Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Nghĩ về VIỆC ĐỌC, HIỂU VĂN BẢN và ÁP DỤNG

Có thể nói ngay mà không sợ sai rằng, lứa tuổi sinh sau 1945 đa phần là đọc và viết được. Đặc biệt tuổi sinh những năm 195x, 6 x nhất là  từ 197x trở đi phần lớn sử dụng tốt các công cụ liên quan đến CNTT! Tất nhiên, lứa 195x, 196x từng là lãnh đạo có bằng A, B tin học nhưng, ối người điện thoại thông minh chỉ sắm cho oai và máy VT chỉ để chưng và đánh Picachu! Nhưng ngược lại, tôi đã từng đi vùng cao thấy các cháu nhỏ người Hmong khi đi chăn trâu, làm nương, ruộng,…đều dắt theo cái điện thoại thông minh và nhoay nhoáy mở các bài hát, bản tin bản ngữ!

Chính vì thế mà, thời đại @ này “chả có gì dấu được”! Về vấn đề đó, lợi thì thấy nhãn tiền, báo chí nói nhiều nhưng cũng có nhiều cái bất cập. Trong quảng đại quần chúng, kể cả lãnh đạo, nhiều người học hành cái gì cũng “chắp vá”, càng ngày càng ngại đọc, nhất là những bài khô khan, dài! Từ đó vớ thấy điều gì có vẻ “mới”, “lạ”, “hợp gu”,…là tin sái cổ! Nhưng lại  ngại đọc các bài khác, thông tin khác do vậy dễ mắc lừa, a dua, nói theo,… bình luận nhằng! Vì vậy có chủ trương, kết luận, nhận định,…rõ là đúng, đủ, là cần thiết cả về lý luận lẫn thực tiễn lại khó được đám đông “chuẩn tấu” và rồi ý tưởng tốt đẹp đó có khi lại bị “chìm nghỉm”!

Đọc hiểu và vận dụng nó là điều kiện tiếp cận, khả năng xử lý văn bản, hiểu ý nghĩa của nó và tích hợp với những điều đã đọc và hiểu. Các kỹ năng cơ bản cần có để đọc hiểu là biết nghĩa của từ, hiểu ngữ cảnh, khả năng theo dõi, rút ra suy luận từ một đoạn văn về nội dung, …, để hiểu được tâm trạng tình huống mà câu, đoạn văn chuyển tải …và cuối cùng là khả năng xác định mục đích, ý định và quan điểm của người viết, và rút ra suy luận rồi vận dụng vào một hoàn cảnh cụ thể!.

Việc đọc, hiểu, nhớ, cập nhật và vận dụng văn bản vào công việc cụ thể nếu “lệch pha” nhau mà ai cũng muốn tỏ ra “khôn hơn người” thì dễ gây ra những tranh cãi không cần thiết và nếu người cầm trịch không vững rất dễ “vỡ trận”!

Xin lấy ví dụ: đảng viên B. từ 8/2020 chuyển từ một Công ty về Chi bộ K. sinh hoạt. Trong dịp khảo sát vừa qua mới phát hiện ra từ 28/10/2019, B. bị bắt, tạm giữ về hành vi “đánh bạc”; ngày 29/4/2020 Tòa án bằng bản án số 19/2020/HS-ST tuyên B. phạm tội “đánh bạc”,  phạt bằng hình thức phạt tiền với mức phạt là 50.000.000 đ nộp ngân sách. Trước đó, ngày 14/02/2020, cơ quan chủ quản, đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với đc B. bằng hình thức “Sa thải” song tổ chức đảng của Công ty này lại không xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên B.

Khi nhận yêu cầu xem xét, xử lý kỷ luật đv B., trong Chi bộ có nhiều luồng ý kiến khác nhau: nào là vi phạm của đ/c B. ở nơi khác, trước gần 1 năm khi chuyển sinh hoạt tại Chi bộ, nên phải trả về tổ chức đảng quản lý đảng viên B. hồi tháng 10/2019 xem xét xử lý; rồi nếu tổ chức đảng nơi đó không làm thì phải kỷ luật; nào là Bản án số 19/2020/HS-ST không ghi đầy đủ nhân thân B. là thiếu,…; nào là đang dịch giã, bộ Y tế vừa có công điện,…họp chi bộ làm gì!

Quá trình tranh luận diễn ra ngay trong hội ý cấp ủy, trên trang Zalo nhóm của Chi bộ,…Sau đó Chi ủy quyết định đưa ra Chi bộ. Cuối cùng đã thống nhất:

1.Việc sinh hoạt chi bộ thường kỳ, đúng quy định là thực hiện theo nghị quyết của Chi bộ. Điều này không vi phạm thông điệp 5 K và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên bởi chúng ta không tụ tập trên 30 người trong không gian hẹp,…

2.Việc đảng viên B. vi phạm từ 9/2019, đến 9/2020 mới chuyển sinh hoạt về chi bộ mới và tại đây phát hiện vi phạm đó chưa được xử lý về mặt kỷ luật đảng thì nay Chi bộ thực hiện việc xem xét, xử lý là đúng quy định tại các văn bản hiện hành, là: “Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý. Việc kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được tiến hành ở các tổ chức đảng hiện đang quản lý đảng viên đó”.

3. Muốn xử lý phải thực hiện cuộc “kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm” bởi khi nhận giới thiệu sinh hoạt của đc B., chi bộ không biết sự việc xẩy ra, không nắm được hồ sơ và cá nhân đv B. cũng không báo cáo, Chi bộ chỉ nắm được khi có thông báo của UBKT và Đảng ủy cấp trên!

4.Việc tổ chức đảng quản lý đv B. trước đây đã không xử lý kỷ luật đảng đối với đ/c B. không thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý của Chi bộ.

5. Nội dung bản án hình sự sơ thẩm số 19/2020/HS-ST ngày 29/4/2020 của toà án theo đúng quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và  Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của TAND TC nên Chi bộ không có ý kiến, kiến nghị gì.

Sau đó, đc B. và toàn Chi bộ đã thống nhất là Chi bộ K. xử lý và thống nhất hình thức kỷ luật mức CẢNH CÁO theo Khoản 2 Điều 31. Vi phạm về tệ nạn xã hội tại Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên.

Thế mới biết, cuộc đấu tranh làm rõ, chống lại cái sai đâu đơn giản!

Một phần cũng tại cách hiểu, nhớ, cập nhật, vận dụng văn bản vào thực tiễn còn có khoảng cách giữa các cá nhân!

 Nếu cá nhân là người đứng đầu, có vai trò càng cao mà nắm lơ mơ, hiểu sai, vận dụng kém thì rất tai hại! Tiếc rằng, điều đó không phải là không có!

Lương Đức Mến, ngày đầu tháng 5 Tân Sửu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân