý Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo. Rừng xen lẫn rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiều tầng tán với một số loại thực - động vật đặc hữu, như bách xanh, thông tre, cây vù hương một lá, rùa ba vạch, tê tê vàng, kỳ đà vân, sóc bay. Có được rừng già đến nay phải cám ơn cách giữ rừng nghiêm ngặt, hiệu quả của người Hà Nhì[2]. Họ có lễ “cúng rừng” (tiếng địa phương gọi là lễ cúng “gà ma do”) mà mỗi nhà phải cử một người ăn mặc theo trang phục cổ truyền của dân tộc, đi chân đất vào khu “rừng thiêng” của thôn để cúng, thề với thần rừng là không xâm hại đến rừng thiêng. Luật tục, quy ước bảo vệ rừng vì thế trở thành mệnh lệnh linh thiêng buộc cả cộng đồng tuân thủ. Bất cứ ai vi phạm rừng cấm, rừng thiêng cũng đều bị xử phạt nặng, kể cả cây khô, cây đổ cũng để nguyên hiện trạng. Nếu người lạ đến đó mà vô tình đại tiện, hay tiểu tiện nơi rừng thiêng bị phát hiện cũng bị phạt. Nếu cần gỗ để làm nhà, hộ dân đó phải xin phép kiểm lâm, báo cáo lên già làng, trưởng thôn. Xin khai thác làm gì thì được phép khai thác số lượng cây vừa đủ ở khu rừng được phép khai thác và khi chặt hạ 1 cây to thì phải trồng 1 cây non bên cạnh. Ai sử dụng sai mục đích thì bị cấm vĩnh viễn, bị tước luôn quyền khai thác rừng, không bao giờ được vào rừng lấy gỗ làm nhà nữa. Dưới tán lá rừng là những bãi Thảo quả xanh mướt[2a]. Lạ cái rộng thế mà tịnh không thấy lán trông coi!
Tiếc rằng hai khách nhí đã ngon giấc nên chả giới thiệu được gì, cũng chả kể cho chúng nghe chuyện cách đây 30 năm ông cháu đã từng cắt rừng qua đây!.
2. Điểm dừng chân Y Tý: Chợ, cầu Thiên Sinh và bản Hà Nhì
Hàng rào xếp bằng đá
Qua rừng già, ven đường đã thấy xuất hiện nhiều các bức rào xếp bằng đá mà bà xã bảo sao họ xếp tài thế, thấp thoáng bóng nhà hình nấm trình tường đất biết rằng sắt tới Y Tý.  Đây là xã nằm ở phía tây của huyện Bát Xát, cách huyện lị khoảng 68 km về phía tây bắc, trên vùng núi đá có độ cao hơn 2000 m. Trong xã có 15 thôn bản gồm người các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì và đông nhất là người Hà Nhì đen.
Xã này phía đông giáp xã Trịnh Tường; phía nam giáp các xã Dền Sáng, Sàng Ma Sáo của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; phía tây giáp Trung Quốc (suối Lũng Pô là ranh giới tự nhiên với chiều dài đường biên khoảng 17 km); phía bắc giáp xã Ngải Thầu cùng huyện.
Cổng Đồn Biên phòng Y Tý
Qua cổng Đồn Biên phòng Y Tý hơn 100m đến Homestay Thảo Nguyên Xanh mà con trai đã liên hệ trước với anh chủ Nguyên. Homestay này nằm ngay gần tấm biển xây bằng Xi măng ghi KHU VỰC BIÊN GIỚI[3] cao 20cm, hàng giữa viết chữ Trung: 边界地区 cao 10cm, hàng dưới cùng viết bằng chữ Anh: FRONTIER AREA, cao 10cm. mà hồi 2016 tôi lên còn hiện hữu (như ảnh hôm đó mình chụp kèm đây).
Biển báo Khu vực biên giới trước kia
Nhà lại ngay gần Chợ Trung tâm, đi lại dễ. Đây là địa phận thôn Ngải Chồ, thôn trung tâm của xã Y Tý.
Rửa chân tay xong, chúng tôi ra ngay chợ Trung tâm kẻo trưa sẽ tan hết người. Ngoài người Kinh và các mặt hàng đem từ thị trấn, thành phố vào ở đây còn có người các dân tộc Mông (váy xòe), Dao (vấn chiếc khăn chim công), Giáy (áo ngắn trùm kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng), đặc biệt nhiều là người Hà Nhì đen với cặp ba lá và mái tóc giả tết bằng len quanh đỉnh đầu. Người Hà Nhì bán rau, củ, quả, sản phẩm đan mà đa phần là phụ nữ đứng tuổi. Họ không biết nhiều tiếng Kinh, lại không mặc cả nên rất khó mua bán. Mình mua  3 yến “Khoai sâm”[4], vợ mua ít ra, củ kiệu, đậu đỏ.
HÌNH ẢNH CHỢ Ý TÝ:
Bà xã mua hàng
Khánh Trang với cô gái người H'Mông
Tan chợ
Tầm 12 giờ chợ vãn hết người. Các thương lái gửi hàng (công nghiệp) tại những nhà quanh chợ rồi họ về để thứ Bẩy tuần tới lại vào lấy ra bán. Những bà người Hà Nhì mang sản phẩm của mình về, phiên sau lại mang ra bán chứ họ không hạ giá!. Còn lại trong chợ là la liệt túi Nilon, bì bao hàng,...Gặp đôi nam nữ đi chơi chợ thấy cô gái xinh, quần áo đẹp lạ, bắt chuyện mới hay là cháu là người H'Mông ở Nghệ An ra chơi. Khánh Trang bạo dạn tới làm quen và chụp ảnh cùng!
HOMESTAY THẢO NGUYÊN XANH:
Ba bà cháu tại nhà nghỉ
Homestay Thảo Nguyên Xanh
Chơi trước cửa một ngôi nhà trình đất kiểu mới
Khánh Trang hứng chí
Phía bên kia núi
Chiều, 17 giờ dậy, cả nhà lên xe nhằm hướng cầu Thiên Sinh đi xuống. Đường xấu, khá khó đi. Khi qua bản Lao Chải dừng lại ngắm và chụp ảnh ruộng bậc thang lúa đang vào mùa chín. Càng đi đường càng khó, có đoạn ổ voi, có đoạn đứt gẫy,...khiến mấy xe thấp gầm, 1 cầu phải quay ra. Khi còn cách cầu Thiên Sinh độ 2 km, gặp ngầm chênh vênh, lòng suối đầy đá trông như bầy lợn, trâu nằm ngổn ngang, cả nhà quyết định quay về, không đi tiếp.
LAO CHẢI VÀ CHƯỚNG NGẠI VẬT:
Ngắm ruông bậc thang Lao Chải
Đá ngổn ngang lòng suối vào cầu Thiên Sinh
Rất tiếc cây cầu nằm ở cuối thôn Lao Chải mang tên “Thiên Sân Shù”, tức “Thiên Sinh, dịch nghĩa là “trời sinh” đã không đến được. Thông tin trên mạng biết rằng đây là cây cầu “ngắn nhất việt Nam”, vốn là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút dưới là dòng suối Lũng Pô[5]. Từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe đá này. Nay cây cầu đã được Beton hóa dài gần 2 m. Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc: bên đầu cầu phía Việt Nam là cột mốc biên giới số 87 được xây bằng đá hoa cương, đường đến khó khăn, phía bên kia là cột mốc của Trung Quốc và đường đến rải nhựa phẳng phiu.
Bỏ dở việc thăm cầu Thiên Sinh, cả nhà trở ra rẽ vào bản Choản Thèn thăm “Công viên Y Tý”, nét đặc trưng của bản người Hà Nhì. Theo đường Beton vào bản, đến cây “cô độc” đỗ xe xuống thả bộ bởi lời nhắn: “trong bản không có chỗ quay đầu xe”!
Con đường Beton chạy dọc bản, nhà cửa nằm 2 bên đường. Nếu như người Kinh coi “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là ba việc lớn của một đời người, thì người Hà Nhì có câu “Lạ khố khố hứ chà”, tức coi ngôi nhà là quan trọng nhất.
Nhà của người Hà Nhì nhìn xa như một cái nấm khổng lồ. Nhà hình chữ nhật, tường trình bằng đất, mái tranh nhọn hình kim tự tháp đa phần lợp bằng pro xi măng[6] mà nghe kể thì xưa lợp bằng cỏ hay bằng gỗ!.
Dạo qua các ngôi nhà thấy chúng đều na ná nhau từ hình thức, kết cấu, không gian sử dụng và cả cách bài trí. Do đã có tường chịu lực nên khung nhà khá đơn giản, vì kèo kiểu ba cột. Nhà chỉ có 2 cửa: giữa là cửa 2 cánh và một cửa phụ ở đầu hồi bên trái hoặc bên phải để ra phía sau; không có cửa sổ, chỉ có cửa thông gió, nhìn xa như lổ tò vò. Sau cửa là bếp và giường ngủ. Bộ khung nhà khá đơn giản. Vì kèo kiểu ba cột. Nhà chỉ có ba gian, rất ít nhà có bốn gian. Trong nhà chia theo chiều dọc: nửa nhà phía sau là các phòng nhỏ, nửa nhà phía trước để trống, một góc nhà có giường dành cho khách và một bếp phụ.
Nhà nào cũng có chuồng trâu. Chuồng “xây” 2 tầng: tầng ưới nhốt trâu có gióng chắc chắn, tầng trên chứa củi và theo người dân: nhà nào nhiều củi là khá giả bởi mùa đông rất lạnh, lại tối nên phải đốt lửa suốt ngày!
Từ đường beton dọc thôn rẽ vò các xóm, các nhà là lối đi có lát đá vỉa khá phẳng và vui mắt. Mỗi xóm có một bể nước công cộng và có một “thùng” đựng rác đan bằng cây tre cắm xuống như cái nơm để ngửa trông khá vui mắt. Đang trong quá trình xây dựng nên vật liệu tập kết ngay đường, gây cản trở giao thông. Mặt khác phân trâu bò đầy đường khá phản cảm.
BẢN CHOẢN THÈN:
Cây Cô đơn đầu bản
Bên hố chứa nước đầu bản
Nhà Trình tường
Ba bố con biểu diễn ở sân khấu lạ
Lợn thả rông
Ngắm những ngôi nhà trình tường ở Choản Thèn
Su su giữa bản
Ít cây ăn quả, rau chủ yếu thấy su su và bí, leo cả lên mái bếp!
Cuối con đường là một bãi phẳng có nhà làm lễ, không thưng ván hay làm tường. Phía trước là những thửa ruộng bậc thang đẹp, giữa bãi trống có chôn một cọc chắc để đặt đu quay. Hết bãi phẳng là hai cổ thụ mọc song song sau đó là dốc xuống và xa bên kia là điệp trùng mây núi. Đây chính là điểm “đón hoàng hôn” và “săn mây” của dân phượt. Khi gia đình tới đã chiều muộn nên vãn người, ánh sáng yếu. 2 bé thích thú khi gặp đàn trâu đang kéo về bản và mấy em nhỏ người địa phương bồng bế nhau chơi ở đó. Các cháu rất thân thiện với du khách và không có chuyện “cho tiền mới được chụp ảnh” như một số nơi! Điểm trùng hợp lý thú: đầu bản là cây cô đơn, cuối bản là hai cây sóng đôi!
Chiều buông, ra về, nửa chừng Khánh Trang mỏi chân đòi cõng! Trở lại nơi đỗ xe cạnh cây “cô đơn” thì trời tối! Xin chào Choản Thẻn! Tự dưng nghĩ nếu đường không phải nơi chứa vật liệu xây dựng, nơi rải phân trâu và có bãi đỗ xe, nơi quay đầu xe thì hay biết mấy, kể cả có thu phí chắc cũng chả ai kêu!
NƠI ĐÓN HOÀNG HÔN:
Định bụng đi dạo xem Y Tý về đêm ra sao, nhưng mệt nên ngủ luôn và ông bà cũng không “tắm thuốc”!
3. Xuôi ra “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”:
Sau một đêm ngủ, sáng ra khoan khoái lạ. Hai nhí chẳng thiết mây, sương gì, cứ đánh đẫy giấc. Lũ thanh niên lục tục dậy, chuẩn bị leo núi, mình ngắm bình minh từ trên cao. Nhìn xa xa phía bên Trung Quốc thấy nhà cửa, đường lên núi cũng từa tựa bên này. Chợt nghĩ: không rõ tháng 2/1979 bà con nơi này “chạy” đi đâu khi PLA đánh sang?
Chắc đông khách du lịch nên dù không phải ngày chợ, một số quán ăn cố định vẫn mở. Món điểm tâm nghèo nàn, chả có gì “đặc trưng” nhưng giá vừa phải và “ấm bụng”.
Xuôi ra và xuống Lũng Pô theo đường tuần biên (trùng với quốc lộ 158). Bên phải là vách cao, bên trái là vực sâu xuống nữa là sông Lũng Pô uốn lượn và bên kia là huyện tự trị dân tộc Miêu, Dao, Thái Kim Bình 金平苗族瑶族傣族自治县 thuộc tỉn Vân Nam nước bạn 中华人民共和国云南省. Mặt đường đá gập ghềnh, nhiều chỗ sạt lở chưa tu sửa nên khó đi. Dọc đường thấy biển đề lối rẽ xuống xã A Lù, lên Ngải Thầu.
TRÊN ĐƯỜNG TUẦN BIÊN:
Bên đấy là Trung Quốc
Khói đốt rạ
Ngắm thác ven đường
Bên ruộng bậc thang
Gặp một bạn chăn trâu
Bia Liệt sĩ
Từ trung tâm xã A Mú Sung[7] trở ra đường đã dễ đi hơn.Tại xã có Đồn A Mú Sung, gần đồn là Nhà Bia tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh bảo vệ Biên giới, ĩ trong đó có 24 liệt sĩ hy sinh ngay trong ngày 17/2/1979. Trong xã còn có Đoàn kinh tế quốc phòng 345 đóng quân.
Vì còn vào Lũng Pô nên khi gặp đường 156 cả nhà rẽ trái lại gặp đường xấu, ngược hữu ngạn sông Hồng vào nơi sông Lũng Pô (紅沿河, Hong Yan He) gặp Nguyên Giang (元江, tức sông Hồng 紅河), là “nơi Con Sông Hồng Chảy Vào Đất Việt” 紅河哈尼族彞族自治州 với cột mốc 92.
Lần thứ hai thăm Cột cờ Lũng Pô vẫn thấy nâng nâng. Báo chí đã viết nhiều về chuyện: để tưởng nhớ chiến công, sự hy sinh của những người lính kiên trung nơi đây, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã đề xuất ý tưởng về việc xây dựng công trình này với kinh phí 17 tỷ từ nguồn xã hội hóa. Công trình (gồm Cột cờ chính, sân cỏ, bãi đỗ xe, kè đá hộc, tường rào bao quanh cột cờ) trên diện tích 2.100 m2 được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2016, thành ngày 16/12/2017.
Phần cột cờ chính, với chiều cao 31,43 m, tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143 m. Lá cờ có diện tích 25 m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai. Bên trong cột cờ là thang xoáy ốc từ nền lên trạm quan sát với 125 bậc.
Bà xã U60 cùng cậu đích U7 cũng quyết leo lên tới trạm quan sát. Từ đó ngắm toàn cảnh sông Lũng Pô (nước mầu xanh) chảy ra gặp sông Hồng (nước mầu đỏ) ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ đó ngược lên bên Trung Quốc gọi sông Hồng là Nguyên Giang元江 rõ hình cây cầu nối hai bên bờ là huyện tự trị dân tộc Miêu, Dao, Thái Kim Bình金平苗族瑶族傣族自治县 và huyện tự trị người Dao Hà Khẩu河口瑶族自治县 (của Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà 红河哈尼族彝族自治州) thuộc tỉnh Vân Nam nước bạn 中华人民共和国云南省. Do vậy, Cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.
CỘT CỜ LŨNG PÔ:
Bậc thang lên khuôn viên Cột cờ
Tại Quảng trường Cột cờ
Dưới chân Cột cờ
Cầu thang lên
Trên trạm Quan sát
Phía sau và bên trái là Trung Quốc
Nơi Lũng Pô đổ nước vào Sông Hồng
Do cây cỏ um tùm nên không quan sát được cột mốc 92 bên ta mà thấy lối lên cột mốc 92 bên bạn.
Ngắm cảnh, nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên cao, nhớ tới bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” do nhạc sĩ Thuận Yên phổ nhạc từ thơ của Dương Soái[8].
Trở ra cổng khuôn viên, vì nắng, cả nhà đã mệt nên ngồi nghỉ. Mình tôi xuyên bãi cỏ, theo dấu vết đi tuàn của bộ đội biên phòng lần xuống tận ngã ba sông “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt”. Đường đi do máy ủi tạo ra rộng, có rải đá viên to nhưng chả mấy ai đi (du khách thường bằng xe máy xuống bờ sông Hồng rồi ngược đường lát gạch hoa đỏ mà đến, cỡ ngót 3 km), sắn dây và lau mọc đầy, phải vạch cỏ mà đi.
Cạnh cột mốc số 92 có một cây to, mốc tự nhiên đánh dấu đường biên giới Việt – Trung, ngược lên một chút là con suối nhỏ từ nội địa đổ vào sông Lũng Pô, cửa Lũng Pô gặp sông Hồng là bãi bồi khá rộng. Bên kia sông Hồng là một khu dân cư của Trung Quốc xây khá đẹp phô trương nhìn ra dòng sông, bên kia Lũng Pô là đồi cây, không thấy TQ làm nhà nhưng thuyền đậu sát mép nước khá nhiều. Bên ta thì tịnh chả thấy công trình dân sinh nào và cột mốc cũng khiêm nhường hơn[9]. Cột mốc 92 do Trạm Lũng Pô thuộc Đồn Biên Phòng A Mú Sung quản lý. Nhưng chắc do tình hình yên ắng nên chả thấy ai đến hỏi han khi du khách thăm, chụp ảnh mốc giới quóc gia!
Giá mà có con đường đi bộ thuận lợi từ cổng khuôn viên Cột cờ xuống Cột mốc 92 kèm biển chỉ dẫn,... thì hay biết mấy! Dịch vụ khu vực này cũng chưa xứng tầm!
CỘT MỐC 92:
Cận cảnh nơi Lũng Pô gặp Hồng Hà
Cột mốc 92
Xa xa là 2 quả đồi bên Trung Quốc
Từ Lũng Pô, theo Quốc lộ 156 ven hữu ngạn sông Hồng trở về thành phố. Dọc đường ngắm bên bờ tả ngạn thấy nhiều đoạn họ đã kè chắc chắn, nhiều đoạn đang tiếp tục kè và đặc biệt dưới chân đường Cao tốc, đường cũ vẫn có xe qua lại, còn đường cao tốc bên trên thưa xe hơn Cao tốc Nội Bài Lào Cai!.
ĐƯỜNG RA:
Đường Cao tốc Hà Khẩu đi Côn Minh bên TQ
Về đến nhà đã chiều. Nghỉ ngơi, tắm rửa xong đi dự đầy tháng cháu Nội một anh bạn hàng xóm lại cùng CLBCAHT! Hai bé tỉnh như sáo ngay!
Kết thúc chuyến đi hình con dao phở vòng Bát Xát trọn 2 ngày 1 đêm!
(Trong bài có một số ảnh chụp đứng, đã bị "đổ kềnh" khi đưa lên, sửa sau)



[1] Nhưng do họ làm để họ sử dụng nên chắc không có chuyện “đội vốn” và “dây dưa” như tuyến CL-HĐ ở bên ta!
[2] Người Hà Nhì tiếng Hán gọi là 哈尼族 (Hānízú, Cáp Nê tộc), bản thân còn tự tên gọi những khác như là Hà Ni, U Ni, Xá U Ni. Dân tộc Hà Nhì nói tiếng Hà Nhì – một ngôn ngữ thuộc nhóm Lô Lô, trong ngữ tộc Tạng – Miến, hệ ngôn ngữ Hán – Tạng.
 Nhóm địa phương: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen.
Cư dân Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở nam Trung Quốc và Việt Nam. Theo truyền ngôn thì tổ tiên của họ là người Khương 羌族 đã di cư từ cao nguyên Tây Tạng xuống phía Nam từ trước thế kỷ 3, tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt, khoảng 50 đời trước. Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây bắc Việt Nam. Nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây.
[2a] Thảo quả (草果Amomum tsao-ko hay Amomum tsaoko) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), mọc hoang nơi khí hậu mát lạnh hay được trồng dưới tán rừng cây to, đất ẩm nhiều mùn.
Thân cây có đường kính trung bình là 4cm, cao từ 2-3m;
Hoa thảo quả nở vào mùa hè từ tháng 5-7, ra quả vào mùa đông từ tháng 10-12.
Quả mọc thành từng chùm màu đỏ mận ở gốc cây, mỗi quả có trên 20 hạt có mùi thơm, vị cay nóng dễ chịu nhờ chứa 1,5 % tinh dầu.
Khi quả chín phơi hay sấy khô, nướng cho cháy vỏ ngoài rồi tán hạt  lấy bột. Bột này được dùng làm thuốc (kích thích tiêu hóa, chữa nôn mửa, bụng trướng đau, ho, sốt, tiêu chảy,…), dùng làm gia vị (“nữ hoàng gia vị” khi nấu phở,  làm nhân bánh chưng, tăng vị ngon cho cà phê, chè,….bánh kẹo).
[3] Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào, được thiết lập nhằm quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; nơi hẹp nhất 100 m, nơi rộng nhất không quá 1.000 m, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Khu vực biên giới là phần lãnh thổ nằm phía trong và tiếp giáp với đường biên giới quốc gia, có phạm vi và chế độ pháp lý nhất định theo quy định của pháp luật quốc gia hoặc điều ước về quy chế biên giới được ký kết giữa các quốc gia có đường biên giới chung.
[4] Còn gọi là sâm đất, địa tàng thiên, hoàng shin cô…Bên ngoài giống khoai lang, củ to củ nhỏ, lấm lem đất cát. Nhưng khi bổ ra, ruột khoai trong màu vàng nhạt, ngọt và nhiều nước như lê, lại có mùi thơm nhẹ như mùi nhân sâm. Dùng  ăn sống, ngâm rượu uống, nấu canh, xào thịt bò, làm nộm, ép lấy nước uống,…giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan…nên người Tây Tạng gọi là “suối nguồn tươi trẻ”  Không nấu với hải sản, không thêm bột ngọt.
[5] Sông Lũng Pô (Rồng Bố) mà Trung Quốc ghi là Hong Yan He (紅沿河, Hồng Duyên hà là đường tự nhiên cho gần 40 km của biên giới Việt - Trung.
Sông bắt nguồn từ dải núi biên giới Việt - Trung ở phần bắc xã Nậm Xe huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu có hướng chảy đông nam đến hết địa phận xã Nậm Xe. Sang vùng đất xã Y Tý huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai thì đổi hướng đông bắc, và chảy đến bản Lũng Pô xã A Mú Sung thì đổ vào sông Hồng. Ngã ba sông này chính là “Nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt”, và trên bờ thì có “Cột mốc 92”.
[6] Móng nhà trình tường nằm ngay trên đất bằng, được xếp bằng các vỉa đá. Để tạo nên những bức trình tường độc đáo ấy, người ta thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trước khi trình tường, người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng chừng nửa mét. Hôm tiến hành “trình tường” anh em, họ mạc trong thôn (là nam giới) đến giúp đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Khô lớp này, trình tiếp lớp sau đến khi đạt độ cao vừa ý. Sau cùng là mài nhẵn mặt trong nhà và mặt bên ngoài.
[7] Xã có 11 thôn bản, địa hình bị chia cắt đầy hiểm trở bởi có nhiều dãy núi cao và thung lũng sâu. .
[8] Cũng vì bài hát này mà người ta nghiễm nhiên cho rằng “nơi cong sông Hồng chẩy vào đất Việt” là ở Lũng Pô! Thực ra từ đây mới có một nửa bên hữu ngạn là thuộc Việt Nam, còn bên tả ngạn vẫn là đất Trung. Phải 80 km nữa, khi nhận thêm nước sông Nậm Thi (có cầu Hồ Kiều nối từ Lào Cai sang Trung Quốc) ở thành phố Lào Cai, sông Hồng mới chính thức chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam, rồi qua địa phận Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Na, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình để đổ ra biển ở cửa Ba Lạt.
[9] Mốc 92 có 3 cột:
Mốc 92(1) là mốc đặt trên bờ sông phía Việt Nam nơi giao nhau giữa sông Lũng Pô và sông Hồng, thuộc địa bàn thôn Lũng Po 2 (do các hộ đồng bào H’Mông từ xã Dìn Chin, huyện Mường Khương về lập nên), xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 7/12/2004 ở độ cao 114m và có tọa độ là 22.793775, 103.645449. Quanh mốc có rào bằng Beton, ngược lên đồi vào sâu hơn chính là khuôn viên Cột cờ Lũng Pô.
Mốc 92(2) đặt trên bờ sông phía Trung Quốc, ở trên đồi, có lối lên đẹp. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 17/4/2005 ở độ cao 116m và có tọa độ là 22.794748, 103.644784
Mốc 92(3) đặt trên bờ sông phía Trung Quốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 18/4/2005 ở độ cao 120m và có tọa độ là 22.795966, 103.646349.

3 nhận xét:

  1. Đã bỏ đi chuyện kể về vài vụ án, vài nhân vật cũng như lược bớt những vụ, việc còn để lại. Lý do là nguyên tắc bảo mật cũng như sự tế nhị cần thiết đối với người đã mất và người còn đang sống!

    Trả lờiXóa
  2. Rất tiếc, tôi không biết tiếng Anh!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân