Mải ghi hình ở Ngọ Môn, Bs Lương Đức Mến và Bs Cao Xuân Trung bị lạc đoàn. Hôm đó là Chủ Nhật Rằm tháng 5 lại là dịp nhân dân đưa con em mình về Bắc Kinh thi Đại Học nên người vào thăm quan Cố Cung rất đông. Mãi sau chúng tôi cũng tìm được đoàn. Hóa ra các anh được Samin đưa ra cổng để thăm quan Thiên An Môn chứ không vào Cố Cung như tôi dự đoán. Nhập đoàn chúng tôi xuống đường ngầm để vượt Đại lộ Tràng An sang Quảng trường.
Quảng trường Thiên An Môn
(天安门广场, Tiān'ānmén Guǎngchǎng) là một quảng trường rất lớn tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nó được đặt tên theo Thiên An Môn, cổng thành ở phía bắc chia cách nó với Tử Cấm Thành. Nhiều người xem nơi đây là nơi tượng trưng trung tâm của Trung Quốc. Ở ngoài Trung Quốc, quảng trường này được nhiều người biết đến qua một cuộc biểu tình trong năm 1989.
Quảng trường được xây vào năm 1417, chiều dài 880 m nam-bắc và chiều rộng 500 m đông-tây. Do đó, diện tích của quảng trường là 440.000 mét vuông. Trong năm 1651 (đời nhà Thanh), cổng nó được tu bổ và đổi tên như bây giờ. Trong đời nhà Minh và nhà Thanh, tại Thiên An Môn không có quảng trường, thay vào đó khu vực này là các cơ sở của triều đình. Trong cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn, khu này bị thiệt hại nhiều và đã được dẹp để tạo ra quảng trường ngày nay.
Con đường lớn chạy xuyên qua quảng trường là đại lộ Trường An (長安大路, Chang An) là con đường huyết mạch của thành phố Bắc Kinh dài 50 km chạy theo hướng Đông Tây và nơi đây được mở rộng ra 100 mét cũng không cho xe buýt đi vào mà chỉ xe hơi nhỏ và xe đạp mà thôi. Đại lộ Trường An, được dùng trong các cuộc diễn hành. Cổng 天安门 vào Tử Cấm thành 紫禁城 nằm ở lề phía Bắc Quảng trường ở giữa có chân dung của Mao Trạch Đông được đặt phía trên, tường hướng đông và tây có những biểu ngữ khổng lồ: phía bên trái 中华人民共和国万岁 (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muôn năm), phía bên phải có viết 世界人民大团结万岁 (Đại đoàn kết nhân dân thế giới muôn năm). Đúng ra biểu ngữ phía bên phải trước kia viết "Chính phủ trung ương nhân dân muôn năm". Trước kia cả hai biểu ngữ đều được viết bằng chữ Hoa phồn thể nhưng nay được viết bằng chữ Hoa giản thể. Các biểu ngữ này có nghĩa tượng trưng lớn, vì cụm từ "muôn năm" (万岁 vạn tuế) cũng như hoàng cung, trước kia chỉ dành cho hoàng đế, nhưng nay người dân cũng có thể dùng được.
Quảng trường có thể chứa khoảng một triệu người tập họp nơi đây, là quảng trường rộng lớn nhất thế giới, được chiếu sáng bởi những cây cột đèn lớn trên đó có gắn máy thu hình theo dõi. Khu vực bị giám sát chặt chẽ bởi cảnh sát (có và không mặc đồng phục), những Cảnh sát mặc đồng phục đi nhàn tản đôi một và không cấm chụp ảnh.. Cuối phiá Nam quảng trường có Đại Tiền Môn 大前门 là cửa của hoàng thành ngày xưa như một đài cao. Hoàng thành ngày trước là một khu hình chữ nhật rộng 50 kí lô mét vuông có bức tường thành cao dài 30 km bao bọc nhưng tường này đã bị phá bỏ vào những năm 1960 để mở rộng thành phố Bắc Kinh. Cửa chính Đại Tiền Môn chỉ dành cho nhà vua ra vào. Phiá Bắc Đại Tiền Môn là một toà lầu đài khác có tên là Vương Chính Môn 王正门 là nơi các tiểu vương, quan trấn các địa phương về trú ngụ chờ vào yết kiến nhà vua. Cách một khoảng đất trống về phiá Bắc là nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông được xây năm 1977 một năm sau khi Mao từ trần, bên trong chia ra Bắc Đại Sảnh, Nam Đại Sảnh, nơi đây có để xác ướp của Mao cũng là một nhà bảo tàng trưng bày hình ảnh, tư liệu cuộc đời của Mao Trạch Đông cũng như của Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Chu Đức. Dọc theo phía tây của quảng trường là Đại hội đường Nhân dân , địa điểm chuyên tổ chức những sự kiện trọng đại toàn quốc. Dọc theo phía đông là Viện bảo tàng quốc gia về Lịch sử Trung Hoa. Trung tâm quảng trường được đặt bia đá tưởng niệm các vị Anh hùng nhân dân một cách trang trọng tạo nên một quần thể cảnh quan vừa kỳ vĩ, vừa hoành tráng.
Quảng trường là nơi xảy ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại. Ngay từ 1919 Phong trào Ngũ Tứ (五四运动,1919) đòi khoa học và dân chủ cũng diễn ra tại đây. Quảng trường là nơi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949; là nơi tiến hành các cuộc mít tinh hoành tráng thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Nó cũng là nơi xảy ra nhiều phong trào phản đối, trong đó có các cuộc biểu tình 1976 và 1989.
Đến thăm Quảng trường càng thấy dân Trung Quốc đông vô kể và người nước ngoài đến thăm quan cũng đông. Dân Hoa và dân ngoại đa số đi theo đoàn, mỗi đoàn hướng dẫn viên đều có cờ hiệu riêng và thuyết minh bằng loa gắn mic ở ve áo khá chuyên nghiệp. Sân Quảng trường không trồng cây, hoa hay cỏ nên thoải mái đi lại, không có sự cấm đoán dẫm lên cỏ, Cảnh sát từng đôi một thong thả đi nhưng trông khá hiền lành và nhỏ con họ cũng không ngăn hay xua tay khi tôi ghi hình hay chụp ảnh. Tôi tự hỏi trong số người đông nghịt đang bước trên Quảng trường (để sang Cố Cung hay vào viếng Lăng Mao Trạch Đông) liệu ai biết và nhớ đến Sự kiện mùng 4 tháng 6 (六四事件) hay Phong trào mùng 4 tháng 6 (六四运动) xẩy ra chính tại nơi này cách đây đúng 20 năm ?.
-Lương Đức Mến (biên soạn và bình chú)-
Bài này viết và đưa lên từ 9/2009 nhưng sau đó tôi gỡ xuống định thay bài khác nhưng không có thời gian. Nay trước sự kiện Giàn khoan 981 hạ đặt tại Hoàng Sa cứ đưa lại đã, để nhớ những điều mình đã biết, cảm về nơi ra quyết định đưa "lãnh thổ quốc gia đi động" mang nhãn China đã vào biển ta.
Trả lờiXóa