Thầy tôi từng nhắc lời người xưa: “駒光過隙” (“Câu quang quá khích”). Sau này con trai
tôi bảo câu đó tương tự như Anh ngữ: “time as the ball through the
window”, con gái
thêm rằng nó giống như người Việt nói: “thời gian như bóng câu qua cửa sổ” đã thành thơ là: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa - Nó đi, đi mãi chẳng chờ đợi ai!”. Quả
không sai! Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 50 năm là người Lào Cai (từ 1964), 41 năm đứng trong đội ngũ CAND
(từ 1973), 32 năm trong nghề Kỹ thuật
hình sự (từ 1981), 29 năm trên cương
vị lãnh đạo cấp Phòng (từ 1984) và 23
năm trở lại đất Lào Cai sinh sống, công tác (từ 1991). Thời gian ấy bao chuyện hay dở trải qua, thu được bao
điều chiêm ngẫm đắng cay lẫn ngọt bùi.
Từ suy nghĩ đó, tôi nẩy ra ý sưu tầm những ghi chép, những bài viết, bài
phát biểu, bài giảng và bổ sung bài viết mới để phản ánh phần nào sự kiện, cảm
xúc về cái thủa ban đầu, những bước ngoặt ấy để lưu giữ. Khởi đầu là bản được
trình bày và đưa gửi đồng nghiệp trong buổi “Gặp mặt các thế hệ cán bộ KTHS tỉnh Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái nay)” ngày 06/10/2011
tại Khách sạn Trường Sơn, thành phố Yên Bái nhân “Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập PC21 Lào Cai, PC21 Yên Bái” và một
vài người quan tâm. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi, tôi đã bổ sung, sửa chữa
và trong thời gian nghỉ chờ hưu đã chỉnh lý lại thành chuyên khảo này. Đây
không phải là “Biên niên Lịch sử KTHS
Lào Cai” hay “Hồi ký của tôi” mà chỉ là những ghi chép về sự kiện,
câu chuyện, những kỷ niệm và vài việc mà bản thân đã nghe lại, tiến hành, tham
gia, chỉ đạo và trải nghiệm mà vụ việc đó đã xét xử hay hồ sơ được “giải mật”
theo quy định.
Trong những tư liệu thu thập, soạn ra đây có nội dung là tiếng nói chính thống của thời đại nhưng có nội
dung chỉ là ý kiến riêng, chuyện kể, cảm
thụ riêng của người viết, hay là những giai
thoại hoặc chuyện dã sử. Sự kiện
bao giờ cũng đi trước lịch sử và nó là cái đã, đang và sẽ diễn ra theo thực tế
khách quan. Do vậy tuy sự thật chỉ có một nhưng hiểu biết, tiếp cận của mỗi
người, kể cả của một nhóm người chỉ có hạn và quá trình nhận thức về nó, kết
luận về nó đâu phải đã sớm thống nhất nên khó có ý kiến tương đồng, có thể phải
lùi xa nữa mới có kết luận chính thức. Do vậy, có tư liệu, nhận xét chép ở đây
còn thiếu, có thể phải bàn lại, thậm chí sai hay chưa được phổ biến rộng. Lại
có một số từ, thuật ngũ được chép bởi chữ Hán, chữ Anh, chữ Pháp để đảm bảo dễ
tra cứu tìm nguyên gốc chứ không ảnh hưởng đến nội dung tiếng Việt. Nhằm dùng riêng cho bản thân và chia sẻ với đồng nghiệp,
bạn bè, không phải là “công trình nghiên cứu khoa học” theo đơn đặt hàng, để
lấy tiếng hay nhằm tư lợi gì nên không ghi chú nguồn tham khảo cụ thể theo đúng
chế độ “bản quyền” của Công ước Bơn (Berne
Convention)về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ
thuật được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm
1886.
Một số nội dung đã được sử dụng
trong chuyên khảo: “Đi tìm cội nguồn
dòng họ” và “Từ Hải Phòng lên Lào
Cai” do tôi biên soạn; đã in, lưu hành trong họ nhà tôi, Hội Đồng hương Hải
Phòng và gửi biếu một số cơ quan, bạn bè, những người quan tâm ở Lào Cai, Hải
Phòng và một số địa phương nên nếu đọc cả 3 chuyên khảo sẽ thấy vài chỗ gần trùng
lặp là lẽ đương nhiên.
-Lương Đức Mến cẩn bút cho cuốn "CHẶNG ĐƯỜNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ"-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân