Có học giả Trung Hoa đã tổng kết về lịch sử của nước này: “合久必分,分久必合” (hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp). Đối với vùng Vân Nam cũng thế: Từ các bộ tộc lập nên Vương quốc rồi bị người Trung thổ cai trị, đến khi trung thổ gặp loạn lạc, các thủ lĩnh vùng biên viễn này nổi dậy cát cứ, đã ly khai với "Thiên triều", hình thành Lục chiếu (六诏, 649 –794).
Từ năm 618, nhà Đường đã đặt vùng Tây Nam Trung thổ thành các quân huyện nhưng buộc phải cho hưởng “quy chế ki mi” 羈縻 (cai trị ràng giữ, buông thả, duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn đối với các vùng đất xa kinh đô). Khi nhà Đường suy, Trung Quốc lại rơi vào kỳ phân rã và ở miền Nam các thế lực cát cứ mải tranh giành lẫn nhau, các châu huyện vùng Tây Nam do các hào trưởng chiếm cứ đã nổi dậy, vượt tầm kiểm soát của triều Đường.
Theo Sử cũ thì khi đó người Ô Man 烏蠻 tiến bộ hơn và thu phục Bạch Man 白蛮, đã nổi dậy, mỗi bộ lạc là một tiểu quốc riêng biệt, được gọi là "chiếu" 诏 và vùng này từng có 6 chiếu nên lịch sử gọi là Lục chiếu (六诏, 649 –794). Đứng đầu mỗi “Chiếu” là một ông Vương 王 hay Thủ lĩnh 首领 được Đường triều phong chức Thứ Sử 刺史 và không chiếu nào chịu chiếu nào nên thường xẩy ra giao tranh, kéo dài 145 năm (649-794). Trước khi hợp nhất thành Nam Chiếu, 5 “chiếu” khác vào năm 628 đã phụ thuộc nhiều vào Thổ Phồn (吐蕃,TK 6-TK9), riêng Mông Xá Chiếu vẫn nương nhờ Đại Đường và mạnh lên thôn tính 5 “chiếu” kia.
Các "chiếu" quanh hồ Nhĩ Hải 洱海 thời đó là:
1. Mông Huề 蒙嶲诏, tại Nguy Sơn 巍山, Bắc Bộ 北部 đến Dạng Tị 漾濞(nay là huyện Dạng Tị)ở vùng trung tâm Lục Chiếu. Nhà Đường lập châu Dương Qua 阳瓜, lấy thủ lĩnh Mông Huề chiếu nối đời làm Thứ Sử 刺史, là: Huề Phụ 雟辅,Dương Chiếu 阳照, Chiếu Nguyên 照原. Sau Bì La Các 皮逻阁, Thủ lĩnh Nam Chiếu giết Chiếu Nguyên, đuổi Nguyên La 原罗 nhập chiếu Mông Huề vào Nam Chiếu 南诏.
2. Việt Thác (Việt Tích) 越析诏, còn gọi là Ma Ta chiếu 麽些詔 của bộ lạc Ma Ta ở vùng Phượng Nghi 鳳儀 đến Tân Xuyên 賓川 (nay là huyện Tân Xuyên, Phong Nghi 风仪) ở phía Đông Lục Chiếu. Triều Đường gọi là châu Việt Tích, phong thủ lĩnh nối đời thế tập chức Thứ Sử châu này. Sau sự biến “ngoại tình” của vợ thủ lãnh với Tầm Cầu 寻求, nội bộ lục đục, phải chạy tới Long Khư Hà 龙佉河 lập ấp mới rồi bị Nam Chiếu thôn tính.
3. Lãng Khung 施浪诏 tại Nhị Nguyên 洱源 ở vùng Tây Bắc Lục Chiếu (nay là huyện Nhị Nguyên). Thủ lĩnh cũng đước nhà Đường phong Thứ sử, trải: Phong Thời 丰时, La Đạc 罗铎, Đạc La Vọng 铎罗望, Vọng Thiên 望偏, Thiên La Sĩ 偏罗俟, Sĩ La Quân 俟罗君. Thất bại trước sự tấn công của Nam Chiếu rút về Kiếm Xuyên 剑川, đổi thành Kiếm Lãng 剑浪 rút cục vẫn bị diệt, nhập vào Nam Chiếu.
4. Đằng Đạm 邆赕诏 tại Đặng Xuyên 鄧川, phía tây Lục Chiếu (nay là huyện Đặng Xuyên). Nhà Đường đặt châu Đằng Bị 邆备州 với các Thứ Sử nối nhau thế tập là: Phong Mị 丰咩, Mị La Bì 咩罗皮, Bì La Đạm 皮罗邆, Đàm La Điên 邆罗颠, Điên Chi Thác 颠之托 rồi bị Nam Chiếu thôn tính.
5. Thi Lãng 施浪诏 ở huyện Thanh Tác 青索,Đông Bắc Lục Chiếu (nay là huyện Nhị Nguyên 洱源, Thanh Tác). Đường triều đặt châu Xá Lợi 舍利, đặt chức Thứ sử do Thi Lãng 施浪 thế tập. Bị Nam Chiếu tấn công, phải lui về Vĩnh Xương 永昌, sau rút tiếp sang nhờ Thổ Phồn 吐蕃 đất đai nhập vào Nam Chiếu.
6. Mông Xá 蒙舍诏 tại Nguy Sơn 巍山. Nơi đây ở phương Nam (nay là huyên Nguy San) so với các chiếu kia nên gọi Nam Chiếu 南詔. Thời Đường Cao Tông (高宗, 649-683), ngoại trừ chiếu Mông Xá ra thì 5 chiếu còn lại đều bị Thổ Phồn chinh phục. Năm 713, Huyền Tông 玄宗 phong thủ lĩnh Nam Chiếu là Bì La Các chức Quận vương 郡王, đặt tên là “Quy Nghĩa” 归义. Tháng 2 năm 729, Đường đánh bại Thổ Phồn, 5 “chiếu” kia bị Mông Xá kiêm tính, lập ra Nam Chiếu vào năm 738.
Chính Nam Chiếu (南诏, 738 – 902), trong thời cường thịnh, đã từng xâm lấn, uy hiếp Đại Việt nhiều lần, đặc biệt là vùng Thủy Vĩ, Chiêu Tấn (đất Lào Cai nay) được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Còn ảnh hưởng của Lục Chiếu thế nào chưa tìm thấy tư liệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân