Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Những NGÀY ĐẦU TRỞ LẠI LÀO CAI

Tháng 7 này, kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống LLCSND (20/7/1962-2021), tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1991-2021) tự dưng nhớ lại khối điều, vui buồn lẫn lộn.

Trong bài viết sau đây có một số tên người, ký hiệu đơn vị, tên sự kiện, vụ việc,...ngày đó là bí mật, nay đã 30 năm, đã được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến nhiều. Do vậy, trừ trường hợp đặc biệt mới đổi, hoặc viết tránh đi còn lại giữ nguyên!

Khi Lào Cai được tái lập (01/10/1991) bởi Nghị quyết số 70 ngày 12/8/1991 của Quốc hội, theo Quyết định số 150/QĐ-BNV ngày 16/9/1991 bộ máy của CA tỉnh Lào Cai có 20 phòng ban. Hồi đó, do tx Lào Cai còn là đống trtanf chỉ có gạch vỡ và lau sậy nên cũng như các cơ quan khác của tỉnh, Công an tỉnh Lào Cai tập kết tại 4 nơi: LLCS tập kết ở khu Cung ứng mỏ, LL AN đóng quân ở Phố Lu, khối trực thuộc và XDLL đóng quân tại Tằng Loỏng và LL Biên phòng vẫn thuộc Công an tỉnh đóng quân ở Xuân Quang (Bảo Thắng).

Lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai khi đó gồm: Giám đốc Giàng Seo Dín (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy AN Công an HLS, nghỉ hưu năm 1999, sau đó mất tại Bắc Hà do bệnh trọng); các Phó Giám đốc Bùi Anh Xuân (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng BCHCS Công an HLS, nghỉ hưu 1999, hiện cư trú tại xã Thống Nhất, tf Lào Cai), Hoàng Minh Ngọc (nguyên Phó BCHAN Công an HLS, từ 2000 là Giám đốc nghỉ hưu 2011 với cấp hàm Thiếu tướng, cấp tướng đầu tiên của Lào Cai, hiện cư ngụ tại phường Bắc Cường, tf Lào Cai) và Hoàng Công Tế (nguyên Trưởng Công an thị xã Lào Cai, nghỉ hưu năm 2007, cư ngụ tại phường Cốc Lếu, tf Lào Cai).

LLCSND được sắp xếp tại khu Cung ứng Mỏ Aptite ở Cam Đường. Khu này có 01 dãy nhà kho, 3 dãy nhà làm việc đều xây cấp 4 cũ. Các BCHAN và BCHCS được giải thể sau khi có Quyết định số 682/QĐ-BNV ngày 12/6/1992 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tổ chức bộ máy Công an tỉnh Lào Cai. Các đơn vị mỗi tháng được cấp 10-15 lít xăng nhưng xuống tận Tằng Loỏng lấy, khi quay về coi như gần hết !

Ngày đó, trong đội hình CSND tỉnh Lào Cai, chia tay thị xã Yên Bái lên Lào Cai tháng 10/1991 có: PC23 (Ngô Văn Vấn làm Trưởng phòng), PC16 (Trưởng phòng là Vũ Quang Vinh) ở dãy nhà kho; PC12 (Trần Đạt Hồ là Trưởng phòng), PC21 ở dãy phía ngang (LĐM là Trưởng phòng), PC14-15 (Trưởng phòng là Lê Oánh), PC13 (Phụ trách phòng là Bùi Khuể), PC26 (Đỗ Thành Đồng làm Trưởng phòng), PC22 (Trưởng phòng là Phạm Bỉnh Dị) ở dãy phía trước và dãy ngang còn 2 dãy sau giành cho bếp ăn và mấy hộ tập thể. Trại Tam giam do anh Phạm Toan làm Giám thị vẫn đóng quân ở Yên Bái. Trong đó có 3 người LĐM, LO, ĐTĐ đã và đang là Trưởng phòng tương ứng của Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn!

Lớp lãnh đạo các Phòng ngày ấy, hiện nay có Vấn và Mến, Dị đương nghỉ hưu tại tf Lào Cao; anh Đồng, ở quê, anh Khuể về Hà Nội; anh Vinh sau về PC21, chuyển PC17 rồi mất do căn bệnh hiểm ngheò; anh Hồ về Trưởng CA huyện Bảo Yên, sau lên Trưởng PC16 rổi tử nạn ngay cửa trụ sở CA tỉnh xây 1993; anh Oánh chuyển về Tổng cục Hải quan và nghỉ hưu ở Hà Nội, đã mất; anh Toan nghỉ hưu tại Lào Cai, đã mất.

Cả khối Cảnh sát chung một máy điện thoại Từ thạch quay số đặt cửa Hội trường trong dãy ngang sát phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ăn nghỉ của bố con LĐM.

PC21 Lào Cai tách từ PC21 Hoàng Liên Sơn ra thuộc Ban Chỉ huy Cảnh sát gồm: Trưởng phòng (tôi-LĐM, QĐ số 38 do Đại tá Hoàng Tuyển kí ngày 21/9/1991) và 5 CBCS (QĐ số 36 kí ngày 10/9/1991, gồm: Nguyễn Văn Quý, Đinh Công Nghĩa, Nguyễn Đức Quang, Lê Văn Giang, Nguyễn Viết Tú, Nguyễn Văn Thành, Nhưng thực lên Lào Cai chỉ có 4 người còn các đ/c LVG, NVT, NVT vẫn ở lại Yên Bái và sau đó cắt hẳn quân số sang CA Yên Bái). Lạ cái là, trong các đơn vị cấu thành Công an tỉnh, chắc duy nhất Phòng Kỹ thuật hình sự là đơn vị từ ngày thành lập (1985) đến nay chẳng có giải tán, sáp nhập gì! Tất nhiên mật danh thì có đổi, từ PC21, qua 2 lần đổi tên nữa mà nay tôi cũng chả biết cái đơn vị mà mình từng làm Trưởng 23 năm (1990-2013) nay ký hiệu là gì!

Tuy ít quân và đa số chưa qua Kỹ thuật hình sự nhưng đơn vị đã triển khai ngay các công tác KNHT và giám định từ sáng khi vừa đặt chân đến.

Để đáp ứng kịp thời các yêu cầu giám định trong các vụ việc có tính hình sự, CA tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu và được UBND tỉnh nhất trí: các Giám định viên đã được UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ bổ nhiệm sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ GĐV trên địa bàn mình công tác. Sau đó UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định thành lập 02 TCGĐ là: TCGĐ Kĩ thuật hình sự-Pháp y với các GĐV công tác tại Công an tỉnh và TCGĐ pháp y với các GĐV công tác tại Trung tâm y tế các Huyện, Thị xã. Chính việc tham mưu kịp thời đó của Phòng KTHS (Công an tỉnh), Phòng Quản lí Công chứng, Luật sư, Giám định (Sở Tư pháp) đã giúp UBND tỉnh sớm có Quyết định đáp ứng kịp thời, đầy đủ, không gián đoạn các yêu cầu giám định tại địa phương. Cùng với toàn ngành, LLKTHS nhanh chóng ổn định, khắc phục mọi khó khăn ở nơi mới; vừa ổn định, vừa củng cố xây dựng, vừa xin bổ sung quân số, củng cố tổ chức vừa triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo chức năng được phân cấp đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một tỉnh mới tái lập.

Đồng thời đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh triển khai Chỉ thị số 08/CT-BNVngày 15/5/1990 của Thứ trưởng Phạm Tâm Long về củng cố và tăng cường công tác KTHS Công an cấp huyện; Chỉ thị số 02/TTg ngày 04/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác Khoa học hình sự; Chỉ thị số 23/CT-BNV ngày 15/12/1993 của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ về tăng cường công tác Kĩ thuật hình sự; phối hợp với Sở Tư pháp mở nhiều lớp tập huấn về KNHT, GĐPY cho ĐTV, KSV, GĐV toàn tỉnh về các điều luật trong Bộ luật TTHS liên quan đến công tác KNHT, giám định tư pháp và các văn bản khác liên quan.

Chính vì vậy ngay trong những tháng ngày trên địa bàn mới, PC 21 Lào Cai đã góp phần cùng toàn lực lượng tham gia xử lý nhiều vụ việc phức tạp.

Có thể kể đến:

-Vụ nổ làm chết tại chỗ 1 Sĩ quan D7 là Đỗ Vũ Hùng và chết trên đường đi cấp cứu 1 sĩ quan khác cùng đơn vị tên là Nguyễn Tú Lân xẩy ra ngày 09/10/1991 tại quán nước chị Hải ở Cốc San, Bát Xát;

-Vụ chị Điền Thị Thú bị chồng giết, đẩy xác xuống thác nước Hợp Thành, Tx Cam Đường để giả tạo hiện trường ngày 12/01/1992;

-Đề xuất giám định dấu vết súng đạn cung cấp chứng cứ quyết định buộc tên Lã Thanh Bình từng gây nhiều vụ cướp của giết người trong những năm 1989, 1990 phải chịu hình phạt cao nhất. Bản án thi hành ngày 21/4/1993 là trường hợp tử hình đầu tiên ở tỉnh Lào Cai mới và cũng là trường hợp duy nhất việc tử hình được tiến hành tại một bãi trống thuộc địa bàn xã Đồng Tuyển, cạnh cầu km 4 (từ 1994 là đường dẫn lên Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh và từ 2009 là đường lên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai và hiện nay là đường Hoàng Liên kéo dài).;

-Vụ sập nhà vòm (kho lương thực cũ, sót lại sau CT 2/1979) ở Tổ 4 phường Cốc Lếu, thị xã Lào Cai 28/12/1992 làm chết 4 người thuộc đơn vị C25 E174 F316;

-Vụ án giết ông Thào A Hồ xẩy ra ngày 03/01/1993 tại vườn su hào thuộc Đội 2 Nông trường Sa Pa…

-Tháng 3/1993 trong khi đào móng nhà ở Phường Lào Cai (gia đình ông Lương Ngọc Khoản, sau vụ nổ đã chuyển đi và tỉnh cấp đất này cho Chi cục Kiểm lâm thị xã, đối diện ngã 3 Lào Cai đi Bắc Hà), thợ xây đã chọc xà beng trúng mìn chống tăng còn sót lại sau 2/1979. Mìn nổ làm 2 người chết, 2 người bị thương, sập 2 nhà bên cạnh. Công tác KNHT, KNTT đã nhanh chóng kết luận, tham mưu cho Giám đốc CA tỉnh báo cáo về kết quả rà phá mìn.

-P.Đ.H là đối tượng can tội giết người bỏ trốn. Sau một thời gian truy tìm, CA tỉnh đã bắt lại được. Ngày 25/3/1993 đưa từ Trại Tam giam (đóng nhờ dưới Yên Bái) lên xử phúc thẩm. Trưa 26/3 sau khi TANDTC xử xong, tuyên phạt 20 năm tù, Phạm Đức Hùng được đưa lên buồng giam xe chuyên dùng về và xe đỗ tại sân trụ sở khối CSND (tập kết ở khu Cung ứng Mỏ). Đến 16 giờ PĐH được đưa đến TTYT thị xã Lào Cai (khi đó đóng ở Đập tràn) cấp cứu, PĐH tử vong. Phối hợp với PY tỉnh và các ngành liên quan KNTT đã kết luận: PĐH bị cảm trên cơ thể suy kiệt. Kết luận đã giúp ổn định tình hình với dư luận và thân nhân PĐH.

Trong XDLL nhớ 2 chuyện:

-Do ít đảng viên nên khi thành lập PC 21 Lào Cai, các ĐV sinh hoạt ghép với Chi bộ PC 16 (BCU chi bộ ghép được thành lập bởi Quyết nghị số 01/QN, ngày 31/10/1991). Cuối năm 1992, do bổ sung thêm đ/c Phạm Văn Cường từ CA Bát Xát ra nên đã đủ điều kiện thành lập Chi bộ (đ/c Hoàng Công Tế, Phó Giám đốc sinh hoạt cùng). Ngày 27/02/1993, Đảng ủy có Quyết định số 12 tách lập chi bộ PC21 từ Chi bộ ghép PC16+21. Đ/c Lương Đức Mến giữ chức Bí thư

-Năm 1992, đơn vị được bổ sung 2 cán bộ từ CA thị xã Cam Đường (Lào Cai nay), trong đó có đc P. vừa Tốt nghiệp ĐHCS về. Một hôm P.đưa bố đến gặp tôi. Bố P. nguyên là một giáo viên dạy học nhiều năm tại Cam Đường nên biết 2 Phó Giám đốc CA tỉnh vốn trưởng thành từ CA thị xã Cam Đường là: đ/c BAX và HCT. Gặp tôi, ổng bảo ổng biết 2 thủ trưởng tôi nhưng "cứ để nguyên xem sao" và cho rằng: con ổng học nghiệp vụ cao nhất của ngành mà "đày" về cái phòng "vét đĩa" nhất CA tỉnh! Nghe xong, tôi rất tủi thân, lần đầu sau mấy năm làm trưởng phòng (từ t 6/1990) mới được nghe, mà lại là phụ huynh của lính mình gán cho biệt hiệu là "phòng vét đĩa nhất"! Nhưng biết làm sao, tôi bình tĩnh đáp: Cám ơn bác nhưng phòng em 100% là Đại học, nhiều người 2 bằng, bản thân em, từng tốt nghiệp 2 trường ĐH danh giá nhất toàn quốc và tồn tại, trưởng thành tại phòng này từ 1981 cũng thấy chưa chết mà! Tôi bồi thêm: PC 21 chưa phải phòng "vét đĩa" nhất ! Ổng bập vào "phòng nào kém hơn? Tôi giả nhời: "vét đĩa nhất là PC 26! Ổng hỏi tiếp: PC 26 là phòng nào? Tôi trả lời: theo hệ thống phiên hiệu hiện tại thì phòng có số hiệu cao nhất hiện nay là PC 26, tức CSGT!

Khi tôi nói xong, ổng về luôn chả chào nữa! PVP về sau ra khỏi ngành và hiện cũng chả biết đi đâu làm gì nữa!

Đơn vị còn cử cán bộ tham gia bảo vệ các sự kiện lớn của tỉnh, như :

-Bảo vệ an toàn chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai của đ/c TBT Đỗ Mười vào ngày 22/4/1993, khi đó máy bay trực thăng đưa đc TBT lên Lào Cai hạ cánh tại bãi bằng (khởi san lấp từ 26/12/1992) chuẩn bị xây trụ sở Công an tỉnh số 290 đường Hoàng Liên mà từ 2010 là trụ sở Công an thị xã (nay là CA thành phố) Lào Cai;

-Bảo vệ an toàn Lễ cắt băng thông Cầu Kiều, mở lại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sau 16 năm băng giá vào ngày 18/5/1993

-Mở Hội thảo Khoa học thực tiễn chuyên đề: Giám định Pháp y với Điều tra hình sự có 41 đại biểu của các ngành: CA, KS, TA, YT, TP, một số GĐY pháp y và đoàn PC 21 công an tỉnh Yên Bái tham dự.

Khi đơn vị rời điểm tập kết chuyển lên trụ sở chính thức, 1994 ở 290 đường Hoàng Liên, phường Kim Tân thị xã Lào Cai, bên cạnh các lĩnh vực đã từng thực hiện từ trước, năm đầu thực hiện Chỉ thị số 23/CT-BNV ngày 15/12/1993, đã triển khai giám định ma túy, ban đầu chủ yếu với biện pháp so mầu, sau kết hợp với SKLM. Trước kia việc GĐ chất ma tuý chưa tập trung về một mối, bên Y tế cũng tiến hành. Nhưng sau 1995 hầu hết do đơn vị đảm nhận, nhất là từ khi thực hiện chương trình hành động phòng chống ma tuý giai đoạn 1998-2000 (ban hành kèm theo Quyết định số 139/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ), đặc biệt là từ khi có Luật phòng, chống ma tuý (việc GĐ chất MT và sản phẩm của nó trong cơ thể được quy định tại Khoản d, Điều 38) thì đơn vị đã được đầu tư tương đối tốt để triển khai việc GĐ các chất MT thông thường và dấu vết cuả nó trong cơ thể người đã sử dụng. Điều này đã đáp ứng được tính kịp thời, khoa học trong công tác. Việc giám định Giấy tờ xe, tiền nghi giả được triển khai rộng rãi đã góp phần đáp ứng kịp thời các yêu cầu tại địa phương.

Trong thời gian này, một số vụ khám nghiệm, giám định phức tạp được thụ lý đạt kết quả tốt là:

-Vụ nổ tại Mỏ đá Cốc San, Bát Xát xẩy ra ngày 25/5/1994;

-Vụ nổ làm hư hỏng hoàn toàn xe 27A – 22 – 71, chết toàn bộ 18 người đi trên xe sáng sớm ngày 23/4/1995 tại Km 8 đường Lào Cai đi Sa Pa thuộc địa bàn xã Cốc San;

-Vụ tên Hoàng Văn Hữu đã đuổi đâm chết 3 người, bị thương nhiều người xẩy ra tại Gia Phú, Bảo Thắng đêm 29/7/1996;

-Tái giám định giúp xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong vụ hai tên Nguyễn Viết Bộ và Cao Văn Biển hiếp cháu P. T. L ngày 08/12/1997;

- Giám định nửa chừng vụ "lấy bàn là là bàn là", lần đầu tiên gặp ở Việt Nam;

-Phát hiện nhiều Giấy tờ Hải quan, Bằng Tốt nghiệp giả...

Đúng là: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, Bây giờ nhớ lại thấy lâng lâng!

-Lương Đức Mến, tháng 7 năm 2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân