Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Thử bàn về TRÌNH ĐỘ VÀ NĂNG LỰC

Tất thẩy những ai khi khai Lý lịch đều ghi rất rõ về trình độ và tổ chức, xã hội, người xung quanh đều biết và nắm rõ điều đó. Nhưng trong thực tiễn, từng người thể hiện mình và mọi người đánh giá mỗi người trong công việc lại là năng lực! Giữa “trình độ” và “năng lực” nhiều khi khá “vênh” nhau!

Tôi nhớ, hồi tôi mới bước một chân vào chốn “quan trường”, trong một cuộc giao ban Xếp tôi đã nói: “các đc cần phải hiểu trình độ với năng lực là khác nhau, đừng tưởng cứ thấy mình có mác Đại học là vênh vang, coi thường người khác” tôi thấy chí lý lắm! Nhưng ngày đó tôi chỉ hiểu lơ mơ là xếp bênh đa phần các lãnh đạo cơ quan ngày đó đâu có mấy người tốt nghiệp phổ thông còn nghiệp vụ thì đa phần là qua vài lớp tập huấn đồng thời xếp đe nẹt những người vừa ở các trường Đại học về, mới được bổ nhiệm!

Mãi đầu những năm 1990, có anh bạn cấp Trưởng phòng còn bảo: nghề chúng ta, mấy thằng Đại học chả biết làm, thua mấy lão lâu năm không học!. Tôi chả biết nói gì bởi chính ảnh cũng mới hết lớp 7 và chẳng có một bằng chính quy nghiệp vụ nào, lên được nghe đâu là có ông nhớn đỡ đầu. Biết thế nên tôi bảo: anh phải đánh giá cũng con người ấy nhưng nếu được qua một lớp bài bản thì hiệu quả công việc sẽ khác hẳn! Anh lặng im.

Thời gian qua đi, tình hình bây giờ khác nhiều. Ai, Cán bộ nào cũng “bằng cấp đầy người”, đơn vị nào cũng trang bị phương tiện tận răng,… nhưng xem ra công việc vẫn chả chạy hơn là mấy!

Đặc biệt ối người chưa phân biệt nổi “trình độ” và “năng lực”!

Trình độ (A: degree, P: degré, H: 程度) là mức, khả năng... hiểu biết cao hay thấp, sâu hay nông về người, sự việc..., về kĩ năng được xác định hoặc đánh giá theo tiêu chuẩn nhất định nào đó. Trên thực tế, người ta hay nói đến trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học, trình độ chính trị,…

Trình độ văn hóa thường được đánh đồng như là trình độ học vấn, cấp độ học tập. Hiểu như vậy không sai nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ. Cấp độ học tập là chỉ kiến thức của người đó tiếp thu được trong quá trình học tập. Người có học vấn cao chưa hẳn là người có trình độ văn hóa cao còn người có trình độ học vấn thấp nhưng ứng xử xã hội chuẩn mực vẫn là người có văn hóa.

Khoảng chục năm gần đây từ nông thôn đến thành thị, từ khu dân cư đến các cơ quan, đơn vị đua nhau bình xét, xếp rồi...đón nhận các danh hiệu văn hóa! Nào là Gia đình Văn hóa, Tổ Văn hóa, Thôn Văn hóa,...rồi Đơn vị Văn hóa, Cơ quan Văn hóa,...Chưa rõ văn hóa đây là văn hóa gì và những chủ thể không đạt chẳng lẽ không có văn hóa ?

Trình độ chuyên môn là cấp độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng như: Sơ cấp, Trung cấp, Công nhân kỹ thuật, Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, …

Trình độ ngoại ngữ: là cấp độ nghe, nói, đọc, hiểu về một ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ. Ví dụ như: Anh C, Pháp B, Nga A,…

Trình độ tin học: ghi trình độ tin học cao nhất phù hợp với văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cấp. Ví dụ như: Tin học Văn phòng A, B, C hoặc Kỹ sư, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Trình độ chính trị là chứng chỉ, bằng mà người học chính trị, lý luận được cấp. Chủ yếu và tiêu  chí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, LLVT. Đó là: Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp hay Cử nhân.

Chú ý rằng căn cứ và số lượng tín chỉ và mức độ kiến thức đạt được mà hiện thời trong hệ thống GDNN chia ra 8 bậc như sau: Bậc 1 – Sơ cấp I (chứng chỉ 1), Bậc II  - Sơ cấp II (chứng chỉ II), Bậc III  - Sơ cấp III (chứng chỉ III), Bậc IV (Trung cấp), Bậc V (Cao đẳng), Bậc VI (Đại học), Bậc VII (Thạc sỹ), Bậc VIII (Tiến sỹ).

Năng lực (A: capability/ ability, P: sommaire/ capacité, H: 能力) là tổ hợp mọi khả năng của con người để hoàn thành một số hoạt động nào đó; hay nói cách khác nó là những kiến thức‚ những kỹ năng cũng như khả năng và hành vi của một người nào đó để đáp ứng‚ thực hiện một công việc‚ nhiệm vụ nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn.

Chú ý rằng: Năng lực không phải là thứ sẵn có mà nó được hình thành‚ qua quá trình học tập‚ rèn luyện tại trường hoặc qua những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống thường ngày của mỗi người. Mức độ năng lực của mỗi người trong xã hội, tuy cùng từ một “lò” ra nhưng là hoàn toàn khác nhau‚ tùy thuộc vào vốn sống‚ sự tiếp thu kiến thức và sự hiểu biết về từng lĩnh vực của mỗi người. Năng lực gắn liền với từng hoạt động cụ thể và được biểu hiện qua cách giải quyết công việc‚ thực hiện nhiệm vụ của mỗi người.

Nó chịu sự chi phối‚ sự ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố như là con người‚ môi trường làm việc‚ môi trường giáo dục‚ …

Muốn tạo ra năng lực bền vững phải luôn tự học, tự đúc rút kinh nghiệm, tìm ra nhu cầu thực tiễn để tìm hiểu và áp dụng. Viết đến đây tự dưng nhớ đến chuyện hồi nọ, có dịp đến thăm một cơ quan mà trước đây mình hay đến thấy mừng khi được các cháu cho biết đã “đại học hóa toàn bộ” riêng lãnh đạo thì “Cao học hết” nhưng qua chuyện trò thì biết hầu như “tại chức” cả và ít người nói đúng mình học hệ “vừa học vừa làm” hay “vừa làm vừa học”. Đặc biết, bàn làm việc nào cũng có máy vi tính nhưng xem ra chỉ để soạn văn bản thông dụng và chơi…picachu. Nếu có tính “nghiệp vụ” hơn là phần mềm viết sẵn của cấp trên! Là tỉnh giáp Trung Quốc nhưng chả ai biết “gõ chữ Nho” nên gặp tên người bên kia sang là chịu chết, chả nhập liệu bằng chữ gốc được!

Từ năng lực, người ta còn đưa ra khái niệm về:

 Tài năng là tổ hợp các năng lực tạo nên tiền đề thuận lợi cho hoạt động sáng tạo và đạt chất lượng, hiệu quả cao; nó còn là một tổ hợp các yếu tố được hình thành bởi trí thông minh, tính sáng tạo, động cơ mạnh và năng lực chuyên biệt vượt trội với các yếu tố môi trường (xã hội, gia đình, trường học và bạn bè). Nó chỉ được rèn luyện, hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người.

Muốn có tài năng phải có năng khiếu và năng khiếu đó được phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo kịp thời. Người có tài năng được gọi là nhân tài. Đó là con người thông minh, giàu tính sáng tạo. Trong những nhân tài đó, ai kiệt suất, có một tổ hợp các năng lực đặc biệt cho phép sáng tạo ra những giá trị mới to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại được gọi là Thiên tài hay Vĩ nhân. Họ là những con người tạo ra bước ngoặt về lịch sử, văn hoá, khoa học của nhân loại và của dân tộc. Số này ít lắm, thậm chí rất ít và thường xuất hiện tại những thời điểm cần thiết!

Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực đại phu 奉直大夫, Hàn lâm viện thừa chỉ 翰林院承旨, Đông các đại học sĩ 東閣大學士 Thân Nhân Trung (申仁忠, 1419-1499) vâng mệnh vua Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460-1497) soạn bài ký cho VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU ĐẠI BẢO NĂM THỨ 3 (1442) 大寶三年壬戌科進士題名記 đặt tại Quốc Tử giám, từ ngày 15 tháng 8 năm 1484 皇越洪德十五年八月十五日 cách đây 537 năm (1484- 2021), đã khẳng định vai trò của nhân tài trong việc hưng thịnh đất nước là  賢材國家之元氣” (Hiền tài quốc gia chi nguyên khí) “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Năng lực là quan trọng nhưng khá trừu tượng và chậm được thể hiện cho nên trước hết phải tính, xét đến kiến thức, tức trình độ. Có một dạo đã ồ ạt đưa cán bộ đã TN Đại học từ huyện, tỉnh về làm lãnh đạo xã. Có người phát huy được (chủ yếu những người học về nông, lâm) nhưng có người được đánh giá thấp (các bác sĩ chẳng hạn) nên hình như nay đã ngừng! Hoặc LLCA đang đưa CA chính quy xuống thay thế LLCA xã “chưa chính quy” mà Hội thảo nào, báo cáo nào cũng đánh giá là tốt. Nhưng xem ra, ngoài việc “mất” biên chế của LLCA xã trước đây còn phải chờ xem năng lực thực tế của các đc CA đưa xuống này. Tôi chưa rõ những CBCS CA vốn được đào tạo và chuyên thực thi các biện pháp nghiệp vụ sâu, công tác đảm bảo, KHKT,…ở các phòng trên tỉnh khi thực thi những công việc “hầm bà làng” của LLCA xã ở cơ sở thì sẽ xoay sở ra sao đây!

Tìm, cất nhắc, sử dụng hiền tài là trách nhiệm của đấng minh quân, của lãnh đạo! Việc cất nhắc, sử dụng con người rất quan trọng và không chỉ chăm chắm nhìn vào bằng cấp (trình độ) mà cần nhìn vào hiệu quả công việc (năng lực). Chả thế mà các cụ ta xưa nói: 用人如用木 “dụng nhân như dụng mộc”, sử dụng con người cũng như chọn gỗ cho từng việc!

-         Lương Đức Mến, sau Tết Nguyên tiêu Tân Sửu 2021-

1 nhận xét:

  1. Chữ trong tranh thứ 3 bài viết ở Blog nhìn từ phải sang, trên xuống là “士者國之寶,儒為席上珍” khi dựng tranh minh họa quên chưa phiên âm, dịch nghĩa. Đọc theo âm Hán Việt là: “Sĩ giả quốc chi bảo, Nho vi tịch thượng trân”, tạm dịch: Trí thức là quốc bảo, Người có học được tôn trọng, xếp vị trí xứng đáng.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân