Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

NGHI ÁN LỆ CHI VIÊN DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP Y

Bởi xưa chưa có Pháp y,
Cho nên thảm án tồn nghi dài dài.

1. Nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn :

Nguyễn Trãi (阮廌, hiệu là Ức Trai 抑齋, 1380-1442) quê ở Nhị Khê, Thượng Phúc (nay là thôn Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây) sinh tại kinh thành Thăng Long. Cha là Nguyễn Ứng Long sau đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh, đã từng đi dạy học rồi thi đỗ tiến sĩ đời Trần và làm quan dưới triều Hồ. Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh năm 1400 và giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Khi nhà Hồ mất (1407), Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đầy sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi phải tạm ẩn náu một thời để che mắt quân thù. Khi gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi dâng tập Bình Ngô sách nêu nên “3 kế sách dẹp giặc Ngô”, trong đó tập trung vào việc “đánh vào lòng người”. Trong nghĩa quân, ông giữ nhiệm vụ thảo thư từ giao thiệp và kiên trì dường lối “Tâm công”, là Quân sư đắc lực của Bình Định Vương Lê Lợi .

2. Thăng trầm của bậc Danh nhân :

Sau 10 năm gian khổ nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng, Ngày 3- 1- 1428, đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước. Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, thành Ðông Ðô (tức Hà nội), xưng là “Thuận thiên thừa vận Duệ văn Anh Vũ đại vương”, đặt tên nước là Ðại Việt, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban bài Cáo Bình Ngô do Nguyễn Trãi thủ bút. Chính Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nền độc lập phồn vinh của Ðại Việt. Nguyễn Trái được phong tước Quan phục hầu, chức Lại bộ Thượng thư kiêm Quản công khu mật viện, được ban Quốc tính, đứng đầu quan Văn.

Nhưng vốn cương trực, ông bị dèm pha nên sau không được Thái Tổ tin dùng, phải lui về Côn Sơn.

Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) nhà Lê Thái Tổ băng ở Tẩm điện, hưởng thọ 49 tuổi truyền ngôi cho con thứ là Hoàng Thái tử Nguyên Long.

Lên ngôi vua ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433), Lê Thái Tôn lấy niên hiệu là Thiệu Bình, đến 1439 đổi là Ðại Báo. Ông là một ông vua có “ tư chất sáng suốt tinh khôn; khi cầm quyền chính: Trọng đạo, chuộng Nho, đặt khoa thi chọn kẻ sĩ, chế lễ nhạc, rõ chính hình; trong ngăn ngừa kẻ cường thần, ngoài dẹp yên các manh động; văn vật rực rỡ đủ cả, đáng khen là vua hiền”. Chính Thái Tông vời Nguyễn Trãi ra phong chức Nhập nội hành khiển (1434). Nhưng việc thi thố Tài Đức của ông không được lâu bởi 8 năm sau đã xẩy ra sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử nước nhà mà ông và gia đình là nạn nhân.

3. Từ Nghi án “Lê Chi viên” :

Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) Thái Tôn đi tuần ở miền Đông duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn.

Ngày 4 tháng 8 vua về đến Lệ Chi Viên thuộc Đại Lải huyện Gia Ðịnh (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh) cùng với Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi là Lễ nghi Học sĩ được vua yêu quý vì sắc vì tài. Giữa dòng sông lộng gió vua cùng quan Lễ nghi uống rượu, ngâm thơ và bỗng nhiên rùng mình ớn lạnh. Cung nhân đưa ngài vào Ly cung, chỉ có Nguyễn Thị Lộ hầu bên cạnh. Gần sáng Vua băng ở tuổi 20.

Các hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc bí mật cùng đưa thi hài vua về, ngày 6 tháng 8 đến kinh sư, nửa đêm vào cung mới phát tang, quy cho Nguyễn Thị Lộ tội “giết vua”.

4. Đến thảm án “Tru di tam tộc” :

Ngày 12 tháng 8 năm đó (1442), bọn Trịnh Khải, Nguyễn Xí, Lê Thụ cùng với Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng tử Băng Cơ lên nối ngôi, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính và buộc Nguyễn Trãi chủ mưu vụ án Lệ Chi viên
Ngày 16/8 năm Nhâm Tuất 1442 Nguyễn Trãi và gia đình bị án “tru di tam tộc” rất thảm thương.

Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng, em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi (với bà cả họ Trần) chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn; Bà họ Lê vợ thứ năm của Nguyễn Trãi mang thai chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương. Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư của Nguyễn Trãi khi vụ án xẩy ra có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa chạy trốn vào xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa) sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ.

5. Loạn Cung đình, ngôi về vua sáng:

Thái Tôn mất, giữa 3 hoàng tử do 3 bà sinh ra có sự tranh giành ngôi báu. Khi Nghi Dân bị lật đổ, triều thần rước Tư Thành lên ngôi, bấy giờ ông vừa tròn 18 tuổi.

Lê Thánh Tông , tự Tư Thành là con trai thứ tư và cũng là con út của vua Thái Tông, sinh ngày 20/7/Nhâm Tuất (1442). Chính vợ chồng Nguyễn Trãi có công đưa Ngô Thị Ngọc Dao (khi đó đang mang thai tư Thành) đi trốn lánh nạn tại chùa Huy Văn khỏi cái chết trong một âm mưu loạn Cung đình của mẹ con Bang Cơ. Năm lên 4 tuổi, mẹ Nhân Tông mới cho đón Tư Thành về phong làm Bình Nguyên Vương, học tập tại toà Kinh Diên.
Trị vì đất nước 38 năm, vào năm Hồng Ðức thứ 27 năm Bính Thìn (1496) vua bị mệt nhưng tự giải quyết các việc quan trọng. Tháng giêng năm sau vua càng mệt nặng rồi mất.

6. Nỗi oan được giải, hậu thế nổi danh :

Lê Thánh Tông là một trong những ông vua có nhiều vợ, 14 người con trai và 20 người con gái và ở ngôi lâu (38 năm), có nhiều đóng góp vào sự phát triển về mọi mặt của quốc gia Ðại Việt thời ấy. Chính ông vào tháng 7/1464 là người minh oan, truy phong quan tước cho Nguyễn Trãi, ca ngợi ông: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". Con út Nguyễn Trãi, Nguyễn Anh Vũ (do bà Phạm Thị Mẫn sinh) được Lê Thánh Tông phong cho chức Đồng Tri Phủ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cấp cho 100 mẫu ruộng gọi là "Miễn hoàn điền" (ruộng không phải trả lại) con cháu đời đời được hưởng. Nguyễn Anh Vũ xây dựng mộ chí của Nguyễn Trãi tại xứ đồng Tai Hà, làng Dự Quần, lấy sọ dừa, cành dâu táng làm cốt; lấy ngày mất của Nguyễn Trãi - 16 tháng 8 là ngày giỗ họ. Ngày nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiền nhân và hậu duệ của Ức Trai-Sao Khuê.

Năm 1980 nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, UNESCO đã công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới.

Đ/c Nguyễn Văn Cừ sinh 9/7/1912, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (3/1938-01/1940), tác giả cuốn "Tự Chỉ trích" nổi tiếng, tháng 7/1939, chính là hậu duệ (dòng Tiên Du, Bắc Ninh) của Ức Trai Nguyễn Trãi.

7. Khuất tất này biết giải ra sao?

* Lê Thái Tông (1434-1442) có mắc bệnh tim, mạch, thần kinh không ?
* Vào tuổi 20 (vua sinh 11/1423) đã có 4 vợ, 4 Hoàng tử (không kể các Công chúa) là: Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ (Lê Nhân Tông sau này), Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này) đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên việc tranh chấp ngôi thái tử xảy ra giữa các bà vợ vua....chứng tỏ nguy cơ sát hại là có và cũng chứng tỏ hoạt động tình dục của vị vua này ra sao ?
* Đêm 04/8/1442 giữa ông Vua đa tình 20 tuổi tràn đầy sinh lực và bà Lễ nghi học sĩ 40 tuổi đa tài, được Vua mến mộ có xẩy ra giao hoan không ?
* Thuốc mà Nguyễn Thị Lộ dâng Vua uống là thuốc gì ?
* Quan Bộ Hình và Thái y có khám nghiệm không ?
* Phải chăng một âm mưu “loại bỏ” ngưòi hiền được thực hiện trót lọt ?

Điều băn khoăn của hậu thế là không rõ Thái Tông đột tử do nguyên nhân gì:

- Trụy tim mạch bệnh lý sau những ngày căng thẳng?
- Tai biến mạch máu não trong lúc chuyển mùa giữa sông lộng gió?
- Bị đầu độc (Ai, Loại gì ?)
- Hay Đức Chí tôn bị “Thượng mã phong”? .

Cho nên các sử gia sẽ còn tốn nhiều giấy mực để tìm ra lời giải về thực chất cái gọi là “Vụ án Lệ Chi viên”. Riêng người đưa bài này vào Blog của mình lại có một ước ao: giá ngày đó Lê triều biết và cho tiến hành KNHT, KNTT, GĐPY cẩn thận chu đáo thì biết đâu lịch sử đã có những trang khác.

Nói thế chứ thời hiện đại @ cũng còn khối vụ “đột tử” được xếp vào mục “thâm cung bí sử”. Nhưng cũng nên học người xưa “gái goá bàn chuyện triều đình” để tìm, ghi lại chuyện xưa, rút kinh nghiệm cho nay.

- Lương Đức Mến, lược thuật và bình chú-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân