Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

Tìm hiểu NGUYÊN NHÂN ĐỘT TỬ của Quang Trung


Nguyễn Huệ (阮惠; 1753 – 1792), tức Quang Trung Hoàng đế (光中皇帝), vua Quang Trung hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn , ở ngôi từ 1788 tới 1792 sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc (阮岳; mất 1793). Do có nhiều công lao trên các mắt quân sự, chính trị cải cách, Nguyễn Huệ cũng được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.Sau 20 năm liên tục chinh chiến và trị quốc, Nguyễn Huệ lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 40.

Nguyên nhân nào gây ra cái chết của vua Quang Trung, ngày nay không ít người còn thắc mắc. Ngay cả ngày vua băng hà cũng có nhiều cứ liệu khác nhau. Dưới góc nhìn Pháp y và kỹ thuật hình sự hiện đại có thể vén lên nhiều vấn đề bí mật.

1.Sự nghiệp oai hùng:

Khởi phát từ ấp Tây Sơn, ba anh em Nguyễn Nhạc (阮岳) , Nguyễn Lữ (阮呂), Nguyễn Huệ (阮惠; 17531792) tập hợp lực lượng, ban đầu chủ yếu là đồng bào người Thượng, đứng lên khởi nghĩa lập ra nhà Tây Sơn.
Lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương là cháu đích tôn của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Nhạc phất cờ nổi dậy năm Tân Mão, 1771. Nhờ uy tín nghĩa quân, đặc biệt thao lược của Nguyễn Huệ mà phong trào phát triển nhanh chóng lan rộng. Tây Sơn chiếm thành Quy Nhơn, kiểm soát vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận của Chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn Vương (1776), đúc ấn vàng, phong cho hai em: Nguyễn Huệ làm phụ chính, Nguyễn Lữ làm thiếu phó.

Lần tiến đánh Gia Định năm Đinh Dậu, 1777, đã bắt được cả Định vương Thuần lẫn Hoàng tôn Dương đem xử tử. Năm sau, Mậu Tuất 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, thành lập một vương triều mới, đặt niên hiệu là Thái Ðức 太德, phong Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Sau đó Tây Sơn đánh bại quân Xiêm La xâm lược vào năm Giáp Thìn 1784. Tháng 5 năm Bính Ngọ 1786, theo lệnh của Hoàng đế Nguyễn Nhạc, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem đại quân ra thành Thuận Hoá của quân Trịnh, đánh chiếm Phú Xuân. Thừa thắng một tháng sau, ngày 25/6, Nguyễn Huệ đã tiến vào cố đô Thăng Long, thực hiện khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh”, dẹp họ Trịnh, được vua Lê Hiển Tông của nhà Hậu Lê phong Nguyên Soaí Uy Quốc công 元帥威國公, cho cưới Ngọc Hân Công chúa 玉欣公主. Với đầu óc hẹp hòi, Nguyễn Nhạc đã thân ra Bắc buộc lui quân và tháng 4 năm Ðinh Mùi (1787) , Nguyễn Nhạc chia vùng đất phía nam ra làm ba: Từ núi Hải Vân trở ra Bắc thuộc về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ 北平王阮惠; đất Gia Ðịnh thuộc về Ðông Ðịnh vương Nguyễn Lữ 東定王阮呂; Nguyễn Nhạc đóng ở Quy Nhơn, tự xưng là Trung ương hoàng đế 中央皇帝. Nhưng từ đây nội bộ Tây Sơn mâu thuẫn, dư đảng chúa Nguyễn có cơ ngóc dậy.

Nội tình bất ổn lại thêm nguy cơ dòm ngó từ phương Bắc của nhà Thanh (清朝, 1644 - 1911) làm Nguyễn Huệ thêm lo lắng và tích cực chuẩn bị. Năm Mậu Thân 1788, nghe tin báo: “Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, huy động từ Lưỡng Quảng, Vân Nam và Quý Châu hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam với danh nghĩa phù , vào chiếm đóng Thăng Long“, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788), Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Với lý do vua Lê đã bỏ nước và rước giặc về, để có danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung 光中皇帝. Sau những cuộc hành quân Thần tốc và sau hàng loạt trận thắng ngoại vị, trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu - 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long.

Ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789, Quang Trung vội trở lại Phú Xuân để đề phòng Nguyễn Ánh, quan tâm tới việc xây dựng đất nước. Vua khuyến khích người hiền tài ra giúp nước, phân phối đất đai cho những người nông dân nghèo, thúc đẩy thủ công nghiệp từng bị cấm trước kia, cho phép tự do tôn giáo, mở cửa Việt Nam với ngoại thương quốc tế và bỏ tiếng Hán, dùng tiếng Việt được viết bằng một hệ thống gọi là chữ Nôm 喃字, có kế hoạch dời đô ra vùng núi Phượng Hoàng (鳳凰中都) thuộc Nghệ An, mở ra những triển vọng cho một xã hội năng động hơn. Sau khi được nhà Thanh công nhận, năm 1792, Quang Trung đã gửi thư cầu hôn một nàng công chúa Thanh triều và “xin” hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

2. Cái chết đột ngột:

2.1. Thiên tài đoản mệnh:

Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Ánh (嘉隆, 17621820) lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn. Tuy nhiên trong khi chờ gió đổi chiều và trong khi bao dự định của vị Hoàng đế áo vải vĩ đại này còn đang dang dở thì Nguyễn Huệ lâm bệnh rồi đột ngột qua đời khiến bao kế hoạch không bao giờ trở thành hiện thực. Sau khi mất ông được tôn xưng miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế.

Sự nghiệp của một ông vua đầy tài năng, có những dự định lớn lao, một vị tướng không hề thất bại đã bị bỏ dở và từ đó triều Tây Sơn suy yếu và bị Nguyễn Ánh diệt vào năm 1802, thời Cảnh Thịnh (Bảo Hưng) đế Nguyễn Quang Toản (景盛(寶興)纘,1792 - 1802). Mùa đông năm đó (1802) Nguyễn Ánh về Phú Xuân cáo lễ tế miếu, trả thù Tây Sơn cực kỳ tàn bạo và hèn hạ, Quang Toản và những người thân bị hành hình... ấp Tây Sơn đổi thành ấp An Tây, mọi dấu ấn Tây Sơn đều bị họ Nguyễn xoá sạch. Phong sử có câu:

Đầu cha lấy làm chân con[1],
Mười bốn năm tròn mất số thì thôi.

Nhà Tây Sơn tuy ngắn ngủi, tồn tại chỉ có 31 năm tính từ khi khởi nghiệp (1771-1802), nhưng đã gây nên sự đảo lộn lớn lao khiến kẻ thù đương thời, khiến triều thần họ Nguyễn, cũng phải thán phục: “Kẻ kia, Nhạc Huệ, không có một miếng đất cắm dùi, thế mà vươn tay hô một tiếng, người theo cả vạn...”

2.2. Ngày mất của Hoàng đế:

Thời điểm mất của vua Quang Trung được các tài liệu cổ ghi khác nhau. Sách Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn ghi ông mất tháng 7 âm lịch, Hoàng Lê nhất thống chí ghi ông mất tháng 8 âm lịch, sách Đại Nam chính biên liệt truyện thì đó là ngày 29-9 năm Nhâm Tý.

Theo lý giải của Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn phu tử, cả hai sách ghi đều không sai. Quang Trung mất vào khoảng 11 giờ đêm ngày 29 tháng 7 âm lịch (16 tháng 9 năm 1792), khoảng đó là giờ tý, nghĩa là bắt đầu được tính sang hôm sau; mà tháng 7 năm đó là tháng thiếu, ngày 29 là ngày cuối tháng, nên sau 11 giờ đêm đã chuyển sang tháng 8. Theo Hoàng Xuân Hãn: "Ghi tháng 7 hay tháng 8 thực ra chỉ chênh nhau khoảng nửa giờ".

Như vậy, giữa lúc đang chuẩn bị thực hiện những ý đồ hết sức lớn lao liên quan đến vận mệnh triều đình Tây Sơn, đến nhà Nguyễn và mối bang giao với Thanh triều thì vua đột ngột băng hà. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, triều đình đã tuyệt đối giữ bí mật về cái chết của nhà vua, ra lệnh giới nghiêm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" ngăn chặn từ xa mọi con đường tới kinh đô Phú Xuân. Đến nỗi Nguyễn Nhạc, khi nghe tin vua em mất, dẫn một đoàn hơn ba trăm người từ Quy Nhơn ra cũng bị chặn lại ở Quảng Ngãi, chỉ để có một mình bà chị được đi tiếp. Do vậy nguyên nhân tử vong của vua cũng được giữ kín, sau đó lại do triều Nguyễn che dấu, bưng bít, xuyên tạc nên càng trở nên mù mờ.

2.3. Nguyên nhân đột tử qua thư tịch cổ:

Tương truyền, vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ AnTrần Quang Diệu về triều bàn việc thiên đô ra Phượng Hoàng Trung Đô. Nhưng việc chưa quyết xong thì bệnh tình nhà vua đã nguy kịch. Trước khi mất, nhà vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần:

Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này. Nay đau ốm, tất không khỏi được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi còn nhỏ. Ngoài thì có quân Gia Định là quốc thù, mà Thái Đức thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên tạm bợ, không toan tính cái lo về sau. Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!". Nhà vua nói xong rồi băng hà.

- Giả thiết cho rằng: Nguyễn Huệ chết bị yểm bùa: Theo Hoàng Lê nhất thống chí,khi Quang Trung giả sang Yên Kinh gặp Càn Long, được Càn Long tặng cho chiếc áo, có thêu 7 chữ: Xa tâm chiết trục, đa điền thử (車心折軸多田鼠) . Nghĩa là: Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng
Theo phép chiết tự, chữ "xa" (車) và chữ "tâm" (心) ghép lại thành chữ "Huệ" (惠) là tên của Nguyễn Huệ; "chuột" nghĩa là năm tý (Nhâm tý 1792). Ý của dòng chữ trên áo là Nguyễn Huệ sẽ chết vào năm Tý.

- Giả thiết cho rằng Nguyễn Huệ bị bệnh:

+ Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn ghi giải thích cái chết của vua Quang Trung như sau: "Huệ trong lúc lấy Kinh đô Phú Xuân có mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh. Một ngày kia đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc, áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: Ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm đến lăng tẩm? Nói vừa dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy, bệnh càng ngày càng nặng, mới triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An"

+ Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi...". Và sau khi Quang Trung mất, vào tháng một năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo cáo với Càn Long: "Quang Trung đã chết vì bệnh".

+ Cũng một giả thuyết được truyền lại nhiều nhất là một buổi chiều thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận", còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não.

+ Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì.

+ Lại có người bảo Vua Quang Trung bị "thượng mã phong",

+ Năm 1961, một người tên Nguyễn Thượng Khánh, tự nhận mình thuộc chi phái Lê Duy Mật của hoàng tộc nhà Lê, đã viết một loạt bài đăng trên tạp chí Phổ thông xuất bản ở Sài Gòn (từ số 61 đến 65) dưới nhan đề "Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa". Ông cho đó là một sử liệu bí mật của dòng họ nhà ông, có liên quan đến lịch sử mà "xưa nay chưa ai phát hiện ra". Theo ông này, khi được tin vua Càn Long hứa gả con gái cho Quang Trung, "trong một phút bồng bột vì quá ghen, Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc cho Quang Trung uống". Đi xa hơn nữa, ông còn cho rằng: "cuộc hôn phối giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân không là cuộc hôn phối tốt đẹp, lẽ tự nhiên có một sự oán hờn bên trong", và "nếu không vì chữ hiếu thì Ngọc Hân đã có thể chết đi được khi nàng được tin phải làm vợ của tướng Tây Sơn”.

+ Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài "Tế vua Quang Trung" và bài "Ai Tư Vãn" để bày tỏ nỗi đau khổ và tiếc thương cho người chồng anh hùng, viết:

“Nào hay sông cạn, bể vùi,
Lòng trời giáo giở, vận người biệt ly.
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ, lo phiền,
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Ngán thay, máy Tạo bất bằng,
Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan”….

3. Nguyên nhân đột tử dưới góc nhìn hiện đại:

Những giả thiết đượm mầu mê tín, ác ý chính trị tất nhiên nên loại trừ. Dù sao nghiên cứu kĩ trong đó thấy cũng có một vài giợi ý nho nhỏ.

3.1.Về mặt pháp y:

có bốn nguyên nhân gây ra cái chết. Đó là chết vì tai nạn (xe cộ, lao động...), chết vì tự sát, chết vì án mạng (bị giết) và chết tự nhiên (bệnh tật, tuổi già...). Trong thực tế thì phức tạp hơn nhiều: một vụ án mạng có thể được ngụy trang thành một vụ tự tử, một tai nạn, thậm chí một vụ chết tự nhiên. Và ngược lại, có những dấu hiệu có thể làm nhầm lẫn một tai nạn, một vụ tự tử , một cái chết tự nhiên với một vụ án mạng tinh vi có chủ mưu.

Trong trường hợp vua Quang Trung, có thể loại bỏ nguyên nhân tự tử. Còn về nguyên nhân tai nạn thì có nghi vấn, không có sử sách nào nói trong suốt cuộc đời trận mạc, nhà vua đã có lần nào bị thương chưa, bị thương ở phần nào của cơ thể, nhất là có bị thương vào đầu không (chấn thương sọ não).

Về hai nguyên nhân chính bị đầu độc và bị bệnh - thì hai nguyên nhân này cũng không loại trừ nhau. vì có thể có những vụ "đầu độc dần dần", gây nên một sự nhiễm độc chậm, không làm chết nhanh chóng, chết đột ngột mà làm cho cơ thể bị nhiễm độc biểu hiện ra bằng những triệu chứng có thể nhầm với bệnh tật. Ngược lại, cũng có những bệnh tật thực sự, trong quá trình diễn biến sinh ra độc tố, có thể biểu hiện ra bằng những dấu hiệu giống như bị đầu độc.

Một điều chắc chắn là nhà vua không chết đột ngột mà đã trải qua một quá trình bệnh tật nhiều ngày.

Ngày 6/6/2009, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo Tây Sơn - Thuận Hóa và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung (Hội thảo lần thứ 5). Tại Hội thảo này, bác sĩ Bùi Minh Đức (Hội viên Hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ (Fellow), Hội viên Hội Tai Mũi Họng Đức (Facharzt)) , sau khi khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là "huyễn vựng", trong đó có nói đến cách điều trị của thái y, chăm sóc của Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi qua đời kết hợp với chuyên ngành y khoa hiện đại của nội, ngoại thần kinh; tai mũi họng; nội, ngoại thương; tim mạch…đã: tái lập một hồ sơ bệnh lý, xác định nguyên nhân tử vong của Hoàng đế.

3.2. Giả thiết của Bs Bùi Minh Đức:

Tóm lược những kiến giải của Giáo sư bác sĩ Bùi Minh Đức:

- Căn cước: họ và tên: Nguyễn Huệ; giới tính: Nam; chết ở tuổi: 39; nghề nghiệp: Chỉ huy quân đội

- Cơ địa: vua Quang Trung, đang ở độ tuổi sung sức, hoạt động mãnh liệt, đánh đông dẹp bắc, ngày đêm lo nghĩ, có một cuộc sống cực kỳ căng thẳng, "luôn luôn bị những stress" chắc sẽ bị cao huyết áp. Thêm vào đó là chế độ dinh dưỡng của một ông vua sẽ để lại một tỉ lệ cholestérol cao trong máu, dẫn đến xơ vữa động mạch - nguyên nhân của những tai biến mạch máu não

- Bệnh sử: 1/ Bệnh nhân còn trẻ 2/ Đau đầu dữ dội, đột ngột 3/ Xây xẩm chóng mặt 4/ Tối tăm = hỗn loạn thị giác 5/ Hôn mê ngất xỉu thình lình 6/ Bệnh nhân không vận động sức lực 7/ Bệnh nhân không bị tổn thương trên đầu 8/ Bệnh nhân đã tỉnh lại sau đó, không bị hôn mê dài ngày.

- Triệu chứng quan trọng là “bất tỉnh” (Loss of Consciousness = LOC) mà không có chấn thương trên đầu, nghĩ ngay đến “nguyên nhân não bộ”, thường là do “tai biến mạch máu não” (Cerebrovascular Accident = CVA).

Chúng ta biết rằng, TBMM não thì 80% là do “nghẽn động mạch não” (Arterial Occlusion, do máu đông tại chỗ hay do cục máu di chuyển tới), 20% là do “xuất huyết trong não” (Intracerebral Hemorrhage, do vỡ động mạch trong não) với 14% “xuất huyết trong não bộ” và 6% “xuất huyết dưới màng nhện” (Subarachnoid Hemorrhage, thường là do chấn thương sọ não, do vỡ mạch phình (Aneurysm) và 5% do vỡ mạch dị dạng bẩm sinh (Congenital AV Malformations)).

- Chẩn đoán bệnh trạng (Clinical Diagnosis): Đối chiếu các triệu chứng tìm được trên người vua Quang Trung, chúng ta thấy căn bệnh khởi đầu của vua Quang Trung rất có thể là "xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình mạch máu" (Subarachnoid Hemorrhage by Spontaneous Aneurysm Rupture).

- Diễn tiến bệnh trạng (Progress Notes): Vừa suy diễn theo sử liệu, vừa suy đoán theo các hiểu biết của Y khoa ngày nay, ta sẽ có các triệu chứng khác của căn bệnh nhà vua như sau:

Bệnh nhân đã không đứng dậy được hoặc vì bị 1/ "liệt tay chân" tức chứng "bán thân bất toại" (Hemiplegia), hoặc do chứng 2/ "chóng mặt" (Dizziness, Vertigo) và cũng có thể cả hai nguyên nhân . Chứng "huyền vựng" mà tác giả Hoa Bằng đã có lần nêu lên về bệnh trạng của vua Quang Trung trước đây chính là chứng "chóng mặt" này. "Chóng mặt" thường kèm theo 3/ "ói mửa" (Nausea or Vomiting). Ngoài ra, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn có dư chứng 4/ "nhức đầu" (Recurrent Headache).

Mặt khác, Bệnh nhân trên hai tháng mới mất, nằm day trở “chẳng yên”trên giường bệnh, có thể do 5/ “chứng bồn chồn” (Restlessness) hoặc do chứng 6/ “co giật” (Convulsions) hoặc do chứng 7/ “động kinh” (Seizures) .
Theo suy nghiệm từ các triệu chứng của căn bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” trong Y khoa ngày nay, chúng ta thấy nhà vua còn có thể có các triệu chứng (Clinical Signs) như sau: 8/ nuốt khó và nuốt sặc do rối loạn về chức năng nuốt (Swallowing problems), 9/ cứng cần cổ, đau cần cổ (Meningismus), 10/ rối loạn vế thị giác, 11/ Chứng sợ ánh sáng (Photophobia)...

- Điều trị (Treatment): Bệnh nhân đã được điều trị 1/ theo cách xưa cổ truyền là cầu đảo thần linh khắp nơi và 2/ chạy thầy chạy thuốc khắp chốn để mong cho bệnh của vua có thể chóng lành.

= Tiên lượng (Prognosis) Nhà vua còn đủ tỉnh táo, suy tính lợi hại, như vậy trí thông minh của vua vẫn còn tồn tại hay não bộ vùng trán của nhà vua vẫn còn hoạt động. Mặt khác, Nhà vua còn trối trăn, dặn dò và bàn luận với quần thần cho thấy trung tâm về ngôn ngữ của vua vẫn còn hoạt động. Ông lại thuận tay phải như vậy ta có thể phỏng đoán phía não bên trái của nhà vua vẫn còn hoạt động bình thường. Từ đó chúng ta có thể suy ra: phía chảy máu não của vua Quang Trung là phía phải và cũng từ đó, có thể suy ra thêm là vua bị tê liệt tay chân (“bán thân bất toại”) bên trái.

Tổng hợp lại: Nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung là:

- Loại trừ bị đầu độc, do tái phát (Recurrent Bleeding) chứng xuất huyết dưới màng nhện .

- Nhiều khả năng do Viêm phổi hít (Aspiration Pneumonia): Bệnh nhân khi bị tê liệt nửa người trong xuất huyết não thường bị rối loạn chức năng NUỐT, phát sinh chứng sặc vì thức ăn dễ đi lộn đường vào khí quản. Phế quản có thể bị tắc nghẽn gây nên chứng xẹp phổi (Pulmonary Atelectasis). Ngoài ra, thức ăn vào trong khí quản sẽ bị nhiễm trùng, gây nên chứng “viêm phổi hít” (Aspiration Pneumonia), tiến dần tới viêm phổi dịch, viêm phổi mủ và cuối cùng dẫn đến chứng “suy hô hấp” (Respiratory Distress) và bệnh nhân chết.

3.3.Kết luận:

Sau hai tháng bị bệnh “xuất huyết dưới màng não do vỡ mạch phình”, vua Quang Trung đã qua đời vì bệnh: “suy hô hấp do viêm phổi hít”.Nghiên cứu về nguyên nhân đột tử của người anh hùng “áo vải cờ đào” không chỉ có ích cho các nhà làm sử và rất có ích cho các cán bộ Pháp y và Kỹ thuật hình sự hiện tại.


[1] Chữ “Quang” 光 (trong Quang Trung 光中) có chữ “tiểu” 小 ở trên còn chữ “Cảnh” 景 (Trong Cảnh Thịnh 景盛) chữ tiểu 小 này lại ở dưới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân