Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

Tìm hiểu về NGŨ HÀNH


Cùng với ÂM DƯƠNG và BÁT QUÁI, NGŨ HÀNH là lý thuyết quan trọng để giải thích và quan niệm về vũ trụ và thế giới theo triết học cổ. Nếu như Âm Dương giải thích về nguồn gốc của Càn Khôn Vũ trụ thì Ngũ Hành thì giải thích cơ cấu của vũ trụ.



2.2. Ngũ hành 五行:

Theo cổ thuyết, khi Trời đất chưa phân biệt, đó là thời kỳ hỗn độn, chưa có mặt trời và trăng sao. Khí âm, khí dương cũng như tiết trời nóng lạnh chưa rõ rệt. Trên trời chưa có mây mưa sương tuyết, bầu trời mờ mịt. Dưới đất chưa xuất hiện cỏ cây, sông núi chim muông, người ở. Tất cả đều là một khối mông lung. Khi đó có một KHÍ kết lại, do đó:

- Thời kỳ Thái Dịch 太易 đầu tiên sinh ra thuỷ: chưa có khí là Thái Dịch.

- Thời kỳ Thái Sơ 太初 sinh ra hoả: có khí mà chưa có hình.

- Thời kỳ Thái Thuỷ 太水 sinh ra nước: có hình mà chưa có chất.

- Thời kỳ Thái Tố 太素 sinh ra kim: có chất mà chưa có thể.

- Thời kỳ Thái Cực 太極 sinh ra thổ: khí chất hình thể đều đủ, mệnh danh là thời kỳ Thái Cực hoặc Khí Thái Cực 气太極.

Như vậy, theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất cụ thể được tạo nên trong thế giới này đều do năm yếu tố ban đầu là Nước, Lửa, Đất, Cây cỏ và Kim loại. Trời có Ngũ Khí (Đen, Đỏ, Xanh, Trắng, Vàng) ; Đất có Ngũ Hành. Ngũ Khí của Trời ngưng kết tạo ra Ngũ Hành 五行, tức năm hành Thuỷ, Hoả, Thổ, Mộc, Kim (水, 火, 土,木, 金).Năm trạng thái này không phải là vật chất : Kim 金 (kim loại, vàng), Mộc 木 (cây, gỗ), Thủy 水 (nước), Hỏa 火 (lửa), Thổ 土 (đất) như tên gọi của nó mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật. Đó là là năm thế lực hoạt động tự nhiên, có ảnh hưởng tương sinh tương khắc với nhau để giải thích về cơ cấu của thiên nhiền và vạn vật. Nếu như Âm Dương giải thích về nguồn gốc của Càn Khôn Vũ trụ thì Ngũ Hành thì giải thích cơ cấu của vũ trụ. Như vậy, Khí Trời Đất hợp lại chỉ là một, chia ra thành Âm Dương, tách ra thành bốn mùa, chia thành Ngũ Hành. Hành có nghĩa là đi, chuyển vận. Ngũ Hành được chú thích trong các sách xưa là: Năm Khí vận hành thuận theo đạo Trời.Giữa Âm Dương và Ngũ Hành có sự liên hệ mất thiết với nhau. Khí Dương thịnh, gộp hành Mộc thành mùa Xuân, gộp hành Hỏa thành mùa Hạ. Khí Âm thịnh, gộp hành Kim thành mùa Thu, gộp hành Thủy thành mùa Đông.



2.4. Thuyết ngũ hành 五行說

2.4.1. Ngũ hành và Hà đồ:

Ngũ hành là một cách biểu thị luật mâu thuẫn, bổ xung và làm cho thuyết âm dương hoàn bị hơn, mọi vật trong vũ trụ đều chỉ cho 5 chất phối hợp nhau mà tạo nên. 5 hành gồm : Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ .

Thuyết Ngũ Hành xuất phát từ Kinh Dịch cổ. Nguồn gốc của thuyết này là từ một mô hình tối cổ về các con số gọi là Hà Đồ. Tương truyền do trời ban cho vua Phục Hy, một ông vua thần thoại của Trung Hoa, cách đây khoảng 4000 năm. Khi Ngài đi tuần thú Phương Nam, qua sông Hoàng Hà, bỗng thấy một con Long Mã hiện lên, trên lưng nó có những chấm đen trắng. Khi về Ngài mới phỏng theo mà vẽ lại thành một bảng ký hiệu 10 số đếm bằng các chấm đen và trắng, xếp thành hai vòng trong và ngoài, theo đúng 4 phương: Nam, Bắc, Đông, Tây. Ở chính giữa là hai số 5 và 10. Ngài gọi là Hà Đồ, tức là bức đồ trên sông Hoàng Hà (chỉ là hình vẽ chứ không có chữ vì sự phát minh thuộc thời chưa có chữ viết), chia 10 số đếm thành 2 loại số đối xứng nhau.

2.4.2. Ngũ hành và các quy luật:



Nội dung cơ bản của Học thuyết Ngũ Hành là mối liên hệ biện chứng duy vật giữa các sự vật hiện tượng trong giới tự nhiên. Năm loại vật chất này vận động, chuyển hoá và tác động lẫn nhau hình thành nên thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Ngũ Hành vừa có tác động thúc đẩy, vừa có tác động ức chế lẫn nhau hình thành nên một vũ trụ luôn luôn vận động theo hình xuáy trôn ốc giống như quan điểm vật chất luôn vận động trong triết học Mác-Lênin. Nó có ứng dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực khoa học và đời sống.

Tinh thần cơ bản của thuyết ngũ hành bao gồm hai phương diện giúp đỡ nhau gọi là tương sinh và chống lại nhau gọi là tương khắc. Ngoài ra còn có chế hoá, tương thừa, tương vũ biểu thị mọi sự biến hoá phức tạp của sự vật. Các hành thường sắp xếp theo trình tự: Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ.



Luật tương sinh: Tương sinh 相 có nghĩa là giúp đỡ nhau, xúc tiến, nương tựa lẫn nhau để sinh trưởng, giúp cho nhau lớn hoặc sinh ra nhau. Theo luật tương sinh mọi sự vật tiếp diễn, thúc đẩy sự phát triển không bao giờ ngừng: Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc. Mộc đứng trước được coi là mẹ (M), Hoả đứng sau được coi là con (C). Quan hệ TS được gọi là quan hệ mẹ - con. Như vậy, Mộc là mẹ của Hoả; Hoả là con của Mộc; Hoả là mẹ của Thổ; Thổ là mẹ của Kim; Kim là con của Thổ; Kim là mẹ của Thuỷ; Thuỷ là con của Kim; Thuỷ là mẹ của Mộc, Mộc là con của Thuỷ. Vậy: mỗi hành vừa là mẹ của hành sau nó, vừa là con của hành trước nó.

Về mặt xã hội, ngành nghề thì: Mộc sinh Hỏa (công nghiệp thúc đẩy sự sản sinh tri thức). Hỏa sinh Thổ (tri thức khoa học đã tạo ra cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp). Thổ sinh Kim (Nông nghiệp tạo nên sự ổn định cho chính quyền). và Thủy sinh Mộc (nhu cầu thị trường quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp).


Bảng 1. Luật tương khắc
Rễ cỏ đâm xuyên lớp đất dày (Mộc khắc Thổ)
Đất đắp đê cao ngăn nước lũ (Thổ khắc Thuỷ)
Nước dội nhiều dập lửa ngay (Thuỷ khắc Hoả)
Lửa lò nung chảy đồng sắt thép (Hoả khắc Kim)
Thép cứng rèn dao chặt cỏ cây (Kim khắc Mộc)


Luật tương khắc: Tương khắc 剋 có nghĩa là ức chế và thắng nhau, làm thiệt hại nhau, nhưng phải biểu hiện cái ý quân bình và giữ gìn lẫn nhau giữa các Hành. Quan hệ TK được thể hiện như sau: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Mộc đứng trước Thổ, Thổ đứng sau Mộc, cách một hành. Vì Mộc khắc được Thổ nên Mộc được coi là kẻ thắng. Thổ bị Mộc khắc nên được coi là kẻ thua. Quan hệ TK giữa Mộc và Thổ còn được gọi là quan hệ thắng - thua. Như vậy: Mộc là kẻ thắng của Thổ, Thổ là kẻ thua của Mộc; Thổ là kẻ thắng của Thuỷ, Thuỷ là kẻ thua của Thổ; Thuỷ là kẻ thắng của Hoả, Hoả là kẻ thua của Thuỷ; Hoả là kẻ thắng của Kim, Kim là kẻ thua của Hoả; Kim là kẻ thắng của Mộc, Mộc là kẻ thua của Kim.

Dễ hiểu ta có thể ví dụ như sau: Kim khắc Mộc (Nhà nước đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước). Mộc khắc Thổ (Cơ khí hóa nông nghiệp tùy thuộc vào quá trình công nghiệp hóa của đất nước). Thổ khắc Thủy (Nông nghiệp quyết định chủng loại mặt hàng xuất khẩu chủ lực). Thủy khắc hỏa (Nhu cầu thị trường quyết định định hướng nghiên cứu khoa học). Hỏa khắc Kim (Đội ngũ trí thức đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng các quyết sách của nhà nước)

Có thể hình dung những nội dung trên bằng TƯƠNG SINH, TƯƠNG KHẮC ĐỒ (五行相生,相剋圖) như hình sau:

Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự thăng bằng, trong đó, môĩ hành cũng lại có hai quan hệ: vừa là kẻ thắng của hành sau nó một hành, vừa là kẻ thua của hành trước nó một hành. Ví dụ Mộc thì nó khắc Thổ, nhưng lại bị Kim khắc nó. Hiện tượng tương khắc không tồn tại đơn độc; trong tương khắc đã có ngụ ý tương sinh, do đó vạn vật tồn tại và phát triển.

Luật chế hóa: Chế hoá là chế ức và sinh hoá phối hợp với nhau. Trong chế hoá bao gồm cả hiện tượng tương sinh và tương khắc. Hai hiện tượng này gắn liền với nhau. Không có sinh thì không có đâu mà nảy nở; không có khắc thì phát triển quá độ sẽ có hại. Cần phải có sinh trong khắc, có khắc trong sinh mới vận hành liên tục, tương phản, tương thành với nhau.

Luật tương thân: Thân 親 là gần gũi, gắn bó thân thiết với nhau. Kim thân với Thổ (chính quyền gắn bó với nông dân). Thổ thân với Hỏa (nông dân gắn bó với trí thức). Hỏa thân với Mộc (trí thức gắn bó với nhà máy). Mộc thân với Thủy (Nhà máy gắn bó với thương nhân). Thủy thân với Kim (thương nhân gắn bó với chính quyền).

Luật tương cụ: Cụ 懼 là nể nang, sợ, ngại. Kim cụ Hỏa (chính quyền nể trí thức). Hỏa cụ Thủy (trí thức nể dân buôn). Thủy cụ Thổ (dân buôn nể nông dân). Thổ cụ Mộc (nông dân nể nhà máy). Mộc cụ Kim (nhà máy nể chính quyền).

Mộc khắc Thổ, Thổ sinh Kim, Kim khắc Mộc.Hoả khắc Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả.Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc khắc Thổ.Kim khắc Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả khắc Kim.Thuỷ khắc Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ khắc Thuỷ.

Luật chế hoá: là một khâu trọng yếu trong thuyết Ngũ hành. Nó biểu thị sự cân bằng trong vạn vật. Nếu có hiện tượng sinh khắc thái quá hoặc không đủ thì sẽ xảy ra sự biến hoá khác thường. Mỗi hành đều có mối liên hệ bốn mặt. Cái sinh ra nó, cái nó sinh ra, cái khắc nó và cái bị nó khắc.Ví dụ: Mộc khắc Thổ nhưng Thổ sinh Kim, Kim lại khắc Mộc; nếu Mộc khắc Thổ quá đáng, thì con của Thổ là Kim nổi dậy khắc Mộc (con báo thù cho mẹ). Nghĩa là bản thân cái bị có đầy đủ nhân tố chống lại cái khắc nó.Cho nên khắc và sinh đều cần thiết cho sự giữ gìn thế cân bằng.Cũng trong quan hệ chế hoá, Mộc sinh Hoả, nhưng nhờ có Hoả mạnh, hạn chế bớt được sức của Kim là một hành khắc Mộc. Như vậy Mộc sinh con là Hoả, nhưng nhờ có con là Hoả mạnh mà hạn chế bớt Kim làm hại Mộc.Quan hệ tương sinh và tương khắc nếu thái quá lại làm cho sự biến hóa bị trở ngại khác thường thành ra Thái quá hoặc Bất cập.

Như thế, trong xã hội, tương quan NGŨ HÀNH không ai ở trên ai tuyệt đối, không ai ở dưới ai tuyệt đối. Các tầng lớp, giai cấp, tất cả các giới kẻ sang người hèn đều phụ thuộc lẫn nhau trong mối tương quan tay năm.
Do đó 2 hệ thống tương sinh và tương khắc không tồn tại đơn độc, biệt lập. Trong tương khắc đã có ngụ ý tương sinh và ngược lại, để vạn vật cùng tồn tại và phát triển. Vũ trụ không thể có sinh mà không có khắc, không thể có khắc mà không có sinh. Không có sinh thì vạn vật không nảy nở, không có khắc thì sự phát triển quá độ sẽ có hại.

Chu trình 4 giai đoạn Suy vượng của Ngũ hành theo mùa và Can Chi: Vượng là thịnh, phát triển mạnh; Tướng là thịnh vừa, còn sức phát triển; Hưu là nghỉ ngơi, không còn phát triển; Tù là suy giảm, sa sút; Tử là bị khắc chế, diệt. Mỗi giai đoạn 72 ngày, còn mỗi mùa dư 18 ngày (trong các tháng 3, 6, 9, 12) là giai đoạn giao mùa thuộc về hành Thổ (gọi là Tứ Quý).

Bảng 1. Suy vượng của Ngũ hành theo mùa:
Chu trình Suy vượng theo Can chi qua 12 giai đoạn phù hợp với 12 tháng Địa chị, tuỳ theo Hành. Trong đó Tứ quý là giai đoạn không nằm trọn vẹn trong một tháng nào mà nó là thời điẻm chuyển mùa.
Các chu trình trên ứng với 12 giai đoạn là: Không - Thai nghén - Hình thành - Lớn lên - Chăm sóc - Trưởng thành - Phát huy - Hưng vượng - Ngừng, Suy giảm - Bệnh tật - Chết - Chuẩn bị chu trình mới.

2.4.3. Ngũ hành và số tự nhiên:

Sau khi người Trung Quốc biết đến 10 chữ số, người ta đã chia các con số ra âm, dương và ngũ hành.

Bảng 1. Âm dương, Ngũ hành các con số:

Số Dương, số Cơ, số Trời: 1, 3, 5, 7, 9 (chấm trắng). Số Âm, số Ngẫu, số Đất: 2, 4, 6, 8, 10 (chấm đen).
Số Sinh: 1, 2, 3, 4, 5. Số Thành: 6, 7, 8, 9, 10.

Tuy nhiên, bởi tiến trình hình thành vũ trụ mà người ta mới lấy thuỷ là số 1 (+6) hoả là số 2 (+7), Mộc là số 3 (+8), Kim là số 4 (+9) và thổ là số cuối cùng 5 (+10). Do vậy trong Hà Đồ còn có cả nội dung tương tác của 10 số đếm, thông qua sự định vị 5 con số đầu tiên là 5 con số Sinh, đại diện cho 5 yếu tố vận động:

Thiên nhất sinh Thủy, Địa lục thành chi.Địa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi.Thiên tam sinh Mộc, Địa bát thành chi.Địa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi.Thiên ngũ sinh Thổ, Địa thập thành chi.

Nghĩa Là: Số Trời 1 sinh Thủy, thành số Đất 6.Số Đất 2 sinh Hỏa, thành số Trời 7.Số Trời 3 sinh Mộc, thành số Đất 8.Số Đất 4 sinh Kim, thành số Trời 9.Số Trời 5 sinh Thổ, thành số Đất 10.

Như vậy Ngũ Hành đã được định cùng với 5 cặp số Sinh Thành ra chúng, có vị trí Tiên Thiên theo đúng các hướng của các cặp số:

1-6: Hành Thủy, phương Bắc. 2-7: Hành Hỏa, phương Nam. 3-8: Hành Mộc, phương Đông. 4-9: Hành Kim, phương Tây. 5-10: Hành Thổ, ở Trung Tâm.

Ngũ Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ khi tương tác lẫn nhau cũng phải theo cơ chế hai chiều đối xứng là Âm và Dương, tức cơ chế Tương Sinh và Tương Khắc. Đây là tinh thần căn bản của thuyết Ngũ Hành. Theo đó cứ hai Hành đứng kề cận nhau thì sinh cho nhau, luân chuyển mãi không ngừng, các Hành cách nhau thì khắc chế nhau, và cứ thế mà luân lưu mãi, biểu thị cho triết lý cao siêu của sự đổi thay, biến dịch của vũ trụ tự nhiên.

2.4.4. Ngũ hành và Hoa giáp:

Khoa học hiện đại dùng các đơn vị đo lường chiều dài, thể tích,... để biểu đạt một cách cơ học vũ trụ. Sự biểu đạt cơ học ấy không thể diễn tả được bản chất của sự vật của nó, ví dụ khi nói 1m chiều dài thì không có ý nghĩa gì bởi ta không biết được 1m ấy đo cái gì, thay vì thế ta phải nói 1m gỗ thì người khác mới hiểu được. Nhưng thông qua sự đo đạc bằng hệ Can Chi, người xưa đã diễn tả được bản chất của vũ trụ, bởi toàn bộ hệ Không - Thời gian được đo đạc và mã hoá hoàn chỉnh. Ví dụ khi nói Giáp, ta hiểu đó là Can Dương, Can Giáp thuộc Mộc, nằm ở phương Đông. Không chỉ có như vậy, thông qua Can Chi có thể diễn tả được sự tương tác giữa các thành phần vật chất được hoạt hoá qua hệ Can – Chi như sinh khắc, chế hoá, hội hợp,.... Từ luận thuyết Ngũ hành, phối hợp với luận thuyết Âm dương và xác định “Hành” của 10 Thiên can, 12 Địa chi có ý nghĩa trong xác dịnh sự hoạt hoá của hệ Can chi trong phép làm Lịch và tính Cát-Hung, Xung-Khắc. Thông qua đó quan hệ giữa các Thiên Can và Địa Chi tương đối phức tạp, có sinh, có khắc, có hợp, nhiều khi giữa hai chủ thể có thể vừa hợp vừa khắc, ví dụ Tỵ hình Thân nhưng Tỵ cũng Nhị Hợp với Thân. Điều đó đủ để phản ánh những quy luật tương tác của thế giới vật chất vốn thiên hình, vạn trạng.



2.4.5. Ngũ hành với thế giới tự nhiên:

Học thuyết Ngũ Hành mang tính triết học và khái quát rất lớn bao trùm mọi sự vật hiện tượng và vận động trong vũ trụ, nó là nền tảng cơ bản của tất cả các môn khoa học Thần bí ứng dụng, như Y học, Dịch Học, Bát Tự, Tướng Pháp, Tử Vi, Phong Thuỷ,...Tất cả các cơ chế suy luận đều lấy quy luật của học thuyết Ngũ Hành làm tiền đề. Bởi Ngũ Hành liên hệ phản ảnh bốn mùa, phản ảnh màu sắc, phương vị, vận động,...Con người cũng là một vũ trụ thu nhỏ nên trong con người cũng được chia theo Ngũ Hành tương ứng với các bộ phận và Hành động.



2.4.6. Ngũ hành với xã hội:

Trong xã hội Ngũ hành tượng trưng cho năm CHÍNH GIỚI:

- Nông là Thổ - phi nông bất ổn 非農不穩, thiếu nông nghiệp thì xã hội không ổn định được.

- Công là Mộc - phi công bất phú 非工不富, thiếu công nghiệp không giầu.

- Binh là Kim – phi binh thất quốc 非兵失國, thiếu quân đội thì mất nước.

- Thương là Thủy - phi thương bất hoạt 非商不活, thiếu thương nghiệp thì hàng hóa làm sao mà lưu thông được.

- Trí là Hỏa - phi trí bất hưng 非智不興. Thiếu trí thức thì đất nước làm sao mà hưng thịnh được.

Kim, Mộc, Thổ là chia làm hai GIAI TẦNG:

- Kim (quân đội) gồm ☰ Càn (tướng lĩnh) và ☱ Đoài (binh sĩ).

- Mộc (công nghiệp) gồm ☳ Chấn (giới chủ) và ☴ Tốn (công nhân).

- Thổ (nông nghiệp) gồm ☷ Khôn (chủ đất) và ☶ Cấn (nông dân).

Thủy và Hỏa không phân thành giai tầng. Thủy (thương nghiệp) là ☵ Khảm (thương nhân) và Hỏa là ☲ Ly (trí thức).

2.4.7. Ý nghĩa chung của học thuyết:

Phần tóm lược trên đủ để nhận thức được về sự vận động theo Ngũ hành. Trong đó giai đoạn này nối tiếp giai đoạn kia. Không thể dùng ý chí chủ quan mà đi tắt, mà đốt cháy lịch sử, đặc biệt muốn cho sự phát triển của HOẢ được bền vững thì luôn luôn phải tích KIM. Tích KIM là cơ sở quan trong bậc nhất cho mọi sự phát triển, và cũng là điểm khởi đầu của mọi sự phát triển, Không có một sự vận động nào trong vũ trụ đi ra ngoài năm bước vận động Ngũ hành được.

Tích Kim là điểm khởi đầu của vòng phát triển. Thu vào (Kim), tản ra (Thủy) và sinh mới (Mộc) là ba giai đoạn phát triển đi lên. Hỏa là sự hoàn thiện. Tại hành Hỏa có lối rẽ, hoặc là đi vào vòng mới, hoặc là trở lui về tro tàn của hành Thổ. Tích Kim liên tục sẽ tạo nên sự phát triển bền vững. Nhưng trong tro tàn của Thổ cũng sẽ có tích Kim, nhưng thụ động và khó khăn.

Tóm lại lý thuyết Ngũ hành cho chúng ta một cái nhìn động về sự vận động và phát triển. Mọi sự phát triển đều có điểm gốc là tích Kim. Hành Kim tích được càng nhiều, càng bền vững thì các bước phát triển tiếp theo càng bền vững. Đặc biệt khi đã đạt đến trạng thái Hỏa thì nhất định phải tìm kế để tích Kim các vòng mới. Vì nếu không sẽ lâm vào trạng thái Thổ. Có thể tóm tắt lý thuyết Ngũ hành mới thành các định đề sau:

1.Tất cả các sự vật trong tự nhiên và xã hội đều vận động theo Ngũ hành, và mọi sự vận động đều bắt đầu từ hành Kim.

2.Ngũ hành chỉ là 5 biểu tượng về 5 giai đoạn biến đổi của sự vật. Năm giai đoạn đó gọi là 5 phép biến hóa của tự nhiên. Không có một quá trình vận động nào ra khỏi 5 phép biến đổi ấy.

3.Tinh hoa văn hóa cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của dân tộc Việt nam là Ngũ hành và kỹ năng ứng dụng Ngũ hành vào thực tế.

Trên cơ sở của lý thuyết Ngũ hành mới này chúng ta sẽ phân tích nhiều về vấn đề đang nổi cộm trong đời sống xã hội hiện tại.

2.4.7. Ứng dụng của học thuyết:

Học thuyết Ngũ hành chỉ rõ: Tương sinh, tương khắc có quan hệ không thể tách rời, là hai mặt của một sự vật. Không có sinh thì sự vật không tồn tại và phát triển được. Không có tương khắc thì sự vật không duy trì sự cân bằng và điều hoà trong sự phát triển. Không có tương sinh thì không có tương khắc và ngược lại. Mối quan hệ trong sinh có khắc và trong khắc có sinh, tương phản tương thành dựa vào nhau để phát triển này đã luôn thúc đẩy sự vật tồn tại và phát triển, không ngừng biến hoá. Trong Ngũ Hành không chỉ duy trì mối quan hệ sinh khắc mà còn xuất hiện sự sinh khắc ngược lại như Thuỷ khắc nếu Thuỷ suy mà Hoả vượng. Kim bị khắc nếu Kim suy yếu mà Mộc vượng. Mộc bị khắc nếu Mộc suy yếu mà Thổ vượng. Thổ bị khắc nếu Thổ suy yếu mà Thuỷ vượng. Đó là mối quan hệ rất biện chứng của Ngũ Hành.

Trong thực tế, Ngũ Hành có thể được phân chia chi tiết hơn như Hành Hoả có thể phân thành Thiên Thượng Hoả (Lửa trên trời), Tích Lịch Hoả (Lửa sấm sét), Sơn Hạ Hoả (Lửa dưới núi) ,... với những đặc tính khác nhau về chi tiết.

Học thuyết Ngũ Hành mang tính triết học và khái quát rất lớn bao trùm mọi sự vật hiện tượng và vận động trong vũ trụ. Ngũ Hành liên hệ phản ảnh bốn mùa, màu sắc, phương vị, vận động,...Con người cũng là một vũ trụ thu nhỏ nên trong con người cũng được chia theo Ngũ Hành tương ứng với các bộ phận và Hành động. Ví dụ, Mộc ứng với tạng phủ là gan, giác quan là mắt, thể là gân cốt.

Học thuyết Ngũ Hành là nền tảng cơ bản của tất cả các môn khoa học Thần bí khác như Y học, Dịch Học, Bát Tự, Tướng Pháp, Tử Vi, Phong Thuỷ,...Tất cả các cơ chế suy luận đều lấy quy luật của học thuyết Ngũ Hành làm tiền đề. Những ứng dụng của học thuyết Ngũ Hành thật to lớn:

Trong việc chọn đất, đặt hướng dựa vào bản mệnh đương số để tính cho phù hợp, tạo vượng khí.

Trong việc dùng người, chọn đối tác, ví dụ người sinh năm 1972 là năm Nhâm Tí mang Hành Mộc - Dương Liễu Mộc (Gỗ Cây Liễu), người sinh năm 1977 là năm Đinh Tỵ Hành Thổ - Sa Trung Thổ (Đất Trong Cát). Hai người này kết hợp với nhau không lợi do người Nhâm Tí khắc người Đinh Tỵ vì Mộc khắc Thổ, người Đinh Tỵ bị bất lợi. Ngược lại nếu người Đinh Tỵ kết hợp với người sinh năm 1979 là năm Kỷ Mùi Hành Hoả - Thiên Thượng Hoả lại rất tốt vì người Kỷ Mùi mệnh Hoả sinh cho bản mệnh của người Đinh Tỵ Hành Thổ. Nếu xét chi tiết hơn thì rất tốt đẹp bởi lẽ Thiên Thượng Hoả như ánh mặt trời toả sáng xuống bãi cát (Sa Trung Thổ) nên rất rực rỡ.

Luật tương sinh của thuyết Ngũ Hành, cho ta có thể lựa chọn màu sắc quần áo, đồ trang sức, xe, mầu tường, … cho phù hợp với bản mệnh của mình:

- Gia chủ mệnh Kim nên sử dụng tông màu sáng và những sắc ánh kim vì màu trắng là màu sở hữu của bản mệnh, ngoài ra kết hợp với các tông màu nâu, màu vàng vì đây là những màu sắc sinh vượng (Hoàng Thổ sinh Kim) để luôn đem lại niềm vui, sự may mắn cho gia chủ. Tuy nhiên gia chủ phải tránh những màu sắc kiêng kỵ như màu hồng, màu đỏ, màu tím (Hồng Hoả khắc Kim).

- Gia chủ mệnh Thuỷ nên sử dụng tông màu đen, màu xanh biển sẫm, ngoài ra kết hợp với các tông màu trắng và những sắc ánh kim (Màu trắng bạch kim sinh Thuỷ). Gia chủ nên tránh dùng những màu sắc kiêng kỵ như màu vàng đất, màu nâu (Hoàng thổ khắc Thuỷ).

- Gia chủ mệnh Mộc nên sử dụng tông màu xanh ngoài ra kết hợp với tông màu đen, màu xanh biển sẫm (nước đen sinh Mộc). Gia chủ nên tránh dùng những tông màu trắng và sắc ánh kim (Màu trắng bạch kim khắc Mộc).


- Gia chủ mệnh Hoả nên sử dụng tông màu đỏ, màu hồng, màu tím ngoài ra kết hợp với các màu xanh (Thanh mộc sinh Hoả). Gia chủ nên tránh dùng những tông màu đen, màu xanh biển sẫm (nước đen khắc Hoả).

- Gia chủ mệnh Thổ nên sử dụng tông màu vàng đất, màu nâu, ngoài ra có thể kết hợp với màu hồng, màu đỏ, màu tím (Hồng hoả sinh Thổ). Màu xanh là màu sắc kiêng kỵ mà gia chủ nên tránh dùng (Thanh mộc khắc Thổ).

Trong việc đặt tên cho con nếu bản mệnh trong Tứ Trụ thiếu hành nào thì tên phải thuộc hành đó để bổ trợ cho mệnh đứa trẻ….

Trong thờ cúng, nhất là ngày Tết thường có mâm Ngũ quả có 5 loại. Xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến Ngũ hành và “quả” (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để “thiết kế” mâm ngũ quả và mỗi loại đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định. Ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có : Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà các bà thường quan niệm sơ đẳng là “cầu - sung - vừa - đủ - xài”.

Trong việc chọn trang phục, đồ dùng cá nhân như quần áo, giày dép, trang sức, kính mắt,... có tác động đến bản mệnh theo xu hướng tương sinh (tốt) hay khắc chế (xấu). Cụ thể:

Người mệnh Mộc : Mộc cần được Thuỷ sinh trợ bởi cây cỏ được mưa thuận gió hoà thì phát triển tươi tốt. Bạn nên sử dụng trang phục trang sức nhiều màu đen, tím sẫm. Những hoạ tiết thì mềm mại, có nhiều đường cong. Tóc cũng nên để dài với một cặp kính đen và cặp mắt kính tròn sẽ rất phù hợp. Đôi giày của bạn nên chọn loại có mũi tròn.

Người mệnh Hoả : Hoả cần được Mộc sinh trợ bởi lửa thì cần có củi tiếp thêm năng lượng. Bạn sử dụng trang phục tươi trẻ, nhiều gam màu xanh với những hoạ tiết kẻ sọc, dài thẳng. Một cặp kính có gọng hay mắt kính màu xanh là sự lựa chọn của bạn. Mũi giày của bạn nên chọn loại mũi hơi dài.

Người mệnh Thổ : Thổ cần được Hoả sinh, khi lửa đốt cháy thì mọi vật đều trở về đất. Trang phục nên chọn với những gam màu nóng ấm như đỏ, hồng, da cam. Hoạ tiết nên chọn nhiều hoa văn zigzag, hình nhọn. Cặp kính nên chọn màu hồng, đỏ, với hình mắt kính tam giác hoặc tương tự. Đầu tóc nên để ngắn, mái tóc hơi cứng theo phong cách trẻ trung. Bạn dùng giày có mũi giày nhọn hơi hướng lên.

Người mệnh Kim : Kim cần được Thổ sinh vì đất đai thì kết tinh các chất khoáng sản. Trang phục chọn gam màu nâu, vàng, ghi. Hoạ tiết chọn nhiều kẻ vuông, ô vuông. Cặp kính chọn mắt vuông màu trắng hoặc nâu. Giày dép của bạn nên chọn loại mũi giày vuông.

Người mệnh Thuỷ : Thuỷ cần được Kim sinh vì các chất quặng nóng chảy thành nước. Trang phục chọn gam màu trắng, sáng. Hoạ tiết nhiều chấm tròn, hoa văn tròn, nhỏ. Cặp kính nên chọn mắt tròn hoặc bầu dục với gọng màu trắng, vàng. Giày dép nên chọn loại mũi giày bầu dục.





1 nhận xét:

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân