Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

LƯỢC SỬ KHOA HỌC HÌNH SỰ THẾ GIỚI

Sắp tới Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng Kỹ thuật hình sự (23/8, 1957-2012), tranh thủ lúc rảnh, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Khoa học hình sự thế giới mới thấy nhiều lĩnh vực KKHS Việt Nam chưa cập nhật và việc giảng dạy, tuyên truyền về lịch sử KKHS ở ta còn lắm vấn đề cần bàn.
1. Nhu cầu hình thành ngành KHHS:
Từ Công xã nguyên thủy chuyển sang chế độ Bộ lạc, rồi Liên minh bộ lạc tiến tới có Nhà nước, xã hội loài người đã hình thành giai cấp và quốc gia. Khi đó lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp và đấu tranh giữa các dân tộc. Các cuộc đấu tranh đó diễn ra dưới hình thức Chiến tranh, mà lực lượng nòng cốt là quân đội. Kết cục của chiến tranh là đầu rơi máu chảy, là hoang tàn đổ nát, là sự bành trướng của dân tộc này, sự đồng hóa hay biến mất của dân tộc khác đồng thời gây những hệ lụy kéo dài về nhiều mặt cho cả 2 phía, trong đó là sự rối loạn về trật tự xã hội đã được thiết lập, ổn định trước đó.
Đồng thời với hiện tượng trên, còn một hiện tượng nữa tồn tại ở xã hội có giai cấp, đó là tội phạm và các vi phạm pháp luật. Các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội làm nẩy sinh nhu cầu cần thiết làm rõ hành vi nào là tội phạm và tìm ra kẻ phạm tội để trừng phạt, hành vi nào chỉ cần giáo dục, răn đe, ngăn ngừa. Để làm được điều đó, những nhà nước Cổ đại dựa vào lời thề, tra tấn buộc phải thú tội và lời khai nhân chứng. Khi xã hội càng văn minh thì nhu cần đó ngày càng phải chính xác và khách quan hơn, để xử lí sao cho “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Nhưng sơ khởi việc định tội căn cứ vào ý thức chung và kinh nghiệm thực tế của quan toà hay người đứng ra phân xử.
Mặt khác, trong cuộc sống thường nhật, con người có rất nhiều mối quan hệ cần điều chỉnh, nhiều quyền lợi về sở hữu, về nhân thân cần được bảo vệ. Tức là rất cần thiết lập sự quản lý trật tự xã hội. Cùng với sự tiến hóa của loài người và sự tiến bộ về tổ chức xã hội, việc điều chỉnh đó cũng tiến dần từ tập tục nâng thành luật tục rồi ra đời các Bộ Luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Để duy trì việc quản lý đó, nhà nước cần tổ chức lực lượng đại diện cho mình. Tất cả những công việc đó là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị quốc gia. Nhưng nòng cốt, xung kích trong các công việc phức tạp đó đặt lên vai một ngành đặc biệt mà ở Việt Nam được gọi với thuật ngữ là “Công an”. Đó là công cụ chuyên trách của Nhà nước để bảo vệ chế độ và giữ gìn ANTT. Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng và nặng nề đó, trong CAND có một lực lượng sử dụng kiến thức và phương tiện khoa học kỹ thuật để góp sức mình vào sự nghiệp chung.
Đó là Kỹ thuật hình sự hay Kỹ thuật điều tra hình sự (A: Technical Criminal, P: Technique pénal, H: 技術刑法). Đây là một trong 5 bộ phận[1] cấu thành Khoa học hình sự (A: Criminal Science, P: Sciences criminelles, H: 刑事科學). Đặc trưng cơ bản của Kỹ thuật hình sự là nghiên cứu các quy luật về tự nhiên, xã hội, quy luật về sự vận động của sự vật hiện tượng có liên quan đến vụ việc mang tính hình sự và việc sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Lịch sử KHHS thế giới khởi thuỷ từ những “nhận xét” ban đầu về sự vật, hiện tượng, vật chất.
2. Lịch sử hình thành và phát triển KHHS thế giới:
2.1. Buổi sơ khai:
Khởi đầu là Dấu vân tay đã được chú ý từ thời vua Babylon Hammurabi (1792-1750 tCn) và coi là chữ ký của kẻ phạm tội ở Babylonia, vùng văn hóa cổ đại ở miền trung, miền nam Lưỡng Hà (Iraq ngày nay). Bên Trung Hoa, ngay từ thời nhà Chu (,Zhou, 1122–256 tCn) đã biết đến dấu tay và sang thời nhà Tần (, 221-206 tCn) đã biết in tay, in chân cũng như in ngón tay làm bằng chứng từ hiện trường vụ án. Đến đầu Công nguyên, tại La Mã luật sư Marcus Fabius Quintilianus (35-100) giúp một nghi can thoát án oan khi chứng minh rằng bàn tay của kẻ tình nghi không phù hợp với bản in lòng bàn tay đẫm máu tại hiện trường vụ án.
Ông Tổ nghề Y là Hippocrates (πποκράτης, 460 tCn- 370 tCn) đã từng có những nhận xét, tìm hiểu về thương tích và ngộ độc gây trong các vụ án. Trung Quốc cổ đại, vào năm 407 tCn ở nước Ngụy (魏國, 403 – 225 tCn) đã ban hành Pháp kinh 法经 nói đến pháp y[2]. Sau đó, vào năm 44 trước Công nguyên, Julius Caesar (một vị tướng kiêm chính khách và viết văn người La Mã, 100-43 tCn) có lẽ là người đầu tiên đề xuất thuật ngữ “Pháp y”. Người viết sách về độc học đầu tiên là bác sĩ và nhà thơ có uy tín người Hy Lạp là  Nicander (Νίκανδρος Κολοφώνιος, 200 năm tCn). Phát hiện về tỷ trọng gắn với huyền thoại “Eureka” của Archimedes (287-212 tCn) đã được ứng dụng trong điều tra các vụ án, nhất là các vụ pha trộn gian lận vàng. 
2.2. Trong thời Cận đại:
Tuy được manh nha từ thời cổ đại, nhưng phải sang thời Cận đại, KHHS mới dần được giảng dạy và sử dụng rộng rãi. Ambroise Paré (1510 - 1590), một bác sĩ phẫu thuật trong quân đội được xem là một trong những cha đẻ của phẫu thuật và pháp y bệnh lý hiện đại. Hai thế kỷ sau một số bài viết về pháp y bắt đầu xuất hiện của bác sĩ người Pháp Fodéré và chuyên gia y tế Đức Johann Peter Franck.
2.3. Trong thời hiện đại:
Nền Khoa học hình sự hiện đại có từ trên 100 năm nay, khởi đầu từ “nhân trắc học” (anthropometry)[3] gắn với công lao của Alphonse Bertillon (1853-1914) vào năm 1879 nên phương pháp này còn được gọi là Bertillonnage. Muốn phát huy khả năng của nhân trắc thì việc đo đạc phải thật chính xác và đòi hỏi nhiều động tác đo. Độ tin cậy của phép đo có được bởi việc chọn mốc, kỹ thuật đo, dụng cụ đo, ghi chép….Các lỗi phổ biến trong nhân trắc học được gọi là lỗi cá nhân và lỗi kỹ thuật đo lường. Do đó phương pháp này sau đó được thay bằng phương pháp lấy dấu vân tay, xét nghiệm nhóm máu, ADN. Sau này nó được phát triển dưới góc độ “Mô tả nhân dạng (profiling), đặc biệt giai đoạn cuối thập niên 1970 tại Mỹ khi số vụ giết người không rõ động cơ tăng lên đột ngột. Robert Ressler tham gia vào Ban Tập tính học (BSU) của FBI đã có công trong việc điều tra vụ Carmine Calabro giết Francine Elveson ngày 12/10/1979. Tiến xa hơn, từ việc dựng lại nhân dạng của kẻ tình nghi theo những gì mà các nhân chứng còn nhớ được đến việc dựng lại hiện trường vụ án để đăng ảnh truy nã nghi can. Điển hình khoảng năm 1988, cảnh sát Hoa Kỳ đã dùng phương pháp tính toán mức độ già đi của khuôn sau 20 năm mà vẽ được chân dung John Emil List, kẻ đã giết mẹ đẻ, vợ và 3 đứa con ở New Jersey rồi biệt tích từ 11/1971.
Cảnh sát bắt đầu sử dụng dấu vân tay làm bằng chứng khi nhà nhân chủng học Juan Vucetich (1858 - 1925), người Argentina giải quyết một vụ giết người bằng cách thu mảnh cửa có một dấu vân tay đẫm máu và sau đó được sử dụng rộng rãi với người đề xướng là Bác sĩ Henry Faulds (1843-1930) vào năm 1880. Đồng thời  với ông là nhà khoa học người Anh tên là Francis Galton (1822-1911) đã đưa ra cách phân loại đường vân. Kế tục và hoàn thiện phương pháp này là Edward Richard Henry (1850 -1931), Tổng Thanh tra của cảnh sát Bengal ở Ấn Độ. Phương pháp Galton-Henry[4] là cơ sở của phương pháp phân loại AFIS hiện đại xuất hiện từ những năm1990. Đó là hệ thống xử lý vân tay quang học (Halogrph), hệ thống xử lý vân tay theo kiểu ngôn ngữ cú pháp (Suntac appoah) và hệ thống xử lý vân tay dựa vào cấu trúc các đặc điểm riêng (Finder). Việc nhận dạng vân tay tự động có 3 hệ thống : SAGEM-MORPHO (Pháp), NEC (Nhật) và PRINTRIC (Mỹ)[5].
Nghiên cứu tự dạng gắn với công lao của Thomas H. Gurrin (vào năm 1880) nhưng chính Alphonse Bertillon cũng là một chuyên gia về chữ viết tay và tuyên bố rằng Đại úy Alfred Dreyfus (1859 – 1935), một sĩ quan pháo binh Pháp đã viết các tài liệu nghi vấn và được Toà xử án chung tân “phản quốc” treason vào ngày 05/01/1894. Nhưng đến năm 1906, Dreyfus đã được minh oan và phục hồi bởi Ferdinand Walsin Esterhazy (1847- 1923) mới là thủ phạm.
 Tội phạm sử dụng súng đạn để gây án thông thường là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nghiên cứu dấu vết của súng đạn bắt nguồn từ các chuyên gia giám định pháp y từ những đầu đạn thu được khi khám tử thi.
Về Pháp y, ca điển hình đầu tiên về trình tự, thủ tục khám nghiệm diễn ra năm 1784 ở Lancaster, một thị trấn nằm trên bờ sông Lune thuộc nước Anh. Trong vụ này Cảnh sát đã kết tội John Toms giết Edward Culshaw bởi súng lục vì tìm thấy bột giấy ở miệng vết thương của nạn nhân và tờ báo rách trong túi Toms.
Khi nhiều vụ án mạng mà thủ phạm có sử dụng súng thì bắt buộc phải nghiên cứu dấu vết súng đạn. Năm 1835, khi mổ tử thi bác sĩ Henry Goddard đã thu được 1 đầu đạn với đường kính lớn nhất là 9mm. Nhưng khi bắt thủ phạm lại thu được khẩu súng Browning có đường kính nòng 7,65mm và thủ phạm khai đã dùng khẩu súng đó để bắn nạn nhân. Các chuyên gia đều biết rằng đầu đạn có đường kính 9mm không thể đi lọt qua nòng súng có đường kính 7,65mm nên khẳng định đây không phải khẩu súng đã nhận dùng bắn vào người nạn nhân[6]. Giám định súng đạn không chỉ tìm ra khẩu súng gây án mà còn xác định được vị trí bắn, hướng bắn, tầm bắn…
Ngay từ 1773 nhà hóa dược Thụy Điển là Carl Wilhelm Scheele (1742 -1786) đã nghĩ cách phát hiện Arsenic oxide arsenous trong thi xác người chết nhưng độc chất học thực sự được phát triển bởi ông tổ là Valentin Rose (1736-1771) với phương pháp phát hiện các chất độc trong thành dạ dày của nạn nhân đưa vào ứng dụng từ 1806 bởi nhà hóa học người Anh là James Marsh (1794 -1846) .
Từ khi con người phát minh ra máy ảnh (tiền thân là camera obscura thành chiếc máy ảnh cầm tay đầu tiên vào năm 1660 và hoàn thiện năm 1888 bởi hãng Eastman Dry Play and Film)[7], máy ghi âm (bởi Thomas Alva Edison,1847 – 1931) kính hiển vi (bởi Antoni van Leeuwenhoek, 1632-1723) rồi kính hiển vi điện tử (ra đời năm 1938 tại Mỹ), kĩ thuật sắc kí (bởi Mikhail Semyonovich Tsvet, 1872–1919) vào năm 1903, máy Vi tính (từ 1930 sau phát triển nhanh nhờ phát kiến của Gordon Earle Moore)... thì các phương tiện hiện đại này mau chóng được đưa vào sử dụng trong KTĐT tội phạm và thu được nhiều hiệu quả đặc biệt.
2.4. Hiện nay:
Sang Thế kỉ XX mở rộng ra các lĩnh vực khoa học tự nhiên...Ngày nay tất cả những thành tựu mới nhất của KHXH&NV, KHTN&CN đều được KHHS nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lý thueets về KHHS được giảng dạy ở các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án và ngành Luật. Nhưng thực hành về KHHS tập trung chủ yếu trong ngành Công an. Bất cứ một cơ quan KHHS nào cũng bao gồm các bộ phận: Khám nghiệm hiện trường, Giám định Kỹ thuật hình sự và Pháp y, Phòng Thí nghiệm, bộ phận chụp ảnh, ghi hình.
-Trích trong cuốn “30 NĂM TRONG NGÔI NHÀ KỸ THUẬT HÌNH SỰ”
Lương Đức Mến (BS từ nhiều nguồn tham khảo)-

[1] Gồm: KHHS Đại cương, Kỹ thuật hình sự, Phương pháp hình sự,  Chiến thuật hình sự và Tâm lý hình sự (các SGK hiện nay hình như bỏ bộ phận này).
[2]  Việc này được chép trong cuốn “Tẩy oan tập lục” 洗冤集录 viết năm 1247 của Tống Từ (宋慈, 1186-1249, nhà pháp y học trứ danh đời cổ xưa của Trung Quốc và cũng là của thế giới).
[3] Nhân trắc (hay “phương pháp ảnh lời”) là một loạt các thông số về kích thước các bộ phận của cơ thể con người và bộ xương. Kỹ thuật này được xem như là một công cụ truyền thống và cơ bản của nhân học sinh học, có truyền thống lâu đời được sử dụng trong khoa học hình sự.
[4] Từ 01/01/1976 các Chỉ bản (tàng thư CCCP ở PC21 và tàng thư CMND ở PC13)  cả nước Việt Nam thống nhất đã sử dụng phương pháp này. Trước đó ở miền Bắc áp dụng phương pháp Paris. Hệ thống Paris chia đường vân ngón tay thành 5 nhóm: Cung, Quai trái, Quai phải, Xoáy và hình chữ S. Theo quy định này việc phân loại nhanh, đơn giản. Nhưng khi tra cứu thì  không thuận tiện bởi quá nhiều loại điểm chỉ cùng dạng. Sự thống nhất phân loại, sắp xếp tàng thư vân tay theo hệ Galton-Henry đảm bảo cho sự hoà nhập quốc tế, tham gia Interpol, truy tìm đối tượng xuyên quốc gia. Đến tháng 4/1987 cơ quan Hồ sơ được thành lập ở cả LLAN và LLCS thì bộ phận tàng thư CCCP của hệ KTHS và tàng thư CMND của hệ QLHC được chuyển về hệ HSCS quản lý.
[5] Hệ thống nhận dạng vân tay tự động của Việt Nam (VAFIS) theo công nghệ MORPHO được đưa vào vận hành bởi Quyết định số 450/QĐ.BNV ngày 20/8/1995 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Hệ thống này có 4 chức năng. Ngoài chức năng tra cứu vân tay 10/10 ngón nhằm xác định đối tượng tái phạm, từ năm 1999 đã triển khai thêm chức năng tra cứu truy nguyên tội phạm trên cơ sở tự động đối sánh từng vân tay của can phạm trong CSDL với dấu vết vân tay ở hiện trường để  đưa ra kết luận. Chính vì thế, ngày 21/10/1999 Tổng cục Cảnh sát có công văn số 2246/C11(C27) thông báo và hướng dẫn chức  năng này.
[6] Hồi thế kỷ trước, ngày 29 tháng 2 năm 1993 trên cầu Chương Dương xẩy ra vụ nổ súng làm chết anh Nguyễn Việt Phương. Khám nghiệm hiện trường các cơ quan pháp luật thu được 02 vỏ đạn, 01 đầu đạn loại 9x18 mm và 01 ống kim loại tròn đường kính 6mm... Những vỏ đạn và đầu đạn thu ở hiện trường được xác định do khẩu súng P64 (giống loại súng K59) bắn ra. Loại súng này không cấu tạo lắp được ống giảm thanh. Hơn nữa đầu đạn đường kính 9mm không thể đi qua ống kim loại đường kính 6mm.
[7] Lịch sử nhiếp ảnh hình sự history of forensic photography bắt đầu bằng việc chụp ảnh tù nhân  vào năm 1843 tại Bỉ và 1851 ở Đan Mạch nhưng chỉ là nghiệp dư. Dần tiến tới chuyên nghiệp mở rộng và bắt buộc ở các cuộc khám nghiệm và các lĩnh vực giám định. Từ ảnh đen trắng đến ảnh mầu và nay thay thế các máy ảnh cơ chụp với Film bằng máy ảnh KTS ghi hình trên thẻ nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân