Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Khi có "xung đột" trong Kết luận giám định

Sự thật chỉ có một nhưng cách tiếp cận khác nhâu, hoàn cảnh tiếp cận khác nhau, trình độ người tiếp cận khác nhau...sẽ cho những nhận thức và kết luận khác nhau! Điều đó đúng và xưa như trái đất nhưng đôi khi nó lại gây tác hại không lường.

Trong giám định tư pháp, về cùng một yêu cầu trên cùng một đối tượng song nếu đưa 2 GĐV khác nhau, 2 cơ quan giám định khác nhâu...chắc chắn sẽ cho kết luận giám định không y chang. Thái độ của các cơ quan giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng (nơi đánh giá, sử dụng KLGĐ) và của dư luận ra sao, giải quyết thế nào?...Đó là một trong những đề khá nóng trong phiên họp BCH Hội Pháp y Việt Nam hôm 19/11/2010 vừa qua.

Sự việc được bắt đầu từ "chuyện một cái tát..." xẩy ra tại Hoà Bình từ giữa tháng 6/2008.

Chuyện rằng: 8/6/2008, người thợ xây than phiền với chủ nhà là Phạm Thị Lâm (SN 1974, thường trú tại tổ 17, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, là kế toán thuộc Tổng Cty Sông Đà, chồng chị là Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) về việc dụng cụ xây nhà thường bị mất. Trong lúc chị Lâm đi tìm mua dụng cụ khác, người thợ xây này phát hiện thấy cháu Trần Minh Tiến (học lớp 7) ở gần nhà chị Lâm có mang theo một túi ni-long trong giỏ xe.Nghi ngờ, anh này bèn gọi cháu Tiến dừng lại và phát hiện ra các dụng cụ của mình đang được Tiến cầm đi. Chuyện đến tai chủ nhà và chị Lâm đã gặp riêng cháu Tiến yêu cầu cháu viết bản kiểm điểm có chữ ký của mẹ gửi chị Lâm.

Cháu Tiến đã nhờ em con dì là cháu Phạm Băng Tâm (SN 1993, đang học lớp 10 Trường THPT Lạc Long Quân, TP.Hòa Bình) viết bản kiểm điểm thay, và ký tên mẹ của Tiến dưới bản kiểm điểm đó.Nhận ra bản kiểm điểm này không do Tiến viết, chị Lâm sang nhà gặp cháu Tiến yêu cầu viết lại. Lúc này, cháu Phạm Băng Tâm cũng đang ở đó chơi và đã có thái độ hỗn xược với chị Lâm. Trong lúc nóng giận, chị Lâm tát cháu Tâm một cái. Tâm đã khóc, gọi bố mẹ mình ở xã Trung Sơn (Kỳ Sơn – Hòa Bình) cách đó vài cây số đến. Bố mẹ cháu Tâm cho rằng chị Lâm đã "xâm hại đến con gái mình" và tố cáo hành vi của chị Lâm ra công an phường Tân Thịnh.

Một ngày sau, gia đình cháu Tâm đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khám, điều trị và yêu cầu giám định pháp y. Ngày 16/6/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp ý đối với cháu Phạm Băng Tâm.

Ngày 18/7/2008, dựa trên bản Photo Giấy chứng thương số 136 ghi do Trung tâm Pháp y Hòa Bình cấp và Phiếu điện não ghi ngày 13/6/2008 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; Phiếu chụp X-quang phổi ngày 14/6/2008 của phòng khám tư nhân tại 107 Tôn Đức Thắng (Hà Nội) và Biên bản Xác định dấu vết trên thân thể của cháu Tâm, được lập tại trụ sở Công an phường Tân Thịnh…các GĐV ở Viện Khoa học hình sự có kết luận giám định số 1445/C21/P7, kết luận cháu Phạm Băng Tâm bị tổn hại 21% sức khỏe!

Ngày 16/8/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án. Chị Lâm được cơ quan điều tra triệu tập, bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra về tội “cố ý gây thương tích”.

Thấy vô lý trước kết quả giám định quá cao chỉ vì một cái tát trong lúc nóng giận, chị đề nghị Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xác nhận tình trạng cháu Băng Tâm khi vào viện. Ngày 13/11/2008, tại văn bản số 881/BB-BVT, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - ông Quách Thiên Tường khẳng định: Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không có cán bộ nào có tên Đinh Văn Bến ( thực chất đây là chủ một phòng khám tư nhân tại đường Giái Phóng dưới Hà Nội); ngày 13 – 14/6/2008, Khoa khám bệnh, khoa Chấn thương hình ảnh bệnh viện tỉnh không tiếp nhận hay khám bệnh cho bệnh nhân nào có tên Phạm Băng Tâm; phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng không cung cấp phiếu ghi điện não ngày 13/6/2008 cho công an phường Tân Thịnh.

Bố cháu Tâm, ngày 29/9/2008 đã rút đơn đề nghị truy tố chị Lâm nhưng sau đó, ngày 24/10/2008, VKSND TP Hòa Bình đã ra quyết định số 10 về việc yêu cầu giám định lại trường hợp cháu Phạm Băng Tâm. Ngày 9/12/2008, cơ quan giám định pháp y Hòa Bình kết luận: cháu Tâm bị tổn hại… 01% sức khỏe. Tiếp theo, ngày 02/12/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng trưng cầu giám định pháp y tại Viện Pháp y Quốc gia về thương tích của cháu Tâm. Kết quả giám định thương tích của cháu Tâm là... 0%.Kết luận giám định của Viện Pháp y Quốc gia nhận định: Việc xác định cháu Tâm tổn hại sức khỏe tạm thời 21% là không có căn cứ!

Quá trình giải quyết vụ án. sau nhiều lần trao đi đổi lại, chị Lâm đã đồng ý chấp nhận yêu cầu của gia đình cháu Tâm: bồi thường 40 triệu đồng rồi 25 triệu. Biên bản nhận tiền chị Lâm vẫn giữ, có sự chứng kiến của đại diện Công an TP Hòa Bình, VKSND TP Hòa Bình.

Theo một số người có trách nhiệm giải quyết vụ việc này thì: vụ việc đã được đình chỉ từ ngày 15/12/2008. Như thế có nghĩa là vụ án đã khép lại. Việc chị Lâm mất tiền, đó là do thỏa thuận của hai bên, cơ quan công an không có trách nhiệm phải đòi lại cho chị Lâm!

Điều cần bàn ở đây là trình tự trưng cầu giám định, nơi giám định và tính khách quan độ tin cậy của các tài liệu dùng làm căn cứ giám định cũng như kết luận giám định và cách đánh giá, sử dụng kết luận giám định của các Cơ quan THTT.

Hình như tất cả đều có vấn đề (!) và xuất phát điểm của nó là xã hội chưa coi trọng và đánh giá đúng về Giám định pháp y, đặc biệt là trong các trường hợp cần "xác định mức độ tổn hại sức khoẻ do thương tật"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân