Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

1.3. PHÉP TÍNH LỊCH

Nhận thức và ghi chép về các sự kiện xẩy ra là nhu cầu từ xã xưa của con người. Chính nhu cầu đó đã nẩy sinh ra pháp tính lịch và lập lịch.

Mỗi sự kiện, biến cố xẩy ra trong tự nhiên xã hội đều diễn ra trong không gian, thời gian nhất định và ghi chép thời gian đã là nhu cầu của con người từ rất xa xưa. Khái niệm về thời gian của con người được hình thành từ sự cảm nhận tính chu kỳ, lập đi lập lại của các hiện tượng tự nhiên như ngày- đêm, mặt trời mọc lặn, mặt trăng tròn khuyết, mùa đông mùa hè…ở những nền văn minh cổ, con người nhận biết chu kỳ tự nhiên qua quá trình theo dõi chuyển động biểu kiến (là chuyển động được mô tả khi quan sát từ vị trí nào đó - trong trường hợp này là Trái đất - dù trong thực tế đối tượng có di chuyển hay không) của các thiên thể trên bầu trời. Chính quá trình giao tiếp, sự phát triển của xã hội đặt ra yêu cầu phân chia thời gian. Đó chính là phép làm lịch, hay Lịch pháp 曆法. Kết quả được ghi lại gọi là Lịch thư (H:曆書, A: Almanac, P: Almanach), tức sách lịch, niên giám. Vậy: Lịch là một hệ thống tổ chức, ghi chép thời gian theo cách thuận tiện cho việc điều tiết cuộc sống dân sự, các lễ nghi tôn giáo cũng như cho các mục đích lịch sử và khoa học.
Lịch làm ra để đếm ngày, để ghi chép công việc, để tính toán sự biến chuyển của các chu kỳ thiên văn chính. Đó là ngày (dựa trên sự quay của trái đất quanh trục của nó), tháng (dựa trên vòng quay của mặt trăng quanh trái đất, sinh ra Sóc Vọng) và năm (dựa trên chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời, tạo ra 4 mùa). Ngày, tháng, năm cũng là các đơn vị cơ bản của lịch và vì vậy chuyển động trong không - thời gian của các thiên thể thiên văn học sử dụng hệ toạ độ trời và các thang thời gian khác nhau và quan hệ tương hỗ giữa chúng mà định ra trật tự thời gian, tên gọi. Nhưng Ba chu kỳ cơ bản đó không bao gìơ “trùng khít” nhau, chỉ có thể có 2 trong 3 thông số đó phù hợp nhau nên phải có phương pháp điều chỉnh do đó có nhiều cách tính lịch tùy trình độ và tập quán từng khu vực, thời gian. Mỗi nền văn hóa có một cách giải quyết khác. Lịch Âu châu bỏ hẳn chu kỳ trăng nên mồng 1 không phải là đêm không trăng và 15 không là trăng tròn. Những người sống theo thủy triều (dân chài, người đi biển) không còn dựa vào ngày trong tháng được nữa để tính ngày nước lên cao nhất. Tuy nhiên, đối với đa số dân chúng thì chuyện này không quan trọng lắm. Còn vấn đề làm sao cho ngày ăn khớp với năm thì giải quyết bằng cách cứ khoảng bốn năm có thêm một ngày (29/2). Trung Hoa thì giải quyết bằng cách vài năm thêm một tháng nhuận để hai bên âm dương ăn khớp trở lại, vì một năm có hơn 365 ngày mà 12 tháng (âm) chỉ có hơn 354 ngày. Nhược điểm của cách giải quyết này là ngày tháng không còn đo chính xác được các mùa, vì mỗi năm bắt đầu ở một thời điểm khác nhau và có năm dài năm ngắn.
Sự biến chuyển này tùy thuộc vào sự tuần hoàn của trái đất quanh mặt trời. Do đó, bất cứ lịch nào cũng là lịch mặt trời (solar calendar) hay dương lịch. Tuy nhiên, vì một năm tới 365 ngày, nên cần chia ra thành những đơn vị nhỏ hơn cho dễ tính toán. Do đó người ta lấy chu kỳ của mặt trăng, khoảng 29-30 ngày, làm đơn vị tháng. Đó là âm dương lịch (lunisolar calendar).

1.3.1. Âm lịch:
Mặt trăng quay xung quanh trái đất và thay đổi từ lúc bắt đầu tuần trăng mới (new moon) đến trăng rằm, tròn, rồi khuyết dần cho đến mất hẳn để lại bắt đầu tuần trăng mới kế tiếp. Người Trung Hoa đã dùng chữ Nguyệt 月 là mặt trăng để chỉ tên tháng. Chữ Month trong tiếng Anh cũng do chữ Moon (trăng) mà ra. Phép tính lịch dựa vào chu kỳ mặt Trăng gọi là Âm lịch (陰曆, lunar calendar/ Le calendrier lunaire), bởi MT 月 thuộc âm 陰. Chọn mặt trăng để làm lịch có thể bởi hai lý do: Dễ nhìn vì ánh trăng ban đêm không nóng gay gắt và khó nhìn như mặt trời ban ngày. Thay đổi hình dạng thường xuyên từ khuyết tới tròn dễ thấy hơn là mặt trời hầu như ít khi thay đổi. Hơn nữa, cái nôi văn minh của Hoa Hạ nằm trong vùng ôn đới cách xa trên đường Phân cực (Tropic of Cancer, khoảng 23°27 từ xích đạo) nên không thấy được hiện tượng mặt trời chiếu thẳng trên đỉnh đầu nên không có ấn tượng nhiều về mặt trời nên họ đã dùng mặt trăng để làm lịch.
Khảo cổ học, với bằng chứng rõ rệt, thì nền văn minh Sumerian, phát triển bên cạnh con sông Tigris cách đây hơn 6000 năm (khoảng từ năm 5000-4000 tCn, để sau này thành trung tâm của xứ “Ngàn lẻ một đêm”, hay ngày nay còn gọi là Baghdad, thủ đô của Iraq) đã biết làm lịch dựa vào vận hành của mặt trăng.
Người xưa lập ra lịch thì không có những dụng cụ thiên văn tối tân và đồng hồ chính xác, mà chỉ có cái thước và đôi mắt. Tuy nhiên, với những phương tiện sơ sài đó, họ cũng đánh dấu được rất chính xác những mốc căn bản (reference points) để tính ngày, tháng, năm. Mốc căn bản sử dụng là: Điểm Ngọ hay điểm giữa trưa được đo dễ dàng bằng một cây gậy cắm xuống đất; Điểm Sóc tính từ đêm không trăng và Đông chí là điểm khi mà mặt trời thấp nhất trong năm. Dùng ba cái mốc trên người Trung Hoa xưa đã đặt ra ba nguyên tắc căn bản để làm lịch, cũng có thể coi là định nghĩa của ngày, tháng và năm trong Âm lịch: Mỗi ngày bắt đầu lúc nửa đêm (trung điểm giữa hai ngọ); Mồng 1 mỗi tháng là ngày chứa điểm sóc (không trăng); Tháng 11 Âm lịch là tháng chứa điểm Đông chí.
Lịch mặt trăng, lịch Thái Âm, hiện dùng lấy cơ sở là tháng giao hội.
Năm 753 trước công nguyên, Lịch thời cổ Roma Numa Pompilius, một năm có 10 tháng.Lúc đầu, người ta đặt tên theo thứ tự số học nhưng cuối cùng họ quyết định dùng tên các vị thần để thế vài tháng (Mars, Aperta, Maïus, Junon, quin (5), sex (6), sept(7), oct (8), no (9) dec (10).Tổng cộng 10 tháng trên sẽ được một năm 304 ngày, nên người ta phải thêm ngày vào cho những tháng cuối để đủ một năm dương lịch, nhưng không đặt tên. Cuối cùng người ta thêm hai tháng để đằng sau tháng December là Januarius, tên của vị vua Roma xưa nhất là Janus và là thần hòa bình. Tháng thêm tiếp theo là Februarius. Sau lại thêm một ngày cho tháng cuối cùng là Februarius, được 355 ngày.
Đến năm 46 tCn (708 Roma), nhận thấy sự sai biệt quá lớn của lịch cũ, danh tướng Roma Julius Caesar phái nhà thiên văn Hy Lạp tên là Sosigene xứ Alexandrie sửa đổi lịch mùa màng cho thích hợp với lịch (nguồn gốc Ai Cập) thiết lập bởi nhà thiên văn Hy Lạp Eudoxe vào thế kỷ thứ 4 tCn. Lịch Julien có 365 ngày, chia thành 12 tháng và cứ 4 năm là thêm 1 ngày. Lịch này vẫn còn dùng cho đến thế kỷ 20 trong một số nước.
Lịch Trung Hoa khởi nguồn từ đời Hoàng Đế, bổ sung dưới đời Chu (thế kỉ 7 tCn) nhưng tháng nhuận được thêm vào một cách tùy tiện, lịch được tính toán đầu tiên là lịch Tứ phân (四分, sìfēn) bắt đầu khoảng năm 484 tCn và cũng chưa có Thiên Can, Địa Chi; chưa chia ngày ra thành giờ. Bắt đầu từ năm 256 tCn của vương quốc Tần, sau này là nhà Tần, tháng nhuận là tháng phụ thứ chín vào cuối năm mà bây giờ bắt đầu bằng tháng thứ mười, và đông chí nằm trong tháng thứ mười một và lịch này ổn định phát triển mạnh ở đời Hán (漢朝,206 tCn. - 220) và dần ổn định ở triều Tấn (280-420). Lịch Thái sơ (太初, Tàichū ), sự khởi đầu vĩ đại, niên hiệu của Hán Vũ đế năm 104 tCn là năm với đông chí nằm trong tháng thứ mười một và được thiết kế để tháng nhuận có thể là bất kỳ tháng nào (tháng 29 hay 30 ngày) mà trong tháng đó Mặt Trời không đi qua các điểm Trung khí mà chỉ nằm trong một cung hoàng đạo. Đây cũng là khoảng thời gian, các Ðạo sĩ hay Chiêm tinh gia làm việc có phương pháp và khoa học hơn, đã khám phá được chu kỳ vận chuyển của các hành tinh trong Thái Dương hệ, phát minh ra Lục thập Hoa giáp, đồng thời xuất hiện các khoa lý số như Kỳ Môn Ðộn Giáp, Thái ất Thần toán, hay Lục Nhâm Ðại Ðộn v.v.
Sau khi thiên văn học của châu Âu được giới thiệu vào Trung Hoa bởi các giáo sĩ dòng Tên, chuyển động của cả Mặt Trời và Mặt Trăng bắt đầu được tính toán bằng các hàm lượng giác trong lịch Thời Hiến (時憲 Shíxiàn) năm 1645 của nhà Thanh, lịch này được lập bởi giáo sĩ Adam Schall, tên Trung Hoa là Thang Nhược Vọng. Chuyển động thật của Mặt Trời (biểu kiến) bấy giờ được sử dụng để tính tiết khí. Lịch Gregory được công nhận bởi Trung Hoa Dân Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1912 và bắt buộc sử dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 1929. So với lịch cũ theo Hiệp ước Nam Kinh 1842 thì có thay đổi thời điểm bắt đầu mỗi ngày+14,3 phút. Lịch cũ và lịch Gregory thông thường sẽ đồng bộ trở lại sau 19 năm (chu kỳ Meton). Như vậy, hiẹn tại mỗi tháng có 29 ngày (tháng thiếu) hoặc 30 ngày (tháng đủ), ngày đầu tháng bao giờ cũng trùng với ngày không trăng (ngày Sóc, 朔), giữa tháng trăng tròn (Vọng,望). Năm ÂL gồm 12 tháng, 354 - 355 ngày và so với chu kì khí hậu, hụt khoảng 11 ngày, vì vậy ngày tháng không trùng hợp với các mùa và khí hậu.

1.3.2. Dương lịch:
Phép tính lịch dựa vào chu kỳ mặt Trời gọi là Dương lịch (陽曆, The sun calendar/Le calendrier solaire), bởi mặt Trời 日 thuộc Dương 陽. Lịch Thái Dương, lấy năm Xuân phân làm cơ sở, có độ dài bằng vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. Lấy năm sinh của Chúa Jêsu (Đức Chúa Jésus Christ, 耶蘇教主, Gia Tô Giáo Chủ) làm năm khởi đầu, trước năm đó gọi là trước Công nguyên (tCn). Công Nguyên 公元 là kỉ nguyên bắt đầu bằng năm theo truyền thống được cho là năm sinh của Chúa. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên hay trước Tây lịch . Khái niệm Công Nguyên được tu sĩ Dionysius Exiguus đặt ra vào thế kỷ 6 khi ông tính lịch cho các ngày lễ Phục Sinh và được dùng với các lịch Julius và Gregory, theo đó Chúa sinh ngày 25/12 năm 753 Rome nên năm Rome thứ 754 trở thành năm 1 (không có năm 0). Các nhà làm sử áp dụng thông lệ này vì nó được dùng lần đầu bởi tu sĩ Bede trong tác phẩm Historia Ecclesiastica Gentis Anglorum (Lịch sử giáo hội của người Anh, 731). Ông ta không dùng số 0, mặc dù ông đã biết số 0 vào lúc đó, vì việc đếm số cho năm bắt đầu từ 1 chứ không phải 0. Sau đó người ta nhận thấy rằng Dionysius đã tính lầm ít nhất 4 năm. Năm 2000 đáng lý ra phải là năm 2005.Chữ tương đương với Công Nguyên trong tiếng Latin là Anno Domini, viết tắt AD hay A.D., nghĩa là Năm của Chúa hay Kỉ nguyên Kitô. Nó được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh, thường đặt trước số năm, ví dụ AD 128.
Từ điển Từ Hải giải: 歐美諸國以耶穌基督誕生之年為紀元之始, 世稱西曆紀元以其通行最廣亦稱公元 “Âu Mỹ chư quốc dĩ Gia Tô Cơ Đốc đản sinh chi niên vi kỷ nguyên chi thuỷ, thế xưng Tây Lịch kỷ nguyên, dĩ kỳ thông hành tối quảng, diệc xưng Công Nguyên”. (Các nước Âu Mỹ lấy năm sinh của Jesus Christ làm khởi đầu của kỷ nguyên, đời gọi là Tây Lịch kỷ nguyên; thông hành hết sức rộng rãi, cũng gọi là Công Nguyên). Trong sách báo tiếng Việt đôi khi bắt gặp cách dùng sau Công Nguyên, tuy nhiên có lý do cho thấy cách dùng này không hợp lý, và cách dùng đúng là Công Nguyên. Bởi chính Trung Quốc hiện nay cũng thống nhất sử dụng thuật ngữ 公元前 “Công Nguyên tiền” (trước CN) và 公元 “Công Nguyên” chứ không dùng thuật ngữ 公元後 “Công Nguyên hậu”.
Hiện nay còn có chữ viết tắt CE (Common Era) thay thế cho AD và được đặt sau số năm, ví dụ 128 CE, khi người dùng không muốn nó mang sắc thái tôn giáo liên quan đến Chúa Kitô. Hiếm hơn còn có E.V., viết tắt của Era Vulgaris trong tiếng Latin.Trước Công Nguyên trong tiếng Anh là Before Christ (Trước Chúa Kitô), viết tắt BC, được đặt sau số năm, ví dụ 320 BC. Ngoài ra còn có cách viết khác không phổ biến lắm, khi người dùng không muốn nó mang sắc thái tôn giáo liên quan đến Chúa Kitô, là BCE (Before Common Era), nó cũng được đặt sau số năm, ví dụ 320 BCE. Chữ Công Nguyên trong tiếng Việt có lẽ xuất xứ từ tiếng Hoa 公元, viết tắt từ chữ Công Lịch Kỉ Nguyên 公曆紀元/公历纪元. Tôi ghi “trước Công nguyên” là tCn.
Trong lịch sử đã có các loại Dương lịch:
- Lịch cổ Ai Cập (Egypt): xuất hiện tCn vài nghìn năm tại Ai Cập cổ đại, dài 365 ngày, chia thành 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, còn 5 ngày để vào cuối năm.
- Lịch Julius: được dùng từ 46 tCn ở La Mã, do Hoàng Ðế La Mã Juliut Xêza (Julius Ceazar, 101-44 tCn) đề xướng gọi là Calendrier Julien, với độ dài của năm Xuân phân được xác định là 365,25 ngày nên cứ sau 3 năm thường mỗi năm 365 ngày thì có một năm nhuận 366 ngày. Năm nhuận được đặt vào các năm có niên số chia hết cho 4. Mỗi năm có 12 tháng, trong đó 4 tháng 30 ngày (4, 6, 9, 11), 7 tháng 31 ngày (1, 3, 5, 7, 8, 10, 12), tháng 2 có 28 ngày (năm nhuận có 29 ngày). Nhưng độ dài của năm mặt trời là 365,242216 ngày cho nên lịch Julius dài hơn khoảng 0,0078 ngày trong một năm, tức là khoảng 11 phút 14 giây.Để bù vào sự khác biệt này thì cứ 400 năm ta sẽ bỏ bớt đi 3 ngày năm nhuận. Lịch này được dùng đến năm 1582 (sự sai biệt đã lên đến 10 ngày).
- Lịch Gregorius được dùng từ 15/10/1582, do Giáo hoàng Grégoire XIII (1572-1585) đề xướng. Độ dài của năm được xác định chính xác bằng 365,2425 ngày, vì thế đến thời điểm áp dụng lịch Gregôriut thì thời gian theo lịch Juliut đã chậm đi 10 ngày. Để loại trừ sai, lịch đó đã quyết định bỏ 10 ngày trong tháng 10 năm đó để cho lịch và mùa màng tương ứng trở lại và quy định: tại Roma, Espagne và Portugal, cũng như các nhà thờ Thiên chúa giáo thì ngày hôm sau của thứ năm 4/10/1582 là 15/10/1582; chu kì nhuận xác định là: 400 năm chỉ có 97 năm nhuận. Quy tắc xác định lịch này như sau: Các năm không nhuận có 365 ngày: các tháng 4, 6, 9, 11 có 30 ngày, tháng 2 có 28 ngày, 7 tháng còn lại có 31 ngày; riêng năm nhuận có 366 ngày do thêm 1 ngày vào tháng 2 để có 29 ngày. Cứ 400 năm có 97 năm nhuận. Các năm chia hết cho 4 (chẳng hạn như năm 2008) là năm nhuận; trừ những năm cuối thế kỷ (có 2 số 0 ở cuối: **00) không chia hết cho 400 như 1700, 1800, 1900, 2100 ... là không nhuận. Như vậy, các năm cuối thế kỷ như 1600 và 2000 vì chia hết cho 400 nên nhuận.
Do tính ưu việt bởi cách tính thuận tiện, đơn giản, phản ánh đúng chu trình thời tiết trong năm nên DL được dùng cả ở những nước vốn vẫn dùng âm lịch hoặc âm - dương lịch: Anh áp dụng từ 3/9/1752, Nga năm 1918, Hy Lạp năm 1923, Québec năm 1608, Nhật: 1873, Trung Quốc 1912, Hy Lạp, Roumanie: 1820...và ngày nay được dùng rộng rãi trên thế giới.
Từ năm 1922, Hội các quốc gia thành lập một ủy ban nghiên cứu về sự sửa đổi lịch và kết luận là không thay đổi lịch nữa nhưng phải có một ngày ổn định cho ngày lễ Pâques. Liên Hợp quốc thấy rằng lịch Gregorien không thích hợp với sinh hoạt kinh tế hiện tại nên có ý định sửa thành lịch vĩnh viễn quốc tế. Nhưng là vấn đề của các nhà khoa học, họ đang tranh cãi, không thuộc lĩnh vực cần biết của thảo dân.

1.3.3. Âm Dương lịch:
Nếu như Dương lịch đã qua nhiều lần đổi thay thì Âm lịch cũng trải qua nhiều thay đổi, sửa chữa. Trước hết, gọi là âm lịch để đối chiếu với dương lịch chứ thật ra âm lịch, tuy dựa trên chu kỳ tuần hoàn của mặt trăng, lại phối hợp với sự vận hành của trái đất quanh mặt trời (và của một số tinh tú trên bầu trời), thành ra tên của lịch phải là Âm dương hiệp lịch (Lunisolar calendar). Lịch 陰陽曆 này được áp dụng bởi AL phối theo DL từ thời Minh (明朝,1368 – 1644) và hoàn chỉnh như ngày nay dưới triều Thanh (清朝,1644 - 1911). Đó là hệ lịch giống như âm lịch (tháng theo tuần Trăng) vừa lấy năm theo vòng thời tiết bằng cách đặt thêm tháng nhuận để năm của ÂDL không sai nhiều với chu kì khí hậu. Trung bình cứ 3 năm rồi 2 năm (tam niên nhất nhuận, ngũ niên tái nhuận) ÂDL lại có một tháng nhuận. Với cách đặt nhuận như vậy, cuối một chu kì tổng số ngày theo ÂDL và theo năm Xuân phân xấp xỉ bằng nhau nhưng trong từng năm của chu kì thì ngày tháng vẫn sai nhau. Vì thế ÂDL vẫn không được thật đúng chu kì khí hậu như dương lịch. Năm Mặt Trăng (年 nián) là từ Tết Nguyên Đán này đến Tết Nguyên Đán tiếp theo, được sử dụng để tính ngày. Năm Mặt Trời (歲 suì) có thể là chu kỳ giữa hai Lập xuân liền nhau hay chu kỳ giữa hai Đông chí, dùng để tính tháng.
Cách tính lịch âm tuân theo quy luật nhuận rất phức tạp. Một năm dương lịch đủ 365 ngày nhưng năm âm lịch chỉ có 354 hoặc 355 ngày. Như vậy, mỗi năm Âm lịch sẽ chậm so với Dương lịch 10 hoặc 11 ngày nên sau 3 năm nó sẽ được bù thêm một tháng nhuận để đuổi kịp dương lịch, theo được lịch thời tiết. Trung bình sau 19 năm dương lịch thì sẽ có 19 năm âm lịch cộng với 7 tháng nhuận theo quy luật nhuận là tháng theo tiết khí mà không có trung khí. Những ngày tiết khí là cái cốt cho dương lịch. Do đó âm lịch đã có nhuận để đuổi kịp dương lịch chính là âm dương lịch. Âm dương lịch này phải lấy giờ chuẩn, ngày chuẩn theo phép tính múi giờ. Chính quy luật nhuận này cùng với quy ước pháp định múi giờ (Việt Nam múi giờ 7 còn Trung Quốc là múi giờ 8) đã tạo nên sự khác nhau giữa lịch âm của chúng ta với lịch âm Trung Quốc. Dù Việt hay Hoa thì mỗi năm có 12 tháng, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu, 29 ngày. Cứ 19 năm thì nhuận 7 lần, mỗi lần nhuận một tháng. Tháng đầu năm là tháng Giêng và tháng cuối năm là tháng Chạp không bao giờ được lấy làm tháng nhuận. Ngày đầu năm, ngày mùng một Tết, là ngày đầu tuần trăng thứ nhì sau ngày tiết Ðông chí (Winter solstice, thường xem như là ngày mà đêm dài nhất trong năm). Tùy theo tuần trăng ở ngày Ðông chí mà ngày đầu năm sẽ đến trong khoảng 30 đến 59 ngày sau ngày đó. Do đó ngày mùng một Tết chỉ có thể nằm trong khoảng 20 tháng 1 đến 21 tháng 2 dương lịch. Tháng âm lịch thường đi sau tháng dương lịch một hay hai thứ, như tháng ba âm lịch ứng với tháng tư hoặc tháng năm dương lịch.
Ở Việt Nam, trước kia dùng ÂDL có nguồn gốc từ Trung Quốc (thường được gọi không chính xác là âm lịch) được nhà Vua chuẩn ban đề nghị của Khâm thiên giám. Trong lịch sử do các nguyên nhân khác nhau mà ở Việt Nam nhiều lần đã tồn tại một lịch khác với lịch Trung Quốc. Riêng giờ pháp định ở nước ta (hay ở từng miền) đã bị thay đổi tới 10 lần trong thế kỷ 20 tuỳ theo ý định của nhà cầm quyền, có lúc quy định múi giờ 7 (bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1906, lúc chính quyền Pháp xây xong Đài Thiên văn Phủ Liễn, và đến ngày 1 tháng 5 năm 1911 thì các nước Đông Dương dùng chung múi giờ 7 sau khi nước Pháp ký hiệp ước quốc tế về múi giờ, từ 02/9/1945 tại vùng tự do và sau 10/1954 trên miền Bắc và trên toàn lãnh thổ từ 13/6/1975); có lúc lấy múi giờ 8 (từ ngày 1/1/1943-14/3/1945, theo Nghị định ngày 23/12/1942 của Chính phủ Pháp và từ ngày 1/4/1947 trong các vùng Pháp tạm chiếm, tại miền Nam); thậm chí còn lấy cả múi giờ 9 (theo múi giờ của Tokyo, Nhật Bản sau khi Nhật đảo chính Pháp, 14/3/1945-01/4/1947).
Từ 1.1.1968, theo Quyết định số 121/CP ngày 8.8.1967 của Chính phủ do Thủ tương Phạm văn Đồng ký thì ÂDL chỉ dùng để xác định các ngày lễ truyền thống (Tết Nguyên đán, Nguyên Tiêu, Giỗ Tổ Hùng vương, các Lễ hội tôn giáo, dân gian, cúng giỗ trong các gia tộc, gia đình…) và kỉ niệm lịch sử (Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa…) và đã tính lại cho phù hợp với giờ chính thức của Việt Nam nên có ngày không trùng với lịch Trung Quốc. Còn trong giao dịch chính thức dùng Dương lịch theo múi giờ +7. Mới đây vấn đề này được tái khẳng định trong Quyết định số 134/2002/QĐ-TTg ngày 14/10/2002 do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký.

1.3.4. Phật lịch:
Phật lịch (H: 佛曆,A: Buddhic calendar, P: Le calendrier bouddhique) là niên lịch của Phật giáo. Nhưng không thể có một niên lịch, hay là nói rộng hơn, là một hệ thống tính thời gian riêng biệt của đạo Phật, mà chỉ khác nhau ở điểm khởi đầu.Nếu như Công lịch lấy năm sinh của Chúa Jêsu làm năm khởi đầu thì Phật lịch lại căn cứ trên năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn là năm khởi đầu cho Phật lịch. Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Đức Phật thọ 80 tuổi mà Đức Phật Thích Ca giáng sinh là năm 644 trước Chúa Giáng sinh, như vậy năm Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn ứng với năm: 644 - 80 = 544 trước Chúa Giáng sinh.
Năm 544 tCn được lấy làm kỷ nguyên Phật lịch. Vậy công thức tính Phật lịch là: Phật lịch = Dương lịch + 544 . Ví dụ: Năm 1945 tương ứng với Phật lịch: 2489, Năm 1975 tương ứng với Phật lịch: 2519, Năm 2008 tương ứng với Phật lịch: 2552.
Mỗi năm (sam vachara) gồm có 12 tháng (masa), mỗi tháng có 60 đơn vị (ratinvida, ban ngày kể là một đơn vị, đêm kể là một đơn vị, hai đơn vị góp lại thành một ngày). Mỗi năm còn chia ra mùa (utu), và vì thời gian tính theo hai hệ thống mặt trời (dương lịch) và mặt trăng (âm lịch) bị so le, không theo sát nhau được, nên đã tính phải có một tháng “nhuận”, gọi là “tháng sinh sau” trong hệ thống âm-dương lịch.
Như vậy, dù kiểu gì cũng chỉ có 2 phương pháp tính lịch cơ bản là theo sự dịch chuyển của tuần trăng và theo mặt trời. Tuy cùng để đo thời gian nhưng Âm lịch và Dương lịch khác nhau ở chỗ: Âm lịch có tính chu kỳ (cyclic) còn Dương lịch có tuyến tính (linear).
Âm lịch không tính theo số mà dùng tên ghép gồm hai chữ dựa trên hệ thống can chi (10 thiên can 天干 và 12 địa chi 地支). Chữ đầu là một trong 10 thiên can 天干 gồm: giáp 甲, ất 乙. bính 丙, đinh 丁, mậu 戊, kỷ 己, canh 庚, tân 辛, nhâm 壬, quý 癸; chữ thứ nhì là một trong 12 địa chi 地支 là: tý 子, sửu 丑, dần 寅, mão 卯, thìn 辰, tỵ 巳, ngọ 午, mùi 未, thân 申, dậu 酉, tuất 戌, hợi 亥. Thí dụ khởi đầu Giáp Tý và hết chu kỳ 60 năm thì trở lại Giáp Tý, do đó các năm Âm lịch trùng tên thì hơn kém nhau một bội số của 60. Chu kỳ 60 năm được gọi là một hoa giáp 花甲 (hoặc hoa giáp tý 花甲子).
Tây phương quan niệm thời gian tiến triển theo đường thẳng (linear). Các năm Dương lịch lấy sự kiện Thiên Chúa giáng sinh làm mốc, do đó các năm có thể biểu diễn trên một trục đại số. Từ gốc 0 trở về trước là thời gian trước Công Nguyên (tviết tắt B.C. = Before Christ=trước Thiên Chúa). Thời gian từ gốc 0 đến hiện tại (và tương lai) gọi là Công Nguyên (viết tắt A.D. = Anno Domini: of Christian era=thuộc kỷ nguyên của Thiên Chúa) và chúng ta đang sống trong Công Nguyên. Còn người phương Đông quan niệm thời gian tiến triển theo chu kỳ có tiểu vận (20 năm), đại vận (60 năm), cửu vận (180 năm)...Điều đó thuận cho việc chiêm bói song sẽ khó khăn trong việc ghi chép sự kiện lịch sử.

YÊN HAY NGUY CŨNG BỞI NGƯỜI, LỊCH LÀM RA SAO CẦU ĐƯỢC PHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân