Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Đọc Nhị độ mai NGẪM CHUYỆN NAY

Nắng, nóng chả ra ngoài! Ngồi rồi nhưng tiểu thuyết, chuyện mới chả muốn đọc, tin tức thì càng xem càng nóng hơn nên lần dở đọc lại các truyện cổ. Tự dưng lại vớ ngay NHỊ ĐỘ MAI! Truyện này, cùng với HOA TIÊN, tôi đọc từ cuối những năm 1960 khi trọ học Cấp 2 ở nhà một anh bạn có người anh học cao nhất xã Phong Niên hồi đó!
1. NHỊ ĐỘ MAI (貳度梅, Hoa mai nở hai lần) là truyện thơ Nôm Việt Nam của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA NHỊ ĐỘ MAI 忠孝節義二度梅 kể lại cuộc đấu tranh chống bọn gian thần Lư Kỷ và Hoàng Tung đời Đường ra đời thời Minh – Thanh bên Tầu.
Nguyên tác và bản diễn Nôm đều lấy nhan đề là "Nhị Độ Mai", vì trong truyện có đoạn hoa mai nở hai lần, được truyền làm giai thoại.
Truyện thơ Nhị độ mai rất có thể ra đời ở thời thịnh vượng việc dịch tiểu thuyết chữ Hán sang tiếng Việt vào thế kỷ 19. Truyện được chia làm 7 hồi (trừ 14 câu đầu tác giả nói về lẽ báo ứng của trời, và một đoạn cuối là những suy nghiệm của tác giả). Có thể nói đay là một cuốn luân lý khuyên người ta nên theo luân thường, nên giữ trọn những điều trung, hiếu, tiết, nghĩa.
2. Cốt truyện là những nỗi gian truân của hai gia đình, họ Mai và họ Trần diễn ra vào thời Đường Đức Tông (唐德, 780-805).
Khái lược: vào thời đó, Vua là kẻ hôn quân, Lư Kỷ là kẻ gian thần nắm quyền thế “Ngang vua phú quý nghiêng trời uy linh” đã tìm mọi cách hãm hại người ngay thẳng.
Mai Bá Cao là một ông quan thanh liêm, trung trực, đấu tranh chống bọn quyền thần Lư Kỷ, Hoàng Tung nên bị vu oan dẫn đến bị xử tội chết, vợ con phải trốn tránh, gia đình tan nát. Con trai là Mai Lương Ngọc bị gia đình người yêu cũ Hầu Loan phản bội, buồn tủi tự vẫn, may được nhà chùa cứu thoát, giả làm Hỷ Đồng giúp việc trong chùa.
Trần Đông Sơ là bạn của Mai Bá Cao, gặp Hỷ Đồng mượn về trông nom vườn nhà. Trần công thương nhớ bạn cũ bèn khấn trời cho hoa mai nở. Nhưng hoa không nở. Hôm sau, con gái Trần Công là Trần Hạnh Nguyên khấn cầu thì hoa nở rộ. Nhân việc Hỷ Đồng đề thơ lên vách mà Trần công nhận ra Hỷ Đồng chính là Mai Lương Ngọc, cả nhà vui mừng khôn xiết và gả Hạnh Nguyên cho Lương Ngọc.
Nhưng khi đó Lư Kỷ tâu xin vua đem Hạnh Nguyên đi cống vua nước Sa Đà để cầu hoà. Giữa đường Hạnh Nguyên nhảy xuống sông tự vẫn, trôi dạt vào nhà Mai Bá Phù, được gia đình tiểu thư Châu Vân Anh cứu nạn.
Khi nhà Trần công bị truy nã, em trai Hạnh Nguyên là Trần Xuân Sinh, cũng lưu lạc còn Lương Ngọc chạy vào nhà Mai Bá Phù.
Mai Lương Ngọc đổi họ tên là Mục Vinh, Trần Xuân Sinh đổi tên là Khâu Khôi đi thi. Mục Vinh đỗ Trạng nguyên, Khâu Khôi đỗ Bảng nhãn, nhưng vẫn bị Lư Kỷ, Hoàng Tung hãm hại. Sĩ tử kinh thành thấy chuyện bất bình, đánh hai tên gian thần. Nhà vua gọi hai bên vào và sự thật được vạch rõ.
Vua Đường biết được tội lộng hành của bọn Lư Kỷ, Hoàng Trung, ra lệnh chém đầu. Hai gia đình họ Mai, họ Trần được vua truy phong, ban chức. Mai Lương Ngọc kết hôn với Hạnh Nguyên và Vân Anh, Xuân Sinh kết hôn với Ngọc Thư và Vân Tiên. Hai gia đình sống hạnh phúc lâu dài.
Như thế, câu chuyện xoay quanh hệ thống nhân vật phong phú, sinh động, thuộc nhiều tầng lớp: vua chúa, văn thần, võ tướng, kẻ sĩ tài danh, công tử ỷ quyền cậy thế, sư sãi, nhà chài, đặc biệt có hình tượng nhà Nho nghĩa khí và người phụ nữ tài sắc, đức hạnh. Các nhân vật này có thể phân ra làm 2 tuyến: một bên là những vai trung chính, dù gặp hoạn nạn cũng không đổi lòng, sau được vẻ vang sung sướng; một bên là nhũng vai gian ác, tuy được đắc chí một thời, sau cũng phải bị tội vạ, khổ sở, để tỏ cho người đời nhận biết cái lẽ báo ứng của trời:
Ngàn xưa mấy kẻ gian ngay,
Xem cơ báo ứng biết tay trời già.
...
Thế rồi trời cũng có mình,
Lo gì phúc hậu, công danh kém người.
Nhị độ Mai được viết bằng thể thơ Lục bát với lời thơ trong sáng, lưu loát, nhuần nhị.
Từ nội dung, cốt truyện, nhân vật… mượn và bám sát nội dung tiểu thuyết chữ Hán, nhưng tác giả diễn Nôm đã gạn lọc để cô đọng các tình tiết, khéo léo sửa chữa các sơ hở, khuyết điểm, gia thêm sắc thái cá biệt lí thú, và nhất là chú ý tới chiều sâu tâm lí ,... khiến cho tính cách, tâm trạng… các nhân vật trở nên sống động lại trau chuốt về ngôn từ nên hơn hẳn bản truyện gốc.
Như vậy, sau Truyện Kiều, Nhị độ mai là một trong những truyện Nôm tiếp thu đề tài, cốt truyện từ văn học Trung Quốc, nhưng có giá trị sáng tạo nghệ thuật, cả về phương diện nội dung lẫn hình thức.
3. Nói đến nhà Đường (唐朝, 618–907) thông thường ta biết đến đó là một đế chế rộng lớn, hùng mạnh, phát triển và bành trướng; biết đến Dương Quý Phi (楊貴妃, 719 756); nghĩ tới loạn An Lộc Sơn (安祿山, 703 - 757); nhớ đến Thiên Hậu 天后Võ Tắc Thiên (武則天, 624 – 705);...qua các cuốn phim cổ trang và chuyến đi thỉnh kinh của Đường Tăng (唐僧, 602–664) qua tác phẩm Tây Du Ký 西游记.Về văn hóa, chúng ta biết đến Thơ Đường 唐詩 với những tác giả trứ danh như: Lý Bạch (李白, 701 - 762), Đỗ Phủ (杜甫, 712 770) và Bạch Cư Dị (白居易, 772 - 846).
Người Việt biết chút lịch sử nhớ đến nhà Đường là nhớ đến việc cai trị, chia nước ta ngày đó thành 12 châu với 53 huyện và 41 châu Kimi 羈縻 cùng chức An Nam đô hộ Phủ安南都護府; nhớ đến các cuộc khởi nghĩa, của Vua Đen Mai Thúc Loan (黑帝梅叔鸞, ?–722), của Bố Cái Đại vương 布丐大王 Phùng Hưng (馮興, 761-802); biết đến chuyện trấn yểm của Tiết độ sứ 節度使 Cao Biền (高駢, 821 – 887, ).
Nhưng còn nhiều chuyện khác nữa mà chúng ta ít quan tâm.
Đó là thời kỳ bối cảnh của truyện Nhị độ mai. Thời này, triều đình có chính sách sai lầm, Vua ngày càng trở nên sa đọa, xa xỉ lãng phí, dành sự tin tưởng quá mức cho các hoạn quan, xa lánh đại thần có công, khiến nạn hoạn quan tham chính được dịp nổi lên. Do vậy lòng người ly tán, xã hội bất an, gây ra loạn Tứ trấn (四鎮之亂, 781) rồi  Sự biến Phụng Thiên (奉天之難, 10/783 - 7/784),...
Trong khi đó, Tể tướng Lư Kỷ (盧杞, ?- 785, thay Thôi Hựu Phủ từ 781, làm đến 784) gièm pha và xúi giục nhà Vua hạ bệ rồi giết Tể tướng Dương Viêm (杨炎, 727-781); đuổi các đại thần Nhan Chân Khanh (颜真卿, 709-785), Trương Dật (张镒, ?-783) và Thôi Ninh (崔寧, 723-783); khuyên Đức Tông không nên khoan dung mà phải nghiêm khắc với kẻ dưới; tiến cử người cùng cách làm quan và triều chính nằm gọn trong tay Lư Kỷ. Nghe theo Lư Kỷ, Đường Đức Tông cho khôi phục lại thuế gian trá và trừ mạch tiền, lại còn khuyến khích người dân báo cáo về việc trốn thuế của nhau, khiến dân chúng tức giận.
Đây chính là mầm mống làm nhà Đường suy yếu rồi tàn vong vào năm 907 dưới triều Đường Ai Đế (唐哀帝, 892 – 908).
4.  Nhị độ mai đã khái quát lịch sử giai đoạn trên và quy tội cho Thừa tướng Lư Kỷ bằng bằng 4 câu (34 đến 37), nguyên văn chữ Nôm như trong ảnh kèm bài viết, được phiên âm ra chữ Quốc ngữ là:  
Bấy lâu Lư Kỷ tướng công,
Tuy quyền tước nhớn mà phong độ hèn.
Túi tham của đút chặt lèn,
Dung bên gian đảng ghét bên hiền tài.
5. Nay tôi xin phép được “dị bản” cho hợp thời như sau:
Hại thay nhiều bậc tướng công:
Chức quyền tuy lớn nhưng phong độ hèn.
Túi tham cố nhét, cố lèn,
Gần bên xu nịnh, lánh bên hiền tài.

- Lương Đức Mến, ngày nắng nóng Hè 2018-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân