Nhân kỷ niệm ngày 22/12 (1944-2010) nhớ lại những năm cuối cuộc chiến 30 năm của dân tộc mà khi đó mình còn đang khoác áo lính, ngồi trên giảng đường ở ĐHQY!
Tháng 3/1975 Khoá 9 nghỉ học đi tham gia đắp đê sông Đáy, không đem theo phiên hiệu Nhà trường. Chúng tôi lao động rất hăng, cuối buổi chiều loa luôn tuyên dương các A vượt năng xuất. Sau này chúng tôi mới đoán là Bộ TTM dùng chúng tôi để “nghi binh” là lực lượng “chính qui” vẫn đang tham gia đắp đê, nhưng thực chất các Sư đoàn chủ lực đã hành quân vô Nam.
Khi giải phóng Đà Nẵng (29/3), chúng tôi được lệnh về Trường chuẩn bị sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Ngày đó chúng tôi được học và nghe kể nhiều về tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Cao Văn Khoan . Anh là học viên khoá 62. Chuyện kể rằng: trong suốt 40 ngày đêm tham gia chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị, cho tới lúc hy sinh, dưới mưa bom bão đạn tàn khốc của kẻ thù, đồng chí Cao Văn Khoan đã trực tiếp phẫu thuật hàng trăm ca, có ngày địch phản kích ác liệt, bộ đội thương vong nhiều, anh phẫu thuật liên tục 18 - 20 giờ. Trong một lần cứu chữa thương bệnh binh trên chiến hào, anh bị một mảnh bom cắt đứt một chân, một mảnh khác găm vào đầu, y tá đến băng bó, nhưng anh xua tay và nói: “cứ để tôi tự làm, các đồng chí hãy đi cứu những đồng đội khác bị thương nặng hơn”. Nhưng do vết thương quá nặng, mất máu nhiều, Cao Văn Khoan đã hy sinh.
Chiều Ngày 30/4 tin GP hoàn toàn MN được phát và ngay chiều hôm đó chúng tôi ngồi bên máy thu thanh học thuộc bài: “Như có Bác trong ngày Đại thắng”. Cả Trường bừng lên một không khí mới, cùng nhân dân Hà Đông, chúng tôi luôn hát vang bài ca vừa thuộc. K69 được lệnh tiếp tục học bình thường. Đối với toàn dân, việc toàn thắng đã phấn khởi, với người lính thì sự kiện này còn vui bội phần !
Ngay sau đó, Lễ mừng chiến thắng tại Hà Nội diễn ra ngày 17/5/1975 trong Sân Vận động Hàng Đẫy, SV Đại học Quân y đóng LL Hải quân đứng dưới sân và ngồi xếp hình trên Khán đài B.
Kỉ niệm 30 năm Quốc khánh năm đó tổ chức mít tinh lớn. Tôi ngoại cỡ nên không được trong đội hình “duyệt” tại Quảng trường mà là chân “phục vụ”. Trời nắng nhưng lính ta tập khá hăng. Các đơn vị tập trên Hòa Lạc (gần Sơn Tây) sau về hợp khối tại sân bay Bạch Mai (ở Hà Nội). Ngủ nghỉ trong các ngôi nhà bạt, có chống nóng bằng cót. Nước tắm thiếu. Nhưng khí thế sau Đại thắng đã giúp vượt qua tất cả.
Ngày 08/12/1975 nhận chứng minh cán bộ số 9L 2788 do Trung tướng Phạm Ngọc Mậu kí.
Ngoài việc học, mỗi học viên phải có nghĩa vụ đóng góp những viên gạch để xây trường, đài ao thả cá...Đó là những tháng ngày mà sau này tổng kết lại tôi thấy có thể tóm gọn trong “4V”: “vất vả vui vẻ”.
Không biết từ “sáng kiến” của ai mà bọn tôi rất hăng say đào sân trường để đóng gạch! Thành tích được tính bằng số viên đóng đước, thôi chả kể nữa bởi ...Sau này, thăm lại trường thì những viên gạch kia đã mất dạng và cái ao đào lấy đất lại phải lấp đi để xây nhà!
Ngày đó âm vang bài hát “Bệnh viện về đêm...” lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Không biết sáng tác của ai và nguyên văn ra sao, nay bạn nào còn nhớ không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân