Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

"Cha truyền con nối" dưới góc nhìn thời KTS

Khi bước ra khỏi thời kỳ dã man cũng là lúc con người biết đến một thiết chế xã hội “văn minh” mà trong đó các thành viên được liên kết với nhau vừa bằng quan hệ hôn nhân vừa bằng quan hệ huyết thống. Đó là “Gia đình” kéo theo là mối quan hệ về dòng Họ (Đại Gia đình). Đây là một thiết chế xã hội cổ truyền, bao gồm nhiều gia đình cùng huyết thống, có “chung tên họ về phía bố” nhằm đảm bảo tránh loạn luân và giữ việc thờ phụng Tổ tiên. Dưới chế độ phụ hệ, con theo họ cha và thực thi nguyên tắc “cha truyền con nối” trên nhiều vấn đề. Đây không đơn thuần là tư tưởng phong kiến mà nó rất phù hợp với việc di truyền phả hệ dòng cha dưới góc nhìn của Khoa học hình sự.

1. Con theo họ cha và vai trò Trưởng Nam

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng trong thời hoang dã, cộng đồng đa phần con cái chỉ biết đến mẹ không bao giờ biết bố là ai. Khi tổ chức xã hội loài người tiến bộ hơn, có thiết chế gia đình với ban đầu là thời kỳ mẫu hệ hay chế độ mẫu quyền. Khi đó người đàn ông đi săn bắn đem lại số thực phẩm quan trọng nhưng bấp bênh nên có vai trò mờ nhạt. Trong khi người phụ nữ ở nhà trồng tỉa, chăn nuôi đem lại sự ổn định nên giữ vai trò lãnh đạo, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ cho con gái.

Tuy nhiên khi xã hội càng phát triển, nhu cầu bảo vệ lãnh địa, trồng cấy, làm thuỷ lợi nặng nhọc hơn thì vai trò người đàn ông càng lớn. Cùng với đó là nhu cầu quản lý xã hội của giai cấp thống trị nên hình thành “họ” để phân biệt các nhóm gia đình chung một ông tổ.

Họ là một phần trong tên gọi đầy đủ của một người để chỉ ra rằng người đó thuộc về dòng họ nào. Họ và tên của một người định vị trí của cá nhân người đó trong xã hội, xác định cá thể trong một toàn thể. Trong đó, “Họ” 氏 là để phân biệt huyết thống, cho ta thấy nguồn gốc ông cha, “tên” 名 để phân biệt người này với người khác. Như vây, nếu Gia đình chỉ gồm có ông bà, cha mẹ và con cháu thì với việc họ có Gia tộc 家族 và trong gia tộc có thêm chú bác, cô dì. Nói một cách đơn giản và đầy đủ thì gia tộc là cộng đồng những người cùng do một cụ tổ sinh ra, bao gồm cả những người mang họ khác, thuộc gia tộc khác về làm con dâu, cháu dâu trong họ. Gia tộc gồm có chi trưởng và nhiều chi thứ. Giữa các chi có thể phân biệt bằng tên đệm. Theo luân thường, trong gia tộc Việt Nam người cùng một họ nếu lấy nhau sẽ phạm vào tội loạn luân.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì ở Trung Quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 tCn, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một "gia tính" 家姓 hay "tộc tính" 族姓 để dễ phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân. Ðến thế kỷ thứ 5 tCn đã có hai loại "gia tính" được dùng: "tính" 姓 là họ gốc, do cha truyền con nối hoặc do vua ban, và dành cho nam giới; "thị" 氏 là họ cành, tức tên đặt khi mới sanh dùng cho cả nam lẫn nữ.

Việt Nam ta, trước khi có chữ viết và ảnh hưởng mạnh của người Hán, của Khổng giáo dân Việt chỉ quen gọi tên mà chưa có họ. Khi Âu Lạc mất vào tay Triệu Đà 趙佗 năm 207 tCn (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) hoặc năm 179 tCn (theo Sử Ký của Tư Mã Thiên), quan lại phương Bắc khi cai trị cần lập "sổ điền", “sổ đinh”, “sổ bộ” cốt để kiểm kê ruộng đất, nhân khẩu xuất hiện nhu cầu đặt họ cho người dân Việt. Đồng thời lúc này người Việt chính thức theo chế độ phụ hệ, do đó con cái phải lấy họ cha. Do ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa nên người Việt có những họ gốc Trung Hoa, hay dù có gốc nào khác cũng được viết bởi chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt. Sau thêm chữ Nôm rồi "quốc ngữ" hóa.

Tiếng Việt có bốn từ chỉ tên họ: Tính 姓 (con cháu gọi là “tử tính” 子姓, thứ dân gọi là “bách tính” 百姓; Thị 氏, Tộc 族 (con cháu cùng một liêu thuộc với nhau: Từ cha, con đến cháu là ba dòng là”tam tộc” 三族; Từ ông cao tổ đến cháu huyền tôn gọi là chín dòng là “cửu tộc” 九族) và Họ 户. Trong đó, “họ” là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt. Theo cách hiểu phổ thông của dân gian, tên họ là thành phần đứng đầu của tên, và nếu định nghĩa theo chức năng thì tên họ là tên để chỉ một gia tộc phụ hệ gồm những người cùng liên hệ huyết thống xa gần với nhau.

Trong một dòng họ, theo cổ truyền, thường quan tâm nhiều đến tình máu mủ ruột thịt trong phạm vi 9 đời (Cửu tộc 九族, tức khoảng 200 năm). Tính từ trên xuống là: Cao tổ (高祖 Kị)  Tằng tổ (曾祖 Cụ)  Tổ ( 祖 Ông, Bà)  Phụ, Mẫu (父母 Cha, Mẹ)  Ngã (Bản thân,我) Tử (子 Con)  Tôn (孫 Cháu)  Tằng tôn (曾孫 Chắt)  Huyền Tôn (玄孫 Chút). Trên Cao tổ gọi chung là Thủy Tổ 始祖, Viễn Tổ 遠祖 và hàng dưới Huyền tôn gọi là Viễn tôn 遠孫.

Dưới chế độ phụ hệ con mang họ cha, cha truyền con trai nối cả về tài sản, ruộng đất và việc thờ cúng tổ tiên. Giáo lý “con theo họ Cha” do Khổng Khâu, tức Khổng Tử (孔子,551 tCn-479 tCn) sáng lập từ thời Xuân Thu và chiếm vị trí độc tôn dưới thời nhà Hán.

Trong các con trai thì vai trò của người con lớn là quan trọng nhất. Việc thờ phụng tổ tiên được coi trọng nên các nhà khá giả thường để ruộng giỗ giao cho trưởng tộc hoặc trưởng chi để lo việc tế tự tổ tiên, và người chủ trì việc cúng giỗ là gia trưởng ở các chi nhỏ (phân chia) và trưởng tộc ở trong gia tộc (đại tôn). Quyền trưởng nam gắn liền với trách nhiệm thờ phụng tổ tiên được quy định lần đầu tiên trong bộ luật do vua Lê Thánh Tông ban hành năm 1461. Theo đó, người đàn ông lớn nhất trong gia đình chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên chỉ khi người này mất đi thì việc thờ cúng sẽ chuyển sang người con trai lớn (đích tôn). Trong trường hợp, người đàn ông không có con trai thì việc thờ cúng tổ tiên sẽ chuyển sang người chú kế cận và nguyên tắc trên lại áp dụng cho gia đình người chú và luật Hồng Đức quy định việc chọn đích tử, đích tôn:

1. Trước hết phải chọn con trưởng của người vợ cả.
2. Nếu người đích tử chết trước, thì lập người cháu trưởng.
3. Nếu không có cháu trưởng mới lập con người vợ thứ.
4. Trong hàng con vợ thứ, không chọn lấy người nhiều tuổi, mà lại chọn lấy người con hiền của vợ lẽ.
5. Trong trường hợp không có con trai, thời được chỉ định các con gái hoặc người thân thuộc (điều 388, 389 luật Hồng Đức).

Ngày nay pháp luật dân sự quy định con người có quyền có họ tên và quyền về họ tên đó. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó theo họ người cha hoặc có thể theo họ người mẹ. Trong thực tế đời sống xã hội thì yếu tố “nối dõi tông đường” của con trai vẫn chi phối chủ yếu.

Dù trong thời nào, chiến tranh hay hòa bình vai trò của người Gia trưởng 長族 rất quan trọng. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (心 Hiếu đễ, Hòa kính, trách nhiệm…), Tài (財 khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), Trí (智 hiểu biết về xã hội, về lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), Thể (體 có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì gia đình đó hay Chi, Phái đó hoặc toàn Gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Đây là người Thiên định 天定, không phải do bầu, do cử hay tranh mà được. Nhưng khó ai hội đủ 4T (心財智體) đó nên căn bản nhất vẫn là cái Tâm 心. Tâm sáng, lòng trong thì có thể vượt qua được, xứng là ngọn cờ tập hợp toàn gia, dù có nhiều khó khăn trắc trở. Kéo theo đó, vai trò của Dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính Nhẫn, Hiếu, Đễ. Nếu gặp bậc gia trưởng 族長,兄長 chưa được như ý mà người nào trong họ, trong nhà tỏ ý khinh nhờn thì người đó, nhà đó sớm muộn gì cũng không có hậu vận hanh thông. Ngược lại, có người tuy thuộc Chi thứ, ngành thứ, là con thứ nhưng nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào 4T mà thực sự có Tâm thì rất có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó gia trưởng mà biết lắng nghe, tận dụng thì gia tộc sẽ hưng thịnh. Đó là do Đời định 人定! Nếu Thiên định và Nhân định hài hòa thì thật là toàn vẹn!.

2. Nhu cầu chắp nối họ mạc, “vấn tổ tầm tông”:

Vấn đề Thiên định hay Đời định đã nói ở trên. Song qua bao thăng trầm của lịch sử, của dòng tộc, do “Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc” 水火盜賊 làm cho nhiều gia đình, chi phái phải “phiêu cư bạt tán”, che dấu tung tích...lâu dần thất lạc nhau, các thế hệ sau không rõ cội nguồn, tổ tiên. Khi có nhu cầu muốn tìm về gốc gác, chắp nối họ mạc gặp bao trở ngại, nhiều khi là vô vọng.

Từ bao giờ trong họ Lương đã có lời truyền của tổ phụ là: “Nam bang Lương tính giai ngã tử tôn” 南邦梁姓偕我子孙, tức là “họ Lương ở nước Nam đều là con cháu ta cả”. Nhưng thực ra, dòng họ Lương Việt Nam phát xuất nguyên thủy từ đâu không thể xác định, các chi phái họ Lương ở cùng vùng, khác vùng liên hệ với nhau ra sao, có cùng chung gốc hay không cũng chưa có lời giải đáp. Đúng là “Tiền tiền vô thủy” (前前無始, Không biết điểm bắt đầu).

Ngay họ Lương Đức ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng của tôi theo truyền ngôn là hậu duệ của Thượng thư Bảng nhãn Lương Đắc Bằng nhưng bản thân tôi đã truy mãi mà những tư liệu về việc truyền dẫn này diễn ra thế nào, đến nay là bao nhiêu đời, quan hệ với ngành gốc ở Hội Triều, ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng ra sao cũng không rõ được, thậm chí còn có ý kiến mâu thuẫn nhau!.

Theo truyền thống, việc xác định các tổ tiên của mỗi người ngoài dựa vào Gia phả, vào Phả hệ và lời truyền qua các đời. Nhưng khi tất cả đã thất lạc, tam sao thất bản thì gặp muôn trùng khó khăn và việc dựa vào cứ liệu lịch sử, tài liệu ghi chép, truyền ngôn, điền dã dần rơi vào bế tắc.

Ngày nay có thể dựa vào việc xét nghiệm gen di truyền, cụ thể:

- Cây phả hệ di truyền theo đường mẹ, tức theo ADN ti thể (mitochondrial DNA) người mẹ truyền cho cả con trai và con gái.
- Hay dựa vào Sơ đồ phả hệ di truyền theo dòng cha, tức là theo ADN nhiễm sắc thể Y (mitochondrial DNA) mà người cha chỉ truyền cho con trai.

Đây là những vấn đề mới, lớn đòi hỏi hiểu biết và kinh phí cao, nhưng thu được hiệu quả lớn. Điển hình cho việc này là người Trung Quốc tiến hành tu chỉnh Gia phả dòng họ người đã đề ra Nho giáo, trong đó có vấn đề “con theo họ cha”. Theo bản tin quốc tế của Tinh châu Nhật báo ra ngày 25/9/2009 (星洲日報/國際‧2009.09.25), sau 10 năm thu thập dữ liêu, so sánh, kiểm chứng, giám định AND tốn kém nhiều công sức, của cải việc đại chỉnh lý " Khổng tử thế gia phổ" 孔子世家譜 lớn nhất của hậu duệ của Khổng Tử tiến hành từ 1999 đã hoàn thành. Ngày 24/9/2009 (kỷ niệm 2560 năm ngày sinh của Khổng Phu tử), Tân bản (lần thứ 5) đã được công bố. Theo đó thì gia phả họ Khổng đã có trên 2500 năm và đến nay đã phát triển tới 83 thế hệ. Từ bản gốc với 600.000 hậu duệ, dựa trên việc bổ sung hơn 1,4 triệu người nên phiên bản mới thêm hơn 2 triệu người, tổng số là 4, 3 triệu người, được chia thành 80 tập, với tổng trọng lượng hơn 120 kg. Trong số đó, lần đầu tiên đã đưa 20.000 phụ nữ Gia phả, thay đổi quan trọng trong quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Ngoài ra, do hôn phối và thay đổi các yếu tố nên một số người Hồi, Miêu, Thủy, Hà Nhì, Tây Tạng và dân tộc thiểu số khác là hậu duệ cùng hậu duệ ở nước ngoài lần đầu tiên được tích hợp vào các cây phả hệ. Ngoài ra, một số phái bị mất liên lạc với hơn 200 năm ở Đài Loan, Bình Đông, Long Đàm, Đào Viên, …hay số tách ra ở Sơn Tây và Hà Nam, Tích Dương…đều được đưa vào. Tuy nhiên, danh sách trên được ước tính trên toàn thế giới sẽ lớn hơn 3.000.000 người có thể phải chờ một lần nữa khi được xác định chính xác sẽ đưa vào hợp nhất.
Trong đó việc xét nghiệm gen để xác định phả hệ và huyết thống của những người nhận mình là hậu duệ Khổng Tử mà không thể chứng minh được; đồng thời xây dựng kho số hóa phân tích ADN hậu duệ của Khổng Tử do Trung tâm Giám định vật chứng tư pháp 司法物证鉴定中心 thuộc Viện Nghiên cứu gen di truyền Bắc Kinh 北京遗传研究ADN所, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc 中国科学 院 hỗ trợ. Người muốn xác định gen “chỉ cần cung cấp một sợi tóc” là có thể biết mình có đúng là hậu duệ Khổng Tử hay không. Với các dòng họ khác, nhất là ở Việt Nam điều đó là không tưởng trong giai đoạn gần.

3. Con cái là sản phẩm di truyền của Cha, Mẹ.

Dưới góc nhìn sinh học, cơ sở di truyền của người nằm ở ADN. Một cách đơn giản ADN có thể được hiểu là nơi chứa mọi thông tin chỉ dẫn cần thiết để tạo nên các đặc tính sự sống của mỗi sinh vật. Mỗi phân tử ADN bao gồm các vùng chứa các gene cấu trúc, những vùng điều hòa biểu hiện gene, và những vùng không mang chức năng, hoặc có thể khoa học hiện nay chưa biết rõ gọi là junk ADN. Cấu trúc phân tử ADN được cấu thành gồm 2 chuỗi có thành phần bổ sung cho nhau từ đầu đến cuối. Hai chuỗi này được giữ vững cấu trúc bằng những liên kết hoá học. Các liên kết này khi bị cắt sẽ làm phân tử ADN tách rời 2 chuỗi tương tự như khi ta kéo chiếc phéc mơ tuya; ADN thường gặp có cấu trúc 2 mạch bổ sung, xoắn phải (theo mô hình của J.Oat xơn và F Crick), 2 mạch ngược chiều nhau. Về mặt hoá học, các ADN được cấu thành từ những viên gạch, gọi là nucleotide,viết tắt là Nu, từ các nguyên tố C, H, O, N, P. Do các Nu chi khác nhau ở base (1Nu = 1 Desoxyribose + 1 phosphate + 1 base), nên tên gọi của Nu cũng là tên của base mà nó mang. Chỉ có 4 loại gạch cơ bản là A, T, X, và G. Mỗi base trên 1 chuỗi chỉ có thể bắt cặp với 1 loại base nhất định trên chuỗi kia theo một quy luật chung cho mọi sinh vật. VD theo quy luật, một "A" ở chuỗi của phân tử ADN sợi kép sẽ chỉ liên kết đúng với một "T" ở chuỗi kia.(Nguyên tắc bổ sung). Liên kết giữa các Nu trên 1 mạch là liên kết photphodieste; giữa các Nu trên 2 mạch với nhau là liên kết Hidro.

Trật tự các base dọc theo chiều dài của chuỗi ADN gọi là trình tự, trình tự này rất quan trọng vì nó chính là mật mã nói lên đặc điểm hình thái của sinh vật. Tuy nhiên, vì mỗi loại base chỉ có khả năng kết hợp với 1 loại base trên sợi kia, cho nên chỉ cần trình tự base của 1 chuỗi là đã đại diện cho cả phân tử ADN.

Một trình tự ADN hay trình tự di truyền là chuỗi các kí tự liên tiếp nhau nhằm biểu diễn cấu trúc chính của một dải hay phân tử ADN thực hoặc tổng hợp, mà có khả năng mang thông tin

Khi ADN tự nhân đôi, 2 chuỗi của ADN mạch kép trước tiên được tách đôi nhờ sự hỗ trợ của một số protein chuyên trách. Mỗi chuỗi ADN sau khi tách ra sẽ thực hiện việc tái tạo một chuỗi đơn mới phù hợp bằng cách mỗi base trên chuỗi gốc sẽ chọn loại base tương ứng (đang nằm tự do trong môi trường xung quanh) theo quy luật như trên. Do đó, sau khi nhân đôi, 2 phân tử ADN mới (mỗi phân tử chứa một chuỗi cũ và một chuỗi mới) đều giống hệt trình tự nhau nếu như không có đột biến xảy ra.

Đột biến hiểu đơn giản là hậu quả của những sai sót hoá học trong quá trình nhân đôi. Bằng cách nào đó, một base đã bị bỏ qua, chèn thêm, bị sao chép nhầm hay có thể chuỗi ADN bị đứt gẫy hoặc gắn với chuỗi ADN khác. Về mặt cơ bản, sự xuất hiện những đột biến này là ngẫu nhiên và xác suất rất thấp.

Về mặt sinh học ta biết rằng: Nhiễm sắc thể có cấu trúc gồm bốn bậc cấu trúc không gian. Cấu trúc bậc một là chuỗi xoắn kép ADN. Các cấu trúc bậc cao hơn là sự cuộn xoắn của ADN đó, kết hợp với các protein.

Con người là một động vật có cấu tạo tế bào đầy đủ. Bộ NST của con người là 2n=46 (n=23). Mỗi tế bào có 23 cặp nhiễm sắc thể, trong đó có 22 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp nhiễm sắc thể giới tính. Mỗi người được nhận 23 nhiễm sắc thể từ cha và 23 nhiễm sắc thể từ mẹ, tạo thành 23 cặp tương đồng. Giới tính của môt đứa trẻ về cơ bản được xác định bởi hai nhiễm sắc thể giới tính: Một tế bào giống đực bình thường có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y, còn tế bào của giống cái có 2 nhiễm sắc thể X. Do vậy, nhiễm sắc thể giới tính ở nam là XY và ở nữ là XX và nhiễm sắc thể Y ở nam chỉ được nhận từ cha, còn nhiễm sắc thể X có ở cả 2 giới có thể được nhận từ cha lẫn mẹ. Khi thụ tinh, hệ gen ty thể của người cha nằm ở đuôi tinh trùng nên không tham gia vào quá trình tạo phôi. Do vậy, gen ty thể của người cha không được truyền cho các con còn con gái không có nhiễm sắc thể giới tính Y nên nhiễm sắc thể này chỉ được người cha truyền cho con trai.

4. Xác định một con người theo cổ điển và bằng kỹ thuật hiện đại.

Mỗi con người đều là thành viên của một gia đình, một tổ chức, một gia tộc. Việc cá thể hoá người đó được xác định bởi họ tên và theo thông lệ, pháp luật, tên họ đó được ghi trong Sổ Hộ khẩu, trong Danh sách (của cơ quan, tổ chức), trong Phả hệ dòng họ...
Nếu vì một lý do nào đó các phương pháp truyền thống trên chưa định danh tính được thì ngày nay có thể ứng dụng đặc tính quan trọng của ADN, ADN ti thể (mitochondrial DNA), ADN giới tính Y (mitochondrial DNA) mà truy nguyên. Vấn đề này được ứng dụng trong Khoa học hình sự và trong nghiên cứu phả hệ, truy tìm danh tính, tổ tiên người. Có thể tóm lược theo 3 phương pháp là:

1. Giám định gen ADN: sử dụng ADN thu nhận từ máu, tinh dịch hay lông, tóc để lại trên hiện trường hay của một người cần truy nguyên dựa vào tính đa hình của các Alen trong các gen đặc hiệu tìm ra chủ nhân đích thực của những dấu vết đó. Lĩnh vực này gọi là kỹ thuật vân tay ADN (genetic fingerprinting) hay ADN profiling (kỹ thuật nhận diện ADN). Kỹ thuật này được thế giới áp dụng từ năm 1985 và tại Việt Nam từ năm 1999.

2. Giám định ADN ti thể : Do gen ti thể có tần số đột biến cao nên có khả năng xác định đột biến giữa các cá thể cùng mẹ sinh ra cũng như những cá thể của các bà mẹ khác và chúng có mạch vòng, bền vững lâu bị phá huỷ khi tử thi chôn cất lâu ngày nên thường dùng để định danh tính của hài cốt chưa rõ tên. Quá trình này được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, vô khuẩn, chính xác với máy móc hiện đại:

- Mẫu phẩm (mẩu xương nhỏ không được quá mủn, tốt nhất là một chiếc răng) được làm sạch, nghiền thành bột trong nitơ lỏng rồi được ngâm vào các hoá chất tinh khiết, chất lượng cao.
- Tách chiết ADN từ mẫu bằng các thiết bị chuyên dụng, chẳng hạn máy li tâm lạnh siêu tốc 1.500 vòng/phút.
- Nhân bản đoạn gien đặc hiệu bằng máy PCR ( để tạo ra hàng tỷ bản sao, phục vụ cho khâu tách dòng gien và xác định trình tự gien bằng máy tự động hiện đại.
- So sánh trình tự gien của hài cốt với trình tự gien trong mẫu đối chứng của thân nhân bằng phần mềm chuyên dụng trên máy tính (hệ thống AB3130). Mẫu đối chứng thuận lợi nhất là máu của người thân liên quan tới dòng mẹ (mẹ đẻ, anh chị em cùng mẹ, con của chị em gái...) bởi hệ gien ty thể của người cha nằm ở đuôi tinh trùng nên không tham gia vào quá trình tạo phôi khi thụ thai.

Công việc này là thế mạnh của Viện PY Quân đội khi tìm tên liệt sĩ vô danh.

3. Giám định ADN giới tính Y (mitochondrial DNA): tuy hệ gen nhân di truyền theo dòng cha có mạch thẳng, dễ bị phá huỷ khó tiến hành với các thi xác chôn lâu năm những nó chỉ truyền từ người bố cho con trai và di truyền qua các thế hệ với độ ổn định lớn nên có nhiều ứng dụng trong việc xác định họ hàng nam giới của người tình nghi, đặc biệt trong xác lập phả hệ theo dòng bố.

5. Các con, cháu, chắt... trai nhận được cái gì ở Cụ Tổ

Vấn đề di truyền từ cha mẹ sang con cái như nói ở trên, khoa học đã biết đên stừ thế kỷ trước. Nhưng những đoạn lặp lại song song ngắn (STR) trong nhiễm sắc thể giới tính Y (Y-ADN) mới được biết đến từ 6/2003 khi dự án giải mã hệ gen người được hoàn thành. Chính lúc đó toàn bộ trình tự ADN trên nhiễm sắc thể Y ở nam giới mới được xác định.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng: Nhiễm sắc thể Y là một trong hai giới tính xác định nhiễm sắc thể trong hầu hết các động vật có vú , bao gồm cả con người. Nhiễm sắc thể Y của con người gồm có khoảng 60.000.000 cặp base và được truyền từ đời cha sang đời con trai. Tất cả những người đàn ông do cùng một Cụ Tổ sinh ra đều có trình tự các đoạn lặp lại STR trên Y-ADN giống nhau, tức cùng kiểu gen Y STR. Do đó nó được ứng dụng để xác định hai hay nhiều cá nhân nam có cùng một tổ tiên chung gần nhất hoặc MRCA nếu họ có cùng Y-ADN (the same Y-DNA).

Phục vụ cho lĩnh vực giám định này cần có những trang thiết bị hiện đại nhất trên thế giới hiện nay như hệ thống giải trình tự AB3130 phân tích 16 locus gen, các thiết bị gen tự động PCR 9700, tủ hấp vô khuẩn, tủ an toàn sinh học...Đi theo đó là những bộ kit (Power Plex Y, 9/2003 và Y Filer, 12/2004...)

Tại Việt Nam, Viện KHHS là nơi duy nhất đã triển khai công việc giám định ADN theo dòng bố từ 8/2009 và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tất nhiên, do kinh phí và nhiều nguyên nhân khác mà Viện này mới phục vụ công tác điều tra án là chính. Kỹ thuật này đặc biệt phát huy tốt khi các kỹ thuật truyền thống không đáp ứng được, như: mẫu thu được ở hiện trường lẫn cả của nữ và nam; xác định nhóm đối tượng có hay không cùng một dòng họ; gián tiếp xác định dấu vết sinh học để lại mà chưa tìm được thủ phạm (là nam giới) để lấy mẫu (thông qua XN mẫu thu được từ bố, anh, em, cháu trai); xác định thân nhân trong các vụ thảm hoạ, các vụ thất lạc nhau...

Tóm lại: Kiểu gen Y STR người cha chỉ truyền cho con trai, các cháu trai, chắt trai...bên nội và kiểu gen Y STR của những “đinh nam” có chung một cụ Tổ là giống nhau. Kỹ thuật xác định kiểu gen này ở những người có nhu cầu tại Việt Nam đã tiến hành được.

6. Con trai thờ cúng tổ tiên là đương nhiên:

Các cụ ta xưa chỉ dựa vào kinh nghiệm mà quan niệm sinh con trai để “duy trì nòi giống”, gọi những người chung một cụ tổ là cùng “Huyết thống” 血統 với nghĩa đời đời nối dõi theo dòng máu (cùng một chi gọi là "huyết tộc" 血族, con cháu gọi là "huyết dận" 血胤) chứ đâu đã biết việc người cha có con trai chính là việc duy trì kiểm gen Y STR của mình. Điều đó chứng tổ chúng ta ngày nay còn phải học những tinh hoa của các cụ xưa nhiều!

Điều đó cũng có nghĩa là vấn đề lấy theo họ bố và việc thờ tự tổ tiên thuộc về con trai không chỉ đơn thuần là quan điểm của “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo mà khoa học ngày nay nó được khẳng định trong cây phả hệ di truyền vật chất theo dòng bố. Tất nhiên những “thâm gia bí sử” như việc “di hoa tiếp mộc”, “cấy huyết hoán dòng” hay “cá vào ao ta” tuy người con trai vẫn mang họ cha, vẫn giữ việc thờ cúng tổ tiên nhà mình nhưng có phải “con thiếp con chàng” hay không lại là chuyện khác, không bàn ở đây.

Việc chắp nối họ, xây dựng bản đồ phả hệ theo dòng cha của một dòng họ về mặt kỹ thuật nay đã ở trong tầm tay. Vấn đề còn lại là nhu cầu, việc tổ chức thực hiện và kinh phí.

Mong rằng một ngày nào đó áp dụng được kỹ thuật này vào nhu cầu “vấn Tổ tầm Tông” của họ ta cũng như các chi phái, dòng họ Lương khác, họ khác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân