Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Chiến công hoàn mĩ ngày trứng nước

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLCAND nói chung và LL Kỹ thuật hình sự nói riêng, tắm mình trong các cuộc vận động, phong trào thi đua và rèn luyện trong thực tế đã từng lập nhiều chiến công, ghi nhiều dấu son lịch sử.
Nhưng chiến công đầu, cái mốc đầu tiên mãi vẫn là ấn tượng nhất, “vạn sự khởi đầu nan” để đưa lực lượng đi lên, chiến thắng không chỉ bằng tay nghề nghiệp vụ thuở sơ khai. Một trong những mốc son đó là việc điều tra khám phá vụ “Giết người cướp của” xẩy ra đêm 03/8/1946 tại Hải Phòng.
1. Bối cảnh lịch sử:
Cách đây 69 năm – ngày 19/8/1945, trong khí thế sục sôi của những ngày mùa Thu Cách mạng, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan bộ máy đàn áp của địch và thiết lập chính quyền nhân dân, các tổ chức đầu tiên thực thi nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự của chính thể mới ra đời: Ở Bắc Bộ, chính quyền Cách mạng đã thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền có khác nhau, nhưng đây đều là các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung một nhiệm vụ, đó là: Trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Thời kỳ này, các thế lực thực dân, đế quốc và phong kiến phản động vô cùng run sợ nhưng với bản chất vốn có, chúng đã câu kết với nhau tìm mọi cách bóp chết chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Thế nên, để tăng cường củng cố các công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự trị an, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.
Mặc dù mới thành lập, song lực lượng Công an đã phát huy mạnh mẽ vai trò lực lượng chuyên chính của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sẵn sàng bước ngay vào cuộc chiến đấu gian khổ, gay go phức tạp. Các CBCS Công an ngày đó đã đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động, tay sai và các phần tử xấu với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng, làm mất trật tự trị an... Nổi bật và ghi dấu ấn công tác Kỹ thuật hình sự là khám phá vụ thảm sát ở tiệm vàng Vĩnh Tường, thành phố Hải Phòng, ngày 03/8/1946.
Trong những ngày trứng nước ấy, Công an Hải Phòng liên tiếp lập chiến công. Chiến công đầu là sự phối hợp giữa lực lượng Công an Hải Phòng với Vệ Quốc đoàn trong tấn công, truy quét, bắt 70 tên lưu manh côn đồ chuyên cướp của, tống tiền các khách sạn: Thiên Nhiên, Đại Đồng, Đại Nam; thu 4 khẩu súng, 1 vạn đồng Đông Dương, 44 vạn tiền Quan Kim và đôla. Đặc biệt, từ đây và sau khi phát hiện xác chết ở hồ  Ha-le (nay là hồ Thiền Quang) bên phố Nguyễn Du sáng ngày 10/7/1946, LLCA đã phát hiện tội ác của bọn Quốc dân Đảng và Đại Việt câu kết với thực dân Pháp bắt cóc tống tiền, giết người ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) định làm đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng ở Hà Nội.
Giữa lúc bộ bề công việc, sáng 04/8/1946, Công an Hải Phòng nhận được tin báo của ông Nguyễn Thế Thược rằng: sớm nay ông đến nhà anh mình là Nguyễn Thế Toàn, chủ tiệm vàng Vĩnh Tường ở phố La Côm, Hải Phòng gõ cửa nhưng không có ai. Trèo qua nhà hàng xóm vào trong, trước mắt ông là một cảnh tượng hãi hùng: cả gia đình gồm 10 người đã bị giết chết, xác chồng chất lên nhau.
2. Một vụ trọng án kinh hoàng trên đất Cảng :
Công tác Khám nghiệm hiện trường được tiến hành khẩn trương: 10 người, trong đó có 4 phụ nữ và một bé 9 tháng tuổi được xác định là ông Vĩnh Tường và vợ con ông gồm 7 người, 1 người ở và 2 người khách mới ở Hà Nội xuống chơi là ông Nguyễn Đình Di (em vợ ông Vĩnh Tường) và bà Xuân (bạn gái ông Di). Tài sản bị mất là toàn bộ vàng bạc, đồ vật của gia. Quá trình KNHT, CA còn thu được dấu tay để lại trên hộp sơn mài. 
Những người hàng phố cho CA biết: khoảng 8 giờ tối 3/8/1946, có một chiếc ôtô cam nhông (loại xe vận tải của quân đội Pháp) đến đỗ trước cửa hiệu thuốc tây Trương Văn Vĩnh, xế cửa hiệu vàng Vĩnh Tường. Xe tắt máy, 1 người Pháp bước xuống, sang đường rồi đi thẳng vào cửa hiệu vàng, đóng sập cửa lại. Chừng nửa giờ sau lại có 4 người Pháp mặc áo màu vàng, quần soóc, không thấy đeo súng nhưng trên ngực người nào cũng căng phồng như giấu giếm vật gì trong đó, từ xe cam nhông nhảy xuống, đẩy cửa vào nhà ông Vĩnh Tường.
Người hầu gái mà gia đình thường gọi là con sen khai: trong nhà ông Vĩnh Tường lúc đó có 9 người trong gia đình, 2 người ở và 2 người khách mới ở Hà Nội xuống chơi. Lúc đó chị đang cho 2 cháu nhỏ ăn cơm trước, còn gia đình thì chưa ăn. Bọn cướp sau khi vào nhà, xộc ngay vào buồng ông Vĩnh Tường, 1 tên cầm súng ra gác cổng, 2 tên khác từ trong buồng cùng đi ra với ông Vĩnh Tường. Chính 2 tên này ép ông Vĩnh Tường dẫn ra quầy hàng, lấy chìa khoá két bạc, rồi cùng quay vào buồng bên phải. Những người khác bị 2 tên cướp còn lại dồn vào buồng bên trái. Chi sen có nghe thấy ông Vĩnh Tường kêu lên “ối giời ơi!”. Lợi dụng lúc tên gác cổng xách súng chạy vào buồng, chị dắt và bế 2 cháu nhỏ chạy xuống bếp, chui vào gầm chiếc bệ giặt bằng xi măng rồi kéo mấy chiếc chậu, chiếc thùng và tấm tôn che lại. Nằm trên vũng nước dưới gầm bệ xi măng, 2 cháu và chi sen rất sợ nhưng không dám khóc. Khi đồng hồ quả lắc điểm 12 giờ đêm thì có nhiều tiếng giày bọn cướp đi ra ngoài ngõ. Nhưng chị và 2 cháu nhỏ vẫn sợ không dám chui ra, rồi mệt và ngủ thiếp đi. Khi trời đã sáng, chị sen không thấy có ai trong nhà thức dậy, sợ không dám lên nhà, chị dìu các cháu đi tắt lối nhà vệ sinh sang nhà ông Tân Tân thợ may rồi ra đường chạy đến nhà ông Thược ở gần đó báo tin.
Ông Nguyễn Thế Thược còn cho biết: Chiều qua, ông có giúp ông Vĩnh Tường mang một số hàng là đồ cổ mua được từ lầu Mắc Ti về. Ở nhà ông Vĩnh Tường đến 7 giờ tối thì ông Thược mới về nhà mình. Sáng nay, lúc con sen dắt các cháu tới nhà ông thì ông đã sang nhà ông Vĩnh Tường rồi.
Vụ án gây nỗi kinh hoàng trong nhiều tầng lớp nhân dân, làm xôn xao dư luận suốt trong Nam ngoài Bắc. Tại sao vụ giết người xảy ra man rợ như vậy mà những người trong nhà ông Vĩnh Tường không hề kêu cứu? Tại sao bà con hàng phố ở gần đó, kể cả gia đình ông Thành Long và gia đình ông Tân Tân liền kề nhà ông Vĩnh Tường mà cũng không hay biết? Nhiều người cho rằng bọn cướp đã dồn tất cả những người trong nhà vào buồng bên trái rồi đưa từng người sang buồng bên phải để đầu độc bằng một loại thuốc mê cực mạnh, sau đó mới tiến hành chém và khi bị đâm chém thì mọi người đã bị mê man nên không còn khả năng kêu cứu.
Thời gian này tình hình toàn quốc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng rất căng thẳng về chính trị do âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp và rối loạn về trật tự xã hội trong những ngày đầu mới lập chính quyền. Chính vì vậy công tác điều tra được khẩn trương tiến hành với những cố gắng cao nhất.
3. Phá án thành công :
Song song với quá trình truy tìm hung thủ, những dấu vết thu được tại hiện trường đã được hiện rõ và khi đối chiếu với Danh Chỉ bản trong Tàng thư thấy trùng với dấu tay của 1 lính Tây lai đóng tại Trại lính Lạc Viên. Một hướng điều tra sâu được mở ra.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên “Đội Trinh sát địa bàn”, “Đội Hình cảnh” trong các “Ban Trị an hành chính”, “Ban Trị an dân cảnh”, cuối thnags 8/1946 Ty Công an Hải Phòng đã thu được một số tang vật, trong đó có một số đồ bằng bạc bị ném bên bờ sông cạnh trại lính Pháp ở khu Hạ Lý. Số tang vật này được xác định là của nhà ông Vĩnh Tường đã bị bọn giết người cướp đi trong đêm 3/8/1946.
Khi thu thập các dấu vân tay của đối tượng nghi vấn để giám định đường vân, cán bộ tàng thư căn cước và kỹ thuật hình sự của Ty Công an Hải Phòng đã tìm ra đối tượng gây ra vụ thảm sát và cướp của ở hiệu vàng Vĩnh Tường là các tên: Jean Jacque, Presil, George (đều là lính Pháp) và tên Yến ở trại lính Pháp đóng tại Lạc Viên - thành phố Hải Phòng.
Với những bằng chứng không thể chối cãi, Việt Nam đã buộc phía Pháp thừa nhận và đòi Pháp phải trừng trị thích đáng những tên tội phạm trong quân đội Pháp mà Công an thành phố Hải Phòng đã chỉ đích danh bằng cả kết quả điều tra, chứng cứ dấu vân tay thu được ở hiện trường và trên đồ vật chúng đã cướp.
Âm mưu của vụ thảm sát không chỉ là giết người để cướp của mà còn gây rối trật tự trị an, làm tăng thêm tình hình căng thẳng về chính trị của giới hiếu chiến trong lúc thực dân Pháp đang làm mọi cách tái chiếm Việt Nam.

Lương Đức Mến lược thuật ngày 19/8/2014 đựa theo nhiều nguồn mà chủ yếu là: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/tulieuvanhoa/2010/9/51498.cand?Page=2 .

2 nhận xét:

  1. phố La Côm xưa nay là phố Hoàng Văn Thụ

    Trả lờiXóa
  2. Phố La Com xưa nay là phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng .
    Bộ phận khám nghiệm hiện trường, giám định, điều tra án ngày đó trực thuộc Ban Trật tự-tư pháp Ty Công an Hải Phòng
    Chính họ, đã tìm, thu thập được những chứng cứ vật chất quan trọng. Khi không thể chối cãi, quân đội Pháp buộc phải trừng trị những tên tội phạm giết người, cướp của.
    Chiến công của Ty Công an Hải Phòng (trong đó có đóng góp của biện pháp KTHS) không những lật mặt dã tâm của những kẻ xâm lược, mà đã đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân về lực lượng Công an nhân dân ngày đầu còn trứng nước…

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân