Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

NẠN ĐÓI ẤT DẬU 1945 và bài VĂN TẾ nhớ đời

Công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và GS Furuta Moto (người Nhật) chỉ rõ: chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.

1. Nhớ lại ngày tháng thương đau:

Tháng 10/1940, khi đặt chân đến Đông Dương, Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế: buộc thực dân Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, hạn chế chuyên chở tự do, chỉ cho chở dưới 50 cân gạo trong một tỉnh; bắt người dân nhổ lúa trồng đay, dành ruộng trồng lạc.
Trong khi Nhật vơ vét cho chiến tranh thì Pháp dự trữ lương thực phòng khi quân Đồng minh chưa tới, phải đánh Nhật hoặc dùng cho cuộc tái xâm lược Việt Nam. Thuế đinh, thuế điền, tô tức trở thành những chiếc thòng lọng buộc vào cổ nông dân.
Năm 1944, Việt Nam bị mất mùa nhưng Pháp và chính quyền phong kiến vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để nuôi chiến tranh phát xít và làm nguyên liệu để người Pháp nấu rượu, cùng thóc dùng đốt lò thay cho than đá. Hàng chục nghìn mẫu ngô bị phá, hàng triệu tấn thóc bị thu nộp. Theo thống kê, năm 1940, diện tích trồng đay là 5.000 ha nhưng đến năm 1944 đã tăng lên 45.000 ha.
Nhật cấm vận chuyển lúa từ miền Nam ra, vơ vét thóc ở miền Bắc khiến giá thóc, gạo tăng vọt. Năm 1943, một tạ gạo giá chính thức là 31 đồng, giá chợ đen là 57 đồng; năm 1944 tăng lên 40 đồng, giá chợ đen là 350 đồng, nhưng đến đầu năm 1945 thì giá chính thức vọt lên 53 đồng còn giá chợ đen từ 700-800 đồng. Giá gạo "phi nước đại" khiến người dân không đủ sức mua, phải chịu cảnh chết đói.
Tháng 9/1944, lụt vỡ đê La Giang (Hà Tĩnh), đê sông Cả (Nghệ An) làm cho nạn đói diễn ra trầm trọng hơn.Theo những người dân trải qua nạn đói khủng khiếp ở Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) thì vụ mùa năm 1944, lúa trên các cánh đồng rộng hàng trăm mẫu đều bị "rù" (rầy phá hoại), chết trắng, chết vàng. Cả mẫu ruộng không thu nổi vài chục cân thóc mẩy.
Nạn đói đã diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. Trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Cái đói không buông tha ai, trọng tâm là những người dân nghèo, người lao động, đặc biệt là nông dân không có ruộng đất chuyên đi làm thuê và nông dân ít ruộng đất.
Để chống lại cái đói, cái chết cận kề, người dân ăn từ rau dại, đến củ chuối, vỏ cây, giết cả trâu bò, chó mèo; dân chài thì ăn củ nâu, cá chết. Khi không còn gì ăn thì họ ngồi chờ chết, để người nhà mang đi chôn hoặc chết ở bờ bụi khi đi kiếm ăn. Cái chết đến từ từ, thảm khốc, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót.
Tháng 3/1945, nạn đói lên đến đỉnh điểm. Lũ lượt người ngược, kẻ xuôi chạy đói đến các thành phố lớn, họ bán cơ nghiệp để lấy tiền đi đường. Người dân Hà Nội khi ấy đã phát động Ngày cứu đói, lập trại tế bần phát cháo. Người sắp chết thì được đưa về trại Giáp Bát, còn người chết đói thì xác chất đầy xe bò đem đi "hất xuống hố như hất rác" tại nghĩa trang Hợp Thiện (Hai Bà Trưng).
Mục sư Lê Văn Thái, nguyên Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam thời kỳ 1942-1960 viết lại: "Tôi thường nghe tiếng rên xiết của những người sắp chết, thấy những đống thịt quằn quại gần những xác chết, nơi này 5-3 xác chết, chỗ khác từng đống người sống nằm lẫn với người chết. Trên những đoàn xe bò đầy những xác chết, mỗi xe chỉ phủ một chiếc chiếu, trong những cái hầm mấy trăm xác chết mới lấp một lần. Một vài lá cải thối trong đống rác, một vài hột cơm đổ bên cạnh vò nước gạo thì họ kéo nhau từng lũ đến tranh cướp".
"Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó", tác giả Vespy viết trong một bức thư vào tháng 4/1945.
Giữa lúc nạn đói lên đến đỉnh điểm thì ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Mặt trận Việt Minh phát động nhân dân phá hàng trăm kho thóc của Nhật để cứu đói. Phong trào diễn ra sôi nổi khắp nơi khiến nạn đói phần nào được đẩy lui. Nông dân bắt đầu trở về quê tiếp tục sản xuất. Đến vụ chiêm (tháng 6) có gạo mới, mức sống thay đổi đột ngột lại khiến nhiều người chết vì ăn quá no. Môi trường bị ô nhiễm nặng bởi xác chết không được xử lý và trải qua cơn đói lâu dài kéo theo dịch tả và dịch sốt vàng da lại giết thêm nhiều người ở Bắc Giang, Cao Bằng.
Nhiều làng xã chết 50-80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai.. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có hơn 1.000 người thì chết đói mất 956 người. Chỉ trong 5 tháng, số người chết đói toàn tỉnh lên đến 280.000 người, chiếm 25% dân số Thái Bình khi đó. Lịch sử đảng bộ Hà Sơn Bình cũ ghi rõ: "Trong nạn đói năm 1945, khoảng 8 vạn người (gần 10% dân số trong tỉnh) chết đói, nhiều nơi xóm làng xơ xác tiêu điều, nhất là ở những nơi nghề thủ công bị đình đốn. Làng La Cả (Hoài Đức) số người chết đói hơn 2.000/4.800 dân, có 147 gia đình chết không còn một ai. Làng La Khê (Hoài Đức) có 2.100 người thì 1.200 người chết đói, bằng 57% số dân".
Tháng 5/1945, bảy tháng sau khi nạn đói bùng nổ tại miền Bắc, tòa khâm sai tại Hà Nội lệnh cho các tỉnh miền Bắc phúc trình về tổn thất. Có 20 tỉnh báo cáo số người chết vì đói và chết bệnh là 400.000, chỉ tính miền Bắc. Số liệu nghiên cứu trong cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử của GS Văn Tạo thống kê: "Riêng tỉnh Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban lịch sử tỉnh điều tra, con số tương đối sát thực tế là cả tỉnh chết đói mất 280.000 người. Chỉ tính số người chết đói ở Thái Bình cùng với Nam Định hơn 210.000 người, Ninh Bình 38.000, Hà Nam chết 50.000 thì số người chết đói đã lên đến hơn 580.000. Như vậy, con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng là gần với sự thực".
So sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người".
70 năm trôi qua, những chứng tích lịch sử về nạn đói năm xưa không còn nhiều, ngoài những nấm mồ tập thể sâu dưới lòng đất lạnh. Những nhân chứng từng đi qua tai họa lịch sử ấy thì ghi nhớ nỗi đau thương sâu trong tâm, mỗi lần nhắc đến chỉ biết rưng rưng nước mắt.

2. Truy điệu những lương dân chết đói

Đó là bài Văn tế nạn nhân vụ đói tháng 3-1945 mà GS Vũ Khiêu (khi đó mới 29 tuổi) đã viết trong nước mắt giữa một đêm mưa dầm gió lạnh, đau xót cho những thân phận dưới một bầu trời đen tối, nửa như trần gian nửa như âm phủ.

Một cơn gió bụi[1] vừa tan , Hai triệu sinh linh đã mất[2].
Khí oan tối cả mây trời, Thây lạnh phơi đầy cỏ đất.
Hỡi ôi:
Chung khí non sông, Cùng mang tai mắt.
Vẫn giống thông minh, Vốn dòng cường quật.
Cớ sao không Nam Bắc vẫy vùng, Ðể cam chịu cơ hàn[3] bứt rứt.
Ðáng lẽ nay bốn bể tranh hùng, chí những tưởng giật cờ cứu nước, sống xông pha nơi bão đạn rừng gươm.
Mà ngán nhẽ một thời cơ nhỡ, lòng mải theo manh áo lưng cơm, chết thê thảm nơi hang cùng ngõ khuất.
Thương thay:
Hồn đã rất cao, Lòng vì quá chất
Những tưởng giỏ cơm bầu nước, đám lợi danh mây nổi bèo trôi.
Nào ngờ tháng lại ngày qua, trường tranh đấu mưa dày gió rựt.
Việc bốn mùa nào xây cống đắp đê, nào làm đường xẻ đập, huyết hãn kia bồi đắp lấy non sông.
Thân bảy thước khi dầm sương dãi nắng, khi gội gió tắm mưa, xương thịt ấy phải đâu là đá sắt.
Ðã mỏi xác cân đay nộp lạc, thóc được ít lại liên đoàn[4] lấy hết, ách tham tàn càng gánh càng đau.
Từng mòn chân khi chạy thuế lo sưu, tiền đã còn hương lý xoay quanh, dây cơ khổ mỗi ngày mỗi thắt.
Cho đến khi:
Hạt tấm không còn, Ðồng chinh cũng mất
Những tưởng túng qua, Ngờ đâu đói thật
Trong vợ con lòng đã xót lòng, Ngoài hương xóm mặt càng rõ mặt.
Trước còn định dây khoai rễ má, lần hồi sao bữa đến qua loa.
Sau đành đem tháo bếp dỡ nhà xoay sở mãi ngày càng héo hắt.
Ðầu bù tóc rối, dắt díu nhau nơi quán đổ lều nghiêng.
Áo cói quần rơm, chua xót mấy khi mưa dầm nắng gắt.
Ngẫm thủa trước, cảnh nghèo cũng lắm, chữ cương thường còn giữ dạ đinh ninh.
Mà ngày nay nỗi khổ không cùng, dây thân ái cũng nghiến răng dứt đứt.
Mẫu tử tình thâm, ôi một mái tơ xanh nào đã tội, bỏ u ơ cuối chợ đầu đường.
Phu thê nghĩa nặng, hẹn trăm năm đầu bạc cũng sai lời, sớm đau đớn người còn kẻ mất.
Biết đi đâu ? Bốn phương mờ mịt, trời lờ như điếc, đất như câm.
Hỏi cùng ai ? Những bóng bơ vơ, ruột rát tựa bào, gan tựa cắt.
Lang thang chi phách ở hồn đi!
Thảm thiết nhẽ ngày tàn bóng tắt!
Có kẻ tìm bãi cỏ nằm xiêu, Có người đến bên cây ngã vật
Có khi ngõ vắng gieo mình, Có lúc vườn sau thở hắt
Có những quán: hàng bao xác lạnh, bỏ ruồi bâu bọ khoét chửa ai khiêng.
Có nhiều nơi: một nắm xương khô, từng nắng giãi mưa dầu không kẻ nhặt.
Mỗi người manh chiếu bó bó chôn chôn.
Từng đống trên xe chồng chồng, chất chất.
Ôi nói ra những toát mồ hôi, Mà nghĩ lại thêm tràn nước mắt!

Hỡi những bóng điêu linh, Hỡi những hồn oan uất.
Mà đường khuya quãng vắng lang thang Trên ngọn cỏ đầu cây lẩn khuất!
Ta đã trông những hình rã rượi, mẹ khóc con trong sương lạnh trăng mờ.
Ta đã nghe những tiếng thảm thê, già bảo trẻ dưới mưa lay gió lắt.
Nghĩ thương kẻ còn đau khổ mãi, nỗi oan buồn máu biếc[5] không tan
Mà biết ai chưa trả thù xong, lửa oán giận gan vàng chẳng tắt.
Oán đã đành những kẻ xâm bang: giết người, cướp của, thỏa dạ tham tàn
Giận biết mấy cho quân đồng loại: tham nhũng, đầu cơ, riêng mình khoái dật.
Ngán nhẽ lầu son gác tía, chén phong lưu những máu chan hòa.
Gớm cho mũ bạc đai vàng, đài vinh hiển bằng xương cao ngất!
Nay gặp buổi:
Súng dân quân dậy sóng ầm ầm, Cờ khởi nghĩa ngất trời phới phất
Ðèn quang minh đương độ soi cao, Gươm chính khí đến ngày tuốt phắt.
Bao phường cướp nước không tha, Những lũ buôn nòi sẽ bắt
Hận thù kia rồi trả phân minh, Oan thác nọ sẽ đền chu tất.
Cho ai chín suối ngậm cười, Ðể khách năm châu tỏ mặt.
Chỉ đáng tiếc sống xưa chửa kịp đem thân nọ đền bù đất nước, phải ngậm hờn cùng hoa cỏ ủ ê.
Thì ngày nay chết phải làm sao để hồn kia chói lọi trời mây, mà bảo vệ lấy giang sơn vững chặt.
Giúp đồng bào cho trăm triệu sống an vui Dựng độc lập để nghìn thu cờ vững ngất.
Tháng 5 năm 1945
(Nguồn:  http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nan-doi-lich-su-nam-at-dau-3130107.html và http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1122&Itemid=68)



[1] Gió bụi, chữ Hán là "phong trần" chỉ những biến cố lớn lao làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của con người. Ở đây, tác giả muốn chỉ cuộc đánh chiếm Ðông Dương của phát-xít Nhật và nạn đói khủng khiếp do chúng gây nên hồi giữa thập kỷ 40 của thế kỷ 20.
[2] Nạn đói do phát-xít Nhật gây ra năm 1945 đã làm cho hơn 2 triệu dân ta bị chết đói.
[3] Cơ là đói kém, hàn là lạnh buốt. Cảnh cơ hàn là cảnh đói rét. Ở đây tác giả nói tới cảnh chết đói năm 1945.
[4] Liên đoàn: Tổ chức do bọn Nhật lập ra hồi những năm 1944 - 1945 chuyên thu mua thóc của dân ta.
[5] Máu biếc (Bích huyết): Trương Hoàng đời Chu bị chết oan ở nước Thục, ba năm đào mả lên, thấy máu không tiêu mà lại hóa ra sắc biếc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân