Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

NHÀ GIAM ĐẶC BIỆT Ở TRUNG HOA

Gần Căn cứ đào tạo Tần Thành của Trung tâm Giám định vật chứng Bộ Công an Trung Quốc mà chúng tôi theo học (tháng 27/5 - 06/6/2009) có một địa chỉ nổi tiếng. Đó là Trại giam Tần Thành, nơi từng giam giữ những phạm nhân quan trọng nhất dưới thời Trung Hoa dân quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Trại giam Tần Thành (秦城监狱, Tần thành giam ngục, qín chéng jian yù, Qincheng Prison) là một trong những trại giam nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Đây nguyên là trại giam có từ thời Quốc dân Đảng chuyên giam giữ những tội phạm quan trọng nhất đặt ở số 1 phố Lâm Miếu.
Năm 1955 chính phủ CHND Trung Hoa tiến hành khảo sát và quyết định xây dựng tại phía bắc thủ đô trên núi Yến Sơn Đông ở thôn Tần Thành, thị trấn Hưng Thọ, huyện Xương Bình, Bắc Kinh (北京巿昌平区 兴寿镇 秦城村, bĕi jing fú chang píng qu xìng shòu zhèn qín chéng cun) một nhà tù mới lấy tên là “Trại giam Tần Thành” và từ 1960 công việc thi công được bắt đầu, phạm nhân cũ được chuyển đi, khi hoàn tất mới quay trở lại.
Đây là một trong 157 công trình do Liên Xô viện trợ thiết kế, xây dựng trong thời kỳ đó, với 4 khu: A, B, C, D. Tất cả các toà nhà đều xây 3 tầng trên triền đồi. Trong đó mỗi gian giam giữ rộng 20 mét vuông, có nhà vệ sinh riêng biệt, bao quanh trại là bức tường được thiết kế đặc biệt để ngăn ngừa trốn trại và cướp tù . Sau khi hoàn thành được đặt dưới sự quản lý của Cục Quản lý Trại giam (监所管理局, Giam sở quản lý cục, jian suǒ guăn lĭ jú) Bộ Công an Trung Quốc. Trong thời kỳ mở cửa, để từng bước xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật, tháng 6/1983, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tri quy định về việc quản lý nhà giam phục vụ công tác điều tra, xét hỏi trong đó có những quy định ngoại lệ cho Trại giam Tần Thành.
Trong Trại này, tù nhân chia thành các "cấp độ" khác nhau căn cứ vào vị thế xã hội và thái độ chính trị của họ trước khi vào trại. Đối với các tù nhân cao cấp các bữa ăn được ưu đãi hơn, còn các tù nhân ở cấp thấp áp dụng chế độ "một canh". Trại cũng có một cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho tù nhân. Trong khi bị giam giữ, phạm nhân cũng phải lao động, chẳng hạn như đan nón rơm...
Ban đầu Trại là nơi giam giữ các yêú nhân của Quốc dân Đảng (như: Trầm Tuý, Vương Lăng Cơ, Tằng Khoách Tình, Từ Viễn Cử, Liêu Tông Trạch, Vương Tĩnh Vũ, Khổng Khách Quế..). Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa[1] Trại có 6 phòng đặc biệt giam giữ Vương Lực, Quan Phong, Thích Bổn Vũ... . Sau khi dẹp yên 10 năm náo loạn của Văn Cách, Trại được mở rộng để giam giữ “Tứ nhân bang”[2] gồm: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn (江青、张春桥、姚文元 và 王洪文) khi họ bị bắt. Ngoài ra một số khác cũng được quản thúc tại đây, như: Ban Thiện Lạt Ma, Trần Hy Đồng (năm 1968) , Kim Kính Mại, Nguỵ Kinh Sanh, Thành Khắc Kiệt, Lưu Hiểu Khánh (năm 2002), rồi Bảo Đồng, Lương Vũ (2008)…là những “chính trị phạm” quan trọng .
Để phục vụ cho việc giam giữ và xét xử những kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên", đội cảnh sát vũ trang đầu tiên của Trung Quốc đã được thành lập ngày 22/3/1978 tại nhà tù này. Lực lượng đặc biệt bao gồm hơn 300 thành viên, được tuyển chọn từ 13 tỉnh trong cả nước. Tất cả đều đã trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt về nhân thân và tư cách đạo đức. Họ có nhiệm vụ quản lý những tội phạm đặc biệt: thành viên hai tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh (江青; Jiang Qing; nghệ danh là Lam Bình; 1914–1991) và Lâm Bưu (林彪, Lín Biāo; tên khai sinh: 林育蓉 Lâm Dục Dung; 1907-1971). Mỗi tù nhân ở Tần Thành bị giam tại một khu vực mang mật danh riêng.
Tù nhân mang số hiệu "7604", bị giam ở khu vực số 203 trong trại được 22 nữ cảnh sát áp giải, quản lý, giám sát mọi hành động, ngăn ngừa mọi âm mưu trốn trại, tự sát...chính là Giang Thanh, nguyên vợ thứ tư của Chủ tịch Mao Trạch Đông (毛泽东主席, 26/12/1893 – 9/9/1976) và là kẻ cầm đầu "bè lũ 4 tên". Phòng giam của bà rộng khoảng 20 m2, có một khu vệ sinh. Giường nằm là một tấm phản gỗ kê ngay trên nền phòng giam và có chăn, nệm. Hầu như mọi sinh hoạt của Giang Thanh hàng ngày đều diễn ra bên trong phòng giam. Cứ khoảng từ 9 đến 10 giờ, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn... lại lần lượt được đi dạo trong sân nhỏ dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát vũ trang. Giang Thanh thường tản bộ hoặc múa Thái cực quyền.
Đồ ăn của nữ phạm nhân đặc biệt này được chuẩn bị riêng. Ngoài cơm và thức ăn, bà ta còn được dùng hoa quả, sữa... Có lúc Giang Thanh yêu cầu thay đổi thực đơn bằng ngô, khoai... Trong phòng giam có radio nhưng Giang Thanh thích đọc sách báo hơn, bà thường đọc Nhân Dân nhật báo, tạp chí Hồng Kỳ... Cuốn sách mà bà ta hay đọc nhất là Tuyển tập Mao Trạch Đông. Mỗi khi gập cuốn sách lại, Giang Thanh thường dùng một băng giấy nhỏ để ngày hôm sau đọc tiếp. Trong tù, Giang Thanh vẫn không quên kỹ năng biểu diễn giúp bà ta trở nên nổi tiếng. Mặc dù những người bên ngoài không nghe thấy bà ta hát gì qua cánh cửa đóng kín, nhưng với lỗ quan sát, người ta có thể thấy rằng Giang Thanh thực sự có tài năng trong lĩnh vực biểu diễn môn nghệ thuật cổ truyền này. Cuộc sống của “Hồng đo nữ hoànhoangfong tù kể ra như thế là cũng rất khác người.
Trường hợp “Tham quan” Trần Lương Vũ (陈良宇, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sàn Trung Quốc, nguyên Bí thư thành ủy kiêm Thị trưởng thành phố Thượng Hải) là một ví dụ về loại tù nhân đặc biệt. Năm 2008, Trần bị Tòa án Nhân dân Trung cấp thứ hai thành phố Thiên Tân xét xử công khai, ngày 11 tháng 4 năm 2008 với tội danh lạm dụng chức quyền và tội tham ô và mức án 18 năm tù giam. Trần Lương Vũ, 63 tuổi, được đưa tới giam tại trại tù Tần Thành, Bắc Kinh.
Theo một bài đăng trên tờ Bình quả Nhật báo thì: phòng giam của Trần rộng khoảng 200 thước Anh vuông (khoảng 18m2) có nhà vệ sinh riêng và có máy giặt. Tường và giường ngủ đều được xử lý đặc biệt để đề phòng tự sát. Mặc dù mất tự do nhưng ông Trần vẫn có thể đọc báo, xem TV với nội dung hạn chế, có thể đọc sách, đọc tài liệu và viết lách. Tiêu chuẩn ăn mỗi ngày của ông gần 200 Nhân dân tệ (khoảng 560.000 VND) với 4 bữa ăn (ngoài 3 bữa sáng, trưa, chiều như thường lệ còn thêm bữa 9h30 tối). Trong tù ông Trần không mặc quần áo dành cho người tù mà vẫn mặc âu phục (nhưng không thắt cravat). Hàng ngày từ 9 giờ đến 10 giờ sáng ông ta được đi hóng gió, hoặc đi dạo, hoặc tập thái cực quyền, nhưng lúc nào cũng có 2 cảnh vệ đi kèm. Gia đình ông mỗi tháng được vào thăm và tiếp tế đồ dùng sinh hoạt một lần. Được biết ông ta đã đề xuất với trại giam xin dùng tiền cá nhân để cải thiện thêm bữa ăn trong đó có rượu vang đỏ, hạnh nhân... nhưng không được trại giam chấp nhận .
Dù rất muốn nhưng chúng tôi chỉ được quan sát dọc dẫy tường bao và cổng vào khi ô tô đưa đoàn đi qua. Tường bao rất cao, trên lợp ngói, cổng ra vào được xây dựng theo kiểu cổng truyền thống của Trung Quốc.
- Lương Đức Mến (sưu tầm và lược thuật)-
-*-

[1] Đại cách mạng Giai cấp vô sản (无产阶级文化大革命; Wúchǎn Jiējí Wénhuà Dà Gémìng) thường gọi tắt là Đại cách mạng văn hóa 文化大革命 wénhuà dà gémìng, hay vắn tắt hơn là Văn cách 文革, wéngé là một giai đoạn hỗn loạn xã hội và tình trạng vô chính phủ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ năm 1966-1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo một số tài liệu nước ngoài thì trong 10 năm đó đã có khoảng 7~8 triệu người bị giết hoặc bị ép tự vẫn, trong đó có những tướng lĩnh, nhà khoa học nổi tiếng. Ngoài ra, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện.
Sau khi Mao Trạch Đông chết (09/9/1976), đến chiều 06/10/1976 bằng kế 開門缉盜 “khai môn tập đạo” (mở cửa bắt giặc), Hoa Quốc Phong (Thủ tướng), Diệp Kiếm Anh (Nguyên soái-Bộ trưởng quốc phòng), Uông Đông Hưng (người chỉ huy biệt đội 8341, đơn vị phụ trách bảo vệ an ninh cho Trung ương đảng) đã bắt gọn Tứ nhân bang, chấm dứt thời kỳ đại loạn 10 năm, đưa Đặng Tiểu Bình 鄧小平 trở lại chính trường (Uỷ viên Bộ Chính trị, phó Chủ tịch quân uỷ Trung ương và Tham mưu trưởng quân đội), mở ra trang sử mới.
[2] Sau cái chết của Lâm Bưu, Cách mạng văn hóa mất một ngọn cờ đầu. Lãnh đạo quân đội mới ra lệnh thiết lập lại trật tự do mối nguy hiểm đang đe dọa dọc biên giới Trung-Xô (thời kỳ Trung Quốc và Liên Xô mâu thuẫn sâu sắc). Thủ tướng Chu Ân Lai chấp nhận Cách mạng Văn hóa nhưng không ủng hộ đã giành lại quyền hành và đưa Đặng Tiểu Bình (đang bị giam) trở lại lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1973 còn Lưu Thiếu Kỳ (Chủ tịch nước) qua đời trong tù năm 1969.
Lúc Mao Trạch Đông hấp hối, một cuộc đấu tranh quyền lực nảy sinh giữa Tứ nhân bang và liên minh của Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh. Khi Chu Ân Lai mất năm 1976, Hoa Quốc Phong được chính thức bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Cuộc đấu tranh giữa các nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng sản với "bè lũ 4 tên"do Giang Thanh cầm đầu bước vào giai đoạn quyết định. Dưới sự lãnh đạo của Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh..., Đảng và nhân dân Trung Quốc đã đập tan những âm mưu, kế hoạch của "bè lũ 4 tên".
Ngày 25/1/1981, “Tứ nhân bang”四人帮 bị đưa ra xét xử trước một phiên tòa đặc biệt mở tại trụ sở tại Bộ Công an ở số 1 đường Chính Nghĩa (Bắc Kinh) với tội danh chống Đảng với mức án tử hình đối với Giang Thanh, Trương Xuân Kiều. Nhưng án được hoãn thi hành 2 năm và sau đó được giảm xuống còn chung thân, tiếp tục được hạ xuống còn 18 năm. Sau khi ra tù, Giang Thanh qua đời vào năm 1991, Vương Hồng Văn mất năm 1992, Trương Xuân Kiều mất năm 2005 và Diêu Văn Nguyên mất tháng 12/2005.

1 nhận xét:

  1. http://baophapluat.vn/phap-luat-4-phuong/tan-thanh-khach-san-dac-biet-cua-quan-tham-trung-quoc-228051.html

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân