Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

1.2. TRUNG HOA NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT

(Bổ sung cho mục 1.2. trong bài THAY LỜI MỞ ĐẦU)
Thủa nhỏ tôi biết nước Trung Quốc, người Trung Hoa, thường gọi là nước Tầu, người Khách qua lời kể của bà, của bố.

Tháng 02/1964 khi theo gia đình lên khai hoang tại Lào Cai, khi qua đầu cầu Hồ Kiều, lần đầu nhìn thấy đất và người Trung Quốc. Cầu Kiều[1] bắc qua sông Nậm Thi sang Trung Quốc ở gần Đồn Biên phòng và cạnh nhà Trọ, phía đầu cầu bên ta có câu thơ của Hồ Chủ tịch viết rất to trên tường: “Mối tình Hữu nghị Việt –Hoa, Vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Phía đối diện là thị trấn Hà Khẩu 河口 thuộc tỉnh Vân Nam 云南 nước bạn[2]. Lịch sử đã chứng tỏ rằng sự ảnh hưởng 2 mặt của vùng đất Nam Chiếu, Điền, Đại Lý xưa hay Vân Nam sau này với Lào Cai là rất lớn

Ngày ấy Hoa kiều 華僑 còn nhiều ở Lào Cai nên việc gặp họ không khó mấy. Những năm học cấp 2, 3 tôi đọc lõm bõm vài cuốn chuyện Tầu, như Tây Du ký, Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, rồi được học các tác phẩm của Lỗ Tấn, thơ Đường, lịch sử Cách mạng Trung Hoa. Đặc biệt, vào năm 1966 khi Trung Quốc cử 1 Quân đoàn bộ đội hậu cần dưới danh nghĩa Công nhân Quốc phòng sang giúp Lào Cai xây dựng tuyến đường mà ta đang làm dở phải rút sang Bắc Cạn xây dựng đường vào ATK của Trung ương chúng tôi được trực tiếp tiếp xúc với bộ đội Bác Mao. Tuyến Lào Cai đi Phố Ràng đoạn tu bổ, nâng cấp, đoạn mở mới đi qua dọc xã Phong Niên. CNQP và các trận địa pháo đóng quân trên đường vào thôn, lẫn trong khu sản xuất của dân, thường cử người vào biếu muối, dầu hoả, xà phòng là những thứ nhu yếu phẩm khan hiếm hồi đó, kèm theo là trước tác, huy hiệu Mao Trạch Đông 毛澤東 và hoạ báo TQ tuyên truyền về Cách mạng văn hóa 文化大革命, về Người cầm lái vĩ đại 伟大舵手, về “Chủ nghĩa xét lại hiện đại của LTK”, về người kế tục Lâm Bưu, rồi lại “Phê Lâm, đả Khổng”... Học sinh, thiếu nhi được dạy bài ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa, ca ngợi Mao Chủ tịch bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hoa. Ngoài ra còn được xem Phim TQ (Bạch Mao Nữ, Một mình đánh núi Uy Hổ, về CMVH, Film Nguyễn Văn Trỗi …), nhưng không có thuyết minh bởi cấp Tiểu đoàn mới có phiên dịch. Lần đầu tiên người dân trong vùng được thấy những chiếc xe ủi, máy gạt hoặc những chiếc xe Giải phóng phải buộc thêm xích vào bánh để chống trơn khi kéo xe ngoạm đất, được xem Xiếc, được sử dụng thuốc ôm đầu khá hiệu nghiệm. Con đường bạn làm giúp đó từ 1967 được mang tên đường Hữu Nghị 7, sau đổi là đường 7 và nay là Quốc lộ 70[3].

Sau này, qua học tập, tìm hiểu tôi thấm rằng: lịch sử Trung Quốc đặc trưng bởi những chia tách và thống nhất lặp đi lặp lại qua các thời kỳ hòa bình xen kẽ chiến tranh, trên một lãnh thổ đầy biến động mà các triều đại thường lật đổ nhau trong bể máu và bành trướng ra xung quanh; giai cấp giành được quyền lãnh đạo thường phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để duy trì quyền lực của họ và kiềm chế triều đại bị lật đổ. Lịch sử Trung Hoa là lịch sử mở mang bờ cõi nhưng cũng bị xâm lăng và đã từng có thời gian mà việc cai trị đất nước vĩ đại này thuộc về triều đại không phải của người Hán 汉人. Đó là thời nhà Nguyên (元朝, Yuan Dynasty; tiếng Mông Cổ: Dai Ön Yeke Mongghul Ulus, 1271 - 1368) do người Mông Cổ (蒙古) lập nên và thời nhà Thanh (大清國; dàqīngguó, 1644 - 1911) của người Mãn Châu (滿洲). Đồng thời tôi cũng nhớ rằng: từ “Trung Quốc” (中國, zhongguo, Chung-kuo) được gọi sớm nhất vào thời Tây Chu Vũ Vương 周武王, mang ý nghĩa là “quốc gia trung tâm” hay “vương quốc trung tâm”, dịch sang tiếng Anh[4] là Central Kingdom hay Central Country, hay ít chính xác hơn là “Middle Country” và “Middle Kingdom”. Tên gọi này không chỉ mang ý nghĩa Trung Quốc ở giữa các nước khác mà còn thể hiện Trung Quốc là ở trung tâm “thiên hạ”, có văn hóa và sức mạnh nổi trội hơn các dân tộc và quốc gia xung quanh còn các bộ tộc khác man di mọi rợ, kém văn minh. Tên gọi Trung Quốc tuy có từ thời đó nhưng đã không được dùng thống nhất trong suốt lịch sử Trung Quốc, và thể hiện sắc thái văn hóa và chính trị. Nếu như nước ta quốc hiệu có thể ổn định qua nhiều triều và tên triều đại là từ chỉ họ nắm vương quyền cai trị (Đinh, Lê, Lý, Trần, ...) thì bên Bắc quốc, tên triều đại là tên nước (Đại Thanh quốc của nhà Thanh...) không phải họ của vua. Danh xưng Trung Quốc xuất hiện chính thức trên văn kiện ngoại giao vào năm 1942 trong Điều ước Nam Kinh (ký với Anh ngày 29/8/1942 sau Chiến tranh thuốc phiện. Đây cũng là Điều ước bất bình đẳng đầu tiên TQ kí với nước ngoài, mở đầu cho quá trình biến nước này thành một nước nửa phong kiến nửa thuộc địa cho đến 1911.
Sau cách mạng Tân Hợi 辛亥革命, Trung Hoa Dân Quốc 中華民國 được thành lập năm 1912, tập hợp 5 dân tộc lớn là Hán 漢, Mãn 滿, Mông 蒙, Hồi 回, Tạng 藏 thành một nhà, gọi tắt là Trung Hoa 中花. Ngày 1/10/1949, Đảng Cộng sản giành thắng lợi, khi Trung Quốc được thiết lập thể chế mới, gọi đầy đủ là “Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc” (中华人民共和国, Zhong huá rén mín gòng hé guó). Chính Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận và thiết lập ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hoà (1950) giúp ta phá thế bao vây và từng chi viện nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai.
Tôi lại biết đến TQ qua cuộc chiến 02/1979 diễn ra trên dọc tuyến biên giới phía Bắc. Khi đó xã tôi (từ Km 31 đến Km 37 đường Hữu nghị 7) đều bị tràn qua, và có điểm cuộc đọ súng diễn ra rất ác liệt (ngày 22/02), đại bộ phận nhân dân sơ tán (người khai hoang về quê, dân bản địa rút về tuyến sau), số ở lại chủ yếu người vùng cao, già yếu[5], nhiều cơ sở hạ tầng ở Lào Cai bị phá huỷ hoàn toàn.

Khi trưởng thành, có trách nhiệm tiếp nối thân phụ hoàn thành cuốn Gia phả họ Lương 梁德族家譜 ở xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng và soạn thảo cuốn Gia phả họ Lương Đức ở Lào Cai 老街梁德家譜 (Lão nhai lương đức gia phả, lăo jie liáng dé jia pŭ), tôi càng rõ rằng Việt Nam và Trung Hoa không chỉ “Núi liền núi, sông liền sông” (山水相连, Sơn thủy tương liên, shan shuĭ xiāng lián) mà còn có nhiều nét văn hóa giống nhau (文化相通, Văn hóa tương thông, wén huà xiāng tōng), lệ tục như nhau, nhiều dòng họ, địa danh có khởi nguồn từ Bắc quốc… Trong đời sống xã hội, trong các ngành khoa học, trong đó có công tác Công an có nhiều thuật ngữ chuyên ngành xuất xứ là từ Hán Việt. Ví dụ: Công an (公安, Công an, gong an), Hiện trường (现场, Hiện trường, xiàn cháng), Vật chứng (现场, Vật chứng, wù zhèng), Giám định (物证, Giám định, jiàn dìng), Kiểm nghiệm (检验, Kiểm nghiệm, jiăn yàn), Pháp y (法医, Pháp y, fă yi), …
Tôi còn biết tới Trung Quốc trong cuộc “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” những năm 1980-1986, những vụ buôn lậu “hàng tâm lý”, nổ súng, đặt mìn, xâm nhập, tranh chấp vùng biên của nhiều lực lượng, những vụ buôn lậu, thanh toán nhau giữa các nhóm “chân đất” mà bản thân khi đó phải trực tiếp tham gia điều tra, giải quyết với tư cách là người chiến sĩ rồi lãnh đạo một đơn vị cấp phòng.
Trong bối cảnh hậu chiến tranh lạnh, tôi biết đến Trung Quốc như là một mẫu mực về việc giữ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện đường lối “Bốn hiện đại hoá” do Đặng Tiểu Bình[6] khởi xướng từ 1979, với thuyết “trỗi dậy phát triển hoà bình”, Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (中国共产党第十七次全国代表大会/ 中國共產黨第十七次全國代表大會, Zhōngguó Gōngchándang Dìshíqíci Quánguó Dàibiǎodàhuì, viết tắt Shiqi-da 十七大, 15-22/10/2007) quyết định những chỉnh sửa mới nhất đã thể hiện những thành tựu mà Đảng đạt được trong việc thay đổi lý thuyết sao cho phù hợp với thực tế, đồng thời đưa ra những yêu cầu rõ ràng về việc làm thế nào để thể hiện sự trung thành và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định Trung Quốc kiên định con đường Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Việc thu hồi Hồng Kông (香港, Heūng góng, hay Hương Cảng/ Xiānggǎng) từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (1997), thu hồi Macao (Macau 澳門; Áo Môn) từ Bồ Đào Nha và Ma Cao (1999) trở thành những Đặc klhu hành chính thuộc CHNDTH 中华人民共和国特别行政区, Trung hoa nhân dân cộng hòa quốc đặc biệt hành chánh khu, Zhong huá rén mín gòng hé guó tè bié xíng zhèng qu) không tốn một viên đạn là bài học đáng để các quốc gia suy nghĩ. Tuy vậy, từ “Trung Quốc” trong văn cảnh ngày nay thường chỉ lãnh thổ của CHNDTH, hay “Đại lục Trung Quốc“ (中國大陸), mà không tính Hồng Kông và Ma Cao. Hiện nay, Trung Quốc có 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 khu hành chính đặc biệt. Thủ đô: Bắc Kinh (北京, Beijing; 10,92 triệu dân). Các thành phố lớn: Thượng Hải (上海, Shanghai; 13 triệu dân; nội thành 7,5 triệu dân), Thiên Tân (天津, Tianjin; 9 triệu dân), Quảng Châu (广州,Guangzhou; 6,67; nội thành 3,96 triệu dân), Thẩm Dương (沈阳, Shenyang; 3,6 triệu dân), Vũ Hán (武汉, Wuhan; 3,2 triệu dân), Cáp Nhĩ Tân (哈尔滨, Haerbin; 2,4 triệu dân), Trùng Khánh (重庆, Chongqing; 2,2 triệu dân), Nam Kinh (南京, Nanjing; 2,1 triệu dân). Như vậy, tuy lớn hơn Việt Nam nhiều về dân số (15,17 lần) và diện tích (28,93 lần) nhưng khác ta là số đơn vị hành chính của Trung Hoa ít hơn (31/63) và địa danh, địa giới không mấy thay đổi theo thời gian.
Tôi cũng ngưỡng mộ Chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào (胡锦涛, Hú Jǐntāo); sinh ngày 21 tháng 12 năm 1942) kế tục Giang làm Chủ tịch nước ngày 15/3/2003 và là thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mà trong đội ngũ những lãnh đạo cao cấp có nhiều người sinh sau 1960, được đào tạo cơ bản, có năng khiếu hoạt động chính trị, được chuẩn bị quy hoạch có bài bản). Ông tiếp tục chính sách cải cách kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình, đã đề xướng tư tưởng Viễn cảnh Khoa học và Xã hội Hài hoà và có tính về kiểm duyệt báo chí, sự phát triển tại các vùng nông thôn[7]. Dưới sự chèo lái của Hồ Cẩm Đào, từ ngày 1/7/2006, Trung Quốc chính thức đưa vào vận hành tuyến đường sắt dài 1.140km ở độ cao nhất thế giới, nối thành phố Thanh Hải với vùng Tây Tạng. Đây thực sự là một kỳ tích về công nghệ, đem lại cơ hội phát triển to lớn cho một khu vực mênh mông hùng vĩ. Việc Trung Quốc tổ chức thành công thế vận hội Ô lym pic 2008 cũng có thể gọi là một kỳ tích. Còn việc đưa nước từ Trường Giang ngược lên để phủ xanh vùng sa mạc phía Bắc hay đắp một loạt đập thủy điện vùng thượng lưu sông Mê Công, sông Hồng liệu có phải “kỳ tích” đem lại lợi ích cho Trung Hoa và vô hại tới môi trường và cuộc sống của những khu dân vùng hạ lưu không? Có lẽ đất nước mênh mông, chiếm ¼ cư dân thế giới này còn lắm điều mà dù có nghiên cứu cả đời cũng chưa ai nắm chắc.
Khi tái lập tỉnh, trở về Lào Cai hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ quá trình bình thường hóa quan hệ 2 Đảng, 2 Nhà nước và mối bang giao hiện nay. Nhận thức của tôi về quan hệ Việt-Trung có thể thế này: xuyên suốt gần 22 thế kỷ, tương quan vị thế giữa Việt và Trung vẫn mang một hằng số. Việt Nam và Trung Quốc có Sơn thuỷ tương liên 山水相连, Văn hoá tương thông 文化相通, nhưng có những thời kỳ do Lý tưởng 理想 bất tương đồng 不相同, Vận mệnh 命运 bất tương quan 不相关 nên đã xẩy ra tranh chấp, chiến tranh. Trong lịch sử, người Việt có tấn công lên phía Bắc biên giới nhưng ít và với mục đích tự vệ chứ không phải chiếm đóng. Chủ yếu quan hệ Việt Trung là mối quan hệ của quá trình người Việt chống trả sự xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc (chỉ tính từ sau khi giành độc lập có: Tống, Nguyên, Minh, Thanh nam chinh thời Lý, Trần, Hồ, Lê), cả về quân sự, chính trị, văn hoá và kinh tế. Do vậy, có người ví quan hệ Việt-Trung có thể coi như quan hệ giữa một người và một con chip (micro- processor) gắn vào thân thể người đó: không rời nhau được, nhưng lại không đồng hóa được nhau, nhất là không bao giờ cùng đẳng cấp. Xu thế hội nhập[8] đã thúc đẩy lãnh đạo và nhân dân 2 nước gác lại quá khứ để hướng tới tương lai cùng nhau xây dựng tình hữu nghị giữa 2 nước vì lợi ích mỗi nước và lợi ích khu vực. Nhưng trên thực tế, trong vùng biên vẫn thường xẩy ra lấn chiếm, dịch mốc mà phía bạn thường hay giải thích là do cơ sở tự ý tiến hành. Riêng về việc phân định biên giới, trong vòng hơn một thế kỷ qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký với nhau hai hiệp ước về biên giới: thứ nhất là Công ước Pháp-Thanh năm 1887, được bổ sung bằng Công ước 1895 và thứ hai là Hiệp ước biên giới trên đất liền mới ký vào cuối năm 1999, được phân giới cắm mốc hai năm sau đó và đã hoàn tất trong năm 2008[9].
Do đó tôi thấy Trung Quốc vừa gần gũi vừa huyền bí; vừa rộng lớn luôn muốn rộng hơn với khái niệm về biên giới khác người; người Trung Hoa vừa thâm trầm, vừa giỏi buôn bán, giỏi lập mưu và tài tổng kết kinh nghiệm một cách cô đúc thành nhóm như thành ngữ 4, 5 từ một; lãnh đạo Trung Quốc được đào tạo, thử thách khá cơ bản và là những người dám nghĩ dám làm, quyết đoán. Thời nào đất nước vĩ đại này cũng sản sinh ra những vĩ nhân kiệt xuất và những người mà đối với nhân dân 2 nước Việt-Trung đều vừa có công, vừa có tội!.
Trong những ngày sống tại Lào Cai (02/1964-09/1973) và sau này khi trở lại Lào Cai công tác (từ 10/1991) tôi đã đôi lần đặt chân sang đất Trung Quốc[10] nhưng chưa lần nào đi bằng HỘ CHIẾU, còn đi theo đường dân sự bằng GIẤY THÔNG HÀNH XUẤT NHẬP CẢNH (出入境通行証証) thì không được ngành cho phép.
-=*=-
[1] Cây cầu này đường bộ, đường sắt đi chung, xây từ 28/3/1898, bị phá trong CT 2/1979 đến năm 1993 mới khôi phục (dịp khơi thông mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày 18/5/1993).
[2] Lịch sử đã chứng tỏ rằng sự ảnh hưởng 2 mặt của vùng đất Nam Chiếu, Điền, Đại Lý xưa hay Vân Nam sau này với Lào Cai là rất lớn.
[3] Đây là một tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia dài gần 190 km chạy bên bờ tả ngạn sông Hồng từ ngã ba thị trấn Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đến ngã ba Bản Phiệt tỉnh Lào Cai, hiện đang đang được cải tạo và nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cấp 4.
[4] Thực ra, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác dùng tên China (và tiền tố Sino-), mà nhiều người coi là tên xuất phát từ tên nhà Tần (秦, Qin, 221-206 tCn) là triều đại lần đầu tiên đã thống nhất Trung Quốc, mặc dù vẫn còn nhiều chi tiết cần làm rõ thậm chí nguồn gốc của nó còn nhiều tranh cãi. Từ này được người Nhật chuyển tự thành Chi Na 支那 và dùng từ thế kỷ 19. Các nhà Trung Quốc học thường dùng Chinese theo một nghĩa hẹp gần với cách dùng kinh điển của "Trung Quốc", hoặc để chỉ sắc dân "Hán", là sắc dân chiếm đại đa số tại Đại lục Trung Quốc 中國大陸.
[5] Cuộc chiến quân đội Trung Quốc vượt biên tấn công sang 6 tỉnh biên giới Việt Nam vào đầu năm 1979 thường gọi là Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979, Chiến tranh biên giới phía Bắc, 1979 hay Công cuộc phòng thủ biên giới phía Bắc, 1979 hoặc Chiến tranh bành trướng Bắc Kinh 1979; Bảo vệ biên giới 1979-1989. Báo chí Trung Quốc gọi là Chiến tranh phản kích tự vệ trước Việt Nam (对越自卫反击战, duì yuè zì wèi făn jí zhàn, Đối Việt tự vệ phản kích chiến), Chiến tranh Trung Việt lần 2 (中越战争, 1984) và Chiến tranh Trung Việt lần 3 (1987) và được nhiều nhà nghiên cứu coi là một phần của Chiến tranh Đông Dương lần 3. Đây là cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân đánh vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979. Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chiến thắng nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước tới hơn 10 năm sau (1979-1989 年,北部边界战争, 1979-1989 nián , bĕi bù bian jiè zhàn zheng).
Khi cuộc chiến xẩy ra, tôi đang học tại Học viện Quân y của Bộ Quốc phòng, ra trường về công tác tại Công an tỉnh biên giới nên hiểu được sự chuẩn bị của ta. Là người con mà gia đình bị cháy nhà khi sơ tán về quê và sau đó bao bận đi công tác vùng biên những ngày nóng bỏng 1982-1986, tôi hiểu những mất mát của chiến tranh. Quá khứ buồn đau cho cả 2 dân tộc, nhất là bà con vùng giáp biên đã khép lại. Nhưng nhiều vết sẹo chưa liền, dấu tích cuộc chiến hồi 2/1979 cũng như dấu tích của công nhân quốc phòng TQ giúp Lào Cai năm 1966 vẫn còn hiện hữu. Bắt đầu từ sau ngày tái lập tỉnh, thành tích cuộc chiến “bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 1979-1986 ít được nhắc đến nhưng chắc rằng chưa thể phai nhạt trong mỗi người dân vùng “phên dậu quốc gia”.
[6] Đặng Tiểu Bình (邓小平, Dèng Xiǎopíng; 22/8/1904 – 19/02/1997) có tên khai sinh là Đặng Tiên Thánh, khi đi học mới đổi là Đặng Hy Hiền (邓希贤), là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tên gọi Đặng Tiểu Bình được ông dùng từ năm 1927, sau khi Tưởng Giới Thạch đàn áp phong trào cách mạng tại Thượng Hải. Tuy ông chưa bao giờ có chức vụ nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu chính phủ nhưng ông là người đã cầm quyền de facto tại Trung Quốc trong suốt những năm cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1990. Chức vụ cao nhất của ông trong Đảng Cộng sản là Tổng Bí thư (sau Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đảng) thời kỳ còn Mao Trạch Đông, còn chức vụ cao nhất trong chính phủ là Phó Thủ tướng, nhưng ông từng nắm giữ chức vụ quan trọng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông đã cải cách đất nước Trung Quốc theo hướng "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", có công thu hồi Hồng Kông và Ma Cao với chính sách "một nước hai chế độ". Chính ông là “Kiến trúc sư” của sự kiện 17/02/1979. Trung Quốc hiện nay phát triển là nhờ theo đường lối của ông và giới trẻ ngày nay biết đến ông nhiều hơn các nguyên lão công thần khác. Thành phố mở cửa Thâm Quyến, nơi chúng tôi đến thăm 09/6/2009 có dựng tượng ông.
[7] Chính ông là người góp phần quan trọng đem lại sự ổn định (dẹp cuộc bạo loạn ở Laxa, ngày 10/12/1988 và cuộc bạo loạn sau cái chết của do bạo bệnh của Ban Thiền 班禪喇嘛 Ơcđơni 却吉堅贊) cho Khu tự trị Tây Tạng (西藏自治区) khi Tây Tạng xảy ra hỗn loạn vào năm 1988, trên cương vị Bí thư Khu ủy . Chỉ sau một năm "thử lửa" ở nơi phức tạp nhất của Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào đã dẹp được loạn, làm an lòng dân, ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế.
Càng ấn tượng hơn khi trong những ngày ở căn cứ Tần Thành xem Ti vi Trung Quốc thấy hình ảnh Hồ Cẩm Đào nhẩy múa, đá cầu cùng các cháu học sinh Tiểu học khi Chủ tịch đến thăm Trường dịp 01/6/2009.
[8] Và chắc cũng là việc ứng xử theo lẽ sống của cổ nhân “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và phương châm của Bộ trưởng ngoại giao Anh Lord Palmerston (1773-1859) : "Nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests", tức là “Không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn mà chúng ta cần theo đuổi”.
[9] Đến 31/12/2008, hai bên đã phân giới xong khoảng 1.400km biên giới, cắm 1.971 cột mốc, trong đó có hơn 1.500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ. Các chốt quân sự trên đường biên giới đều đã được dỡ bỏ.
[10] Ngoài những bận đi chơi hồi nhỏ, còn có vài bận khác. Lần đầu vào ngày 18/5/1993 tham gia bảo vệ an toàn Lễ cắt băng thông Cầu Kiều, mở lại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sau 16 năm băng giá. Lần thứ hai, ngày 07/5/2002 chỉ huy Khám nghiệm hiện trường vụ 065/PL ở bãi cây Tống Quá Sủi, Mường Khương có phối hợp với CA Trung Quốc, rất mệt...
KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

1 nhận xét:

  1. Bài này viết và đưa lên từ 9/2009 nhưng sau đó tôi gỡ xuống định thay bài khác nhưng không có thời gian. Nay trước sự kiện Giàn khoan 981 cứ đưa lại đã, để nhớ về kiên sthwcs đã hiểu về chủ nhân "lãnh thổ quốc gia đi động" mang nhãn China đã vào biển ta.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân