Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ( tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc thành lập tháng 6.1925) ở 248 đường Văn Minh (Quảng Châu). Nơi này, từ năm 1973, chính quyền Quảng Châu đã cho phục hồi để làm nơi lưu niệm và từ đó luôn được trùng tu, bảo trì. Ngày 27/7/1999 được công nhận là Di tích văn hóa cấp thành phố và được chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan
Đây nguyên là 2 ngôi nhà làm bằng gỗ, mang số 13 nay là số 246, 248 đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (文明路246号及248号). Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô tới Quảng Châu, lấy tên là Lý Thụy 李瑞, làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, do Mikhail Markovich Borodin[1] làm trưởng đoàn.
Năm 1925, Người đã tập hợp số thanh niên yêu nước đang có mặt tại Quảng Châu hoạt động một cách có chủ đích. Đồng thời tiến hành cải tổ “Tâm tâm xã”[2] (“心心社”) và thành lập: Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội (越南青年革命同志会)[3], xúc tiến việc tổ chức các lớp huấn luyện cho thanh niên Việt Nam.
Tại ngôi nhà số 13 đó, phòng phía Đông đầu tầng 3 là nơi Nguyễn Ái Quốc làm việc và nghỉ ngơi; 2 phòng phía Tây cùng tầng được bố trí là phòng học và ký túc xá của học viên. Ngoài việc đích thân soạn, giảng bài Nguyễn còn mời một số nhà Cách mạng Trung Quốc tới giảng bài và nói chuyện, nha Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Diên Niên (周恩来、刘少奇、陈延年).
Sau khi tổ chức được 3 khóa, do đia điểm chật nên các lớp sau được chuyển đến đường Đại Đông Cao, phố Nhân Hưng 东皋大道仁兴街 tiếp tục công việc đào tạo. Cuốn Đường Kách mệnh, mà ông là tác giả, tập hợp các bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được xuất bản năm 1927.
Chính các lớp học này đã đào tạo ra hàng chục cán bộ Cách mạng Việt Nam, trong đó có Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan. Học viên sau khi tốt nghiệp, hầu hết quay trở lại Việt Nam hoạt động, một số ít ở Trung Quốc, và sau đó tham gia cuộc khởi nghĩa Liễu-Quảng (了广州起义) và chiến đấu trong các khu Xô viết (和苏区). Đồng thời tại đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, Hội xuất bản tuần báo "Thanh niên", mở các lớp huấn luyện chính trị, cử cán bộ về nước, xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền. Hội đặt quan hệ với nước Nga Xô Viết, các tổ chức cách mạng ở Trung Quốc và các nước khác. Từ 1926, VNTNCMĐCH bắt đầu đặt những cơ sở đầu tiên trong nước. Hà Nội, Vinh, Sài Gòn trở thành 3 trung tâm quan trọng, từ đó gây dựng cơ sở khắp đất nước. Năm 1927, các kì bộ lần lượt ra đời, sau đó là tỉnh bộ, thành bộ và cuối cùng là huyện bộ. Năm 1929, cơ cấu tổ chức của Hội gồm 5 cấp được thiết lập và phát triển khắp đất nước. Số lượng hội viên lên tới 1.700 người. Hội đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mac - Lênin trong nhân dân và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân chống Pháp. Đến giữa năm 1929, cùng với việc thực hiện phong trào "vô sản hoá", phần lớn các hội viên đã hướng tới việc thành lập một tổ chức cộng sản thay cho VNTNCMĐCH.
Nơi này, từ năm 1973, chính quyền Quảng Châu đã cho phục hồi để làm nơi lưu niệm và từ đó luôn được trùng tu, bảo trì. Ngày 27/7/1999 được công nhận là Di tích văn hóa cấp thành phố.
Từ 1958 đến 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Quảng Đông 9 lần, nhiều lần gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu. Người cũng thăm quan, thăm hỏi nhiều cơ quan, nhà máy, trường học, nông thôn tỉnh Quảng Châu, tiếp xúc rộng rãi với các tầng lớp quần chúng nhân dân và để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân tỉnh Quảng Châu.
Khi chúng tôi đến thăm: cô hướng dẫn viên bị viêm họng lại không biết tiếng Việt nên việc hướng dẫn cũng kém hiệu quả .
[1] Mikhail Markovich Borodin (tiếng Nga: Михаи́л Mapkóвич Бороди́н; 1884-1951) là trưởng đoàn trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh chính phủ Trung Hoa Dân quốc năm 1924 ở Quảng Châu.
Mikhail Markovich Borodin sinh tại Yanovich, Belarus ngày nay và qua đời ở một nơi nào đó tại Siberia. Ông đã gia nhập đảng Bolshevik ở Đế quốc Nga năm 1903. Năm 1907, ông đã bị bắt ông đã chạy qua Mỹ năm 1908. Trong thời gian ở đó, ông đã học tại Đại học Valparaiso. Sau cuộc Cách mạng tháng Mười, ông trở về quê hương vào năm 1918, làm việc tại cục đối ngoại. Từ năm 1919 đến 1922, ông công tác ở Mexico, Mỹ và Anh Quốc với tư cách là một điệp viên của Quốc tế Cộng sản.
Giữa thời kỳ 1923 và 1927, Borodin là đại diện của Quốc tế Cộng sản và của Liên Xô tại chính quyền Quốc dân đảng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ông là cố vấn của Tôn Dật Tiên vào thời đó. Ông đã tiếp tục làm cố vấn chính quyền Quốc dân đảng cho đến năm 1928. Năm 1949, ông bị bắt và bị buộc tội kẻ thù Liên Xô và bị chuyển đến một gulag ở Siberia, nơi ông qua đời hai năm sau đó[2] Tâm Tâm Xã còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn là một tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước (Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ... ) thành lập năm 1923 tại Quảng Châu, Trung Quốc với tôn chỉ: "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam". Chính tổ chức này, để thức tỉnh đồng bào trong nước và gây thanh thế, ngày 19 tháng 6 năm 1924, đã thực hiện việc mưu sát toàn quyền Đông Dương Merlin tại khách sạn Victoria, Quảng Châu, Trung Quốc. Cuộc mưu sát không thành Merlin chỉ bị thương nhẹ, Phạm Hồng Thái hy sinh. Sự kiện này gây chấn động và làm bừng tỉnh lòng tự hào dân tộc của nhiều người Việt Nam. Ngay nay mộ Liệt sĩ Phạm Hông Thái ở 79 đường Trung Liệt, Công viên Hoàng Hoa Cương (先烈中路79号黄花岗公园内). Sau khi trở thành hạt nhân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), năm 1925, Tâm Tâm Xã tự giải tán.[3] Trong số các thành viên lớp đầu có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Phong, Lâm Đức Thụ.
-Lương Đức Mến-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân