Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Về NHỮNG TUYÊN BỐ, HÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC, PHÍ LÝ

Những người chân chính, có chút hiểu biết đều biết rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và những tuyên bố, hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh về chủ quyền của họ dối với Hoàng Sa, Trường Sa rõ ràng là ngang ngược, phí lý.
Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng”, cả thế giới đang dồn sức chống đại dịch Covid-19 thì Trung Quốc lại giở trò và có bước leo thang mới càng lộ rõ dã tâm “bành trướng” của họ.
Lịch sử xa xưa, hãy cứ để cho nó tồn tại như đã tồn tại và để các nhà nghiên cứu tìm tòi, phán xét. Thảo dân thấy cần nêu mấy vấn đề sau.
I. NHẮC LẠI MỘT SỐ KHÁI NIỆM CHÍNH TRONG UNCLOS
UNCLOS là chữ viết tắt của United Nations Convention on the Law Of  the Sea tức là  Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Một số nội dung cần nắm trong luật này khi tìm hiểu và lên án, vạch trần những vi phạm của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền” trên các đảo ở Biển Đông:
1. Đường cơ sở (baseline): Do quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo (Philippines, Indonesia, Nhật Bản, v.v...) định ra phù hợp với Công ước, dùng làm căn bản để xác định các vùng biển có chủ quyền. Có hai loại đường cơ sở:
-Đường cơ sở thông thường (Normal baseline) là mức thủy triều trung bình trong nhiều năm ở lúc thấp nhất. Dù đường cơ sở này phản ảnh đúng đắn, tuy nhiên khó áp dụng trong thực tế nên ít có quốc gia nào áp dụng phương pháp này.
- Đường cơ sở thẳng (Straight baselines) là những đoạn thẳng nối những điểm ngoài cùng của  lãnh thổ ra hướng biển, khi thủy triều trung bình trong nhiều năm ở lúc thấp nhất. Đây là phương pháp phổ biến nhất mà các quốc gia áp dụng. Việt Nam hiện đang áp dụng phương pháp này với 11 điểm nối các đoạn thẳng thành đường cơ sở.
Đường cơ sở dùng làm căn bản để phân định các vùng biển khác liên quan đến chủ quyền của  một quốc gia.
Nội thủy (internal waters) là vùng biển từ đường cơ sở đến lãnh thổ của quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo.
2. Lãnh hải (territorial sea): Khoảng cách 12 hải lý từ đường cơ sở ra hướng biển cả là vùng lãnh hải, quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo có hoàn toàn chủ quyền về vùng biển này, tuy nhiên không tuyệt đối. Tàu bè dân sự được hưởng quyền “qua lại không gây hại” (Innocent passage) .
3. Vùng tiếp giáp lãnh hải (contiguous zone) Khoảng cách 24 hải lý từ đường cơ sở ra hướng biển cả và khoảng cách 12 hải lý từ vùng lãnh hải. Quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, để ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải cảng, thuế khóa, y tế hay nhập cư.
4. Vùng độc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ) Khoảng cách không quá 200 hải lý từ đường cơ sở ra hướng biển cả. Quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo có quyền quản trị, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong lòng biển cũng như đáy biển, có quyền thiết lập và sử dụng các đảo nhân tạo, các hệ thống máy móc và các công trình kiến trúc trong vùng EEZ- có quyền nghiên cứu về khoa học biển- bảo vệ và giữ gìn và  môi trường biển. Khi có tranh chấp về việc chồng lấn về vùng EEZ thì việc này “phải được giải quyết trên căn bản công bằng và chú ý đến tất cả mọi hoàn cảnh thích đáng” .   
5. Thềm lục địa (continental shelf)
Thềm Lục-địa giới-hạn theo UNCLOS bởi một trong những điều kiện sau:
- Đường giới hạn
+ Khoảng cách không quá 350 hải lý từ đường cơ sở ra hướng biển cả.
+ Cách 100 hải lý đường nối liền  các điểm có độ sâu 2500 m
- Đường công thức:
+ Theo cách Hedberg:  Từ đường nối các điểm chân dốc thềm lục địa (foot of continental slope) không quá 60 hải lý.
+ Theo cách Gardiner:  Từ đường nối các điểm nới có độ dày đá trầm tích (Sediment thickness) 1%,  không quá 60 hải lý.
Nếu rìa lục địa theo tính cách địa lý nằm dưới khoảng cách 200 hải lý từ đường cơ sở, thì thềm lục địa theo tính cách pháp lý là 200 hải lý tính từ đường cơ sở. 
Các quốc gia ven biển có thể kết hợp các cách thức trên để có lợi nhất cho mình. Quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo có thể thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong lòng biển cũng như đáy biển trong vùng Thềm Lục Địa theo tính cách pháp lý.
(Xem A1)
II. QUYỀN VÀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
1.Tài liệu lịch sử của Việt Nam và thế giới, kể cả của Trung Quốc đều chứng tỏ rằng: Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Đặc biệt, trong khi tập trung mọi cố gắng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 4/4/1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bản Mật lệnh số 990B/TK gửi Chính ủy Quân khu 5 và nhiệm vụ thiêng liêng GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA được giao cho Đoàn 125 và Đoàn đặc công 126. Đúng 5 giờ sáng 14/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây!. Việt Nam thực sự làm chủ Trường Sa.
2. Những lần cải cách hành chính từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, không khi nào Chính phủ Việt Nam không chú ý đến 2 quần đảo này. Gần đây nhất:
-Huyện đảo Hoàng Sa, được thành lập từ tháng 01/1997, thuộc thành phố Đà Nẵng, bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, cồn Bông Bay, cồn Quan Sát, cồn cát Tây, đá Chim Yến.
- Ngày 11/4/2007, Chính phủ Việt Nam thành lập thị trấn Trường Sa và hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa. Các thị trấn và xã này được thành lập trên cơ sở các hòn đảo cùng tên và các đảo, đá, bãi phụ cận. Với Trường Sa, LLHQ ta đã kiên cường, khắc phục mọi khó khăn để chốt giữ, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân. (A2)
III. TRUNG QUỐC VÀ SỰ LEO THANG NGANG NGƯỢC.
1.Tư liệu lịch sử chính thống của các nước đều minh chứng: Trung Quốc chưa từng chiếm hữu bất cứ lãnh thổ nào ở biển Đông, kể từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Bản đồ của Trung Hoa thời nhà Thanh, điểm cực nam chỉ tới hết đảo Hải Nam.
Cái gọi là Đường chín đoạn九段线, còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín khúc, là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền và cũng “mới” xuất hiện từ 1959. Hơn nữa, “đường lỡi bò” này mới được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc中華民國của Tưởng (蔣中正, 1887-1975) công bố vào tháng 12/1947. Đồng thời tới ngày 01/12/1957, Tưởng Giới Thạch ký sắc lệnh là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Hoa Dân Quốc và đặt tên các đảo bằng chữ Hán.
2. Cái “thâm” của Trung Nam Hải là ủ mưu từ rất lâu và thực thi việc gặm nhấm khá bài bản.
-Mở đầu, giữa lúc Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm, đang tạp trung đáu tranh thống nhất đất nước, cần tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của Trung Quốc thì  ngày 04/9/1958 Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về lãnh (A3) trong đó đã nêu: “Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa东沙群岛, quần đảo Tây Sa西沙群岛, quần đảo Trung Sa中沙群岛, quần đảo Nam Sa 南沙群岛, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
-Sau đó, ngày 19/01/1974, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của VNCH  bằng vũ lực và hiện đang chiếm đóng quần đảo này đến ngày nay.
-Ngày 25 tháng 4 năm 1983, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã công khai danh sách 287 địa danh thuộc biển Đông, trong đó có tổng cộng 193 địa danh liên quan đến quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam). Từ đó, Việt Nam và Trung Quốc có đụng độ vũ trang trên biển về quyền kiểm soát đá Gạc Ma, đá Cô Lin và đá Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.
-Cao điểm là sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đổ quân tấn công Hải Quân Việt Nam đáng bảo vệ và xây dựng công trình trên các bãi đá. Do ưu thế vượt trội về quân số và hỏa lực, Trương Quốc đã chiếm được bãi đá Gạc Ma. Do vậy trận này thường được gọi là Chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền-88) còn tài liệu Trung Quốc gọi là Xích Qua tiêu hải chiến 赤瓜礁海战, Nam Sa chi chiến 南沙之戰  hoặc "3·14" hải chiến ("3·14"海战).
3. Từ đó cho đến hiện nay, hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Ngày 24/7/2012 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 中华人民共和国 tuyên bộ thành lập một thành phố cấp địa khu 地区级là Tam Sa 三沙市trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm (nhóm đảo An Vĩnh Amphitrite Group) Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng永興島) để quản lý một khu vực trên Biển Đông mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền, bao gồm:
-Quần đảo Hoàng Sa Paracel Islands (Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa西沙群岛),
-Quần đảo Trường Sa Spratly Islands (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa南沙群島), bãi Macclesfield (A: Macclesfield Bank, H: 中沙群岛)
- và bãi cạn Scarborough (A: Scarborough Shoal, H: Hoàng Nham đảo黄岩岛) mà Trung Quốc gọi chung là quần đảo Trung Sa 中沙群岛) cùng vùng biển xung quanh.
Theo phân cấp hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tam Sa là một địa cấp thị地级市 thuộc tỉnh Hải Nam 海南.
4. Gần đây nhất, hôm thứ Bảy ngày 18/4/2020 vừa qua, Bộ Dân chính  民政部Trung Quốc thông báo: Quốc vụ viện (国务院, chính phủ) gần đây đã phê chuẩn việc thành lập các quận đảo Tây Sa 西沙郡 và Nam Sa 南沙郡 thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Liền sau đó, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên tự tiện công bố cái gọi là 'danh xưng tiêu chuẩn' của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. (A4)
Trung Quốc thông báo sẽ “đặt” quận lị “quận Tây Sa” tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, còn “quận Nam Sa” đặt  trên đá Chữ Thập Fiery Cross Reef (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử tiêu永暑礁) , một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa.
Như vậy cả 2 “quận lị” của 2 “quận đảo” do Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập đều nằm trên 2 huyện đảo của Việt Nam. Trong lịch sử, đảo Phú Lâm mới được Trung Hoa Dân Quốc (do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo) lấy lý do giải giới quân Nhật (đã rút khỏi đây từ trước), mang quân lên chiếm đóng vào ngày 13/7/1947 và đã rút khỏi đây từ 04/1950.
IV. CHÂN LÝ SẼ THẮNG
Với lợi thế “đất rộng người đông”, Trung Quốc đã trỗi dậy nhanh chóng cả về tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.
Việt Nam có lẽ phải đấy nhưng việc lấy lại Hoàng Sa và một số đảo, bãi đá ngầm thuộc Trường Sa bằng sức mạnh quân sự lúc này là không thể! Nhưng thế lực xấu ra rả đòi “đánh”, nhưng uýnh thế nào, uýnh bẳng cái gì thì chúng lảng!
Việc tụ tập, biểu tình hô hào, “đả đảo”, tăng cường “chửi bới” trên MXH nếu thực tâm, thực sự yêu nước, có trách nhiệm thì cũng chỉ là cách thể hiện thôi chứ lời chọc gậy đâu dùng làm “mưu lược nhà binh”? Mấy băng rôn sao xua quân bành trướng!
Giữa những lúc như thế này, lòng dân phải càng được quy tụ, tin vào sự lãnh đạo, sự chèo lái của Trung ương! Chúng ta có quyền hiến kế nhưng phải đúng lúc, đúng nơi.
Có lẽ hơn lúc nào hết, sức mạnh của cả hệ thống, cuộc chiến tranh nhân dân lại cần được phát huy, tất nhiên trên tầm cao mới! Bám biển, giữ đảo, đó là yêu cầu, là lẽ sống! Biển của ta, đảo của ta, tầu của ta,…sao không được đầu tư, trang bị tốt hơn, đủ sức giữ biển, giữ đảo, hành nghề và đập tan, đuổi bọn gây hấn cút ra xa.
Bài học của những Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân xưa không bao giờ cũ!

-         Lương Đức Mến, 22/4/2020 (sưu tầm và biên soạn, BĐ lấy trên mạng-

1 nhận xét:

  1. Tố cáo ngược: https://vn.sputniknews.com/vietnam/202004218956377-trung-quoc-to-viet-nam-xam-luoc-bien-dong-tay-sa-va-nam-sa-chi-la-khoi-dau/

    Trả lờiXóa

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân