Khi đến Bắc Kinh ai cũng ước được thăm quan Thiên An Môn, Tử Cấm Thành - những nơi mà trước đây thường dân dù có lạc quan đến đâu cũng chẳng dám mơ. Thông thường các đoàn sẽ thăm Thiên An Môn rồi sang Tử Cấm Thành từ cửa Nam lên cửa Bắc. Đoàn tôi, chẳng hiểu thế nào cô hướng dẫn viên Samin lại dẫn đi ngược lại. Do vậy việc thăm quan Cố Cung chỉ thực sự mới ghé bên ngoài. Nhưng dù sao vẫn thấy được cái bề thế uy nghiêm nơi ở của Hoàng tộc 2 triều Trung Hoa gần đây nhất.
1. Đôi nét về Tử Cấm Thành 紫禁城 hay Cố Cung (故宮, theo cách gọi ngày nay). Khu vực này nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, ngăn với Quảng trường Thiên An Môn bởi cổng Thiên An Môn. Tử Cấm Thành được khởi công xây dựng vào năm 1406 dưới thời Vĩnh Lạc, vị Hoàng đế thứ 2 của nhà Minh và 14 năm mới hoàn thành. Sau đó được Càn Long và Gia Khánh tu sửa lại.
Người thiết kế và tổ chức công trình vĩ đại này là một vị Mộc công thời nhà Minh. Ông là Khoái Tường, người Hương Sơn, huyện Ngô, phủ Tô Châu, vùng đất nổi tiếng về nghề mộc với nhiều nghệ nhân tài ba.
Vừa mới thiết lập triều chính, Chu Nguyên Chương (朱元璋 tức Minh Thái Tổ 明太祖, 21/10/1328 – 24 /6/1398) đã chiêu mộ tới 20 vạn nghệ nhân mộc và xây dựng trong thiên hạ về Nam Kinh tập trung xây dựng kinh thành. Đến khi Yến Vương Chu Đệ (朱棣明太宗, 1402-1424) đánh lại cháu trai là vua Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn (朱允炆 明惠帝, 5/12/1377–13/7/1402) để lên ngôi, ông quyết định dời đô về thành Bắc Kinh. Năm 1417, Khoái Tường (khi ấy đã 40 tuổi) cùng một nhóm thợ được mời về Bắc Kinh đảm nhận công việc thiết kế và thi công xây dựng các cung điện cho vua và hoàng gia. Ông được nhà vua bổ nhiệm làm chức “Doanh thiện sở thừa”, giao trông coi sửa chữa xây dựng các công trình trong hoàng cung. Vua Chu Lệ Vĩnh Lạc đế 朱棣永樂帝 Minh Thành Tổ yêu cầu Khoái Tường xây dựng các công trình nội ngoại triều tuân theo kiểu dáng kiến trúc cũ ở Nam Kinh. Tam Điện như “Phụng Thiên Cung”, “Điện Hoa Cái” và “Cung Cẩn Thân”, có vẻ đẹp và dáng bên ngoài theo bố cục của thành Nam Kinh, trước Ngọ Môn thiết kế Đoan Môn (cổng đầu tiên), tiếp đến là Thừa Thiên Môn. Theo sử sách ghi chép, các công trình này xây dựng phải mất ba năm mới hoàn thành, trong đó có Thừa Thiên Môn sau này đổi tên là Thiên An Môn.
Năm 1465, Khoái Tường tham gia kiến tạo lần thứ hai Thừa Thiên Môn. Lúc này ông ở vào tuổi 80, vẫn chống gậy đi thị sát các công trình, Minh Hiến Tông nhìn thấy ông vẫn khỏe mạnh, trân trọng gọi ông bằng cái tên “Lão Khoái Lỗ Bang”. Sau khi ông qua đời, Thừa Thiên Môn trải qua nhiều lần trùng tu. Đến đời Thanh, Thừa Thiên Môn đổi tên là Thiên An Môn.
Trong cụm từ “Tử Cấm Thành” 紫禁城 thì chữ “Tử” 紫 có nghĩa là “màu tím”, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử; Cấm Thành 禁城 là khu thành cấm dân thường ra vào.
Đây là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Trong suốt gần 500 năm lịch sử, cho đến khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, tổng cộng có 24 đời vua từng sống và xử lý quốc sự tại đây. Viện bảo tàng nằm trong đó được gọi là Viện bảo tàng Cố Cung (故宫博物院, Cố cung bác vật Viện).
Diện tích Tử Cấm Thành là 725.000 m², tương truyền có 999 cung và 9.995 phòng (năm 1973 đã khảo sát có 980 tòa với 8.704 gian). Cố Cung là cụm kiến trúc cung điện cổ đại dài 961m, rồng 753 m được bảo tồn nguyên vẹn nhất và lớn nhất trên thế giới hiện nay, theo sách sử ghi chép lại, trong thời gian xây dựng Cố Cung, triều đình nhà Minh từng huy động hàng trăm nghìn thợ các loại và hàng triệu phu xây dựng, tất cả các nguyên vật liệu đều chở từ khắp các nơi trong cả nước đến, kể cả từ tỉnh Vân Nam cách Bắc Kinh hằng mấy nghìn Km.
Tử Cấm Thành được Hoàng thành bao bọc xung quanh (chiều dài nam bắc gần 1000 mét, chiều đông tây rộng 800 mét, xung quanh có tường thành cao hơn 10 mét bao bọc, bên ngoài bức tường có sông hộ thành rộng hơn 50 mét). Tường thành cao 11m, dài 3.400 m với hào sâu và 4 vọng gác ở 4 góc thành, gồm 4 cổng chính dẫn vào thành là: Ngọ môn 午门, Huyền vũ môn 玄武门 (hay Thần Vũ Môn 神武門), Đông hoa môn 东华门 và Tây hoa môn 西华门 .
Do đó, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987 với tên gọi là Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương (Imperial Palace of the Ming and Qing Dynasties in Beijing and Shenyang, 故宫的明清在北京和沈阳). Đồng thời Cố cung cũng được xếp vào danh sách năm Đại Cung Thế Giới (Cố Cung Bắc Kinh 北京故宮, Cung Louvre Pháp- Palais du Louvre, Cung Buckingham Anh-Buckingham Palace, Nhà Trắng Mĩ- White House, Điện Kremli Nga-Московский Кремль).
Cố Cung đã trải qua hơn 580 năm kể từ khi xây xong đến nay, phần lớn kiến trúc trong Cố Cung đã cũ, những năm gần đây, các du khách đến thăm quan Cố Cung ngày một đông, lưu lượng du khách hằng năm gần 10 triệu lượt người. Để giữ gìn Cố Cung được tốt hơn, bắt đầu từ năm 2003, chính phủ Trung Quốc bắt đầu cho trùng tu từng phần cho đến toàn diện Cố Cung, được biết, công trình trùng tu này sẽ được tiến hành liên tục trong 20 năm.
2. Nơi đoàn tôi đến đầu tiên: Huyền vũ môn 玄武门: là cửa phía Bắc tử Cấm thành.
- Huyền Vũ (玄武) là một trong Tứ tượng của Thiên văn học Trung Quốc, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học. Huyền Vũ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con rắn quấn quanh con rùa, có màu đen (huyền, 玄) là màu của hành Thủy ở phương Bắc, do đó tương ứng với mùa đông.
- Phương Bắc theo triết học cổ Trung Hoa là Thái âm ( ) trong 4 Tứ tượng 四象 và là hành Thủy 水 trong Ngũ hành 五行 tượng trưng cho mầu đen, loài bò sát nên có tên Huyền Vũ trấn áp quỷ thần Bắc phương bất lợi. Lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận nhiều sự kiện liên quan đến cửa Bắc kinh thành:
Trước hết là “Sự biến cửa Huyền Vũ” (玄武門之變, Huyền Vũ môn chi biến). Đó là sự kiện tranh giành quyền lực giữa các con trai Đường Cao Tổ là Thái tử Lý Kiến Thành, Tần Vương Lý Thế Dân và Tề Vương Lý Nguyên Cát. Theo kế của các thủ hạ, Lý Thế Dân quyết định ra tay trước. Hôm đó ba anh em dự định vào trần tình với vua cha Lý Uyên xem ai phải trái. Lý Thế Dân ngầm đặt phục binh ở cửa Huyền Vũ, đợi lúc Kiến Thành và Nguyên Cát đi vào liền đổ ra giết chết cả hai. Cao Tổ sửng sốt trước sự biến, nhưng trước việc đã rồi, ông không thể trị tội nốt Thế Dân vì bản thân Thế Dân là người có công chinh chiến đánh dẹp để dựng lên cơ nghiệp nhà Đường, có nhiều uy tín với trăm quan và có vây cánh mạnh. Vì thế Lý Uyên đã khôn khéo rút lui, nhường ngôi cho Thế Dân, lên làm Thái thượng hoàng, sống an nhàn tới cuối đời (mất năm 635). Từ năm 626, Lý Thế Dân 李世民 lên nối ngôi cha, tức là vua Đường Thái Tông (唐太宗; 23/1/599 - 10 /7/649).
Sự kiện thứ hai liên quan đến Nữ hoàng duy nhất của Trung Hoa. Võ Tắc Thiên (武則天; tên riêng Võ Chiếu 武曌; 625 – 16/12/705) từng cho đặt một tổ chức gọi là "Bắc môn học sĩ" 北门学士 nhằm thu hút hiền tài trí thức trong thiên hạ vào đó, để tham gia việc thảo các chiếu chỉ, nhưng chính đích là hạn chế quyền lực của Tể tướng (khi này được gọi là Nam nha). Tổ chức này đã biên soạn khá nhiều sách. Ngày nay còn thấy có "Liệt nữ truyện", "Nhạc thư". "Bách liên tán giới", "thần quy", "Hiếu tử truyện", "Thiếu dương chính phạm"…ngoài việc làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa, có những cuốn sách làm ra nhằm diệt trừ kẻ chống đối, dù cho đó là con bà ta.
Như thế đủ biết danh xưng Huyền Vũ môn không đủ khắc chế quỷ thần nên dưới thời Khang Hi (康熙, 04/5/1654 – 20/12/1722) triều Thanh vì kị húy Huyền Diệp[1] nên đổi ra Thần Vũ Môn 神武門.
3. Dạo quanh thành phía Đông:
Từ cửa trước cửa Bắc, Samin đưa chúng tôi men theo hào rồi quặt sang con đường bên ngoài hào phía Đông. Con đường này dạng như phố cổ của ta. Nhưng chủ yếu là Doanh trại của Quân đội và Công an.
4. Dừng trước Ngọ Môn 午門门楼 :
Đây là cửa chính để vào Cố Cung nằm ở phía Nam trên trục chính Bắc Nam. Cổng này được xây năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) được sửa chữa, trùng tu vào các năm 1647 (đời Thanh năm Thuận Trị thứ tư) và 1801 (năm Gia Khánh thứ 6). Ngọ Môn được xây dựng theo kiểu hình chữ U “凹”, phía dưới là khối tường thành dày và cao, có trổ 5 cửa vòm (chỉ Vua được đi cổng chính, ngách Đông giành cho các quan Văn Võ; ngách Tây giành riêng cho các Vương Công qua lại). Bên trên xây 1 toà điện lớn 9 gian ngay mặt chính dài 60,5 m, 4 góc hình chữ U xây 4 điện vuông. Năm toà điện này đều 2 tầng, mái được nối với nhau bằng hành lang cửa sổ có mái che. Ngọ Môn còn có tên là Ngũ Phượng Lầu 五凤楼. Đây là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của triều đình, thể hiện rõ uy thế của Vua và Hoàng tộc .
Chính tại đây vì mải chụp hình và tưởng Đoàn đi vào Cố Cung nên tôi và Cao Xuân Trung bị lạc. Hôm đó đông nghịt, rất khó tìm lại phán đoán sai hướng nên mãi mới tìm được Đoàn đang chờ phía ngoài Tiền môn để sang Thiên An Môn. Thế là không được vào thăm quan Cố Cung.
- Lương Đức Mến (biên soạn và bình chú)-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân