Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Nhớ TẾT XÍP XÍ

Hồi còn ở Yên Bái (khi đó là tỉnh lị của tỉnh Hoàng Liên Sơn) do đơn vị có đến gần một nửa là người gốc vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ nên tôi khá hiểu về phong tục tập quán vùng này. Trong đó ấn tượng nhất với việc chia ra “họ chay”, “họ tạp”, họ do thầy mo đặt, …đặc biệt là Tết Xíp xí!
Xíp xí” trong ngôn ngữ Tầy-Thái có nghĩa là “14”[1], do vậy Lễ hội Xíp xí hay Tết Xíp xí của người Tầy, Thái vùng Tây Bắc trùng với và tương tự  như lễ rằm tháng 7 âm lịch của người Kinh. Nhưng ngày quan trọng là ngày trước Rằm Trung nguyên, tức 14/7 âm lịch!
Về mặt tâm linh, người vùng này tin rằng người chết thì hồn bay về trời và con người nơi trần gian được tổ tiên, thần sông, thần núi che chở nên họ rất coi trọng thờ cúng, ghi nhớ công ơn tổ tiên, những người khai sơn, phá thạch, chặt cây, phát cỏ, san ruộng, đắp mương, tạo mường, lập bản. Đây cũng là ngày cây lúa còn bận “tìm hiểu” nhau để còn “có chửa” (làm đòng) nên mọi người không được ra đồng, phải ở nhà cúng kiển, vui chơi, ăn uống!
Về mặt sản xuất: đây là thời kỳ sau gặt lúa, thóc đã phơi khô, chất bồ, ruộng đồng đã cày cấy xong, vãn việc! Người dân muốn tạ ơn trời đất vừa cho một mùa bội thu và muốn cầu tiếp “mưa thuận, gió hòa” cho mùa tới. Con trâu đã hết việc đồng, được nghỉ, trẻ em cũng không phải dắt trâu cho người lớn cầy bừa nữa!
Do vậy ngoài việc cúng trong nhà còn có nghi thức cúng ruộng.
Một số món ăn đặc sắc còn nhớ đến giờ, là: “khẩu cắm” (xôi nếp ngũ sắc với mầu là các lá cây), bánh chưng gù, “tu pết”[2] (thịt vịt, để vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, mang điềm xấu trôi theo dòng nước), “Pảnh cuổi” (làm bằng gạo nếp nghiền với chuối tiêu, gói bằng lá chuối xôi chín), “Pảnh cáy” (bánh có nhân làm từ đỗ xanh và thịt gà băm nhỏ với lạc, cũng được gói bằng lá chuối đồ chín)[3].
Vui chơi, ca hát cúng là nét đặc trưng riêng. Dịp này có “khắp chúc muôn” (hát chúc mừng), “khắp khoắm son cún” (hát dạy làm người), “khắp long te” (hát bè trên sông), “khắp báo sao” (hát trao duyên), hát mời rượu,…
Kết thúc là nghi thức cúng thenxòe tại một địa điểm chọn sẵn khi mọi người tập trung đông với các điệu: xòe gậy, xòe khăn, xòe quạt, xòe hoa... và có khi nó diễn ra thông đêm.
Từ ngày tách tỉnh (1991), cách đây 5 năm mới có dịp quay lại Mường Lò, Nghĩa Lộ xem Múa Sạp và dự một đêm Xòe! Nhưng theo các bậc cao niên thì múa và hội ngày nay mang nặng tính sân khấu, có hơi hướng “thị trường” chứ không dân gian, thực sự do dân tiến hành, để dân hưởng thụ như xưa!
Còn Tết Xíp Xí thì vùng Lào Cai vẫn có nhưng ít đặc thù hơn!
-Lương Đức Mến, 14 tháng 7 Kỷ Hợi-


[1] Hồi học lớp 3 tôi đã được bạn cùng lớp dạy cho ít tiếng Tầy, bổ túc thêm trong quá trình xuống bản, nay quên gần hết, chỉ nhớ lõm bõm khi đếm 1 đến 10 là "điếu, sốm, xám, xi, ha, soóc, chét, pẹt, câu, xíp,"...đến "xíp xí" là 14. Thực ra, sau này tôi mới biết  âm đúng của các số đếm đó là: “Nâng, sloong, slam, slí, há, hốc, chêt, pet, cẩu, slip, …,slip slí”!
[2] Người Tầy, người Dáy ở Lào Cai cũng cúng bằng vịt, kể cả Tết!
[3] “Nậm pịa” hay “Nặm pịa” tạo ra bởi dịch lấy từ lòng non động vật ăn cỏ (dê, hươu, ngựa, bò, trâu) trộn với muối, hạt mắc khén rang tán bột, rau thơm băm nhuyễn thành thứ đồ chấm thịt nướng, hấp, luộc để miếng thịt trở nên thơm ngon đặc biệt.
Khi bỏ phủ tạng con vật vào nấu kiểu "thắng cố" sẽ được nồi canh Nậm pịa.
Lần đầu tôi gặp món này năm 1986 ở Tú Lệ không dám đụng đũa, nhưng "không ăn không ký được biên bản" nên đành "dũng cảm" xong rồi chiêu một hớp rượu to! Thế mà qua được. Sau chén thêm vài bận nữa! Chả sao cả! Thực ra với những con vật không mang bệnh “món ăn” này tốt cho tiêu hóa!
Nhưng không phải món đặc hữu ngày Xíp xí!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân