Chào mừng bạn đã ghé thăm,
Chúc bạn Vui, Khỏe, quanh năm Phát tài.
Nỗi niềm muốn nối vòng dài,
Kết giao muôn nẻo, tương lai nối gần.
-*-
Địa chỉ: SN 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
ĐT DĐ: 0913 089 230 - Email: luongducmen@gmail.com.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Kết hiếu lơ là nên mất nước

Buồn riêng thôi lại tủi thầm:
Một duyên, hai nợ, ba lầm lấy nhau.

Lời phú trong Phong sử này nói về sự kiện mà sau này nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc” buổi đầu dựng nước.

Chuyện xưa kể rằng: “Vua Hùng Vương có người con gái nhan sắc tuyệt vời tên gọi là Mỵ Nương. Vua nước Thục nghe tin, sai sứ cầu hôn. Vua Hùng Vương muốn gả nhưng Lạc Hầu can rằng: Thục muốn lấy nước ta, chỉ mượn tiếng cầu hôn đó thôi. Không lấy được Mỵ Nương, Thục Vương căm giận, di chúc cho con cháu đời sau thế nào cũng phải diệt nước Văn Lang của Vua Hùng.

Đến đời cháu là Thục Phán 蜀泮 mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhưng Vua Hùng Vương có tướng sĩ giỏi, đã đánh bại quân Thục. Vua Hùng Vương nói: Ta có sức thần, nước Thục không sợ hay sao? Bèn chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị. Bởi thế, Thục Phán đã chiếm nhiều phần đất đai của Hùng Vương đến khi khi quân Thục đem quân đông kéo sang đánh nước Văn Lang, vua Hùng Vương còn trong cơn say. Quân Thục đến gần, Vua Hùng trở tay không kịp phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự tử. Tướng sĩ đầu hàng. Thế là nước Văn Lang mất.”

Thục Phán thống nhất nó với lãnh thổ Âu Việt thành nước Âu Lạc 甌貉 (ghép tên Âu Việt 甌越 và Lạc Việt 貉越) tự xưng là vua năm 257 tCn, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê 封溪 (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh - Hà Nội).

Cùng thời kỳ này, bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sát nhập 6 nước sau nhiều năm hỗn chiến thời chiến quốc. Ông tiếp tục tham vọng xâm chiếm Bách Việt, vùng đất đai của các bộ tộc người Việt ở phía nam Trung Quốc và bắc Việt Nam ngày nay. Đạo quân xâm lược nhà Tần do Đồ Thư 屠睢 chỉ huy đã mon men vào lãnh thổ Âu Lạc nhưng gặp phải cuộc kháng chiến trường kì của Thục Phán nên không chiếm được. Nhưng Tần lại phái Đồ Thư sang và từ 218 tCn, dân Việt dưới sự lãnh đạo của Thục Phán, làm vườn không nhà trống đến đó. Quân Tần dần lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Khi quân Tần đã kiệt sức,vì thiếu lương , thì Quân dân Việt, do Thục Phán chỉ huy, mới bắt đầu xuất trận. Đồ Thư đã phải bỏ mạng trong trận này. Mất chủ tướng, quân Tần hoang mang mở đường tháo chạy về nước. Sau gần 10 năm kháng chiến, nhân dân Âu Việt – Lạc Việt giành được độc lập.

Thục Phán củng cố và xây dựng lại đất nước, cho xây thành
Cổ Loa 螺城 nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự. Năm 208 tCn, Triệu Đà 趙佗 là quan úy 官尉 quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) sang đánh Âu Lạc. Nhờ vào chuẩn bị quân sự tốt, An Dương Vương đã chống cự được hiệu quả.

Triệu Đà vô cùng tức giận, bèn nghĩ ra kế xin giao hòa với nước ta rồi sai con trai là Trọng Thuỷ 仲始 sang cầu hôn với con gái vua An Dương Vương tên là Mỵ Châu 媚珠. Thâm ý của Triệu Đà là sẽ dùng con trai mình làm gián điệp do thám nội tình Âu Lạc. Ngay tình, vua An Dương Vương chấp thuận nghị hòa và bằng lòng nhận lời cầu hôn của Trọng Thủy.

Trong lúc “hương lửa ấp nồng”, Mỵ Châu kể lại cho chồng nghe chuyện xây thành Cổ Loa và chiếc nỏ thần. Một hôm, nhân lúc Mỵ Châu sơ ý, Trọng Thủy lấy trộm chiếc lẫy của nỏ thần Linh Quy và thay một chiếc lẫy giả vào đó, rồi xin phép vua An Dương Vương về thăm cha mẹ. Lúc ra đi, Trọng Thuỷ căn dặn vợ :

- Trong lúc anh vắng nhà, nếu có chiến tranh em hãy mặc áo lông ngỗng vào. Khi chạy giặc, em đừng quên rắc lông ngỗng xuống đường. Anh sẽ theo vết lông nghỗng đi tìm em.

Về tới nhà, Trọng Thủy giao chiếc lẫy nỏ thần cho cha. Nắm được bí quyết sức mạnh Âu lạc đã bị vô hiệu hoá, Triệu Đà lập tức kéo quân sang đánh nước ta. Thấy giặc kéo đến, An Dương Vương không tỏ vẻ sợ hãi, bình tĩnh lấy nỏ thần ra bắn. Nhưng lạ thay, đoàn giặc vẫn ào ào xông tới trước các mũi tên bắn ra. Nỏ thần đã trở thành vô hiệu. Hoảng sợ, nhà vua bèn ôm Mỵ Châu lên sau yên ngựa chạy trốn về hướng Nam. Mỵ Châu ngồi sau yên ngựa, rứt lông ngỗng rải xuống đường. Nhà vua chạy đến đâu, giặc theo vết lông ngỗng rượt theo đến đó.

Đến núi Mộ Dạ cụt đường, nhà vua định tự tử thì thần Kim Quy hiện lên bảo:

- Tâu bệ hạ, giặc ngồi ngay sau lưng nhà vua đấy !

An Dương Vương quay lại, thấy Mỵ Châu, hiểu ra sự việc, bèn tức giận rút gươm chém chết con gái. Sau đó, nhà vua phi ngựa nhảy xuống biển tự tử.

Theo dấu lông ngỗng, Trọng Thủy tới được chân núi Mộ Dạ thì thấy Mỵ Châu chỉ còn là một xác không hồn. Quá hối hận về việc mình đã làm, Trọng Thủy ôm xác vợ khóc nức nở, rồi gieo mình xuống một giếng gần đó.

Hiện nay gần thành Cổ Loa, giếng đó vẫn còn. Khách bộ hành đi qua dừng chân nhìn xuống đáy giếng nước trong veo, không khỏi bùi ngùi nhớ lại câu chuyện thương tâm của cặp vợ chồng Mỵ Châu Trọng Thuỷ.

Như vậy, do mắc “kế thông gia” của Triệu Đà mà nước Âu Lạc mất khoảng năm 207 tCn (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) hoặc năm 179 tCn (theo Sử Ký của Tư Mã Thiên). Đây cũng là chuyện mất nước thiếu cảnh giác bởi “nam nhân kế” trong buổi đầu dựng nước của Đại Việt.
Dù sao cũng đáng thương, bởi:
Ấy là duyên nợ vợ chồng,
Sử xanh còn để dòng dòng nên thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng nguyên tắc cộng đồng và sở nguyện cá nhân