Ngày 23/02/2013 tôi 58 tuổi, đến hạn tuổi cao nhất phục vụ
trong CAND nên từ giữa năm 2012 tôi đã phân nhiệm việc điều hành đơn vị cho cấp
phó trực tuần, không ký các KLGĐ nữa, trừ những trường hợp thật cần thiết. Và đến
hôm nay đã nhận Quyết định, lĩnh lương hưu sang năm thứ 4
Hôm nay, trong buổi gặp mặt này, được Ban tổ chức giới thiệu, xin phép các
đ/c lãnh đạo và các đồng chí có 3 nhóm ý kiến.
Thứ nhất: Xin khẳng định rằng trên thế giới việc Hình
thành, phát triển KHHS trở thành một ngành khoa học độc lập trên thế giới là một
tất yếu, khách quan từ rất lâu. Điều đó có Cơ sở khoa học đầy thuyết phục, từ
những người đặt viên gạch đầu tiên như Imhotep (2650-2600 tCn), Hippocrates (460
tCn- 370 tCn), Julius Caesar (100-43
tCn)...Sau đó nó phát triển trong thời cận đại và đến thời hiện đại nó
chính thức trở thành ngành khoa học độc lập khởi đầu từ “nhân trắc học” (anthropometry) gắn với công lao của
Alphonse Bertillon (1853-1914). Sang
thế kỷ XXI và hiện nay tất cả những thành tựu mới nhất của KHXH&NV,
KHTN&CN đều được KHHS nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ cho cuộc
đấu tranh phòng, chống tội phạm và nó phát triển không ngừng.
Ở Việt Nam, phải tới những năm 1955-1960 thì vai trò của
KTHS mới được chính thức ghi nhận. Nhưng biện pháp này đã được chúng
ta triển khai ngay từ khi Cách mạng mới thành công với Ban Căn cước gồm
những CBCS chiếm lĩnh phòng hồ sơ, bộ phận căn cước của Sở Liêm
phóng và một số người lưu dung. Từ đó, lực lượng này đã trưởng thành cùng với
quá trình vận động của công cuộc kháng chiến kiến quốc, đấu tranh thống nhất đất
nước, bảo vệ tổ quốc và xây dựng CNXH.
Lào Cai (cũ),
cũng như các địa phương khác, ban đầu bộ phận KTHS trực thuộc Ban Trị
an hành chính. Khi trên Bộ thành lập Cục Kĩ thuật nghiệp vụ thì từ
1962, bộ phận KTHS tách về Phòng Kĩ thuật nghiệp vụ theo Thông tư số
88/TCCB. Trong những ngày khởi lập đó, lực lượng KTHS chủ yếu thực
hiện việc KNHT và lập CCCP đã có những đóng góp vào công tác chung
của Ty CA Lào Cai: tham gia KNHT sớm tìm ra thủ phạm sát hại lẫn nhau
giữa 2 con bạc xẩy ra vào một đêm tháng 2/1947 ở Phố Tèo, Tx Lào Cai,
kịp thời chặn đứng được ý đồ kẻ địch lợi dụng vu khống để kiếm cớ lật đổ chính quyền dân chủ non
trẻ.
Tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập, Bộ Nội vụ có Quyết định số
339/NV-QĐ ngày 28/01/1976 thành lập Ty CA
Hoàng Liên Sơn với 20 phòng, ban. Khi đó, bộ phận KTHS thuộc Phòng
Trinh sát kĩ thuật bao gồm những cán bộ làm công tác này của Ty Công an Lào
Cai (anh Hồ Sĩ Tam...), Nghĩa Lộ (anh Nguyễn Huy Triều...), Yên Bái (Uẩn,...) gọi tắt là Đội 5 đã sớm đảm
nhiệm chức năng ngay từ những ngày đầu. Khi triển khai Nghị định
250/CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng
Chính phủ, tại Công an HLS, ngày 10/7/1981 Thứ trưởng Trần Đông kí
Quyết định thành lập Phòng Điều tra xét hỏi-Kĩ thuật hình sự, lực
lượng KTHS (Đội 5) chuyển về phòng này được biên chế trong lực lượng
Cảnh sát và công tác KTHS đã được thống nhất từ TW tới địa phương. Đến
tháng 5/1985 Phòng KTHS Công an Hoàng Liên Sơn được thành lập và sau đó cá
nhân tôi được đề bạt trưởng phòng này thay anh Hoàng Sáng bởi QĐ số 04 CAQĐ do
GĐ Hoàng Tuyển kí ngày 25/4/1990. Trước đó tôi đã được UBND tỉnh Hoàng Liên
Sơn bổ nhiệm PTP Điều tra xét hỏi ở tuổi 29.
Sau khi có Nghị quyết ngày 12/8/1991 của Quốc hội, ngày 04/9/1991 Bộ trưởng
Bộ Nội vụ có Chỉ thị số 04 CT/BNV(V11) về các mặt công tác công an thực hiện
Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới một số tỉnh thành. Sau đó Bộ có
Quyết định số 150/QĐ-BNV ngày 16/9/1991 về bộ máy Công an tỉnh Lào Cai, Yên
Bái. Theo đó, bộ máy của CA tỉnh Lào Cai có 20 phòng nằm trong 2
BCHANND, BCHCSND và các phòng trực thuộc.
Trong 20 phòng ban ngày đó có phòng KTHS PC21 thuộc BCHCS với Trưởng phòng là Đại úy
Lương Đức Mến (QĐ số 38 do kí ngày
21/9/1991) và có 6 CBCS (QĐ số 36
kí ngày 10/9/1991). Từ đó đến nay đã 26 năm nhiều phòng được tách nhập,
thay nhiều đời TP, duy nhất KTHS vẫn là một phòng độc lập, tuy có thay phiên hiệu
từ PC21 sang PC54 và mới có TP đời thứ 2!
Từ đó đến nay có chuyển đến, tuyển dụng mới, chuyển đi, chuyển
vùng và xuất ngũ, đơn vị được trang bị tương đối đầy đủ các phương
tiện chuyên dùng cần thiết , triển khai đủ các bộ môn nghiệp vụ theo
phân cấp. KLGĐ của đơn vị thực sự có uy tín đối với các Cơ quan THTT.
Liên tục đạt ĐVTT, nhiều năm được UBND tỉnh và Bộ Tư pháp tặng Bằng
khen.
Thứ hai, về cá nhân, Tính đến khi nghỉ hưu, 40 năm trong LLVT (1973-2013, có 8 năm đi học tại trường CA và
QĐ), 32 năm (1981-2013) đứng
trong đội ngũ KTHS với nghề lao động đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là
Pháp y (loại V, loại VI theo Danh mục quy
định tại Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29 tháng 01 năm 1997 của Bộ Lao động-
Thương binh và Xã hội), 29 năm (từ
1984) trên cương vị lãnh đạo trong đó có 23 năm (từ 1990) là Trưởng phòng; nhiều khóa tham gia BCH Đảng bộ, UBKT Đảng
ủy, liên tục là Bí thư Chi bộ từ 1985; 8 năm là Ủy viên Thường trực HĐPY tỉnh (1982-1990), tham gia BCH Hội Pháp y Việt
Nam Khóa I...Nhìn lại thấy cũng đã làm được một số việc tuy nhỏ bé nhưng là những
viên gạch, hạt cát đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của
lực lượng KTHS-PY nói riêng và Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng như Lào Cai nói
chung sau này. Tôi vui vì sự đóng góp của mình đã được đơn vị, CA tỉnh, tỉnh, Bộ
Công an và Nhà nước công nhận; đồng đội, đồng nghiệp biết đến. Đó là từng được
tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen của
các ngành, các cấp; nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, CSTĐ toàn lực lượng
và CSTĐ cơ sở; chưa bị kỷ luật thành văn. Lãnh đạo đơn vị liên tục đạt Tiên tiến,
nhiều năm đạt Quyết thắng. Rồi những danh xưng không chính thức, như “Mến còi”,
“Trưởng bản”, “Chuyên gia phát biểu, sửa văn bản”, “Trưởng phòng đòi hỏi chính
sách”...là “thương hiệu” mà đồng đội ban tặng.
Với tính thẳng, dám nghĩ, dám làm, dám nói; được đào tạo cơ bản lại là con
trưởng, trưởng chi, trưởng ngành rồi làm Trưởng phòng đến ngót 30 năm nên cũng
có những vị lãnh đạo, đồng cấp và thuộc cấp không mấy ưa, có người còn cho là
“ngang”, “nói liều”, “suồng sã”, “cãi lãnh đạo”. Nhưng nhìn lại tôi không có ân
hận, hối tiếc gì.
Nhân đây tôi
muốn ôn lại rằng: tôi là một trong số 20 người mà cách đây 43 năm đang học tại
Trường CSND ở Suối Hai, có người vào năm 1973 (K17), người vào năm 1974 (K18)
thì tháng 5/1974, Bộ cho ôn thi Đại học. Lúc đầu có 300, sau chọn được
120, rồi còn 60. Vừa học nghiệp vụ, vừa ôn cả ở 3 khối: A, B, C.
Trong khi chờ
kết quả thi Đại học, tháng 8/1974 chúng tôi được chọn đi lao động xây dựng
Lăng Bác (Công trường 75808).
Ngày
18/9/1974 20 học viên (K17, 18 TCSND và
D5, D6 ĐHAN) trên 19 điểm tập trung tại C500 (Học viện An ninh ngày nay). Tại đây chúng tôi được nghe ông
Quách Quí Hợi (Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ
Bộ Công an) phổ biến giao nhiệm vụ.
Theo đó, ngành
CA có kế hoạch xây một BV “kiểu mẫu” trên Tam Đảo . Bọn tôi thuộc diện
đào tạo cho kế hoạch này: mỗi năm 20 người, 5 khoá đủ 100 nên theo QĐ của Bộ, những người đỗ vào Đại học đều vào học
tại Đại học Quân y (dù thi khối A, C
hay B). Ông còn yêu cầu chúng tôi cố gắng học tập trở thành Bác sĩ giỏi còn
phải phấn đấu trở thành Đảng viên (ngày
đó các trường đại học chưa chú trọng vấn đề này), trở thành một sĩ quan có
bản lĩnh.
Nghe thế, những
thanh niên mới lớn như chúng tôi rất phấn khởi, tin vào tiền đồ của mình và ai
cũng nung nấu một quyết tâm, nuôi dưỡng một hoài bão.
Nhưng khi 20
chúng tôi tốt ngiệp, nhận bằng (03/1981)
thì là lúc “anh bạn lớn” trở mặt mạnh, thủ đô không thể vượt phía Bắc
sông Hồng được, nên KH xây BV lớn của CA dừng lại. Bọn tôi đâm ra “ế” !
Chưa có lực lượng nào bên CA nhận, nhưng cũng chưa ái có ý kiến cho chúng
tôi “tự liên hệ công tác” như những năm sau 1990s.
Tiến sĩ
Nguyễn Văn Hùng khi đó đang muốn khuyếch trương ngành Pháp y CAND, được
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ủng hộ việc đưa các Bác sĩ trẻ này về đấy. Thế
là từ 01/4/1981 tất cả 20 chúng tôi có quyết định về Viện Khoa học
hình sự (khi đó có mật danh D44 còn
chưa thuộc LLCSND và đóng quân khắp các Đền, Chùa Hà Nội tuy có trụ sở chính
do CHDC Đức viện trợ xây ở Gia Khánh, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Trước mắt chúng
tôi ở Nhà khách Bộ (17 Nguyễn Thượng
Hiền). Chính tại đây, tháng 8/1981 tôi được thầy Hùng dẫn đến gặp đ/c Phạm
Kham giám đốc CA HLS đang về Bộ họp để giới thiệu về HLS (hợp lý hóa gia đình) để tháng 11 tôi về nhận công tác tại đây và được
điều về PC16-21.
Thế là trong
suốt 6 năm học chúng tôi chưa từng được nghe giảng, xem thực tế, thực hành một
tiết nào về Pháp y lại được gom tất cả vào chuyên ngành chẳng ai ngờ và ít người
biết đến này. Đúng là:
Tuổi thơ trải lắm chông gai,
Thi Vô tuyến Điện lại ngồi Quân y .
Những gì mài đũng nhẵn lỳ,
Ra trường chẳng dụng - khó bề sở xoay.
Đến nay, trong
số 20 SVCA học ĐHQY đến nay có 4 chuyển ngành, 1 mất nhưng lại bổ sung 5 từ
Quân đội chuyển sang nên tổng số Bác sĩ trong CAND từ lò luyện ĐHQY đến nay vẫn
là 20! Một sự trùng hợp lý thú!
Thứ ba, Đối với các CBCS trẻ, tôi xin có đôi
lời tâm sự:
1. Là người cùng với 9/20 BsK69ĐHQY gắn bó hơn 30
năm với công tác (dù trực tiếp hay gián
tiếp) mà trong những năm tháng “mài đũng quần trên giảng đường” chưa được học,
nếm trải đủ những nhọc nhằn, căng thẳng và sự thiệt thòi của nghề cũng như những
quan niệm bất cập, mâu thuẫn nhau của những người có quyền nay ngồi soạn bài
phát biểu theo yêu cầu của đ/c kế nhiệm tôi “thấu cảm” rằng:
- Rõ ràng
ngành và nghề chọn chúng tôi chứ tôi cùng 20 bạn học trường CA năm 1974 đâu có
chọn Y, lại càng không chọn Pháp y và KTHS!
- Trong ngành Y có một bộ phận, trong CA có một
lực lượng ít được xã hội biết đến, muốn con em vào. Đó là Pháp y và KTHS, một
chuyên khoa đòi hỏi nhiều chất xám, trách nhiệm pháp lý lớn nhưng người dân, cơ
quan quản lý, cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa hiểu hết đóng góp của nó với cuộc
sống do vậy chưa có sự đánh giá, đầu tư, quan tâm, vinh danh, đãi ngộ đúng mức.
Nhiều bạn chuyển ngành, sang sân khác là hợp lẽ!
- Nếu cứ tình
trạng này thì sớm muộn nghề này sẽ “teo” dần trong khi nhu cầu ngày càng cao!
Do vậy, hồi đương chức, có lần tôi đã ao ước:
Đã điều tra phải cần bổ trợ, có luật sư và có pháp y;
nên dẫu yếu vẫn cần khai triển, đành vừa làm lại vừa củng cố.
Trách ai khiến tình hình phức tạp, án mỗi ngày tăng;
trách người xui chậm chạp triển khai, tiền bay theo gió.
Phải biết thương cho người giám định, động viên kịp thời mới gọi
là khôn;
chớ nghe theo cái đám thầy dùi, mải lo thành tích án sẽ mau xếp
xó.
Thà tốn mà được kết luận hay, đảm bảo nghiêm minh mới rõ là
vinh;
hơn còn mà gặp nhận định sai, chắc chắn oan sai thì càng thêm khổ.
2. Nếu cần một
lời khuyên, tôi xin lưu ý rằng: nghề KTHS, PY rất khó HTNV chứ chưa nói HTXS nếu
chúng ta không có tâm huyết, không chịu khó học hỏi, tự học, tự nâng cao kiến
thức; nghề của ta tuy khó nhưng cũng rất dễ làm giàu, nếu chúng ta thiếu sự tỉnh
táo, thiếu lương tâm trách nhiệm mà chỉ biết cố làm giàu bằng mọi giá! Nghề này
không “tiết lộ thiên cơ” như thầy bói, chẳng “Cưỡng lại mệnh trời” như thầy
cúng mà chỉ bổ trợ để ra và chứng minh sự thật như nó vốn có bằng chứng cứ vật
chất. Bởi vậy nó bền vững và thường được hưởng hồng phúc lúc cam go. Kinh nghiệm
đời tôi, tôi biết “giúp người đâu để mong người trả ơn” nhưng cuộc đời sẽ ban
ân huệ cho chúng ta.
Các bạn hãy cùng
tôi tâm niệm rằng: ĐỜI CÓ THỂ QUÊN TA NHƯNG CHÚNG TA KHÔNG THỂ QUÊN TA VÀ CÀNG KHÔNG
ĐƯỢC QUÊN NHAU.
Xin đọc lại
bài thơ tôi viết lúc nghỉ hưu, từ 2013:
TÌNH NGƯỜI KỸ THUẬT
Miền quê nước lợ sinh tôi,
Nhưng tôi lớn giữa đất trời biên cương .
Nhớ buổi Thu sớm mờ sương,
Vạch rừng đốt đuốc soi đường đi thi.
Bẩy năm học mới thành nghề ,
Chẳng là Nội, Ngoại, Sản, Nhi khoa nào.
Đất này, nghiệp ấy gửi trao:
Pháp y công việc biết bao ngỡ ngàng.
*
Yêu vùng quê mới khai hoang,
Rời Viện, trở lại tỉnh Hoàng Liên Sơn .
Bén duyên lấy vợ sinh con,
10 năm 4 bận chuyển dồn chung cư .
Chuyên Tâm, luyện Trí, thuận đò,
Tới năm Canh Ngọ được
giao Trưởng phòng.
Bao lần nắng Hạ, gió Đông,
17 huyện thị bước cùng
anh em.
Đến khi tách tỉnh về biên,
Vẫn yên nghiệp cũ nhiều phen ngập ngừng .
*
Bãi sông, đường lớn, mái rừng,
Phố đông, bản vắng đều từng đã qua.
Kia vụ trộm, nọ cháy nhà,
Đây vụ án mạng hay là
không may?
Phải đâu tất cả phơi bày,
Có đi nhập cuộc mới hay khôn cùng.
Này Quai, này Xoáy, này Cung,
Đâu đường tách nhánh, đâu vùng hợp biên.
Chữ này nét móc, nét xiên,
Chữ kia quai thắt, nét liền run run.
Ấn chỉ này chẳng cùng khuôn,
Chắc rằng giấy giả thêm buồn người mang.
Sắc đồ hợp vạch rõ ràng,
Là ma túy đó cùng “nàng tiên nâu”.
Đây người ai oán cơ cầu,
Mức di chứng ấy xếp đâu cho vừa?
Buồn vui trong việc kiểm tra,
Giám sát rành rọt thực là nghiêm minh .
*
Ra đi khi tóc còn xanh,
Nay đầu bạc mái, nghiệp ngành chia tay.
Ngoảnh nhìn thoáng chút men say,
Tình này gửi lại những ngày xa xưa.
Ba Hai năm sống trong nghề,
Lời khen đã lắm, tiếng chê cũng nhiều.
Mặc ai nắng sớm mưa chiều,
Riêng ta ta vẫn ghét - yêu rõ ràng.
Mặc ai lựa việc cao sang,
Riêng ta, “Kỹ thuật” thủy chung trọn đời.
Nay việc ấy đã xa rồi,
Phòng kia, dấu ấy gửi người lớp sau.
Ra về xin nhắn một câu:
Tình yêu Kỹ thuật trước sau ngọn ngành.
*
Bốn mươi năm nặng nghĩa
tình,
Về hưu vẫn nhớ đinh ninh lời thề.
Nhớ lời dạy của Bác Hồ,
Nhớ tình đồng đội, nhớ nghề đã theo.
Tình riêng chẳng biết nói nhiều,
Gửi người ở lại đôi điều trao nhau.
Nghĩa tình trọn ven trước sau,
Niềm vui san sẻ, nỗi đau chia cùng.
Anh em quyết một chữ “đồng”,
Sao cho mẫu mực cùng chung chuyên cần.
Cuối cùng, xin
kính chúc lãnh đạo CA tỉnh, các phòng, ban, cùng toàn thể CBCS, nhất là các đ/c
KTHS lời chúc sức khỏe, phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu không ngừng
để trong những năm tới chúng ta không chỉ có được những danh hiệu cao quí mà
còn có hệ thống cơ sở vật chất đàng hoàng, to đẹp hơn; có được lòng tin của
nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững hơn nhiều lần... để thanh “Bảo kiếm” giữ
ANTT nơi “phên dậu quốc gia” luôn sắc bén, dẻo dai và cứng cáp.
- Lương Đức Mến, ngày 19/8/2017-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân